Xóa đói giảm nghèo hay vung tiền qua cửa sổ?

TRẦN VINH DỰ 24/10/2019 02:10 GMT+7

TTCT - Bao nhiêu người trong số chúng ta từng tự hỏi hiệu quả của việc cho tiền một người ăn xin ngoài đường là gì? Chúng ta thường cho tiền vì lòng trắc ẩn, vì chứng kiến bi kịch của những người kém may mắn hơn mình. Và chúng ta thường sẽ quên ngay, không mấy ai nghĩ liệu cuộc sống của những người mà mình cho tiền có thay đổi chút nào hay không.

Trợ giúp thực phẩm cho các nước nghèo có thể gây nên xung đột hay không từng là câu hỏi mà tổ chức NGO lớn như Oxfam phải đặt ra.

Câu chuyện xóa đói giảm nghèo trong nhiều thập kỷ trước đây ít nhiều có màu sắc tương tự. Các quốc gia phát triển, thông qua các gói viện trợ trực tiếp cấp nhà nước, hoặc thông qua các tổ chức dân sự, phi chính phủ (NGO), các tổ chức tôn giáo… đã bơm một lượng tiền rất lớn vào các nước đang phát triển với mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, làm thế nào để xóa, xóa như thế nào, chi tiền cách nào là hiệu quả nhất, giúp cải thiện được đời sống người nghèo tốt nhất và bền vững nhất… là những câu hỏi bị bỏ quên, hoặc không có câu trả lời thực sự chính xác. 

Vì thế, trong rất nhiều tình huống, tiền xóa đói giảm nghèo giải ngân ra được sử dụng không hiệu quả, phí phạm, và ít nhiều giống như câu thành ngữ Việt Nam “ném tiền qua cửa sổ”.

Rời bỏ tháp ngà

Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa này, các nhà nghiên cứu được giải Nobel kinh tế năm nay, Abhijit Banerjee, Esther Duflo, và Michael Kremer, thuộc các Đại học MIT và Harvard, đã rời bỏ tháp ngà học thuật ở bờ Đông nước Mỹ phồn vinh để đến những vùng đói khổ nhất của những quốc gia nghèo nhất: Kenya và Ấn Độ.

Thay vì phân tích các mô hình lý thuyết, Banerjee, Duflo, và Kremer chọn phương pháp thí nghiệm môi trường thực tế. Về mặt phương pháp tiếp cận, những gì họ làm vốn là cách tiếp cận giáo khoa trong nhiều lĩnh vực khoa học khác.

Lấy thí dụ với ngành dược, để nghiên cứu xem một loại tân dược có hiệu quả hay không, người ta phải làm thí nghiệm. Đầu tiên là chọn ra một danh sách các bệnh nhân có tình trạng bệnh lý giống nhau. 

Sau đó chia ngẫu nhiên thành các nhóm. Một nhóm không được dùng thuốc (hoặc chỉ dùng giả dược), các nhóm còn lại mỗi nhóm dùng một loại thuốc. Kết quả lâm sàng của các nhóm sẽ cho thấy nhóm được dùng thuốc có tiến triển tốt hơn không, và nếu tốt hơn thì trong các loại thuốc, hiệu quả của loại nào cao hơn…

Banerjee, Duflo, và Kremer dùng phương pháp thí nghiệm thực tế này trong nghiên cứu về hiệu quả của các gói hỗ trợ phát triển, và kết quả mà họ thu về thực sự bất ngờ. 

Thí dụ, Kremer làm thực nghiệm trên một số lượng lớn các trường học ở các vùng nghèo khổ tại Kenya để kiểm tra tính hiệu quả của chương trình bữa ăn học đường và sách cho học sinh nghèo.

Kết quả, Kremer và các cộng sự phát hiện được là cả hai chương trình này đều không đem lại bất cứ tác động tích cực nào cho kết quả học tập của học sinh. 

Nói cách khác, nếu mục tiêu của chương trình hỗ trợ là nhằm cải thiện kết quả học tập của học sinh thì chúng đã thất bại trên thực tế. Học sinh được nhận trợ cấp về bữa ăn hay sách vở không học tốt hơn những bạn cùng hoàn cảnh nhưng không được nhận các trợ cấp này.

Banerjee, Duflo và các cộng sự làm một thực nghiệm khác cũng trong lĩnh vực giáo dục, nhưng ở Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu tập trung vào phân tích thực nghiệm một chương trình hỗ trợ khác, lần này không phải là bữa ăn học đường hay sách cho học sinh nghèo, mà là trợ giảng cho các học sinh cá biệt.

Kết quả cho thấy những trường có sự trợ giúp của chương trình trợ giảng cho học sinh cá biệt đạt được thành tích học tập vượt xa những trường không tham gia chương trình này, dù xuất phát điểm là giống nhau.

Sau các nghiên cứu này của Kremer, Banerjee và Duflo, khoa học về kinh tế phát triển đã có sự bùng nổ. Trường phái nghiên cứu dựa trên thực nghiệm mà họ khởi xướng nhanh chóng trở thành trường phái chính thống của kinh tế phát triển về xóa đói giảm nghèo. 

Lĩnh vực nghiên cứu cũng không chỉ dừng lại ở giáo dục mà lan sang các mảng khác như y tế, chuyển giao công nghệ, hay tín dụng cho người nghèo.

Không dừng lại ở việc chỉ ra mức độ hiệu quả của các chương trình hỗ trợ phát triển, các nghiên cứu của Banerjee, Duflo, và Kremer còn đi sâu hơn một bước là phân tích về mặt hành vi và động cơ lợi ích để cho thấy tại sao con người lại hành xử theo một cách nhất định. 

Điều này có ẩn ý rất quan trọng trong việc định hình các chính sách mới về hỗ trợ phát triển.

Ảnh: The Straits Times
Ảnh: The Straits Times

Các ứng dụng lớn trong giáo dục

Một trong những phát hiện trọng yếu của Banerjee, Duflo, và Kremer là giáo trình và chất lượng giảng dạy ở các nước nghèo không thích hợp với nhu cầu thực sự của học sinh.

Vì thế để cải tạo chất lượng giáo dục ở những vùng nghèo khổ thì không nên tập trung vào thực phẩm hay sách giáo khoa, mà phải tập trung vào chất lượng giảng dạy.

Phát hiện của Banerjee, Duflo, và cộng sự ở Ấn Độ được chính sách hóa, và hơn 100.000 trường học ở Ấn Độ giờ đã có chương trình trợ giảng cho học sinh cá biệt.

Các thực nghiệm khác cũng chỉ ra việc thiếu cơ chế giám sát và thiếu động lực khuyến khích khiến giáo viên hay trốn việc hoặc giảng dạy cho có. 

Duflo, Kremer và cộng sự đã so sánh tác dụng của việc thuê giáo viên theo hợp đồng ngắn hạn (chỉ được gia hạn nếu có kết quả tốt) với các chương trình như giảm sĩ số học sinh trong lớp học nhưng giáo viên vẫn làm theo hợp đồng dài hạn.

Kết quả là học sinh của các giáo viên dạy theo hợp đồng ngắn hạn có kết quả học tập tốt hơn rất nhiều so với học sinh của các giáo viên dạy theo hợp đồng dài hạn, dù sĩ số lớp của nhóm dài hạn thậm chí thấp hơn nhóm dạy ngắn hạn.

Cùng với nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác, các nhà nghiên cứu cho thấy việc cải thiện chất lượng giáo dục ở các vùng nghèo khổ bằng cách bơm nhiều tiền thực ra không mang lại kết quả gì đáng kể. 

Họ chỉ ra điều quan trọng hơn phải làm là điều chỉnh chương trình và cách dạy cho đúng nhu cầu thực tế của học sinh. Nâng cao chất lượng quản trị trường và tăng tính trách nhiệm của giáo viên đứng lớp cũng là những biện pháp rất thực tế và hiệu quả về chi phí...

Abhijit Banerjee và Esther Duflo được trao giải Nobel vì những tiếp cận thực nghiệm của họ nhằm giảm đói nghèo toàn cầu (Ảnh: HinduTimes)

Cuộc cách mạng dịch vụ y tế cho người nghèo

Kremer và cộng sự, trong một nghiên cứu quan trọng, còn chỉ ra rằng người nghèo là nhóm có mức độ nhạy cảm về chi phí y tế đặc biệt cao.

Nghiên cứu của họ cho thấy 75% các bậc cha mẹ sẽ cho con cái tẩy giun sán, nhưng nếu phải trả một khoản phí danh nghĩa chưa đến 1 USD (tức chi phí thật đã được trợ cấp gần hết) thì chỉ có 18% sẽ cho con tẩy giun sán.

Chất lượng dịch vụ y tế kém tại các cơ sở y tế địa phương cũng là rào cản lớn khiến người nghèo không muốn sử dụng các dịch vụ. 

Với chương trình tiêm chủng miễn phí, Banerjee, Duflo và cộng sự đã chứng minh được bằng thực nghiệm là nếu dùng các cơ sở y tế lưu động (luôn có nhân viên túc trực), tỉ lệ tham gia tiêm chủng sẽ tăng từ 6% (với cơ sở y tế cố định) lên 18%. 

Thậm chí nếu người dân tham gia được tặng thêm một phần quà là một gói ngũ cốc nhỏ thì tỉ lệ này tăng lên đến 39%.

Điều đáng nói là vì tỉ lệ tham gia tiêm chủng tăng lên đáng kể, nên dù các cơ sở y tế lưu động có chi phí cố định cao, chi phí tiêm chủng trên một đầu người vẫn giảm tới 50%, từ 56 USD xuống còn 28 USD.

Ngoài hai chủ đề giáo dục và y tế, các nghiên cứu của Banerjee, Duflo, và Kremer còn chứng minh được bằng kết quả thực nghiệm các kết luận quan trọng khác như tính ngắn hạn trong tầm nhìn của người nghèo hay mức độ hiệu quả của các chương trình cho hộ nghèo vay để phát triển kinh tế.

Các nghiên cứu của Duflo, Kremer và cộng sự chỉ ra ở khu vực châu Phi hạ Sahara, người dân thường không muốn chi các khoản chi trước mắt như phân bón hóa học để đổi lấy lợi ích lớn hơn nhiều trong tương lai. Điều này tạo thành vòng xoáy đi xuống về thu nhập. 

Vì thế, khi thực hiện chính sách tài trợ cho sản xuất ở đây, tốt hơn là tài trợ các khoản đầu tư tức thời (như trợ giá mua phân bón), thay vì các khoản dài hạn. Nó sẽ giúp người nghèo vượt qua được các toan tính về chi phí ngắn hạn và phá bỏ vòng xoáy đi xuống về thu nhập.

Trong lĩnh vực cho vay xóa đói giảm nghèo, Banerjee, Duflo và cộng sự nghiên cứu thực nghiệm chương trình cho vay xóa đói giảm nghèo ở Hyderabad thuộc Ấn Độ. 

Phát hiện của họ cho thấy các chương trình dạng này ít có ảnh hưởng tới hiệu quả của các hộ kinh doanh nhỏ, và hầu như không đóng góp được gì cho việc cải thiện đời sống hay các chỉ số phát triển, dù là ngắn hay trung hạn.

Vì những đóng góp to lớn này, 3 nhà kinh tế học Banerjee, Duflo, và Kremer đã được Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển trao giải thưởng Nobel kinh tế học năm 2019.■

Thay đổi trong chính sách hỗ trợ

Các nghiên cứu của nhóm đã tạo ảnh hưởng lớn đến chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển và xóa đói giảm nghèo. Chương trình trợ giảng cho học sinh cá biệt giờ đã được cung cấp cho hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ.

Tổ chức Y tế thế giới, dựa trên các nghiên cứu về tính nhạy cảm về chi phí y tế của hộ nghèo, đã khuyến nghị cung cấp thuốc men miễn phí cho hơn 800 triệu học sinh trên toàn cầu sống trong những vùng có tỉ lệ nhiễm giun sán cao hơn 20%.

Mạng lưới nghiên cứu toàn cầu J-PAL mà Banerjee, Duflo, và Kremer giúp sáng lập giờ có các chương trình đóng góp cho cuộc sống của hơn 400 triệu người trên thế giới, chưa kể rất nhiều nhà nghiên cứu khác theo hướng của Banerjee, Duflo, và Kremer nhưng không tham gia mạng lưới J-PAL.

Không chỉ thế, các nghiên cứu của họ còn giúp xóa bỏ nhiều chương trình hỗ trợ và xóa đói giảm nghèo cũ không hiệu quả, giúp các NGO và chính phủ dành nguồn lực cho các chương trình mới thiết thực hơn.

Nó cũng tạo ra cách làm việc mới mà giờ đây ngày càng nhiều tổ chức liên quan đến xóa đói giảm nghèo đều áp dụng khi triển khai các chương trình hỗ trợ, trong đó đánh giá tính hiệu quả thông qua các phương pháp thực nghiệm là việc phải làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận