Ai cũng có thể là ông bụt, nhưng...  

HOA KIM 08/03/2020 05:03 GMT+7

TTCT - Đằng sau những nền tảng gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) và các chiến dịch quyên góp nhân văn, xúc động còn là những góc khuất không phải ai cũng biết hay muốn đối diện.

 

Chauncy Black, 16 tuổi, sống ở khu Nam Memphis thuộc bang Tennessee, Hoa Kỳ cùng bà và 6 anh chị em. Ngoài giờ học, cậu thiếu niên da màu làm thêm nghề “thợ đụng”, lối xóm nhờ gì làm nấy để có tiền trang trải cuộc sống và giúp bà cậu, bà Barbara Martin, chi trả các chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Một chiều tháng 6-2016, Chauncy quyết định thử làm một điều gì đó mới lạ. Cậu bắt xe buýt từ nhà đến một “khu Mỹ trắng” giàu có, vào một siêu thị và đề nghị xách đồ giúp những người mua hàng đổi lấy tiền thù lao vài USD. Chauncy không biết cuộc đời cậu sẽ rẽ sang một hướng mới vào cái hôm định mệnh đó.

“Cổ tích” giữa đời thật

Matt White, người đàn ông da trắng khá giả ngoài 30 tuổi, sau khi nghe về gia cảnh của Chauncy đã mua cho cậu một hộp bánh donut thay bữa tối, một số nhu yếu phẩm và lương thực đủ dùng, rồi đề nghị được đưa cậu về tận nhà bằng xe hơi.

“Khi về đến nhà cậu ấy, tôi thật sự chạnh lòng. Cậu ấy không nói dối. Gia đình cậu chẳng có gì cả - Matt viết trên Facebook vào hôm sau - Tôi nghĩ mình đã muốn bật khóc. Khi chúng tôi cùng nhau sắp xếp đồ vừa mua trong bếp, tôi có thể thấy mắt Chauncy ánh lên tia hi vọng. Cậu ấy biết mình sẽ không phải nhịn đói nữa. Trông cậu lúc đó hệt như một đứa trẻ”.

Bài đăng trên Facebook của Matt nhanh chóng được nhiều người chia sẻ. Những người không quen biết bắt đầu liên hệ với anh ngỏ ý muốn quyên góp cho gia đình Chauncy - người thì cho bộ bàn ghế, người tặng thức ăn, người muốn cho máy điều hòa.

Giữa những tin nhắn đến tới tấp, có một người gợi ý Matt lập trang gây quỹ trên GoFundMe cho trường hợp của Chauncy. Nền tảng gây quỹ cộng đồng vừa ra đời 6 năm trước đó không hiếm những câu chuyện “cổ tích” về những khoản quyên góp khổng lồ cho bệnh nhân cần tiền chữa trị, giúp học sinh nghèo trang trải bữa ăn, hay chi trả tiền thuê luật sư cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Nghĩ là làm, Matt mở một chiến dịch gây quỹ trên GoFundMe với tên gọi “Chauncy’s Chance” (tạm dịch: Cơ hội cho Chauncy) với mức kêu gọi khiêm tốn chỉ… 250 USD - đủ để sắm cho Chauncy một chiếc máy cắt cỏ để cậu có thu nhập ổn định từ việc cắt cỏ mướn.

Chỉ sau vài giờ đăng tải, chiến dịch của Matt đã gom đủ mục tiêu. Nhưng chưa dừng lại ở đó, số tiền quyên góp tiếp tục đổ về ngày càng nhiều trong sự ngỡ ngàng của cả hai: 500 USD, rồi 1.000 USD...

Trong vòng một tuần, chiến dịch đã kêu gọi được hơn 10.000 USD, gấp 40 lần mục tiêu ban đầu. “Tim tôi như sắp nổ tung. Số tiền quyên góp cho gia đình Chauncy cứ tăng dần, tăng dần và tôi gần như không hiểu chuyện gì đang diễn ra” - Matt viết trên Facebook.

Sau khi câu chuyện của Chauncy được một tờ báo địa phương đăng tải, chiến dịch GoFundMe của cậu trở thành mẩu chuyện đẹp được lan truyền trên khắp nước Mỹ. Matt và Chauncy được lên tạp chí People và một nhà báo từ Đức đã bay sang tận Memphis để xin phỏng vấn.

Số lượng người tham gia gây quỹ lúc này thật sự bùng nổ. Khi chiến dịch kết thúc sau 3 tuần, đã có 14.076 người quyên góp tổng số tiền 342.106 USD! Chỉ với chưa đầy 1/3 số tiền quyên góp, gia đình Chauncy đã có thể mua một căn nhà 3 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi ở một khu dân cư an ninh hơn.

Công thức thành công

Những dự án gây quỹ cộng đồng thành công nhất trên GoFundMe cũng như nhiều nền tảng tương tự thường có một môtip khá quen thuộc: một gia cảnh bất hạnh được phát hiện và loan báo bởi một người may mắn hơn, rồi những người tốt từ khắp nơi góp vào mỗi người vài USD với niềm tin rằng họ đang “thay đổi một cuộc đời” - nói theo cách đầy lạc quan mà các trang gây quỹ thường dùng.

Dù bất ngờ vì số tiền đóng góp lớn hơn tưởng tượng, Matt không ngạc nhiên trước sự thành công của chiến dịch. Anh đủ nhạy bén để hiểu rằng trong bối cảnh thế giới “bội thực” những tin tức nặng nề, bi quan thì người ta dễ tìm thấy sự đồng cảm hơn ở những câu chuyện lay động, nhuốm nước mắt nhưng không thiếu sự lạc quan, hi vọng.

Lời giới thiệu của Matt về cậu thiếu niên da màu Chauncy Black trong phần thông tin chiến dịch gần như hội đủ các yếu tố trong công thức lấy nước mắt và tiền của những người đóng góp: nhà nghèo nhưng không mất niềm tin vào cuộc sống và luôn nỗ lực vươn lên, chỉ cần được trao cơ hội.

Trên Facebook cá nhân, Matt không chỉ cập nhật mỗi ngày tình hình gây quỹ mà còn cung cấp những thông tin chi tiết hơn về con người Chauncy, hoàn cảnh gia đình cậu và khao khát vượt lên chính mình của chàng trai trẻ.

Khi có nha sĩ gửi tặng bà Barbara một bộ răng giả, Matt có mặt để ghi hình khoảnh khắc bà đeo chúng lên rồi đăng tải trên Facebook. Hay như chuyện Chauncy và bà Barbara phải dùng chăn trải ra sàn để ngủ vì không đủ tiền mua giường, Matt cũng lập tức chụp ảnh cái “ổ” tạm của bà cháu để đưa lên mạng.

Anh thậm chí còn ghi âm những cuộc điện thoại với Chauncy để chia sẻ với cộng đồng gây quỹ. Matt tinh ý không đi quá sâu vào những mảng tối của gia đình Chaucy, ví dụ như chuyện mẹ cậu là con nghiện nên bị tước quyền nuôi con, vì anh muốn cộng đồng tập trung vào thông điệp tích cực của chiến dịch.

Câu chuyện thành công của “Chauncy’s Chance” trở thành đề tài được CEO GoFundMe, ông Robert Solomon, nhắc đến như điển hình về giá trị nhân văn mà nền tảng này mang lại. Ông gọi đó là ví dụ cho thấy “cách những người bình thường có thể thay đổi thế giới của người khác”.

Và góc khuất

Điều mà GoFundMe có lẽ không muốn nhắc đến đó là những hạn chế của các dự án thiện nguyện đơn lẻ và thiếu tổ chức, như những lời kêu gọi đóng góp xuất hiện nhan nhản trên nền tảng của họ.

Sau chiến dịch đầu tiên với Chauncy, Matt tin rằng việc anh làm là ý của Thiên Chúa và tiếp tục thực hiện “sứ mệnh” kết nối cộng đồng với những hoàn cảnh khó khăn thông qua GoFundMe. Dự án tiếp theo của anh quyên góp được hơn 36.000 USD cho một “cựu binh” Mỹ, nhưng không lâu sau đó người đàn ông này bị phanh phui là chưa từng tham chiến.

Matt cho biết anh không thể hoàn trả số tiền đã quyên góp vì không một người đóng góp nào gửi yêu cầu lấy lại tiền. Tiếp theo, Matt lại phát động chiến dịch gây quỹ cho một bà mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con sống lay lắt trong xe hơi vì không có nhà cửa. Chiến dịch thất bại sau 2 đợt quyên góp mà vẫn không đủ mục tiêu, còn Matt và người mẹ nọ dần dần cũng mất liên lạc với nhau.

Về phần gia đình Chauncy, tình cảm khắng khít giữa họ và người ơn cũng nhạt dần theo thời gian khi Matt cho biết anh cảm thấy thất vọng vì số tiền quyên góp không giúp “thay đổi cuộc đời” cậu thiếu niên nghèo như mong muốn.

Chauncy dường như trở thành một con người khác khi trở thành tâm điểm của truyền thông. Cậu cáo bệnh nghỉ ngang khi đang học dở lớp 11, dù trước đó từng khoe với Matt về thành tích học tập xuất sắc.

Bà Barbara sau đó thừa nhận cháu mình lo làm lụng kiếm tiền nên lơ là việc học và từ trước đến nay vẫn là học sinh trung bình, chứ chưa bao giờ có học lực xuất sắc như cậu nói. Ít lâu sau khi bước qua tuổi 18, Chauncy tiết lộ với Matt bạn gái cậu đã có thai. Trái ngược với vẻ hào hứng của Chauncy, Matt cho biết anh cảm thấy bất lực: “Tôi đã cố gắng gây ảnh hưởng tốt đến cuộc đời của họ, nhưng văn hóa của họ quá khác biệt”.

Những người tham gia đóng góp gây quỹ trên các nền tảng trực tuyến thường có tâm lý “bỏ tiền mua sự thanh thản” vì tin rằng dù gì mình cũng đã làm một việc có ý nghĩa, mà ít quan tâm số tiền đó được sử dụng trên thực tế như thế nào và có thật sự giúp ích cho người cần giúp.

Bằng chứng là trường hợp gây quỹ cho người “cựu binh” giả hiệu của Matt, dù bị phanh phui nhưng không một ai buồn yêu cầu nhận lại tiền đã đóng góp, mặc cho tính năng này được tích hợp sẵn trên GoFundMe. Độ xác thực của những thông tin dùng để kêu gọi gây quỹ cũng không được kiểm chứng, và người ủng hộ chỉ biết dựa vào sự tin tưởng đối với người đứng ra gây quỹ để “chọn mặt gửi vàng”.

Trên lý thuyết, các nền tảng gây quỹ cộng đồng hoạt động dựa vào cái gọi là “trí khôn của đám đông”, với niềm tin rằng cộng đồng biết nhận diện những trường hợp cần được giúp đỡ nhất và tiền quyên góp sẽ tự động chảy về nơi cần chảy.

Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra thực tế không hẳn lúc nào cũng như vậy: phần nhiều các khoản quyên góp đến từ bạn bè, gia đình, người thân và những người quen biết. Có nghĩa là những người có quan hệ rộng và những mối quen biết tương đối khá giả lại có xu hướng thu được nhiều tiền hơn từ chiến dịch GoFundMe so với người nghèo, ít bạn bè, mặc dù họ mới là những người cần sự giúp đỡ nhiều hơn.

Nếu Chauncy tự mình quản lý chiến dịch gây quỹ của bản thân, chưa chắc anh đã trở thành hiện tượng và thu được nhiều tiền quyên góp đến thế! Điều này, theo một nhóm nghiên cứu đến từ Canada, càng làm “củng cố và trầm trọng hơn sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội”. Những “giải pháp một lần” như góp tiền mua chi giả cho bệnh nhân cụt chi cũng dễ kêu gọi đóng góp hơn so với các chiến dịch tài trợ chi phí y tế dài hơi, theo một nghiên cứu của Đại học Washington.

Matt cho biết anh vẫn thường xuyên nhận được lời đề nghị giúp đỡ tạo chiến dịch GoFundMe vì “họ cho rằng tôi mát tay”, nhưng anh thường từ chối. Trong một số trường hợp hiếm hoi không thể từ chối, Matt cho biết giờ đây anh cũng chỉ giúp đỡ bằng cách tặng họ phiếu mua hàng: “Một chiến dịch GoFundMe có thể lan tỏa rất nhanh và điều đó có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn”.■

Ước được là mèo

Năm 2018, vợ chồng Laila và Richard Roy mở chiến dịch quyên góp trên GoFundMe với mục tiêu 72.000 USD - số tiền họ tính toán là đủ trang trải cuộc sống cho gia đình 5 miệng ăn trong vòng 1-2 năm sau khi tiến hành ca ghép tụy đắt đỏ cho Laila. Khoản tiền kêu gọi là không nhỏ, nhưng Richard cho rằng hoàn toàn khả thi nếu so với nhiều trường hợp tương tự đã đạt mức quyên góp gấp nhiều lần.

Hi vọng nhanh chóng biến thành thất vọng khi chiến dịch kết thúc với vỏn vẹn 1.645 USD do 23 người đóng góp. Richard thừa nhận trải nghiệm “gọi vốn” ê chề khiến hai vợ chồng cảm thấy mất động lực và ám ảnh bởi những lời tự vấn đầy trăn trở: có phải phần miêu tả bệnh tình của Laila chưa đủ hấp dẫn, hay họ còn thiếu những chia sẻ “móc hết ruột gan” mà người khác có thể đồng cảm?

Nhìn những chiến dịch gây quỹ hàng chục ngàn USD để chữa bệnh cho thú cưng trên GoFundMe, Richard cho biết đã có lúc anh cay đắng tự hỏi liệu có nhiều người quyên góp cho vợ anh hơn không nếu cô là một con mèo?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận