Tuần qua, xung đột quân sự có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện đã nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan. Điều gì khiến tình hình ở biên giới nước cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh (NKR) và Azerbaijan trở nên xấu đi nghiêm trọng? Tổng động viên và thiết quân luậtTừ đó đến nay, tình hình ở khu vực xung đột này chưa bao giờ lắng dịu. Những ngày gần đây, Bộ Quốc phòng Azerbaijan và cơ quan quân sự của NKR ngày nào cũng cáo buộc nhau về các vụ pháo kích. Các bên chính thức lên tiếng vào sáng 27-9, khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo trên tài khoản Facebook của mình “quân đội Azerbaijan đã mở cuộc tấn công vào Karabakh”. Gần như cùng lúc, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo “các lực lượng vũ trang Armenia đã bắn vào các mục tiêu quân và dân sự của Azerbaijan”, và tuyên bố bắt đầu “hoạt động phản công trên toàn mặt trận”.Trong một bệnh viện cũ ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: wordpress.comKhả năng xảy ra xung đột vũ trang ở khu vực NKR không phải điều gì bí mật - một ngày trước, các phương tiện truyền thông Armenia đưa tin về việc tập trung quân và thiết bị của Azerbaijan tại đây. Các đại sứ quán Hoa Kỳ tại Baku và Yerevan ngày 25-9 đã kêu gọi công dân Mỹ không đến các khu vực bên ngoài bán đảo Absheron (phía Azerbaijan) và khu vực biên giới với Azerbaijan và NKR (phía Armenia). Cần nhắc là vào ngày 26-9, cuộc tập trận quy mô lớn Kavkaz 2020 của Nga đã kết thúc, bao gồm một số hoạt động diễn ra trên lãnh thổ Armenia. Còn trước đó, từ 29-7 đến 10-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một cuộc tập trận quy mô lớn với Azerbaijan ở gần biên giới Armenia.Trưa 27-9, Thủ tướng Armenia Pashinyan thông báo tổng động viên và ban bố tình trạng thiết quân luật. Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố ông có ý định “giải quyết dứt điểm vấn đề Karabakh” và giải phóng lãnh thổ này khỏi quân đội Armenia, đồng thời Quốc hội Azerbaijan ban hành lệnh thiết quân luật ở một số vùng trên toàn quốc, kể cả thủ đô Baku, giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Mạng xã hội ở Azerbaijan cũng đã bị chặn - và nhà chức trách xác nhận điều này.Giấc mơ Thổ Nhĩ KỳLịch sử cho thấy xung đột giữa Armenia và Azerbaijan gần như là chuyện “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, giao tranh lần này có phần nghiêm trọng hơn với “yếu tố thứ ba”: Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28-9, ông Pashinyan yêu cầu nhà lãnh đạo Pháp ngăn Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào các vấn đề của Armenia. Đại diện Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan thì tuyên bố Yerevan có bằng chứng về việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho binh lính Azerbaijan.Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày càng khiến các nước láng giềng và đồng minh bối rối. Ankara đã đơn phương tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria, gần như đối đầu trực diện với Nga, đồng thời mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Matxcơva bất chấp cảnh báo từ NATO và Hoa Kỳ. Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Libya, đe dọa Cyprus, Hi Lạp và Israel, và giờ đang gần như trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan. Trên Lenta.ru, những chính sách đó được nhà bình luận V. Kulagin gọi là “giấc mơ Thổ Nhĩ Kỳ”. Vladimir Avatkov, nhà nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi đường lối đối ngoại tấn công. Ông Avatkov nói: “Với chính sách này, Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng tỏ quyền lực mềm và cứng của mình trong ba thế giới: thế giới Ottoman cũ, thế giới Hồi giáo, và thế giới người dân tộc Turk… Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ, bất kể hoàn cảnh nào, luôn đoàn kết với các quốc gia dân tộc Turk trong không gian hậu Xô Viết [bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan], để chứng tỏ mình là trung tâm của thế giới người Turk. Đây chính xác là những gì Ankara đang làm trong cuộc xung đột giữa Baku và Yerevan, khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Azerbaijan”.Leonid Nersisyan, trưởng phòng nghiên cứu quốc phòng của Viện Nghiên cứu và phát triển Armenia (ARDI), cho biết thêm là gần đây Ankara tham gia rất tích cực vào cuộc xung đột NKR, khi nhiều quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng kêu gọi “giúp đỡ Azerbaijan và phục thù Armenia”. Có vẻ Ankara đang đánh giá đây là thời điểm thuận lợi cho “giấc mơ Thổ Nhĩ Kỳ”, khi Nga đang phải đối phó với nhiều khó khăn đối ngoại.Thế khó của MatxcơvaKhông giống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang cố gắng tách các phía xung đột ra hai bên theo một chính sách trung lập. Tình hình hiện nay có vẻ đã đủ khó khăn cho nước Nga rồi, từ biên giới phía tây không yên tĩnh của Belarus đến “kẻ gây rối” Alexei Navalnyi đang làm căng thẳng quan hệ Nga - EU, chưa kể vấn đề Ukraine vẫn bế tắc. Rõ ràng Matxcơva không cần thêm một điểm nóng nữa ở những vùng biên giới của mình. Đáng nói hơn, trong lòng nước Nga có những cộng đồng đông đảo người gốc Azerbaijan lẫn Armenia. Tuy mang quốc tịch Nga, họ vẫn gắn bó mật thiết với quê hương mình và đã có lúc các cộng đồng này xung đột nhau trên đất Nga.Chính thức thì Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO - liên minh quân sự gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan; trong số các mục tiêu của CSTO có việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các thành viên) và Nga có trách nhiệm trong mối quan hệ này, nhưng không gắn với phần lãnh thổ NKR, vì Nga đã công nhận NKR là lãnh thổ Azerbaijan và nhiều lần tuyên bố những cuộc giao tranh ở khu vực này không có nghĩa là xâm phạm lãnh thổ Armenia, không tính vào cơ chế của CSTO.Để hòa giải, Nga đã đưa ra sáng kiến “công thức Kazan”, theo đó Armenia sẽ chuyển cho Azerbaijan 7 khu vực quanh NKR, vốn là những vùng đất trống mà ngay từ đầu Armenia chiếm để làm vành đai an ninh, đổi lấy việc tháo dỡ phong tỏa kinh tế do Azerbaijan áp đặt, cũng như cấm vận từ Thổ Nhĩ Kỳ. Azerbaijan sẽ phi quân sự hóa những khu vực được chuyển giao này. Quân đội các nước trung lập dưới sự ủy nhiệm của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ triển khai dọc biên giới NKR để bảo đảm an ninh. Bản thân NKR sẽ nhận một quy chế tạm thời, và các bên sẽ ngồi lại thảo luận về một quy chế vĩnh viễn. Quyết định cuối cùng về số phận vùng đất sẽ được truyền cho thế hệ tương lai.Đây thực tế là một trong những điểm nóng hiếm hoi ở khu vực không gây ra đối đầu căng thẳng giữa EU - Hoa Kỳ với Nga. Baku và Yerevan cũng đã đồng ý tới 95% công thức do Nga nêu nhưng vẫn chưa hạ bút ký, vì tâm trạng dân tộc cực đoan, không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào vẫn còn áp đảo trong một bộ phận dân chúng.Xe tăng Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Daily SabahCác kịch bản chiến tranhStanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô Viết thuộc IMEMO (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga), cho rằng các bên hầu như không có đủ nguồn lực cho một cuộc chiến toàn diện và lâu dài. “Mặc dù nền kinh tế Azerbaijan khá ổn định, nhưng viễn cảnh các hoạt động quân sự suốt chiều dài biên giới cho đến thành quả cuối cùng là hết sức tốn kém cả về nhân lực và tài chính”. Pritchin tin rằng các hành động hiện tại của Baku nhiều khả năng nhằm theo đuổi các mục tiêu chiến thuật, cụ thể là việc giành lại một phần lãnh thổ, hơn là kích động một cuộc chiến tổng lực, lâu dài. Ông nhấn mạnh tuyên bố của Bộ Quốc phòng Azerbaijan rằng nước này “đã lấy lại được mười ngôi làng trong các vùng Azerbaijan nằm dưới sự kiểm soát của Armenia”.Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh kéo dài vẫn tồn tại vì hai lý do: quy mô tổng động viên của các bên; và khả năng leo thang do không bên nào muốn bị coi là phía thua cuộc. Chính phủ Armenia cần “lấy lại những lãnh thổ đã mất”, điều càng quan trọng trong tình thế nội bộ khó khăn với chính quyền Yerevan hiện giờ. Ông Nersisyan thì dự báo hai kịch bản: các hoạt động chiến sự dần giảm, một phần do những áp lực đối ngoại không để các bên leo thang tình hình; hoặc xung đột có thể vượt tầm kiểm soát với sự can dự của nhân tố thứ ba - Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện cả về kinh tế và quân sự, Azerbaijan đều được nhìn nhận vượt trội so với Armenia, và họ có lý do để tin sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề NKR, như Tổng thống Aliyev tuyên bố.■Năm 1923, khu tự trị Nagorno-Karabakh, với đa số dân là người Armenia, được thành lập, thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Azerbaijan trong Liên bang Xô Viết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ngày 10-12-1991, một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức tại NKR với kết quả chính thức là gần 100% muốn tách ra độc lập với Azerbaijan (vào thời điểm trưng cầu, 77% cử tri đi bỏ phiếu là người Armenia, 21% là người Azerbaijan, và 1% người Nga). Baku không công nhận cuộc trưng cầu ý dân này. Chiến tranh nổ ra, kéo dài đến năm 1994, khi người Armenia đánh bật quân Azerbaijan khỏi NKR. Đợt leo thang hiện nay được xem là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng 1992-1994. Tags: Thổ Nhĩ KỳArmeniaAzerbaijanXung đột quân sự
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.