ASEAN trong “học thuyết Biden”

NHẬT ĐĂNG 17/05/2022 21:05 GMT+7

TTCT - Lãnh đạo các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có dịp trực tiếp nhận diện chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Washington tuần trước thu hút sự quan tâm đặc biệt, giữa lúc thế giới chứng kiến nhiều thách thức và biến động. Lần đầu tiên sau sáu năm kể từ 2016, các lãnh đạo ASEAN và Mỹ mới ngồi lại với nhau trong một cuộc họp chính thức.

Biển Đông và kinh tế: tầm nhìn dài hạn

Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là bước khởi động cho “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ ASEAN - Mỹ. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong khi đó, nhận xét sự kiện này cho thấy Mỹ đề cao giá trị mối quan hệ hợp tác với ASEAN và “muốn làm nhiều thứ hơn cùng chúng ta”. Trên thực tế, có ít nhất hai cam kết hợp tác được kỳ vọng. 

 
 Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Washington vào ngày 13-5. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Biden tuyên bố sẽ chi 150 triệu USD cho việc hỗ trợ ASEAN. Trong số này, có 40 triệu USD dành cho hạ tầng và môi trường, 15 triệu USD cho việc phát hiện sớm COVID-19 và nguy cơ các đại dịch hô hấp khác. Đáng chú ý, có 60 triệu USD dành cho các sáng kiến mở rộng hợp tác trên biển bao gồm chống đánh bắt cá bất hợp pháp và tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) sẽ chịu trách nhiệm chính, với điểm nhấn là hoạt động liên quan tới tàu tuần duyên. Theo đó, một tàu tuần duyên Mỹ sẽ được điều tới Đông Nam Á và châu Đại Dương làm nhiệm vụ hợp tác an ninh và huấn luyện. Ngoài ra, lần đầu tiên USCG sẽ tổ chức một đội huấn luyện trong khu vực để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), USCG cũng sẽ ưu tiên việc chuyển giao tàu đã loại biên cho các nước Đông Nam Á để tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Trước đó, Mỹ từng giao hai tàu tuần duyên trong diện EDA cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Theo tiến sĩ Collin Koh Swee Lean (Viện Quốc phòng và nghiên cứu chiến lược, Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore), sáng kiến mới của USCG là một động thái đáng hoan nghênh vì các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ở Đông Nam Á thường thiếu sót về năng lực, đặc biệt vật lực như tàu tuần tra ngoài khơi. 

Tiến sĩ Sascha-Dominik Dov Bachmann (Trường luật Canberra, Úc) thì cho rằng sáng kiến hợp tác hàng hải của Mỹ mới đây là một thách thức trực tiếp với các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và gửi đi một thông điệp ngoại giao mạnh mẽ.

Tuy nhiên, có lý do để nhiều người cho rằng 150 triệu USD là con số khiêm tốn, đặc biệt nếu biết rằng vào tháng 11-2021 Trung Quốc đã cam kết chi 1,5 tỉ USD (trong vòng 3 năm) hỗ trợ phát triển cho ASEAN nhằm ứng phó COVID-19 và hồi phục kinh tế. 

Vì vậy, một vấn đề khác nhận được nhiều quan tâm hơn tại Hội nghị ASEAN - Mỹ lần này là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), như một sự thay thế việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù vậy, cả hai vấn đề nêu trên đều chưa cho thấy sức nặng thực sự bằng những cam kết lớn và cụ thể hơn.

Với vấn đề trên biển, tiến sĩ Lean cho rằng đội huấn luyện USCG có lẽ là yếu tố đáng chú ý nhất vì nó cho phép thể chế hóa lâu dài mối liên kết giữa USCG và các cơ quan đối tác ở Đông Nam Á, cũng như tạo điều kiện cho các sáng kiến xây dựng năng lực hàng hải dài hạn. 

Nhóm chuyên gia Mỹ “rất có thể cũng là một nhóm lưu động đến từng quốc gia Đông Nam Á liên quan nhằm thực hiện các hoạt động huấn luyện chung. Nó sẽ tiết kiệm thời gian và có khả năng tạo ra lợi ích tối đa từ các khoản đầu tư vào việc xây dựng năng lực thực thi pháp luật hàng hải của Đông Nam Á” - ông nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Tương tự, khuôn khổ kinh tế IPEF cũng cần một cam kết cụ thể hơn. Sau hội nghị vừa rồi, Mỹ vẫn chưa công bố chi tiết về IPEF và rất có thể phải đợi tới chuyến thăm của ông Biden sang Hàn Quốc và Nhật Bản từ 20 tới 24-5 này. 

Trong cuộc gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị làm rõ hơn nội hàm của sáng kiến này.

Một số đồng thuận quan trọng

Diễn biến của hội nghị vừa qua phản ánh một số đồng thuận quan trọng về nguyên tắc trong quan hệ ASEAN - Mỹ, về chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như cách chính quyền Biden nhìn nhận mối quan hệ này.

Giới quan sát đã nói nhiều về “Học thuyết Biden”. Nếu hội nghị G7 ở Cornwall (Anh) phần nào giới thiệu học thuyết đó qua việc tái khôi phục quan hệ hợp tác giữa Mỹ và các nền dân chủ đồng chí hướng, hội nghị với ASEAN là cái nhìn về cách ông Biden ứng xử với phần còn lại - đại diện cho sự đa dạng trong lợi ích, quy mô phát triển kinh tế, và cả quan điểm về một số vấn đề chính trị quốc tế.

Học giả người Mỹ Walter Russell Mead chia chính sách đối ngoại của Mỹ thành bốn trường phái, đặt tên theo bốn vị tổng thống Mỹ: kiểu Hamilton (Alexander Hamilton), Jefferson (Thomas Jefferson), Wilson (Woodrow Wilson) và Jackson (Andrew Jackson). Ông Biden thường được đánh giá là một tổng thống có quan điểm đối ngoại kiểu Wilson.

Ủng hộ ý tưởng về Hội Quốc Liên và là người theo chủ nghĩa quốc tế, tổng thống Wilson (làm tổng thống 1913 - 1924) đề cao việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền như trụ cột trong việc duy trì hòa bình, ông hướng tới “nền hòa bình vĩnh cửu” dựa trên triết thuyết của triết gia Đức Immanuel Kant. 

Trường phái Wilson đã có dị bản theo năm tháng, nhấn mạnh thúc đẩy dân chủ qua “dân chủ hóa”. Nhưng điều này vô hình trung lại tạo ra một nhánh Wilson cánh hữu hoặc tân bảo thủ muốn lan tỏa dân chủ theo kiểu thúc ép, thậm chí là can thiệp vào nước khác. 

Trong cuốn Quyền lực mềm nổi tiếng, học giả Joseph Nye từng cho rằng các chính trị gia tân bảo thủ mắc một số sai lầm trong cách tiếp cận mà cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan dưới thời cựu tổng thống George W. Bush là ví dụ.

Sau 20 năm, Tổng thống Biden rốt cục cũng rút quân khỏi Afghanistan mà không “dân chủ hóa” nổi quốc gia Trung Đông này. Đây cũng là chi tiết thường được nhắc như biểu hiện của sự thay đổi chính sách thời Biden.

Là người mang khuynh hướng “Wilson truyền thống” hơn, ông Biden chú trọng việc tham vấn và vai trò của Mỹ trong các tổ chức quốc tế. Điều này đã được thể hiện qua Hội nghị ASEAN - Mỹ vừa rồi, và cũng phù hợp với một số nước Đông Nam Á. 

Một ví dụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) vào ngày 12-5, bày tỏ: “ASEAN mong muốn cùng các đối tác xây dựng sự chân thành, củng cố lòng tin, hành động có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế…”.

Trong tuyên bố chung, ASEAN và Mỹ cũng đề cập tới tình hình Nga - Ukraine ở mức độ vừa đủ, phù hợp với quan điểm trung lập của phần lớn các nước ASEAN. 

Về phần Việt Nam, tại CSIS, ông Phạm Minh Chính chia sẻ: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc; chọn bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”.■

Sáng kiến hợp lý trên biển

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tiến sĩ Koh Swee Lean nhận định sáng kiến hợp tác hàng hải mới đây là tín hiệu từ Mỹ cho thấy họ không nhượng bộ không gian ở Đông Nam Á mặc dù hoạt động của tàu tuần duyên sẽ chỉ giới hạn ở các đợt huấn luyện chung cũng như các nhiệm vụ thực thi pháp luật ở biển cả.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Bachmann, đây cũng là ý tưởng phù hợp với bối cảnh ở Biển Đông, vì không giống như cuộc diễn tập quân sự ASEAN - Mỹ, trọng tâm của sáng kiến mới là việc cung cấp huấn luyện hàng hải và nâng cao năng lực, với ý nghĩa giới hạn trong các hoạt động giám sát và thực thi pháp luật trên biển thay vì tạo ra khả năng quân sự.

Nói cách khác, đây là giải pháp thích hợp cho những xung đột vùng xám, dưới ngưỡng vũ trang. 

“Sáng kiến hợp tác mới này nhằm vào việc thực thi lĩnh vực hàng hải trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương… Mở rộng hợp tác hàng hải thông qua hỗ trợ kỹ thuật, vật chất và các hỗ trợ khác bao gồm huấn luyện thực sự tạo nên sự gia tăng rõ rệt về cam kết và sự hiện diện của Mỹ trong Biển Đông. Việc sử dụng USCG không đưa ra tín hiệu gia tăng khả năng quân sự”, ông nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận