Asiad 19: Thua từ thể thao đến truyền hình

HUY ĐĂNG 30/09/2023 09:13 GMT+7

TTCT - Kỳ Asiad năm nay đã khá lặng lẽ với Việt Nam, cả trên sân đấu lẫn màn ảnh truyền hình.

Sau 4 ngày tranh tài tại Asiad 19, thể thao Việt Nam tuy đứng đầu SEA Games 2023, nhưng hụt hơi tại đấu trường châu Á, khi chưa có HCV nào và tạm xếp hạng 19. Trong khi đó, Indonesia và Thái Lan đều nằm trong tốp 10 với lần lượt 3 và 2 HCV.

Các cô gái VN sau trận thắng Nepal ở Asiad 19. Nhu cầu xem các cô gái đá bóng ngày càng cao, nhưng người hâm mộ không thể xem một cách đàng hoàng. Ảnh: Đức Khuê

Các cô gái VN sau trận thắng Nepal ở Asiad 19. Nhu cầu xem các cô gái đá bóng ngày càng cao, nhưng người hâm mộ không thể xem một cách đàng hoàng. Ảnh: Đức Khuê

Tuy Asiad 19 còn đến hơn 10 ngày nữa mới kết thúc, nhưng dự báo chung là thể thao VN không thể đứng đầu Đông Nam Á tại sân chơi này. 

Bên cạnh việc thua trên sàn đấu, còn có một thất bại khác cũng rất đáng bàn là câu chuyện truyền hình, khi VN trở thành nền thể thao lớn duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không sở hữu bản quyền phát sóng Asiad 19, diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Nhiều nước có bản quyền

Ở Asiad 17 diễn ra tại Hàn Quốc năm 2014, đơn vị sở hữu bản quyền chào hàng VN mức giá 400.000 USD cho gói độc quyền. 

Con số này gây chấn động thời điểm đó, bởi tại Asiad Quảng Châu 2010, mức giá bản quyền truyền hình chỉ là 50.000 USD, và 4 năm trước nữa là 10.000 USD. Đến Asiad 18, nhà cung cấp KJSM World Corp (đơn vị mua lại bản quyền truyền hình Asiad 18 từ ban tổ chức) nhất quyết chỉ bán độc quyền với giá 3 triệu USD.

Con số này có vẻ vượt ngoài khả năng của các nhà đài VN. Hậu quả là người VN không được xem lễ khai mạc và trận đấu đầu tiên của đội bóng đá nam. Đến phút cuối, VOV đứng ra mua với giá 1,5 triệu USD dưới sự hỗ trợ của hai doanh nghiệp. Nhờ vậy người hâm mộ mới xem được những trận cầu mãn nhãn của đoàn quân của ông Park Hang Seo (vào đến bán kết).

Với tốc độ tăng 5-10 lần sau mỗi lần tổ chức, không có gì ngạc nhiên khi đến Asiad 19, đơn vị sở hữu bản quyền chào giá ban đầu với VN đến 15 triệu USD. Con số này hiển nhiên khiến tất cả các nhà đài đều lắc đầu. Đến gần giờ chót, giá giảm còn 7 triệu USD, vẫn không nhà đài nào đứng ra đàm phán.

Giá bản quyền truyền hình thể thao tăng chóng mặt là chuyện chung, chứ không riêng gì Asiad. Theo giới truyền hình, đó là một trong những chuyện chúng ta phải chấp nhận khi "hết nghèo", bắt đầu vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Suy cho cùng, đó là điều bình thường trong kinh tế thị trường.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia có nền thể thao mạnh ở Đông Nam Á đều sở hữu bản quyền, như Media Corp Channel 5, mewatch.sg (Singapore); MNCT, RCTI, iNews TV, Vision+ (Indonesia); hay RTM, Astro (Malaysia).

Tại Thái Lan, Hiệp hội thể thao quốc gia này cho biết có 11 kênh truyền hình kỹ thuật số phát miễn phí các chương trình thi đấu của Asiad 19 trên lãnh thổ Thái Lan.

Cách làm của người Thái

Từ năm 2013, Ủy ban phát sóng và truyền thông quốc gia Thái Lan (NBTC) đưa ra quy định về các sự kiện mà Thái Lan "phải có bản quyền". Cụ thể, 7 sự kiện thể thao lớn cần phải phát sóng miễn phí trên truyền hình và mọi nền tảng khác cho người dân, gồm 6 kỳ đại hội thể thao mà Thái Lan chắc chắn góp mặt, bao gồm SEA Games, Para Games, Asiad, Asian Para Games, Olympic và Paralympic. Còn giải thứ 7 là World Cup.

Quy định này từ lâu đã gây nhiều tranh cãi, bị cho là cản trở các đài truyền hình tư nhân Thái Lan tham gia cuộc chơi. Nhưng mặt tích cực là cho thấy tính đoàn kết và tôn chỉ "thể thao cho mọi người". 

Các cơ quan như NBTC, Quỹ Đầu tư phát triển thể thao quốc gia Thái Lan có nghĩa vụ phải chạy tìm tài trợ để hỗ trợ đài truyền hình mua bản quyền phát sóng. Ngay như World Cup 2022, đến phút cuối cùng, NBTC chạy được tài trợ để mua bản quyền với giá 33 triệu USD - giảm 9 triệu so với con số chào bán.

Quy định "phải có" cho đến nay vẫn tồn tại ở Thái Lan, và cuộc đàm phán mua bản quyền truyền hình Asiad 19 của họ diễn ra khá êm đềm, với thông tin về mức giá, gói phát sóng không được tiết lộ. Người Thái tranh luận đòi bỏ World Cup khỏi danh sách những giải đấu "phải có", nhưng với SEA Games hay Asiad, Olympic, mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Nhà báo Chawat Heamtappa của Thái Lan cho biết: "Tôi nghĩ việc bản quyền truyền hình tăng giá là hợp lý. Đây là quy luật cung cầu tất yếu. Thực tế cho thấy Asiad ngày càng trở thành một sự kiện lớn. Cá nhân tôi thích xem Asiad hơn là World Cup, vì đây là nơi mà người Thái có thể cạnh tranh sòng phẳng".

Quan điểm của nhà báo Chawat là hợp lý, khi tầm cỡ của Asiad ngày nay đã không còn như xưa. Trên đấu trường thể thao thế giới, các VĐV Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và một số nước Trung Đông lẫn Đông Nam Á đã đạt đến trình độ cạnh tranh chức vô địch. Asiad vì vậy gần như là một kỳ "Olympic thu nhỏ", với nhiều nhà vô địch thế giới và những ngôi sao tên tuổi.

Mặt khác với khu vực Đông Nam Á, Asiad còn là đấu trường phù hợp để đặt tham vọng. Khi ra Olympic, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia vẫn còn quá tầm, trong khi ở nhiều kỳ Asiad gần đây, các nền thể thao này đều có thể cạnh tranh.

Đơn vị sở hữu bản quyền Asiad 19 có lý do để chào VN giá cao. Ở Asiad 18, thành tích của đoàn thể thao VN quả thực khá tốt. Năm đó, VN đoạt 5 HCV, gồm 2 HCV điền kinh, và đặc biệt bóng đá nam còn vào đến bán kết.

Nhưng kỳ này, thành tích của thể thao VN đã được dự báo từ trước sẽ đi xuống khi không còn nội dung nào nắm chắc khả năng vô địch, và đội bóng đá nam cũng không hy vọng gì khi VFF cử đội hình trẻ nhất giải tham gia (và đúng như dự đoán, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn không qua được vòng bảng). Với dự báo về kết quả thể thao không vui như thế, các nhà đài quay lưng với bản quyền truyền hình là điều có thể hiểu được.■

Sẽ không có hỗ trợ

Khi VN còn chưa mua được bản quyền phát sóng Asiad, phóng viên Tuổi Trẻ Cuối Tuần từng tiếp cận phó chủ tịch danh dự trọn đời của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) - ông Wei Jizhong để hỏi liệu OCA có thể can thiệp và hỗ trợ không. Đáp lại là lời khẳng định chắc nịch của vị quan chức người Trung Quốc: "Sẽ không có hỗ trợ cho Việt Nam. Bản quyền truyền hình là một phần trong yếu tố thương mại của các sự kiện thể thao". Quan điểm này đã được tuân thủ chặt chẽ và ban tổ chức ngày hội thể thao châu Á đã quản lý rất kỹ việc phát sóng các video về Asiad Hàng Châu trên lãnh thổ VN, cũng như phạm vi tác nghiệp của phóng viên VN. OCA còn cho biết họ sẽ cử người theo dõi phóng viên VN ở Hàng Châu để đảm bảo không có chuyện vi phạm bản quyền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận