"Bác sĩ" đồng tôm

MỄ THUẬN 01/04/2011 22:04 GMT+7

TTCT - “Phong ơi, phèn chua trong ao hơi nhiều phải làm sao vậy cháu?”, “Anh Phong ơi, hôm trước nước ngọt tôm vẫn sống, nhưng sao hôm nay nước lợ tôm lại chết?”... Chuông điện thoại của kỹ sư Đỗ Quốc Phong cứ vang suốt buổi sáng chủ nhật. Phong bảo anh gắn với “nghề” tư vấn nuôi tôm cả chục năm nay rồi...

Phóng to
Kỹ sư Phong thường xuyên có mặt tại các ao tôm để hướng dẫn người dân chăm sóc tôm - Ảnh: Mễ Thuận

Cuối tuần là ngày nghỉ của cán bộ, công chức nhưng kỹ sư Đỗ Quốc Phong, 35 tuổi, phó trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Cầu Ngang, Trà Vinh vẫn đều đặn xuống tận ao tôm của dân. Anh cười giải thích: “Tôi chỉ muốn góp sức mình để nông dân nuôi tôm thắng lợi, không còn phập phồng lo trắng tay khi quyết định bỏ vốn thả tôm mà thôi”.

Khi ao tôm trở thành nhà

Một sớm chủ nhật giữa tháng 3-2011, Phong đã có mặt tại ao tôm của ông Hà Văn Ngà ở xã Mỹ Hòa. Tối hôm trước, ông Ngà điện cho Phong với tâm trạng rất lo: “Chi phí nuôi tôm sao quá cao, chắc vụ này tui trắng tay quá!”.

Chỉ sau vài câu hỏi, Phong phát hiện gia đình ông Ngà đang sử dụng sản phẩm vi sinh xử lý nước ao tôm không đúng. Thay vì sử dụng loại dành cho nuôi tôm mật độ thấp, ông Ngà lại dùng loại đắt tiền dành cho nuôi công nghiệp. Khi ra ao tôm, Phong phát hiện thức ăn thừa trong ao nhiều quá, vừa lãng phí vừa ô nhiễm nước. Sau đó anh hướng dẫn ông Ngà cách thức tính toán chính xác lượng thức ăn cho tôm từng độ tuổi.

Đang loay hoay ở ao tôm nhà ông Ngà, Phong lại có điện thoại. Ông Nguyễn Thanh Thưởng, nông dân xã Hiệp Mỹ Đông, nhờ anh chạy qua nhà chỉ cách vét bùn và rải vôi xử lý ao. Xong việc ở nhà ông Ngà, Phong chạy xe đến nhà ông Thưởng hướng dẫn cặn kẽ cách vét bùn và chỗ đổ bùn, rải bao nhiêu ký vôi cho một mét vuông, phơi trong bao lâu...

Cầu Ngang là huyện ven biển có gần 8.000ha đất chuyên nuôi tôm, lớn thứ hai ở tỉnh Trà Vinh. Từ năm 2003 đến nay, Phong tiên phong tham mưu lãnh đạo trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp tư vấn hộ nuôi tôm sú. Kết quả trong năm 2003 toàn huyện có 2.267 lượt hộ thả nuôi hơn 100 triệu con tôm sú trên diện tích 1.242ha và 74% số hộ nuôi có lãi. Năm 2010 diện tích nuôi tôm trên 5.000ha, số hộ nuôi có lãi khoảng 90%, cao nhất tỉnh Trà Vinh (cá biệt có 23 hộ đạt mức lãi 1-3 tỉ đồng).

Ông Thưởng cho biết trước năm 2006 gia đình chỉ dám nuôi tôm quảng canh (thả tôm trên ruộng lúa vào mùa nước mặn) chứ không dám đào ao. Một hôm tình cờ gặp Phong, chuyện trò một lúc thì anh gợi ý: “Nếu anh đào ao nuôi tôm công nghiệp thì em sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho, không thất bại đâu mà lo”. Thế là ông Thưởng quyết định chuyển hết 8.000m2 đất thành ao nuôi tôm. Bây giờ gia đình ông đã có của ăn của để nhờ trúng mấy vụ tôm. Ông tâm sự: “Không có Phong thì tôi không dám đào ao nuôi tôm đâu. Cứ cái gì không biết là gọi điện hỏi liền. Giải thích qua điện thoại sợ tui không hiểu nên Phong xách xe chạy tới nhà hướng dẫn cặn kẽ rồi mới về”.

Người nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang đã quá quen với hình ảnh chàng kỹ sư trẻ có mặt ở các ao tôm đo độ mặn, độ pH, khám bệnh cho tôm... gần chục năm qua. Nhiều người cho biết Phong ở ao tôm của dân nhiều hơn ở nhà. Phong bảo mình rất yêu công việc hiện nay vì đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Mấy năm nay, nông dân nuôi tôm ở huyện này được Phong hỗ trợ kỹ thuật đều trúng mùa, trong đó không ít người từng là con nợ mấy năm trước. Năm 2010, theo tổng kết của Phòng Nông nghiệp huyện Cầu Ngang, nông dân nuôi tôm trong huyện thu về hơn 1.000 tỉ đồng từ con tôm.

Muốn giúp nông dân hết nghèo

Khi còn đi học, Phong luôn mơ ước trở thành thầy giáo để dạy chữ cho trẻ em nghèo quê hương Cầu Ngang của mình. Tốt nghiệp trung học, Phong thi đỗ vào đại học sư phạm. Nhưng thời gian đó anh luôn nhận được tin người dân quê mình liên tục trắng tay vì nuôi tôm thua lỗ. Hàng chục gia đình lâm cảnh nợ nần, đất đai phải cầm cố hoặc giao cho người khác trừ nợ.

“Tại sao lại như thế? Làm cách nào để giúp bà con nuôi tôm có lãi trên chính những ao tôm quê mình? Tôi tự hỏi và nghĩ mình phải làm điều gì đó giúp họ nuôi tôm thành công. Thế là tôi rời giảng đường đại học sư phạm về ôn thi ngành thủy sản” - Phong tâm sự. Bốn năm sau, Phong tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ chuyên ngành nuôi trồng thủy sản. Ra trường được nhiều công ty chào mời với mức lương hấp dẫn nhưng Phong đều từ chối. Anh giải thích: “Tôi hứa với chính mình và bà con dưới quê rồi. Tôi sẽ về đó làm việc chứ không đi đâu hết”.

Về quê, anh xắn quần lội xuống ao tôm cùng với nông dân. Nhiều ngày gắn bó với họ, anh hiểu ra nông dân quê mình chỉ nuôi theo thói quen. Họ thiếu kiến thức khoa học chuyên ngành nên thấy cái gì cũng lạ, cũng khó, không biết xử lý thế nào cho đúng. Đó cũng là lý do nhiều người nuôi tôm thất bại, dù những loại dịch bệnh đó có thể phòng trị được. “Tôi muốn mình trực tiếp cầm tay chỉ việc cho từng người nông dân trên chính những ao tôm của họ. Dần dần họ sẽ có đủ kiến thức, kinh nghiệm để tự làm chủ ao tôm của mình. Lúc đó công việc của tôi sẽ nhẹ nhàng hơn” - Phong nói.

Từ khi Phong đến với các ao tôm ở huyện Cầu Ngang, nông dân bắt đầu có những vụ mùa bội thu. Gặp chúng tôi, ông Thưởng luôn miệng cười mỗi khi nhắc tới Phong: “Từ năm 2007 đến nay nhờ có Phong hỗ trợ kỹ thuật, gia đình tôi không còn biết lỗ là gì nữa. Trung bình mỗi năm tôi kiếm được khoảng 200 triệu đồng từ tám công đất nuôi tôm. Bây giờ trình độ nuôi tôm của tôi và bà con ở đây cũng được nâng lên khá nhiều, ai cũng tự tin thả nuôi chứ không còn hồi hộp như mấy năm trước”.

Còn ông Võ Văn Hiền (xã Mỹ Long Nam) tập tễnh nuôi tôm từ năm 2005. Hai năm liền ông trắng tay vì tôm bệnh. Ôm món nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng, vợ chồng ông tính đoạn tuyệt với con tôm và tính chuyện bán đất trả nợ. Năm 2007, Phong biết chuyện tìm đến nhà ông Hiền động viên ông tiếp tục nuôi và hứa sẽ hỗ trợ kỹ thuật. Ngay vụ tôm năm đó, ao tôm của ông Hiền trúng lớn, lãi 220 triệu đồng. Trả hết nợ vẫn còn ít vốn nên ông đào thêm hai ao nữa để nuôi. “Năm 2010 vừa rồi bốn ao tôm của tui bán được 1,6 tỉ đồng. Cũng nhờ anh Phong hết. Không có Phong chắc chắn tui chưa trả được nợ chứ đừng nói chuyện có trong tay bạc tỉ” - ông Hiền hài lòng.

Trong năm 2010, ngoài nhiệm vụ khuyến nông, khuyến ngư cho nông dân huyện Cầu Ngang, Phong còn nhận tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho bảy hộ nuôi tôm. Vụ rồi bảy hộ này thu lãi ròng tới 2,1 tỉ đồng. Hơn 100 hộ được anh tư vấn gián tiếp (chủ yếu qua điện thoại) cũng thu lãi rất cao, từ 30 triệu đồng đến 2 tỉ đồng/hộ. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy hơn 90% hộ nuôi tôm ở huyện này có lãi khá, trong đó có 23 hộ lãi 1-3 tỉ đồng. Ở Cầu Ngang, người dân đều gọi Phong bằng những cái tên trìu mến như: “bác sĩ tôm” hay “bác sĩ đồng tôm bạc tỉ”. Thấy được công sức, trí tuệ của Phong đóng góp cho ngành nuôi tôm huyện Cầu Ngang, mới đây hội những người nuôi tôm được Phong tư vấn đã quyết định trích 5% lợi nhuận để bồi dưỡng cho anh sau mỗi vụ tôm.

Vụ tôm năm 2011 ở Cầu Ngang đã bắt đầu. Có hơn 6.600 hộ thả nuôi với hơn 5.000ha. Những ngày cuối tuần, Phong xuôi ngược qua lại các ao tôm để kiểm tra. Vụ này Phong nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho khoảng 50 ao tôm và tư vấn gián tiếp cho hàng ngàn hecta khác. Phong tâm sự: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là cùng anh em cán bộ kỹ thuật huyện Cầu Ngang giúp người nuôi tôm có thu nhập cao, trở thành hộ khá và giàu”.

Phóng to
Kỹ sư Phong đo độ pH trong nước - Ảnh: Mễ Thuận

Năm 2006 đến nay, Đỗ Quốc Phong dày công nghiên cứu quy trình nuôi tôm sạch bằng chế phẩm sinh học. Anh hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm nhằm tạo ra sản phẩm sạch, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao và bền vững. Theo khảo sát mới nhất của Phòng Nông nghiệp huyện Cầu Ngang, diện tích nuôi tôm sú theo mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ở đây đạt trên 4.000ha và số hộ sử dụng vi sinh định kỳ hoặc không định kỳ chiếm khoảng 90%, trong đó trên 80% số hộ nuôi đạt hiệu quả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận