Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim

TTCT - Một chiếc rương đựng nhiều di cảo của vị học giả đồng thời là một chứng nhân lớn của lịch sử cũng thiên di, theo những hậu duệ của ông sang tận trời Âu. Để rồi sau hơn 70 năm, dấu niêm phong lại mở.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Ảnh 1.

Những bước đầu lập chí

Tuần báo Midi colonial (Pháp) số 13-7-1907 có dẫn: "Một chàng trai An Nam, anh Trần Trọng Kim tới Pháp với tư cách thợ thủ công trong Hội chợ thuộc địa ở Marseille đã được ngài Hauser, Thống sứ Bắc kỳ và là người để lại cho chúng ta những kỷ niệm đẹp nhất, cho phép chàng trai ấy tạm trú ở xứ sở chúng ta để chuẩn bị cho kỳ thi chứng chỉ sư phạm. 

Trong khi được nhiều người để mắt về hoàn cảnh của mình, chàng trai đã có thể làm việc theo sở trường và kiên trì thực hiện công việc dù nặng nhọc, chỉ sau 7 tháng rưỡi dự bị anh đã xuất sắc vượt qua những kỳ khảo thí ở Avignon.

… Anh Trần Trọng Kim chắc chắn là người đầu tiên trong số những người Á châu được bảo trợ, đã hết sức mau lẹ có được quyền giảng dạy cho trẻ em của các trường sơ học ở cả Pháp và ở cả xứ An Nam. Đây thực là một sự kiện quan trọng và là điều chúng ta phải ghi nhận".

Không lâu sau đó, từ ngày 1-1-1908, một học bổng của Trường Thuộc địa của Pháp, trụ sở tại Paris, đã được trao cho Trần Trọng Kim. 

Nguồn cơn khởi từ việc một du học sinh hưởng học bổng là Đoàn Ky xin được chuyển học sang trường khác bởi trình độ khi ấy không theo kịp bài học ở Trường Thuộc địa. Hồ sơ Trần Trọng Kim đã xét duyệt qua nhiều cấp của hệ thống hành chính Pháp quốc; Toàn quyền Đông Dương đương thời là Paul Beau (1857-1926) đã đích thân gửi thư tới Bộ các Thuộc địa và những nơi liên quan, khẳng định điều kiện độ tuổi, phẩm hạnh, năng lực và điều kiện rất cần trợ giúp của Trần Trọng Kim để bảo đảm học trò này xứng đáng vào Trường Thuộc địa, khối Bản địa. 

Và chàng trai Trần Trọng Kim, đang là sinh viên tự do của Trường Kỹ nghệ và Thương mãi ở Lyon, đang ở trong tình cảnh túng quẫn mọi nguồn sống nhưng không ngừng nỗ lực ngay từ buổi đầu đặt chân tới Pháp, đã trở thành sinh viên của Trường Thuộc địa Pháp những năm 1908-1911.

Ngày 30-11-1911, Trần Trọng Kim khởi hành trình hồi hương, đích về là quê nhà ở Vinh (Trung kỳ), trên tàu biển đi từ Marseille tới Hải Phòng. Chi phí cho chuyến hồi hương này khoảng 670 quan, được trích từ ngân sách của chính quyền Đông Dương và sinh viên được nhận tại Paris trước khi lên tàu.

Rời nước Pháp về lại Đông Dương với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm, Trần Trọng Kim đã kinh qua nhiều công việc như giảng dạy, biên soạn giáo khoa thư, thanh tra giáo dục, quản lý giáo dục trong lãnh vực sư phạm, tham gia Viện Dân biểu ở Bắc kỳ đương thời… cho tới khi hưu trí năm 1943.

Rồi thời thế chảy trôi, nhiệt tâm tráng chí với nước với dân thúc giục bậc học giả vượt lên tuổi tác và không nề hà hoàn cảnh rối ren mà đứng ra đỡ lấy gánh nặng quốc gia trong 6 tháng giữa năm 1945. 

Từ cuối năm 1945 tới trước khi tạ thế năm 1953, Trần Trọng Kim từng trải nhiều nơi, từ trong nước ra hải ngoại rồi lại hồi hương, sau cùng nương thân nơi Đà Lạt. 

Một chiếc rương đựng nhiều di cảo của vị học giả đồng thời là một chứng nhân lớn của lịch sử cũng thiên di, theo những hậu duệ của ông sang tận trời Âu. Để rồi sau hơn 70 năm, dấu niêm phong lại mở.

Hành trình của chiếc rương tài liệu

Từ Sài Gòn, chiếc rương đã đến Pháp trong khoảng thời gian 1954 đến 1970, cũng có thể là khoảng năm 1955-1956 sau khi ông cụ qua đời. Theo dấu lịch sử, hẳn là chiếc rương có lẽ đã vào Pháp từ cửa ngõ Marseille; rồi trải qua một lần đóng gói lại vào năm 1970, điều này được chứng thực bằng bản sao của tờ báo Nice Matin lót dưới đáy rương.

Chiếc rương sau đó đã được chuyển từ Paris đến Tours qua Normandy để kết thúc hành trình tại Lyon. Dấu ấn của các nhãn dán trên rương và lời hồi cố của những người phụ nữ giữ kho báu gia truyền này cho biết thêm nhiều điều. 

Bà Maïe Kitamura, người đã nhận được chiếc rương này bốn năm sau khi bà ngoại mình, tức là bà Trần Thị Diệu Chương, người con gái duy nhất của cụ Trần Trọng Kim tạ thế. Các chị em gái của mẹ bà Maïe Kitamura, tức bà Annick Kitamura, đã trở thành người trông coi chiếc rương, cuối cùng bảo vật đã đến Lyon với Maïe, người chắt gái của cụ Trần Trọng Kim.

Trong chiếc rương ấy có gì? Nhà sử học người Pháp François Guillemot, với sự cho phép của gia đình Kitamura đã tham khảo tất cả các tài liệu trong chiếc rương lịch sử. Niên đại chung của những tài liệu trong ấy trải từ năm 1925 đến năm 1953, năm sử gia Trần Trọng Kim qua đời.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Ảnh 2.

Trang thủ bút bằng Việt văn trong số di cảo trong chiếc rương lịch sử của cụ Trần Trọng Kim

Có ba chủ đề tài liệu trong ấy:

• Văn hóa Việt Nam: nhất là về Phật giáo, vũ trụ luận và những câu chuyện huyền thoại,

• Lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 về vương quốc Đại Nam, phong trào Cần Vương, nhân vật lịch sử Phan Bội Châu…

• Những sự kiện chính trị: thư tín, báo chí, tài liệu chính trị trong những năm 1940-1950.

Chiếc rương cũng chứa nhiều tài liệu cá nhân, hồi ký (1949) và thư tín chia buồn (được người bạn đời của cụ Trần Trọng Kim lưu giữ và tập hợp).

Về hình thức, các tài liệu là bản thảo gốc và bản đánh máy, sổ tay và các ghi chú rải rác; trong ấy có nhiều bản đánh máy là tư liệu chính trị những năm 1945-1953 như Bản Tuyên cáo của nội các năm 1945 bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, Bản Tuyên cáo của Hoàng đế Bảo Đại ngày 17-8-1945 bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, các văn bản về tổ chức chính trị như Đảng cương [của Đại Việt đảng]. 

Chiếc rương cũng chứa đựng Thông cáo báo chí thập niên 1950; nhiều số tạp chí rải rác như Gió Việt ở thập niên 1950, Thế Giới Tự Do năm 1953, Tin tức Phật Giáo năm 1953; Việt Nam Presse ở thập niên 1950, Zân năm 1938. 

Và một số chuyên khảo như Khai Sơn Phá Thạch 1946-1950 của Thượng Huyền Đặng Vũ Hiệp do tác giả gửi tặng; Đời Cách mạng của cụ Phan Bội Châu do DT. Nhất [Đào Trinh Nhất] lược dịch từ Ngục trung thư, Mai Lĩnh xuất bản năm 1938 và gửi tặng. Ngoài ra là nhiều thư từ, một tấm bản đồ nhỏ miền Nam Việt Nam, một cuộn phim hoặc ảnh nhỏ (đánh số 620).

Các bản thảo gốc bằng chữ Việt, tiếng Pháp hoặc chữ Hán cổ là phần quan trọng hơn cả bởi đây là những tác phẩm mà vị học giả viết về Phật giáo, vũ trụ luận hoặc bản dịch có chú giải từ các văn bản mà ông đã sưu tập.

Tài liệu gốc bao gồm những phần chưa được xuất bản, hẳn sẽ trở thành mối quan tâm của giới sử học và các nhà cổ thư tịch học. Hồi ký của ông cụ cũng ở dạng ấn phẩm lần đầu tiên, được in nhiều kỳ, trên tờ nhật báo Chính Luận. 

Một ấn phẩm đăng nhiều kỳ khác trên báo chí liên quan đến tác phẩm Ba Đình của sử gia Phan Trần Chúc, một bản tường thuật lịch sử cuộc kháng chiến Cần Vương, phong trào mà thân phụ của học giả Trần Trọng Kim - cụ Trần Bá Huân (1838-1894) đã tham gia. 

Tài liệu này kèm theo các văn bản lịch sử khác, cùng được bọc trong gói giấy đề dòng chữ "những tài liệu về lịch sử".

Các bản thảo gốc chủ yếu có thể kê ra:

• Đại Nam Quốc Sử diễn ca 大南國史演歌, chữ Nôm, có chú giải, có đánh dấu bút chì của Hoàng Xuân Hãn bên lề (1944),

• Lễ Tần Nguyễn Nhược Thị, Hạnh Thục ca 幸蜀歌, Lệ Thần Trần Trọng Kim phiên dịch và chú thích,

• Lệ Thần Trần Trọng Kim phiên dịch và chú giải, Đường thi 唐詩, 336 bài

• Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Kiến Văn Lục [1949] ;

• Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nhật ký;

• Lệ Thần Trần Trọng Kim, Phật giáo, khảo luận về đạo Phật;

• Lệ Thần Trần Trọng Kim, Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938) ;

• Lệ Thần Trần Trọng Kim, Vũ trụ đại quan 宇宙大覽 (1946);

• Lệ Thần Trần Trọng Kim dịch từ Hán văn, Pháp bảo Đàn kinh 法寶壇經 ;

• Lệ Thần Trần Trọng Kim, Vương Dương Minh 王陽明 và cái học trí lương tri (1934) ;

• Yokoyama, À Saigon, Trần Trọng Kim chú giải.

Như thế, chiếc rương lịch sử chứa đựng khoảng mười văn bản viết tay và văn bản chú giải, hầu hết trong số đó đã được xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975, và một số được tái bản ở Việt Nam sau 1975. Các bản thảo chủ yếu là những bản nháp hoặc bản thảo lần đầu, những di cảo sẽ cần được xác định niên đại chính xác.

Phần lớn các bản thảo này, ngay cả những tác phẩm đã được xuất bản, được bảo quản trong chiếc rương với nguyên vẹn cách trình bày ban đầu của chúng cùng nhiều chú giải. Trải qua chặng dài lịch sử, đến nay, hết thảy tài liệu này đều được bảo quản rất tốt, như thể báu vật luôn luôn chờ tri âm.

Đã có rất nhiều người Việt hòa mình vào sử Việt khởi từ những tác phẩm của ông. Sử gia Nguyễn Thế Anh (1936-2023) từng cho hay: "Tôi vào được sử Việt là nhờ những tháng cuối năm 1945 trường học không còn mở cửa nên thừa thì giờ một mình miệt mài đọc quyển Việt Nam sử lược". 

Không ngẫu nhiên, học giả Trần Trọng Kim là một phần tất yếu trong sử Việt.

Học giả Trần Trọng Kim (1883-1953), quê quán tại xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là nhà giáo, nhà bác học thông thạo cổ học và tây học. Những tác phẩm mà ông chấp bút và phiên dịch chú giải như Nho giáo, Việt Nam sử lược, Đường thi Luân lý giáo khoa thư, Sử ký - Địa dư giáo khoa thư… đã được xuất bản từ đầu thế kỷ 20 và tái bản rất nhiều lần. Trước tác của Trần Trọng Kim trước nay luôn luôn được học giới và độc giả trân trọng. Đầu năm 2025, những người hậu duệ trong gia đình ông (người chắt của Lệ Thần tiên sinh là bà Maïe Kitamura) và nhà nghiên cứu Việt sử François Guillemot đã công bố thêm rất nhiều di cảo của ông, chứa một chiếc rương. Trên gấm thêm hoa, với tài liệu mới được phát lộ, chân dung vị học giả đáng kính trong dòng sử Việt được tái hiện, tiểu sử và di sản học thuật của ông được bổ túc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận