TTCT - Con cá khoai ngoài khó ăn, khó nấu còn có tập tính "không giống ai", nhưng được ngư dân ở biển Tây "chiều chuộng" hết mức để trở thành một món ngon đáng nhớ. Kéo lưới ở hầm cá khoai4h sáng, ông Kim Văn Thẳng (51 tuổi, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đội đèn pin lên đầu ra ghe kiểm tra lưới và dụng cụ. Nồi cơm trắng trên bếp cũng vừa thơm chín tới, vợ ông Thẳng nhấc nguyên cái nồi để vô giỏ cùng vài con cá mặn chiên dầu. Ông Thẳng tay xách giỏ cơm, miệng gọi anh con trai 20 tuổi vẫn còn ngái ngủ dậy, nhắc con đổ thêm mấy chai nước đem xuống ghe. Người vợ đứng ở cửa nhà nhìn theo hai cha con qua đốm ánh sáng đèn pin cho đến khi khuất hẳn sau lùm cây.Kéo lưới cá khoai ở biển Cà Mau. Ảnh: THANH HUYỀNTiếng đề máy xé tan màn đêm tĩnh mịch ở xóm ven cửa biển Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, Phú Tân). Vỏ lãi lướt về phía trước, lúc dềnh lên, khi dập xuống theo con sóng. Tiếng máy ghe lúc nhỏ lúc to: âm thanh gầm rú khi chân vịt nổi lên khỏi mặt nước, trầm trầm lúc chân vịt chìm xuống. Người ngồi trên vỏ phải bám chặt hai tay vào be (thành ghe) để khỏi bị "bay" xuống biển. Trời tối như mực, ông Thẳng nhìn sao để định hướng, thỉnh thoảng quay đầu, cái đèn pin trên trán rọi vô khúc cọc nổi hiếm hoi trên biển để định vị rồi tắt đèn, tiếp tục bẻ lái, vỏ lãi lao về phía trước. "Vỏ lãi nhỏ nên tôi không sắm la bàn, phải nhìn sao trời mà chạy. Chạy riết rồi quen, rồi thuộc từng vị trí có lưới, có đáy, hướng đi khu vực hầm cá khoai và hướng về nhà", ông Thẳng nói.Cha con ông Thẳng vừa kéo lưới vừa gỡ cá. Ảnh: THANH HUYỀNVỏ lãi của ông Thẳng tới hầm cá khoai ngoài khơi biển Gò Công khi trời tờ mờ sáng. Xung quanh, mấy chục ghe biển, vỏ máy đã tập kết trên khu vực biển rộng khoảng 5km2, có ghe đang neo chuẩn bị, có ghe bắt đầu thả lưới.Vỏ lãi của ông Thẳng dài khoảng 5m, chứa khoảng 700 sải lưới (cỡ 1.200m), dạo (độ rộng) lưới khoảng 4,5m, một mép treo cục chì, một mép có phao để lưới căng ra trong nước. Ông rồ máy rồi cho ghe chạy chầm chậm để con trai thả lưới vây đàn cá khoai. Anh con trai bưng phao cảnh báo có buộc một đầu lưới quăng ra xa rồi gỡ dần lưới thả xuống biển theo đà lướt tới của ghe.Thả lưới xong, nắng bắt đầu lên, ông Thẳng tắt máy, thả trôi vỏ, hút điếu thuốc rồi "lùa" lưng chén cơm chan nước ăn với cá mặn. Ăn cơm xong, người con trai tranh thủ chợp mắt, ông Thẳng ngồi ở đầu lái trông chừng lưới và ngó mây, ngó nắng."Nhìn trời xanh vầy chứ ổng kéo mây sầm sập rồi mưa bất tử lắm, phải canh để kịp cuốn lưới nếu có mưa giông lớn. Mình quen biển chỗ này, bình thường thì vẫn an toàn nhưng cũng có khi lưới bị mắc vào san hô, chà cây dưới biển, không nhìn chừng để xử lý là rách lưới, mất vốn như chơi".Nghỉ ngơi khoảng hai giờ, khi nắng trên biển bắt đầu nóng, cha con ông Thẳng kéo lưới. Cha một đầu lưới, con một đầu vừa kéo lưới vừa gỡ cá. Mẻ lưới đầu ngày, cha con ông Thẳng gỡ được gần 20kg cá khoai, xem như vừa đủ "chỉ tiêu" một lần thả lưới. Hôm nào cá nhiều, ông Thẳng chỉ thả một lần lưới rồi về bờ. Mỗi chuyến ra khơi chỉ thả tối đa hai lần lưới.Ông Thẳng giải thích: "Thịt cá khoai phải ăn tươi mới ngon, không để được lâu. Đánh bắt rồi về bán trong ngày mới được giá, nếu ghe về trễ thì phải muối cá lại để sang hôm sau rớt hết nửa giá".Tập tính lạ của cá khoaiMùa cá khoai ở biển Cà Mau bắt từ sau Tết và kết thúc khi vào mùa mưa sòng (cuối tháng 5 âm lịch). Trong thời gian này, mỗi lần đến con nước là cá khoai xuất hiện nhiều ở một khu vực, bạn ghe gọi là hầm cá khoai. Cá khoai tập trung nhiều ở hầm khoảng 5 ngày trong con nước giữa tháng (từ ngày 14 đến 17 âm lịch) và 4 ngày trong con nước cuối tháng (ngày 29 tháng trước đến mùng 2 âm lịch tháng sau).Không ai lý giải được vì sao cá khoai lại tập trung về một khu vực vào mỗi mùa. Lạ nữa là mỗi mùa chỉ tập trung vào những ngày thủy triều lên (gọi là con nước), những ngày còn lại trong tháng, cá "trốn" đi hết nên có thả lưới thì các ghe chỉ thu được một, hai ký cá là nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Vũ, một người đánh lưới cá khoai hơn 20 năm ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, có thể do từ tháng giêng đến tháng 5 là mùa sinh sản nên cá khoai tập trung lại một chỗ để giao phối và đẻ trứng.Khu vực hầm cá khoai thường là nơi giáp hai dòng nước: một từ biển (nước trong) vào và một từ mé bờ đổ ra (nước đục). Có thể nước ở những khu vực này có độ mặn, nhiệt độ thích hợp nên cá tập trung. Cả vùng biển rộng lớn ở Cà Mau chỉ có vài hầm cá khoai, năm nào cá cũng về đúng những khu vực đó tuy số lượng có thay đổi. Biển càng động, cá khoai về hầm càng nhiều. Đáy biển khu vực hầm cá khoai có nhiều rạn san hô để cá trú ẩn, hết mùa thì cá đi chỗ khác, không còn con nào. Người bắt cá khoai hầm chủ yếu bằng lưới lỗ lớn (khoảng 4cm trở lên) nên không tận diệt cá. Đặc biệt, trong mùa cá, các ghe đánh cá khoai tự bảo vệ hầm cá, không cho ghe cào, lưới kéo đánh bắt trong khu vực.Nhờ cách thức vừa đánh vừa dưỡng vậy mà các bạn ghe đánh lưới cá khoai ở huyện Phú Tân năm nào cũng được "trời cho". Mỗi ghe kiếm vài chục triệu mỗi mùa cá.Nhưng nghề đánh cá khoai cũng gặp nhiều rủi ro, tai nạn thường gặp là lưới dính vào san hô dưới đáy biển, không gỡ kịp là rách lưới, sắm lại lưới một lần là hết sạch tiền dành dụm cả mùa. Trời giông gió, biển động thì cá khoai càng nhiều nhưng ghe đánh cá khoai phần lớn là ghe nhỏ, thấy giông gió thì phải chạy vô bờ để tránh bị lật ghe, mất lưới, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. "Một số chủ sắm được ghe lớn, có máy tầm ngư để phát hiện nơi có cá, có rạn san hô để tránh, có máy kéo lưới. Đặc biệt, những lúc biển động, ghe lớn trụ lại được nên trúng cá nhiều hơn" - ông Trần Văn Toán, một bạn ghe của ông Thẳng, kể và mơ ước mình cũng có ghe lớn để ra khơi.Cá khoai ở biển Cà Mau. Ảnh: THANH HUYỀNNgười sành ăn thích ăn cá khoai tươi, cá nhiều thì các vựa sẽ phơi khô. Mùa cá trúng thì vựa mua khoảng 40.000 đồng/kg cá tươi, ngày ít cá thì giá lên khoảng 70.000 đến 100.000 đồng một ký. Khô cá khoai lạ miệng nên được nhiều người tìm mua với giá từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg. ■ Tags: Cá khoaiCà MauVỏ lãiKéo lưới
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) 02/07/2025 1943 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Bà Trương Thị Bích Hạnh làm phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM THẢO LÊ 02/07/2025 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công nhận bà Trương Thị Bích Hạnh, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Nhân sự lãnh đạo 5 tổ chức chính trị - xã hội TP.HCM THẢO LÊ 02/07/2025 Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị công bố các quyết định chuẩn y của Trung ương đối với 5 tổ chức chính trị - xã hội của TP.HCM.
Nghệ An lý giải chuyện mất 4,5 tỉ đồng để chuyển 300m2 đất vườn sang đất ở DOÃN HÒA 02/07/2025 Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An, việc tiếp nhận xử lý hồ sơ xin chuyển đổi 300m2 đất vườn sang đất ở của công dân bị chậm thời gian so với quy định.
'Kiểm tra, xử lý hàng giả rất gian nan, mới đến chợ đã bị theo dõi' NGUYỄN TRÍ 02/07/2025 "Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường rất gian nan. Có những lần chúng tôi đến các chợ, chưa kịp kiểm tra đã bị theo dõi. Ngay từ cổng chợ đã có người bám sát, thông báo qua Zalo, camera khắp nơi".