Bảo hiểm xã hội: Lẩn tránh và hoài nghi

ĐỨC HOÀNG 09/01/2016 21:01 GMT+7

TTCT - Bảo hiểm xã hội là một cuộc giao dịch ba bên: cơ quan bảo hiểm xã hội, chủ sử dụng lao động và người lao động. Và trong ba bên ấy, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên từ chối hợp tác với bên còn lại. Người sử dụng lao động và người lao động đều đang không đứng cùng phe với bảo hiểm.

Chị Nghiên, người mẹ đơn thân, đối mặt nỗi lo “khuyến khích nghỉ việc” -Đỗ Mạnh Cường
Chị Nghiên, người mẹ đơn thân, đối mặt nỗi lo “khuyến khích nghỉ việc” -Đỗ Mạnh Cường

“Được ngày nào hay ngày đấy”

“Khi mức lương của mình dần ổn định thì công ty sẽ tạo áp lực để mình tự nghỉ việc rồi tuyển người mới để đóng bảo hiểm ít hơn” - Tuyền, một nữ công nhân trẻ đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tâm sự. Vợ chồng chị đang sống trong một phòng trọ nhỏ gần nhà máy, lương tháng mỗi người khoảng 4 triệu đồng.

Họ làm lệch ca, chỉ gặp nhau lúc giao ca buổi sáng hay buổi tối, không dám có con vì sợ không nuôi nổi. Vấn đề của Tuyền không phải là những con số phần trăm, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội có tăng hay không, mà là nỗi lo về sinh tồn. “Khuyến khích viết đơn xin nghỉ việc” là khái niệm phổ biến ở Bắc Thăng Long những ngày này.

Công việc của những công nhân lắp ráp đồ điện tử đòi hỏi tay nghề đơn giản, không cần trình độ, quy trình đào tạo ngắn và khá dễ dàng để thay thế. Bài toán của các công ty rất đơn giản: họ sẽ tìm những lao động phải trả lương thấp nhất, tự lách chính quy định tăng lương của mình. “Nếu cứ như thế thì vợ chồng mình cũng không có cách gì, thôi thì được ngày nào hay ngày đấy” - Tuyền nói. Cô vừa nói chuyện vừa ăn một gói mì cho bữa tối một mình.

“Mỗi tháng bọn em phải đóng mấy trăm ngàn đồng tiền bảo hiểm. Mặc dù công ty có trả cho bọn em mấy trăm nhưng em vẫn thấy lớn so với lương của mình” - Thảo, từ Thái Bình, nói. Những công nhân này vốn không thể đặt ra mục tiêu gắn bó lâu dài và ổn định với nhà máy, không thể đặt ra “tầm nhìn chiến lược” về 30 năm sau của đời mình (và đó là lý do họ từng phản ứng quyết liệt trước quy định không cho nhận bảo hiểm một lần).

Họ không nhìn thấy ý nghĩa của việc mất mấy trăm ngàn đồng một tháng, trong bối cảnh phải tiết kiệm từng số điện, canh giờ siêu thị giảm giá để mua từng chục trứng và hoàn toàn không có tiền tiết kiệm cho những mục tiêu trước mắt, đơn giản nhất như về quê ăn tết.

“Hiện tại công ty khuyến khích các bạn làm việc lâu năm viết đơn nghỉ việc, nói là do không có đơn đặt hàng. Nhưng bọn em biết là do với một công nhân làm việc lâu năm thì công ty phải trả số tiền bảo hiểm cao hơn so với người mới. Thậm chí số tiền trả cho một công nhân lâu năm bằng hai công nhân mới” - Thảo kể.

Cô đã lên vị trí quản lý một dây chuyền hơn 30 người, hiện hưởng mức lương thực nhận xấp xỉ 7 triệu đồng và cũng nằm trong đối tượng cần “quy hoạch”. Lương công nhân trong những tháng đầu thử việc rất thấp, trong khi hiệu suất công việc có thể không thua kém nhiều.

Trong những cuộc “lách” bảo hiểm bắt buộc này của doanh nghiệp, người thiệt thòi cuối cùng vẫn là công nhân. Chị Nghiên, một người đang làm việc trong một công ty “khuyến khích nghỉ việc” ở Bắc Thăng Long, nói điều ước cho năm mới của chị là: “Mong muốn được tiếp tục đóng góp cho công ty”.

Cách chị diễn tả nỗi lo mất việc của mình giống một sự khẩn nài. Chỉ một lát cắt từ khu công nghiệp đã nhìn thấy thái độ của các nhà sử dụng lao động trước tỉ lệ đóng bảo hiểm mới. Đó không phải một thực tế mới: riêng con số hơn 90.000 tỉ đồng mà các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội đã nói lên thái độ của họ.

Đó chỉ là một bên của cuộc đối thoại ba bên này. Bên còn lại, những người về lý thuyết “được hưởng lợi” từ hệ thống bảo hiểm, là người lao động, cũng đang mang một thái độ không tích cực. Họ hoài nghi về nỗi lo vỡ quỹ.

Nỗi ám ảnh vỡ quỹ

Nỗi lo vỡ quỹ chưa bao giờ là một vấn đề cũ trên toàn cầu. Ở đất nước có hệ thống tư pháp danh tiếng bậc nhất thế giới là Vương quốc Anh, cho đến thập kỷ trước người ta vẫn phải chứng kiến những vụ kiện tốn giấy mực liên quan đến vỡ quỹ lương hưu.

Đó là khi bốn người lao động bình thường đưa Chính phủ Vương quốc Anh ra tòa án tối cao để đòi số tiền mà họ đáng ra được hưởng khi đến tuổi hưu trí. Ở Anh, các quỹ bảo hiểm không hoàn toàn do nhà nước nắm giữ, mà do các nghiệp đoàn và công ty tư nhân tạo ra.

Nhưng năm 2007, bốn nguyên đơn Henry Bradley, Robin Duncan, Andrew Parr và Thomas Waugh đã kiện chính phủ vì “quản lý kém”, dẫn đến việc các quỹ bảo hiểm phá sản và không còn tiền trả lương hưu cho họ. Bốn nhân vật này đại diện cho hàng chục nghìn người đã mất sạch tiền tiết kiệm cho tuổi già tại Anh trong thập kỷ trước đó, khi các quỹ bảo hiểm phá sản. Chính phủ Anh không chịu trách nhiệm về các cuộc phá sản này.

Thời điểm ấy, khi tường thuật phiên tòa, báo Telegraph trích dẫn lại một quy định của Bộ An sinh xã hội Anh từ năm 1996: “Số tiền tối thiểu trong quỹ phải đảm bảo được việc chi trả cho dù bất kỳ điều gì xảy ra với người sử dụng lao động. Nếu quỹ lương hưu bị phá sản, phải có đủ tài sản để việc chi trả được tiếp tục”.

Nói cách khác, tài sản của quỹ này phải lớn hơn hoặc bằng số tiền nó đang nợ người lao động. Tuy nhiên, thực tế tất nhiên không như vậy: các quỹ bảo hiểm không bao giờ giữ đủ tiền trong két. Có thời điểm ở Mỹ, số tài sản mà các quỹ bảo hiểm nắm giữ, trừ đi số tiền họ sẽ phải chi trả, lên tới 2,5 nghìn tỉ USD.

Luật là thế, tức Chính phủ Anh phải chịu trách nhiệm quản lý các quỹ bảo hiểm làm sao để người lao động không mất trắng khi về già. Chuyện này tưởng rằng rất đỗi hiển nhiên, nhưng có một vấn đề là nhà nước cũng không có tiền. Chính phủ Anh biện bạch rằng nếu chính phủ bồi thường cho các quỹ này, số tiền sẽ lên đến 15 tỉ bảng Anh. Đó là tiền thuế, tất nhiên, và phải được huy động từ các nguồn khác trong ngân sách. Cuộc bồi thường, nếu diễn ra, sẽ vô cùng đau đớn.

Những người đi kiện không chấp nhận. “Hành động vi hiến nhằm tước đoạt đi công lý của hàng ngàn người lao động” - luật sư của họ gay gắt mô tả những nỗ lực của Chính phủ Anh. Tòa tối cao tuyên án: bốn người đi kiện kia đã đúng, chính phủ phải bồi thường. Vụ kiện đình đám này mở đường cho hàng vạn người lao động khác đi đòi lại tiền của họ, mà con số đến nay chưa được thống kê chính thức.

Từ khóa “bảo toàn”

Việt Nam đã có riêng Luật bảo hiểm xã hội - với chữ “bảo toàn” (quỹ bảo hiểm xã hội) được nhắc tới bảy lần trong văn bản này. Đầu tiên là chính sách của Nhà nước với bảo hiểm xã hội ở điều 6, khoản 3: “Bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”.

Nội dung này được nhắc lại sau đó trong điều 23 về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội: “Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội” và điều 84 về việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội: “Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ”.

Quy định về trách nhiệm của Nhà nước ở đây có thể tạm coi là rõ ràng. “Tạm” bởi trong Luật bảo hiểm xã hội không đề cập đến kịch bản xấu nhất là vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Lúc đó trách nhiệm của Nhà nước đến đâu? Cần nhấn mạnh rằng ở điều 6, việc “bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội” được gọi là một “chính sách”, nôm na là một ý nguyện, hoàn toàn có thể không thực hiện được.

Trong khi đó, nội dung của điều 84 về việc đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ dường như đang bị vi phạm với các vụ thất thoát gần đây. Nỗi lo vỡ quỹ, sau những thông tin như vậy, đang hiển hiện trong tâm trí người lao động.

Quay trở lại với vụ kiện ở Vương quốc Anh năm 2007. Mặc dù trách nhiệm quản lý nhà nước đã có, nhưng chính phủ nước này cũng có lý khi nói rằng “nhiều tiền quá không thể bồi thường” - bởi ngân sách rốt cục cũng là tiền thuế, vốn được dự định sử dụng để duy trì các hoạt động khác của xã hội.

Nỗi lo vỡ quỹ có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Ở Mỹ, thậm chí có thể nói rằng đó là chuyện thường xuyên xảy ra. Nỗi lo đặc biệt lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Phim hài Tower Heist (2011) với dàn siêu sao Ben Stiller và Eddie Murphy thậm chí lấy chủ đề vỡ quỹ lương hưu làm đề tài chính.

Trong bộ phim đó, công lý được thực thi bằng việc nhóm nhân vật chính tổ chức... cướp lại tiền của tay giám đốc quỹ. Tuy bối cảnh của Tower Heist không phải là một cuộc vỡ quỹ do đầu tư kém (tay giám đốc quỹ lừa đảo), nhưng Hãng Universal chắc chắn đã tính đến tâm lý khán giả khi chọn đề tài này - khi ấy cả nước Mỹ đang run rẩy với những lời dự báo vỡ quỹ hàng loạt.

Giải pháp nào cho vấn đề này? Nhiều lời kêu gọi về sự minh bạch của quỹ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là về đầu tư đã được đưa ra. Thậm chí là cả việc tham gia của người dân vào quy trình đầu tư này. Sự giám sát và tham gia là tối quan trọng. Nhưng lúc này liệu có cần thêm một biện pháp nào đó từ quản lý nhà nước? Rất nhiều người đang mong chờ được trả lời một cách sòng phẳng: chuyện gì sẽ xảy ra nếu vỡ quỹ?

Nếu không thể giải quyết vấn đề tâm lý của người lao động, không thể kéo lại một bên trong cuộc đối thoại ba bên này, người lao động không có nhu cầu gây sức ép với nhà tuyển dụng về bảo hiểm, thì vấn đề bảo hiểm sẽ còn tiếp tục rơi vào bế tắc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận