Chiến tranh Ukraine: Tôn giáo nhập thế

TƯỜNG ANH 19/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Theo báo Anh The Guardian, nhà thờ Chính thống giáo Nga St. Nicholas of Myra ở Amsterdam đã tuyên bố ly khai với Tòa thượng phụ Matxcơva, trường hợp đầu tiên một nhà thờ Chính thống giáo phương Tây cắt đứt quan hệ với Tòa thượng phụ Matxcơva vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trên trang web của mình, các linh mục Amsterdam tuyên bố họ “không còn có thể hoạt động trong thành phần Tòa thượng phụ Matxcơva và mang tới môi trường an toàn về mặt tinh thần cho các tín hữu”, dù “quyết định này là vô cùng đau đớn và khó khăn cho tất cả những người có liên quan”. 

Tuyên bố cho biết giáo xứ Chính thống giáo Nga của nhà thờ Saint Nicholas of Myra đã yêu cầu tổng giám mục người Nga của giáo phận Hà Lan, trụ sở tại The Hague, cho nhà thờ “bãi nhiệm theo luật”. 

 
 Thượng phụ Kirill và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Wikimedia

Các linh mục của giáo xứ cho biết họ đã yêu cầu Đức thượng phụ Bartolomaios, giáo chủ Chính thống Constantinople, người đứng đầu các thượng phụ Chính thống giáo, cho họ gia nhập Tòa thượng phụ Đại kết Constantinople.

“Sự tha thứ không có công lý là mềm yếu và đầu hàng”

Nhà thờ St. Nicholas of Myra bao gồm 4 linh mục và 3 phó tế - một trong những giáo đoàn Chính thống giáo Nga lớn nhất Hà Lan - đã chỉ trích vai trò của Matxcơva. 

Trên trang Facebook của Hội đồng giáo xứ St. Nicolas ở Amsterdam, các giáo sĩ cho biết họ sẽ không nhắc đến tên Thượng phụ Kirill trong nghi lễ “vì sự ủng hộ của ông cho cuộc chiến Ukraine” và “chúng tôi tách mình khỏi cách diễn giải của Đức thượng phụ Kirill”.

Vẫn theo The Guardian, hơn 280 linh mục Chính thống giáo Nga và các giới chức nhà thờ từ khắp nơi trên thế giới đã ký một thư ngỏ phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trước đó, trong một bài giảng vào ngày 6-3, Đức thượng phụ Matxcơva và toàn Nga Kirill đã nói “sự tha thứ không có công lý sẽ là mềm yếu và đầu hàng”, và cho rằng tám năm qua đã có những mưu toan hủy diệt Donbass.

Trong bài giảng thứ hai vào ngày 9-3, Đức thượng phụ Kirill lại tuyên bố “nước Nga đã đúng khi đối đầu với Chính phủ Ukraine và nền văn minh phương Tây”. Những lập luận này của ông đã được phương Tây diễn giải là “sự ủng hộ của Thượng phụ Kirill cho cuộc xâm lược của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin”.

Giáo hội Chính thống giáo Ukraine nói gì?

Các Kitô hữu phương Tây và Ukraine không đồng ý với cách giải thích của Thượng phụ Kirill. 

Theo báo Độc Lập (Nga), Đại học Công giáo Fribourg ở Thụy Sĩ đã tước chức danh giáo sư của Tổng giám mục Hilarion (Alfeev), vì theo ban giám hiệu Đại học này, người đứng đầu ban quan hệ đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga đã “im lặng về các sự kiện ở Ukraine”. 

Cùng lúc, trường đại học gọi góc nhìn của Thượng phụ Kirill là “đáng công phẫn từ quan điểm thần học”.

Cơ đốc giáo Chính thống đã có một lịch sử đầy biến động ở Ukraine. Trong 41 triệu dân Ukraine hiện nay có khoảng 60% theo Chính thống giáo. 

Trước đây, phần lớn các tín hữu này thuộc Chính thống giáo Nga - Tòa thượng phụ Matxcơva, nhưng từ khi Ukraine độc lập năm 1991, đã có nỗ lực thành lập Chính thống giáo Ukraine độc lập.

Năm 2018, tổng thống Ukraine khi đó Petro Poroshenko đích thân đến Istanbul thỉnh cầu Thượng phụ Bartolomaios công nhận độc lập của Chính thống giáo Ukraine. 

Ngày 6-1-2019, Thượng phụ Bartolomaios đã đáp ứng yêu cầu này và trao sắc lệnh nhìn nhận độc lập của Chính thống giáo Ukraine. Chính thống giáo Nga liền tuyên bố cắt đứt hiệp thông với Chính thống giáo Constantinople và coi đây là “ly giáo”.

Như vậy, hiện Ukraine có hai giáo hội Chính thống giáo. 

Một là Giáo hội Chính thống giáo tự lập của Ukraine, do giám mục đô thành (là chức vụ cao nhất của một giáo hội Chính thống giáo tự trị) Epiphanius lãnh đạo, có gần 50% tín hữu. 

Hai là Giáo hội Chính thống Ukraine - Tòa thượng phụ Matxcơva, vốn phản đối việc thành lập Giáo hội Chính thống giáo độc lập, có khoảng 58% tín đồ, do giám mục Onuphre dẫn dắt.

Theo Vatican News, trả lời phỏng vấn Đài Đức DW, chuyên gia lịch sử, tôn giáo Đông Nam Âu Thomas Bremer nói hai giáo hội Chính thống giáo ở Ukraine đã gọi chiến dịch quân sự là “chiến tranh” và lên án cuộc chiến một cách dứt khoát. 

Bremer lưu ý: “Thượng hội đồng của Giáo hội Chính thống Ukraine thậm chí còn kêu gọi Đức thượng phụ Kirill sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động đến Putin và vận động vì hòa bình. Nhưng điều đó đã không được đề cập ở Nga”.

Về phần mình, ngày 16-3, Thượng phụ Kirill đã tổ chức hai hội nghị truyền hình. Ông liên lạc với Tổng giám mục Canterbury (Anh giáo) Justin Welby, và “một cuộc thảo luận chi tiết về tình hình nguy cấp ở Ukraine đã diễn ra”. 

Giáo trưởng Kirill “đặc biệt lưu ý rằng mọi người nên có quyền tự do tuyên xưng đức tin và nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ mà không bị đàn áp chính trị”. 

Tổng giám mục Welby thì “nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt bạo lực ở Ukraine” và “chúng ta phải tìm cách sống như những láng giềng ở châu Âu mà không gây hấn và mang nỗi đau cho nhân loại, vốn đã là một phần quá nổi bật trong cuộc sống và lịch sử của chúng ta”.

Cuộc trò chuyện thứ hai của Thượng phụ Kirill là với Đức giáo hoàng Francis. Vatican News trích lời giám đốc phòng báo chí của Tòa thánh thông báo “cuộc trò chuyện tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, vai trò của các Kitô hữu hướng tới thiết lập hòa bình”. 

Cổng thông tin trích dẫn lời Đức giáo hoàng: “Ngày xửa ngày xưa, ngay cả trong các Giáo hội của chúng ta, người ta vẫn nói về một cuộc chiến thần thánh hay chính nghĩa. Ngày nay chúng ta không thể nói như thế; sự hiểu biết của Kitô giáo về tầm quan trọng của hòa bình đã phát triển rồi”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận