Chủ nghĩa khắc kỷ trong thời dịch bệnh

CAMERON SHINGLETON 28/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Chủ nghĩa khắc kỷ là một trào lưu triết học khởi đầu ở Hy Lạp cổ đại, với nhiều thành viên nổi tiếng, bao gồm một hoàng đế La Mã và nhiều nhân vật Âu - Mỹ lẫy lừng. Những năm gần đây, trào lưu triết học này nổi lên ở Việt Nam, với một số bản dịch các sách kinh điển và các diễn đàn mạng tranh luận về nó.

Không hề trùng hợp khi chủ nghĩa khắc kỷ đã nhận được sự chú ý đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam, trong đại dịch COVID-19 này. 

Lý do thật đơn giản: Nó xoay quanh một ý tưởng duy nhất làm ta ấm lòng trong thời buổi khó khăn này: làm sao để duy trì sự tự kiểm soát trong một cuộc khủng hoảng. 

Trong bài này, tôi sẽ cố gắng giải thích điều đó qua bốn ý niệm cơ bản của những người khắc kỷ. 

Ảnh: Swaddle.com

 

1. Sự bàng quan

Có lẽ khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa khắc kỷ là “sự bàng quan”, ý tưởng cho rằng nếu muốn sống một đời tốt lành thì ta phải phân biệt rõ ràng những thứ ta kiểm soát được và không được. 

Với những gì không kiểm soát được, theo những người khắc kỷ, thì ta phải xây dựng cho mình một thái độ bàng quan với chúng.

Về cơ bản, người khắc kỷ chia tất cả mọi chuyện trên đời thành hai thứ: những thứ ta nên hoàn toàn thờ ơ với chúng vì không kiểm soát được, và rất ít những điều còn lại phụ thuộc vào ta. 

Qua sự phân loại đó, người khắc kỷ xây dựng nên một tri kiến cơ bản: Hầu hết những đau khổ của con người có nguồn gốc từ việc họ vui thích, hay buồn rầu, vì những sự kiện, con người, hay hoàn cảnh không hề phụ thuộc vào họ - những điều họ không thể kiểm soát.

Những thứ cần nhìn nhận thờ ơ, theo người khắc kỷ, lại chia làm hai hạng mục. Thứ nhất là những gì “tự nhiên”, như thời tiết, dù tốt hay xấu, như thực tế là ai rồi cũng phải già đi, phải chết. 

Hạng mục thứ hai, ta có thể gọi là “những tiến trình xã hội”, những gì người khác nghĩ về ta, chuyến xe buýt ta cần bắt để đi làm chạy không đúng giờ, các sếp ở chỗ làm thì thật kém cỏi, cho tới tình hình địa chính trị và trật tự kinh tế toàn cầu mà ta đang sống.

Với cả hai tiến trình tự nhiên và xã hội đó, người khắc kỷ nỗ lực tối đa để không bị chúng làm phiền. Họ muốn chấm dứt mọi phán xét bị cảm xúc tô màu về chúng, để nhờ thế có thể trở thành một con người tự do xét theo nhiều nghĩa.

Thật dễ ứng dụng quan điểm này vào tình hình hiện tại. COVID-19 và những khổ sở nó gây ra khiến gần như tất cả mọi người không tránh khỏi cảm giác bực dọc, lo lắng và thất vọng. 

Điều này hoàn toàn hiểu được nhưng bực dọc, lo lắng và thất vọng chẳng ích gì.

Cách phản ứng cơ bản của người khắc kỷ là tự nhắc nhở rằng những “biến cố vĩ mô” của đại dịch, tức nguồn gốc dẫn tới sự bực dọc, là hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của ta và do đó ta phải “gạt cảm xúc qua một bên”. 

Việc dịch bệnh bùng phát và những biến thể của nó, như Delta, có thể xếp vào loại “các tiến trình tự nhiên”. Rồi tiếp nối là “các tiến trình xã hội” để hạn chế sự phát tán của con virus. 

Tiếc nuối những cơ hội hay thu nhập mà ta mất vì dịch bệnh là vô nghĩa, bực tức với các biện pháp giãn cách và sự chán chường vì chôn chân ở nhà cũng chẳng thể thay đổi được gì, chúng đều là những biến cố vĩ mô ngoài tầm kiểm soát của cá nhân ta.

2. Tự nhiên

Một khái niệm thứ hai sâu xa hơn của triết học khắc kỷ là tự nhiên, hay “tự nhiên như một toàn thể”.

Zeno xứ Citium, triết gia Hy Lạp cổ đại được coi là cha đẻ của chủ nghĩa khắc kỷ. Ảnh: Etsy

Trường phái khắc kỷ hình thành với triết gia Zeno vào thế kỷ 3 trước Công nguyên ở Athens và phát triển lý thuyết về tự nhiên sau đó. Họ coi tự nhiên là “có trật tự”, tức bao gồm nhiều phần tương liên ăn khớp với nhau thành một tổng thể hài hòa. 

Quan điểm này có hơi khác quan niệm hiện đại về tự nhiên, vốn cho rằng các sự kiện có thể diễn tiến theo những quy luật tự nhiên, nhưng không nhất thiết là một tổng thể hài hòa theo quan niệm Hy Lạp nữa. 

Tự nhiên của những người khắc kỷ cũng rất khác với quan điểm hiện đại coi con người là một “sinh vật về cơ bản là duy lý”. Những người khắc kỷ thật sự tin rằng chỉ bằng nhận thức và tư nghiệm con người thực sự có thể đạt được những tri kiến về thực tại.

Đó là tiền đề cho bài học thực sự những người khắc kỷ muốn nêu ra: Để sống một cuộc đời tương đối hạnh phúc, không bị lung lạc bởi những phản ứng có tính cảm xúc về thế giới quanh ta, ta phải luôn nhắc nhở mình về hiện trạng tự nhiên của chính ta, rằng ta chỉ là một phần nhỏ bé và phù du của tự nhiên như một toàn thể. 

Quan trọng hơn hết, ta cần ghi nhớ: Những quy luật của tự nhiên cũng chi phối ta, và ta là một phần của các thành tố tương liên trong tổng thể đó, một thực tế có thể bị cảm xúc của ta che mờ, hoặc khiến ta chối bỏ.

Một lần nữa, thông điệp của chủ nghĩa khắc kỷ cho thời COVID-19 thật rõ ràng: Chúng ta là một phần không thể tách rời của đại dịch này. 

Vì thế, ta không thể tự cô lập hoàn toàn khỏi những tiến trình vi sinh của con virus, cũng như không thể mù quáng tìm cách loại trừ mình khỏi những tiến trình xã hội hòng kiểm soát dịch bệnh. 

Cũng vì thế, hành động cá nhân có thể tác động, đôi khi là gây ra thảm họa, trong một tổng thể tương liên. 

Điều tôi, với tư cách một cá nhân, coi là hành vi đơn lẻ và chính đáng (tới thăm bạn bè, hay đi mua một thứ mình muốn), từ quan điểm toàn thể của người khắc kỷ, trở thành những hành động mà xét về bản chất là có tính xã hội.

Hay chúng ta thậm chí có thể nhìn nhận đại dịch từ quan điểm toàn thể lớn hơn nữa, điều nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch sẽ qua, rằng những đại dịch từng diễn ra trong lịch sử nhân loại và từng tàn khốc hơn rất nhiều, khi chưa có những vũ khí của y khoa hiện đại. 

Cũng từ quan điểm tự nhiên rộng lớn, COVID-19 mang tới không ít điều tích cực: thế giới tự nhiên ít chịu tác động tàn phá của con người hơn, phần nào đã hồi sinh, các thành phố đỡ ô nhiễm hơn, công nghệ y khoa có những bước tiến vượt bậc, đó là chưa kể hy vọng nhiều người đã tìm thấy sự kiên cường nội tâm, điều mà nếu không có đại dịch, họ không bao giờ biết đến.

3. Bổn phận

Với những người khắc kỷ, đạo đức xuất phát từ bổn phận xã hội của mỗi người. Ở đây ta có thể nói chủ nghĩa khắc kỷ đã rẽ vào một lối bất ngờ. 

Eugène Delacroix, Những lời trăng trối của Hoàng đế Marcus Aurelius, sơn dầu trên vải toan, 1844.

Một trường phái triết học có vẻ muốn chúng ta thờ ơ và xa cách với thế giới xung quanh hóa ra lại thúc đẩy hành động xã hội có tổ chức, vì người khắc kỷ coi xã hội là một phần của tự nhiên.

Theo những người khắc kỷ, là người duy lý chúng ta phải hành động để bảo toàn cho bản thân. Vì thế cũng là duy lý khi thừa nhận những người khác phụ thuộc vào ta và ta phụ thuộc vào họ trong xã hội nói chung. 

Bổn phận của một người khắc kỷ, do đó, là những nỗ lực thu vén lợi ích cho mình thông qua cam kết với người khác, bao gồm gia đình, những người ta sống và làm việc cùng, và cộng đồng nói chung. 

Chủ nghĩa khắc kỷ đặc biệt nhấn mạnh vào bổn phận của những vai trò xã hội của mỗi người. 

Và giống như những điều khác trong thế giới khắc kỷ, một bổn phận như thế phải đi kèm với hành động mà lý tưởng là không chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc, sự sợ hãi hay lo lắng, mà chỉ bởi một cảm nhận nghiêm ngặt về lẽ công bằng và sự tỉnh táo khắt khe trên cơ sở dữ kiện.

Trong một đại dịch, bổn phận của một người khắc kỷ là tập trung hoàn toàn vào những gì người đó kiểm soát được và trách nhiệm từ vai trò xã hội của anh ta. 

Với những người làm cha mẹ là tổ chức việc học ở nhà hay giải thích về dịch bệnh cho con cái. Với các y bác sĩ là làm việc quả cảm đến kiệt sức trong cuộc chiến chống dịch. 

Với những người làm chính sách là lắng nghe và tuân theo lời khuyên của các chuyên gia, bởi chắc chắn việc đối phó đại dịch không thể chỉ dựa vào “quyết tâm chính trị” hay mệnh lệnh hành chính.

Tương tự, trong đại dịch, người khắc kỷ không đồng ý với việc những người quản trị nhà nước lại ưu tiên cho cá nhân, gia đình hay các mối quen biết của mình. 

Họ cần hành xử với sự bàng quan về cảm xúc, tức làm điều được cho là tốt nhất cho cộng đồng. (Điểm này lý thú ở chỗ chủ nghĩa khắc kỷ lần đầu trở thành một phong trào xã hội rộng khắp là vào đầu thời đế quốc La Mã, khi giới quan liêu của nó cần những nguyên lý rõ ràng để cai trị một vùng lãnh thổ mênh mông).

4. Thực hành khắc kỷ

Cuối cùng, chúng ta nói tới việc thực hành khắc kỷ, bởi những người khắc kỷ tự nhận họ về cơ bản là một trường phái triết học thực hành - một lối sống hơn là một kiểu tư nghiệm. 

 
 Jean-Léon Gérôme, Diogenes ngồi trong lu, sơn dầu trên vải toan, 1860. Ảnh: dailystoic.com

Cụ thể, ta có thể cần nêu những câu hỏi: Ta cần nhìn nhận thế giới từ quan điểm tự nhiên toàn thể ra sao? Bằng cách nào chúng ta dịch chuyển, theo lời của chính Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius - tông đồ số 1 của trường phái khắc kỷ - từ quan điểm một con người mắc kẹt trong “những lộn xộn của thế gian” sang quan điểm của cái toàn thể?

Câu trả lời là thực hành mỗi ngày. Tựa đề tác phẩm nổi tiếng của Marcus về chủ nghĩa khắc kỷ, tiếng Latin là “Meditationes”, được dịch sang tiếng Việt là “Suy tưởng”. 

Tuy nhiên, văn bản kinh điển này không phải là phác thảo một hệ thống triết học hay một sự tìm tòi chân lý, mà chỉ là một loạt những ghi chú cá nhân của tác giả, để nhắc nhở ông cách sống một đời khắc kỷ.

Ta có thể gọi đó là một dạng nhật ký ghi lại “những bài thực hành”, trong đó Marcus nghiền ngẫm những suy tưởng, ham muốn và phản ứng cảm xúc của ông, đôi khi là mỗi ngày. 

“Sự thật trần trụi về những gì diễn ra với tôi hôm nay là gì?”. “Phản ứng của tôi ra sao, và những phản ứng nào mới là với những gì ĐÃ THỰC SỰ XẢY RA?”. 

“Những phản ứng đó có bị cảm xúc vô nghĩa của tôi tác động?”, và nói chung hơn “Bằng cách nào tôi có thể phản ứng lại những biến cố hỗn loạn của thế giới quanh tôi mà vẫn giữ được phẩm giá và sự ổn định tâm lý bằng cách gạt bỏ những diễn giải có tính cảm xúc, để lùi ra khỏi những cảm xúc đó và chỉ phản ứng dựa trên dữ kiện?”.

Qua cuốn sách, vị hoàng đế La Mã không chỉ nêu những câu hỏi đấy cho bản thân ông, mà cho cả chính chúng ta. Đó là một cuốn rất hợp cho thời dịch bệnh này.■

HẢI MINH (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận