Chuyện 3 cái “mang” thời takeaway

LÊ MY 27/03/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Đồ ăn mang đi, nhưng cũng là mang rác về nhà. Nên chăng cần mang cặp lồng cơm của một thời trở lại?

 
 Bộ sưu tập của Tom Sietsema sau ba tuần đặt đồ ăn mang đi. Ảnh: The Washington Post

3 tháng đầu năm 2020, khi SARS-CoV-2 vẫn chưa trở thành nỗi kinh hoàng của cả thế giới, nhà phê bình ẩm thực Mỹ Tom Sietsema đếm chưa hết một bàn tay số lần mình đặt thức ăn mang đi hay giao tận nhà. Và rồi COVID-19 lan sang nước Mỹ, và những ngày phong tỏa bắt đầu.

“Trong 3 tuần mùa hè, tôi đã giữ lại từng mẩu bao bì của đống thức ăn... Lượng giấy, nhựa, nhôm... tràn qua cửa nhà tôi từ khoảng 30 đơn hàng khiến tôi choáng váng và chán nản. Tôi đã tích lũy đủ núi rác thải để lấp đầy hai thùng tái chế - thể tích gần 380 lít, chưa kể đến một bể cảm giác tội lỗi. Hỡi người dân Mỹ, vấn đề của tôi là vấn đề của chúng ta” - Tom Sietsema viết bài kêu ca trên The Washington Post vào tháng 9-2020.

Mang núi rác vào nhà: dễ

Năm 2016, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật cấm dụng cụ ăn bằng nhựa. Từ Anh, Đức, Úc, đến Trung Quốc và Ấn Độ... ngày càng nhiều quốc gia đang và sẽ triển khai các kế hoạch cấm nhựa dùng một lần, thế rồi tiến trình ấy bị gián đoạn bởi COVID-19. Tệ hơn, giới vận động hành lang chống các lệnh cấm, hạn chế đồ nhựa nhân dịp này tích cực khuếch trương thông tin dùng đồ nhựa một lần an toàn hơn các vật liệu sử dụng được nhiều lần, dù nhiều nghiên cứu đã phản bác điều đó.

Hệ quả là, khi chuyện mang cốc đến quán cà phê, xách túi vải, túi nhựa dùng nhiều lần đi mua hằng ngày càng trở nên quen thuộc, thì từ khi có dịch, hàng quán bắt đầu ngưng chính sách để khách tự dùng đồ đựng do họ mang tới, thay hết bằng đồ nhựa dùng một lần, với lý do tránh lây lan virus. Những tiến triển trong công cuộc giảm rác thải nhựa giờ phải ngưng, chí ít là tạm thời: New York hoãn lệnh cấm túi nilông, và ít nhất 8 bang khác ở Mỹ gỡ lệnh cấm đã ban hành trước đó, cũng như ngưng thu thuế túi nilông.

Khi không còn được ngồi ăn ở hàng ở quán, ta phải gọi thức ăn về nhà hoặc nấu ăn. Nhưng vì rất ít người trong chúng ta được trang bị hoặc đủ thích thú để tự nấu ăn ba bữa một ngày, trong khi đồ ăn thức uống mang đi cùng với dịch vụ giao hàng đã đảm đương nhiệm vụ giải cứu trên quy mô lớn, tội tình gì mà không... order?

Đáng bận tâm nhất trong sự bùng nổ của thức ăn takeaway (mang đi) là đồ nhựa sử dụng một lần có thể trở thành đồ nhựa... không sử dụng lần nào: dao, nĩa, muỗng, đũa nhựa. Chúng được sinh ra, vận chuyển đi đó đi đây, rồi vào thẳng thùng rác - không qua sử dụng.

“Đống ly cốc từ món cà phê ủ lạnh và những chiếc hộp đựng sushi hay burrito từng bị vứt bỏ ở văn phòng và bị lãng quên - giờ đây là trách nhiệm của chúng ta, ngay trước mắt và của riêng ta. Vấn đề này đang gõ cửa nhà chúng ta theo đúng nghĩa đen. Chúng ta phải đáp lại nó” - Tom Sietsema viết.

 
 Minh họa: Pushart

Mang đi tái chế: khó

Đối với nhiều người, chủ nghĩa môi trường bắt đầu với biểu tượng 3 mũi tên tái chế và kết thúc ở thùng tái chế. Hành động đơn giản là vứt một thứ gì đó vào đúng nơi cũng đủ khiến một số người trong chúng ta cảm thấy đã xong trách nhiệm. Thế nhưng, khi nói đến tái chế và khả năng tái chế, ngay cả một thứ tưởng chừng đơn giản như chiếc muỗng nhựa dính nước xốt cũng có thể đặt ra một câu hỏi hóc búa.

Ở Đức, tính riêng năm 2017, từ 40-60% rác thải nhựa được người tiêu dùng phân loại sai, theo Hiệp hội Nguyên liệu thứ cấp liên bang của nước này. Chưa kể, bởi vì nhựa không được phân loại theo màu sắc, nếu các màu khác nhau được trộn lẫn với nhau thì vật liệu tái chế sẽ không thể được sử dụng cho bao bì sáng màu, đi ngược lại với điều mà nhiều nhà sản xuất mong muốn.

Theo một khảo sát năm 2018 của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng VZBV của Đức, hầu hết người tiêu dùng mong muốn việc tái chế nhựa nhiều hơn, đặc biệt là khi nói đến các loại bao bì thực phẩm. Mặc dù một số loại bao bì được quảng cáo là “làm từ vật liệu tái chế”, đại diện VZBV Elke Salzmann nói với Đài DW rằng thông tin đó có thể gây hiểu lầm, vì “nó không cho biết vật liệu tái chế chiếm bao nhiêu trong sản phẩm”.

Trong số bảy loại nhựa chính tạo nên các sản phẩm xung quanh ta, có đến năm loại không hấp dẫn cơ sở tái chế, tức là quá trình tái chế chúng sẽ quá đắt và phức tạp, trong khi thành phẩm lại có chất lượng thấp hơn so với nhựa nguyên sinh.

Trong đó, loại nhựa số 6 - Polystyrene, với đặc điểm nhẹ, cấu trúc yếu, là vật liệu của các loại đĩa, tô, hộp, ly và muỗng nĩa dùng 1 lần... thuộc nhóm “đội sổ” khi xếp hạng khả năng tái chế. Phải nói thêm, các ký hiệu từ 1 đến 7 tuy ám chỉ khả năng tái chế của sản phẩm, nhưng thực tế ra sao còn phải phụ thuộc vào địa phương.

Quay lại chiếc muỗng bẩn bên trên, vấn đề nằm ở chỗ không thể tái chế vật liệu nhựa khi chúng còn bám thức ăn. Trang National Geographic đưa ra lời khuyên: ngâm và rửa sạch đống rác nhựa của bạn trước khi bỏ vào thùng phân loại, để ban cho chúng cơ hội được lựa chọn để tái chế...

 
 Một dabbawala ở Ấn Độ. Ảnh: The Economic Times

Mang hộp cơm trở lại: nên

Phần đông người Mỹ chỉ có thể thở dài trước đống rác thải và... sống tiếp, nhưng Adam Farbiarz - một thực khách New York điển hình - đã tìm thấy giải pháp. Vào cuối năm 2019, Farbiarz thành lập DeliverZero - một nền tảng trực tuyến kết nối khách hàng với các nhà hàng bán đồ mang đi đựng trong loại hộp có thể tái sử dụng. Ở lần đặt đồ ăn tiếp theo, khách sẽ gửi hộp cũ cho nhân viên mang về, và cứ thế. Mạng lưới bắt đầu với năm nhà hàng quanh nơi ở của Farbiarz. Một năm sau, có 120 nhà hàng trên khắp thành phố New York đang chờ được gia nhập.

Ý tưởng thu hồi hộp thức ăn tái sử dụng cho người nấu vốn chẳng mới, nhưng đã bị nền công nghiệp “xong là vứt” làm lu mờ bấy lâu nay. Ở thành phố Mumbai (Ấn Độ), dabbawala (nghĩa là “người mang theo một chiếc hộp”) là hệ thống giao hàng đơn giản mà hiệu quả trong hơn 125 năm qua.

Trong trang phục kurta truyền thống màu trắng, các dabbawala nhận cơm tại nhà hàng hay nhà riêng của khách hàng, sau đó đánh dấu từng cặp lồng cơm bằng một tổ hợp số, chữ cái và màu sắc riêng biệt, chứa thông tin nơi nhận và giao. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn bữa trưa sẽ được đưa vào nội ô bằng tàu hỏa, tiếp đến là bằng xe đạp hoặc đôi chân của dabbawala để đến tay từng khách hàng, kết thúc bằng hành trình ngược lại để quay về nơi xuất phát.

Các công ty khởi nghiệp Hoa Kỳ đang muốn bắt chước “hệ thống tuần hoàn” đó, điều chỉnh và mở rộng quy mô cho thời đại Internet. GO Box ở thành phố Portland được thành lập cách đây khoảng 10 năm nhằm giải quyết vấn đề rác thải địa phương. Kể từ đó, mạng lưới đã mở rộng đến 100 nhà hàng, xe bán đồ ăn và nhà bán lẻ. Khách hàng trả một khoản phí thường niên để sử dụng một hoặc nhiều hộp đựng thực phẩm của GO Box, sau đó trả chúng lại các điểm thu hồi cố định cho việc làm sạch và tái sử dụng.

Trên tất cả, bất kể đang sống ở đâu, chúng ta luôn có thể cắt giảm rác thải từ thực phẩm mang đi, bằng việc từ chối những thứ không thật sự cần thiết. Bạn có cần khăn ướt, muỗng nĩa và túi gia vị cho bữa trưa vừa đặt qua app không?■

Để dọn sạch “ngăn kéo tội lỗi”

“Ngăn kéo tội lỗi” (Drawer of shame) là chữ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) dùng để gọi “kho tàng” mà có lẽ nhà ai cũng có, nơi ta cất những muỗng, nĩa, ống hút, gói tương ớt hay xốt cà nhận được từ những lần gọi đồ ăn về nhà mà “tiếc”, không nỡ vứt đi. Riêng ở Mỹ, ước tính có 40 tỉ tấn đồ nhựa dùng một lần được tống vào các “ngăn tủ” như thế mỗi năm.

 
 Ảnh: WEF

WEF dẫn lời nhà kinh tế học hành vi Richard Thaler cho biết các nhà hàng chỉ cần làm một hành động nhỏ - hỏi một câu không mang tính cưỡng chế “Quý khách có cần đồ nhựa đi kèm không” khi họ đặt hàng - là đã có thể khuyến khích người dùng tự cắt giảm lượng đồ nhựa dùng một lần. Điều này sẽ giúp khách hàng dừng lại và “nhớ” ra họ không cần chỗ đồ nhựa đó, vì dẫu sao họ cũng ăn ở nhà - nơi có đủ dụng cụ ăn uống.

Việc thay đổi để “kèm muỗng nĩa” không còn là mặc định sẽ giúp nhà hàng tiết kiệm tiền và giảm phát sinh rác thải. Các ứng dụng đặt đồ ăn vốn đang bùng nổ trong đại dịch dĩ nhiên cũng có thể áp dụng cách này.

Thực tế nhiều app đã có nút để người dùng tùy chọn có/không lấy dụng cụ ăn kèm. Thay đổi không hề nhỏ: giả sử một nửa trong số 23,9 triệu người dùng Grubhub bấm tùy chọn “không lấy dụng cụ ăn uống” dù chỉ một lần, sẽ tránh được việc 12 triệu bộ muỗng nĩa bị vứt ra môi trường.

YÊN LAM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận