TTCT - Họ không hẳn là những “điển hình tiên tiến” của ngành y theo thang bậc thi đua thông thường, ít được nói đến và hành nghề trong điều kiện tối thiểu. Nhưng những trải nghiệm trong chuyện đời, chuyện nghề của họ đều đọng lại ở một chữ tâm giản dị, nhất là với những người bệnh nghèo có khi cả đời chưa hề đi quá làng bản của mình. Phóng to Bác sĩ Trường khám bệnh cho bà con xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: Thanh Hà Tình nguyện về Cần Giờ công tác, 12 năm đã nhuộm nước da người bác sĩ quê gốc thành phố ấy một màu ngăm ngăm y hệt những người dân miệt biển sống cùng anh. Thấy tôi loay hoay định chụp cảnh anh khám bệnh, phó trạm y tế xã đảo Luân Thành Trường cười hiền: “Chị cứ thong thả, trạm y tế của em coi vậy mà không ế bệnh nhân đâu”. Cả bà Đặng Thị Gái và ông Đặng Văn Mi - hai bệnh nhân nằm điều trị tại trạm xá - đều nói với tôi: “Bác sĩ Trường mau lẹ, giỏi giang và tốt lắm. Bệnh nhân không đi được, điện thoại là bác sĩ tới khám liền. Cô bác ở đảo thương ổng lắm...”. Xã đảo Thạnh An chỉ có 1.150 hộ gia đình với 4.510 nhân khẩu, nhưng trong buổi sáng đó đã có cả chục người chờ khám bệnh. Bác sĩ Trường khám cho một bệnh nhi bị sốt, thấy cháu bé đi chân không, hai bàn tay nhem nhuốc đất cát, anh nhắc người mẹ chú ý rửa chân tay sạch cho bé rồi cẩn thận cầm đen pin soi kỹ lòng bàn tay, bàn chân của bé xem có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng không. Ngay sau đó, anh khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn Khúc, 67 tuổi. Trong lúc đợi lấy thuốc, ông Khúc quay qua tôi nhắc đi nhắc lại: “Bác sĩ Trường và mấy cô chú ở trạm y tế này tốt lắm. Bà con bị bệnh gì bác sĩ cũng lo lắng, chăm sóc nhiệt tình. Ai bệnh nặng, ổng trực tiếp đưa bệnh nhân qua biển, sang bệnh viện huyện cấp cứu”. Sáu lần thi vào trường y Là anh cả trong gia đình có sáu anh chị em, cha làm thợ bọc nệm ghế còn mẹ làm thợ uốn tóc, từ nhỏ Trường đã quen với cuộc sống thiếu trước hụt sau của gia đình. Giấc mơ làm bác sĩ đến với anh sau lần được một thầy thuốc cứu mạng. Và vì anh nghĩ: “Đấy là một nghề cho phép mình được độc lập, chủ động trong công việc, được hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân”. Năm đầu Trường thi rớt. Năm sau thi lại cũng rớt. Năm sau nữa tiếp tục rớt. Ba lần thi rớt sẽ không được quyền thi nữa, Trường vẫn quyết tìm cách để được thi lại bằng cách đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1991, Trường ra quân và tiếp tục nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ. Để có tiền mua sách vở và đến trung tâm luyện thi đại học, Trường đi làm phụ hồ quần quật suốt ngày và sau đó làm bảo vệ cho một trường mẫu giáo ở quận Bình Thạnh. Cổng vào trường y tưởng như khép lại vĩnh viễn khi sau đó anh tiếp tục thi rớt hai lần nữa. Vẫn không nản, Trường quyết chí thi lại lần thứ sáu. Có lẽ “trời không phụ lòng người”, năm 1993, Trường đủ điểm đậu vào ba trường đại học là kinh tế, y dược TP.HCM và y khoa Phạm Ngọc Thạch (tên cũ là Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM). Trường quyết định theo học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vì anh được cấp học bổng. Suốt sáu năm ngồi ghế giảng đường, Trường vẫn tiếp tục làm công việc bảo vệ với mức lương 500.000 đồng/tháng để có tiền trang trải cuộc sống, mua tài liệu, sách vở. Năm 1999, Trường tốt nghiệp, trong lúc đợi phân công công tác, Trường hay tin huyện Cần Giờ đang cần bốn bác sĩ tình nguyện. Thế là anh về Cần Giờ. “Bác sĩ thi... rớt cho bà con nhờ” Đầu năm 2000, anh được phân công về trạm y tế xã Lý Nhơn làm việc. Sau bốn năm công tác tại đây, anh trở thành đội phó đội y tế dự phòng huyện Cần Giờ. Làm ở đội y tế dự phòng được một năm, Trường lại tình nguyện xin về trạm y tế xã Thạnh An khi nghe tin có một bác sĩ đã bỏ nhiệm sở vì không kham nổi công việc vất vả và cuộc sống quá khó khăn, buồn tẻ ở đảo. Từ năm 2005 đến nay, anh làm phó trạm y tế xã, trực tiếp khám bệnh hằng ngày cho dân. Khi còn ở trạm y tế xã Lý Nhơn, một đêm mưa lớn có bệnh nhân bị bí tiểu vì u xơ tuyến tiền liệt gọi điện thoại kêu cứu. Nhà bệnh nhân ở sát bờ sông, mưa lớn lại gặp con nước rong, nước dâng cao không biết đâu là sông, đâu là bờ. Anh bám theo những ngọn cây, hàng rào còn ló trên mặt nước, dọ dẫm tìm lối vào nhà bệnh nhân. Sau khi đặt ống thông, bệnh nhân đi tiểu được đã òa lên khóc nức nở. Chỉ vậy thôi mà Trường đã thấy “hạnh phúc và an ủi lắm rồi”. Với anh, những tháng ngày khó khăn không phải chỉ riêng mình anh chịu, bởi nhiều đồng nghiệp và tất cả người dân xã đảo còn vất vả, khó khăn hơn. Hình ảnh đồng nghiệp là một nữ hộ sinh của trạm y tế xã Thạnh An khóc lặng khi thấy mình và người sản phụ mà cô đưa qua bệnh viện huyện cấp cứu còn sống sau hơn một giờ vật lộn với mưa gió giữa biển khơi làm anh không thể rời xa mảnh đất này. Ở xã đảo heo hút, đò ngang cách trở, một bác sĩ như anh phải khám đủ thứ bệnh, từ chấn thương chỉnh hình, mắt, tai, mũi, họng đến đỡ sinh (khi nữ hộ sinh đi học). Ngoài giờ làm việc, bệnh nhân nào gọi đến nhà khám là anh đến, không tính công khám, tiền thuốc tính gọi là, chừng 15.000-20.000 đồng. Vậy mà vẫn có người phải nợ lại tiền thuốc. Quý cái tình của người thầy thuốc, dân xã đảo cảm ơn anh bằng chục hột gà, hũ mắm cá đuối... Năm 2006, anh quyết định đi thi chuyên khoa nội để nâng cao trình độ chuyên môn. Hay tin Trường đi thi, một bà cụ tìm hỏi: “Nếu đậu, học xong bác sĩ có về đây làm không?”. Khi bác sĩ Trường nói còn do sự phân công của trên, bà cụ nói ngay: “Tôi vái bác sĩ đi thi... rớt cho bà con nhờ”. Mà lần này anh lại rớt thật! Tuy nhiên, hơn bốn tháng nay anh vẫn cần mẫn một tuần hai ngày về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương học siêu âm thực hành, vì anh bảo trạm y tế xã làm được siêu âm sẽ “giải phóng” được nhiều bế tắc về chuyên môn cho tuyến dưới trong chẩn đoán nội khoa, một phần sản phụ khoa và lồng ngực. Năm vừa rồi bác sĩ Trường được bà con xã đảo tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Thạnh An. 12 năm bận rộn, quên cả tình riêng, cuối cùng ông bác sĩ - hội đồng này được một cô gái ở đảo Thạnh An đem lòng thương. Và giờ, ở tuổi ngấp nghé ngũ tuần, anh mới có một cô con gái 2 tuổi. “Tôi còn nợ ơn thầy, nghĩa bạn rất nhiều. Không gặp được hết mọi người để trả ơn, tôi mang ơn nghĩa đó trả cho bà con nghèo ở đây” - anh bộc bạch. Thầy thuốc về bản Một tuần trước, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh (Bệnh viện Bạch Mai) rời Hà Nội đi Tuyên Quang, rồi lại ngược lên Sơn La để ở ba tháng với chương trình 1816 tăng cường chuyên môn cho bác sĩ tuyến dưới. Trước đó, tháng 11-2008, anh là thế hệ thầy thuốc đầu tiên của chương trình này. Cùng đợt với anh lần này có hơn 10 bác sĩ khác cũng từ Bệnh viện Bạch Mai đi về các bệnh viện ở Tuyên Quang, Hưng Yên, Sơn La... Theo ông Cao Hưng Thái - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, từ năm 2008 đến nay có khoảng 10.000 cán bộ y tế từ bệnh viện trung ương xuống bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh xuống bệnh viện huyện... Bộ Y tế cho hay chương trình 1816 đã giảm được 30% trường hợp chuyển tuyến không cần thiết, vừa đỡ khó cho bệnh viện vừa đỡ khổ cho bệnh nhân; nhiều kỹ thuật cao như mổ nội soi, phẫu thuật sọ não, nội soi điều trị bệnh lý cột sống, can thiệp tim mạch... đã được chuyển giao cho tuyến dưới. Bác sĩ Nguyễn Thọ Trường - trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang - thổ lộ điều anh học được nhiều nhất từ các thầy thuốc tuyến trên là công tác điều dưỡng và quản lý phòng mổ, cấp cứu bệnh nhân chấn thương sọ não. “Bây giờ chúng tôi đã tự tin để bệnh nhân ở lại với mình”. Bà Vũ Thị Bích Việt, phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết đầu những năm 2000 do bị thủy điện Na Hang chia cắt, người dân các xã xung quanh hồ thủy điện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp tử vong chỉ vì đau ruột thừa. Nhưng nhờ sự hỗ trợ từ bệnh viện tuyến trên, đến nay các trường hợp cấp cứu nặng đều có thể xử trí tại Bệnh viện Na Hang, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được nâng lên rõ rệt. “Tuyên Quang sẽ tuyển thẳng các bác sĩ ra trường về tỉnh công tác, hỗ trợ bác sĩ ra trường 20 triệu đồng/người, thạc sĩ, tiến sĩ y khoa được hỗ trợ 30-50 tháng lương cơ bản/người” - bà Bích Việt nói. Tuy nhiên, tình trạng tuyến y tế cơ sở vừa yếu chuyên môn vừa thiếu thầy thuốc, người dân khó khăn khi ốm đau vẫn khá phổ biến. Theo ông Cao Hưng Thái, đến bây giờ vẫn có nhiều bệnh viện tuyến huyện chỉ có 3-5 bác sĩ. Chương trình 1816 sẽ sớm chấm dứt, còn Luật khám chữa bệnh (hiệu lực từ ngày 1-1-2011) chỉ quy định thầy thuốc phải có thời gian hỗ trợ tuyến dưới ít nhất một tháng trong cuộc đời làm việc của mình. __________ Ông là người Ê Đê và hơn 20 năm nay là bác sĩ duy nhất trông nom sức khỏe cho một cộng đồng hơn 16.000 dân ở Ea Bhok - một xã đông đồng bào dân tộc Ê Đê của huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Nên Y Sui Byă, trạm trưởng trạm y tế xã Ea Bhok - người được phong là “bác sĩ của bà con Ê Đê”, vẫn tự trào rằng nếu tính tỉ lệ bác sĩ/người dân thì ông có cơ may... đứng đầu trong cả nước. Phóng to Bác sĩ Y Sui Byă - trạm trưởng trạm y tế xã Ea Bhok (Cư Kuin, Đắk Lắk) - khám bệnh cho người dân - Ảnh: B.D. Tốt nghiệp chính quy ĐH Y khoa Tây Nguyên năm 1989, bác sĩ Y Sui xin về xã làm việc. Ở Ea Bhok những năm đó người dân chẳng mấy tin tưởng ở bác sĩ, đơn giản vì rất ít người đi khám bệnh. Mỗi lần trong nhà có người ốm đau, họ thường mời thầy cúng hoặc tổ chức cúng Giàng. Ông Y Sui bắt đầu sự nghiệp bác sĩ bằng cách lọ mọ ôm cặp tìm xuống tận nhà hỏi han, thuyết phục dân cho... khám và điều trị bệnh. Trực chiến ở bệnh viện tuyến xã, nhưng áp lực công việc ở đây nặng nề không thua kém một bệnh viện tuyến trên. Trạm y tế xã Ea Bhok có tám cán bộ nhân viên nhưng biên chế chỉ có một bác sĩ. “Xã mình hiện có 16.000 dân, mỗi ngày trung bình phải khám chữa bệnh và phát thuốc cho gần 100 trường hợp. Nếu công việc chỉ chừng đó thì anh em cũng có thể sắp xếp và giải quyết được, cực một nỗi là ở tuyến cuối cùng nên việc gì cũng đến tay: vừa khám chữa bệnh vừa tổ chức vào những thôn buôn khó khăn để tuyên truyền, đi tiêm chủng mở rộng, những ngày xảy ra dịch bệnh cả trạm không nghỉ” - ông Y Sui nói. Mỗi tháng ông Y Sui lãnh chưa đến 6 triệu đồng tiền lương, tiền trực đêm mỗi ca được... 10.000 đồng. “Vợ tôi làm nương rẫy, nhà đông nên lương thưởng như thế chẳng thấm tháp vào đâu. Nhiều lúc vợ buột miệng thở dài: Người ta cũng làm bác sĩ thì có xe hơi, làm tận trên tỉnh, anh cũng làm bác sĩ mà sao khổ thế? Tôi chỉ biết động viên vợ: Mình khổ nhưng nhiều người còn khổ hơn” - bác sĩ Y Sui tâm sự. Phóng to Bác sĩ Hoàng Thị Duyên - trạm trưởng trạm y tế xã Ea Rốk (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) - cười hạnh phúc sau khi đỡ thành công cho một ca sinh tại trạm - Ảnh: B.D. Hạnh phúc vì được làm “bác sĩ của buôn” Ea Rốk (huyện Ea Súp) cách TP Buôn Ma Thuột gần 90km, hiện là một trong những xã khó khăn nhất nằm ở vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Trạm trưởng trạm y tế xã vốn là một nữ bác sĩ ở huyện Na Rì (Bắc Kạn) tình nguyện chuyển vào Tây nguyên. “Lúc đưa ra quyết định (năm 2005), nhiều người bảo tôi “có vấn đề”. Công việc ở nơi cũ đang tốt thì lại chọn đi vào một nơi heo hút xa đến cả ngàn cây số” - bác sĩ Hoàng Thị Duyên nhớ lại. Vào Ea Rốk, chị được phân công làm trạm trưởng với điều kiện làm việc cực kỳ tạm bợ, trong khi đây là một trong những vùng có nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là dịch sốt rét rất cao. Do nằm ở địa bàn hẻo lánh, để ra trung tâm huyện phải vượt đường khó khăn, dân hầu hết là người nghèo, không dám đến bệnh viện lớn vì sợ tốn kém, áp lực khám chữa bệnh toàn xã dồn lên trạm. “Nhiều ngày trạm không khác gì bệnh viện đa khoa, vào thời điểm thời tiết nóng nực hay những lúc có dịch bệnh, người dân đổ dồn về đây, chúng tôi phải căng sức ra. Biên chế cho tuyến xã chỉ có một bác sĩ nên bất kỳ người dân nào đến mình cũng phải là người thăm khám” - chị Duyên kể. Cũng như bác sĩ Y Sui ở Ea Bhok, bác sĩ Duyên cũng kiêm luôn tất tật những nhiệm vụ như định kỳ vào các thôn buôn, những vùng khó khăn để tuyên truyền và phát thuốc cho người dân, tóm lại là “mọi việc liên quan đến y tế”. Những nơi khác bệnh nhân tìm đến bác sĩ, chứ ở xã chuyện bác sĩ “đi tìm bệnh nhân” để khám chữa... là thường ngày. “Dân ở xã nghèo nhưng họ coi mình như con, có con gà hay nải chuối nào ngon cũng mang đến biếu bác sĩ, thế là hạnh phúc rồi” - chị Duyên nói. Bác sĩ Nay Nguyên, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết từ năm 2009 đến nay đã có gần 50 trường hợp bác sĩ ở bệnh viện công bỏ việc sang các phòng khám, bệnh viện tư. Trong khi đó, lượng bác sĩ tuyển dụng được hằng năm rất thấp, cả năm 2011 tỉnh chỉ nhận được 18 bộ hồ sơ bác sĩ xin vào các bệnh viện, tất cả đều được tuyển dụng mà vẫn chưa bù đắp được phần thiếu hụt. Nguyên nhân vẫn là “chế độ ưu đãi thấp mà áp lực công việc lại quá lớn”. Nhưng bác sĩ Y Sui lại cho biết đối với những bác sĩ ở tuyến xã như họ, thiệt thòi lớn nhất là không có điều kiện nâng cao tay nghề. “Trình độ tay nghề là danh dự của bất kỳ bác sĩ nào, làm ở xã chủ yếu là khám chữa bệnh thông thường nên riết cũng “cùn” nghề đi” - ông nói. Sáng 14-2, tôi đến trạm xá Văn Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) và ngạc nhiên khi thấy năm chiếc xe con đậu dọc đường làng trước cổng, trong khuôn viên trạm xá xe máy để chật kín. Gian nhà cấp bốn vừa là phòng khám, phòng bán thuốc, phòng điều trị đông nghẹt người đến khám. “Tôi ở bên xã Nam Sơn, cách đây gần chục cây số nhưng vẫn đưa con sang đây điều trị hen. Ông Trinh nổi tiếng về chữa bệnh cho trẻ” - anh Nguyễn Dương, một quân nhân, nói với tôi. Chị Lê Thị Thoa, một người bên xã Tân Sơn, bế con gái và anh Trần Văn Bích ở Trung tâm Nhân đạo Nghệ An dắt hai cháu nhỏ rời trạm xá cũng cho hay họ thường xuyên đưa con đến đây khám vì “ông Trinh chữa bệnh cho con nít giỏi lắm”. Bà Nguyễn Thị Dung, thôn 7, xã Văn Sơn, khoe: “Nửa đêm, ông nhà tôi đau, tôi gọi điện thoại, bác sĩ Trinh cũng đi xe máy vô ngay”. Ông Trinh tên đầy đủ là Nguyễn Thái Trinh, 52 tuổi, trạm trưởng trạm y tế xã Văn Sơn. Phóng to Bác sĩ Nguyễn Thái Trinh khám bệnh, kê đơn thuốc cho các bệnh nhân - Ảnh: Vũ Toàn Người nghèo ở Văn Sơn quý ông Trinh, vì thấy ông thương họ. “Trong xã tui có một bà cụ neo đơn, không đủ tiền đi viện nên cứ nằm ở nhà. Biết tin, bác sĩ Trinh vào thăm. Thấy bà cụ nằm lạnh, ông ra thị trấn mua chăn, đệm cho bà cụ. Bây giờ bác sĩ đến nhà nghèo khám, điều trị tại nhà là hiếm lắm” - một ông cụ mà tôi bắt chuyện ở sân trạm xá kể. Nhiều người nhắc đến ông và quả quyết “với bác sĩ Trinh, gia đình người bệnh có thể gọi bất cứ lúc nào, đêm khuya hay trời mưa gió ông đều có mặt. Tụi tôi ở trong, ngoài huyện đến đây mà gặp được “sư phụ” Trinh thì mới yên tâm”. “Người ta nách (mang) con đi hàng chục cây số đến cái trạm xá nhỏ này, sao mình không lo cho họ được. Có cháu bệnh nặng, ở trạm xá không đủ trang thiết bị y tế nên tôi gọi taxi đưa cháu lên bệnh viện đa khoa tỉnh, cấp cứu xong tôi mới ra về, làm như thế vừa hạn chế rủi ro cho người bệnh, tôi cũng tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của bác sĩ tuyến trên” - ông Trinh giải thích. Nhiều năm sống cạnh và chăm lo cho những người dân quê của mình, bác sĩ Trinh chỉ mong việc phổ cập y tế “xuống tới tận xóm, xã” để người dân, đặc biệt là dân nghèo được hưởng dịch vụ y tế cơ sở tốt. “Ông ấy là người thật sự đưa dịch vụ y tế về tận cơ sở một cách có hiệu quả, làm cho người dân tin. Hiện nay tìm một bác sĩ vượt khó, ham học hỏi để trau dồi nghiệp vụ, tận tâm vì người dân tận xóm xã không dễ chút nào” - bác sĩ Phạm Văn Thanh, giám đốc Sở Y tế Nghệ An, nói. __________ Mấy năm trước đi công tác lên xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) tình cờ tôi được mời dự một cuộc vui nho nhỏ của người dân tộc Pa Kô. Nhân vật chính của cuộc vui hôm ấy là Hồ A Trê. Số là tháng trước, A Trê qua bản Ku Tài bên huyện Tù Muồi (tỉnh Salavan, Lào) thăm người bà con, đúng lúc ông Pia đi làm rẫy bị tre đâm thủng mặt, máu me đầm đìa, may gặp Trê, chàng y sĩ đi đâu cũng kè kè túi thuốc và dụng cụ y tế nên kịp thời cầm máu, băng bó cho ông Pia qua cơn nguy kịch. Phóng to Trạm trưởng trạm y tế xã A Bung Hồ A Trê khám bệnh cho các em nhỏ ở lớp mẫu giáo xã - Ảnh: Quốc Nam Vết thương khỏi, ông Pia và mấy người con đã qua A Bung tìm Hồ A Trê để làm bữa rượu cảm tạ ơn cứu mạng. Khi đó, hỏi chuyện cứu người của Trê, Trê gãi gãi mái tóc rậm rì đen nhánh, cười ngượng nghịu: “Thì gặp ai đau ốm bệnh tật cứ phải cứu họ trước đã, chứ kể gì người Lào hay người Việt, ở đây bà con tuy ở hai nước mà như trong một bản, gần gũi thân thiết với nhau lắm!”. “Trạm y tế di động của bản” Dạo gặp đó, A Trê đang là y sĩ thôn bản. Nhưng chuyến trở lại lần này chàng y sĩ trẻ năm nào nay đã chững chạc trong chiếc áo blouse trắng, đảm đương vị trí trưởng trạm y tế xã A Bung. A Bung là xã nằm ở cực tây nam của Quảng Trị, một phía giáp với huyện A Lưới của Thừa Thiên - Huế, một phía giáp đất của huyện Tù Muồi nước bạn Lào. Ở địa bàn đặc biệt ấy, nơi vô cùng xa xôi hẻo lánh, người Pa Kô của cả một vùng rộng lớn đều biết thầy thuốc A Trê. Năm 1993, Hồ A Trê là cậu học sinh hiếm hoi của xã tốt nghiệp cấp III khi đã... 21 tuổi. Là “của hiếm” học sinh vùng cao, nhất là ở khu vực vô cùng cách trở, cư dân hơn 90% là người dân tộc Pa Kô, có nhiều lựa chọn cho A Trê: về tỉnh học thêm để trở lại làm cán bộ xã, đi học sư phạm về dạy chữ cho con em trong bản hoặc đi học nghề y về làm thầy thuốc cứu dân. A Trê chọn Trường cao đẳng Y tế Huế, lý do cũng đơn giản: hồi nhỏ, bà Kăn Mão - mẹ A Trê - hay bị ốm, A Trê theo mẹ đi hết viện này viện khác, nhìn mấy ông bác sĩ, A Trê thích, ước sau này mình được mặc cái áo trắng như thế, đeo cái ống nghe như thế, chữa bệnh cho mẹ, cho dân bản, không phải dắt díu khiêng cõng từ bản xa, đi hàng chục cây số về bệnh viện huyện, đi cả trăm cây số nữa về viện tỉnh, về xuôi vừa xa vừa lạ, vừa nhớ cái rừng, cái núi, cái nhà sàn, đêm không ngủ được... Vậy rồi A Trê rời bản Cu Tai xa hút mây mù để vào tận Huế học cao đẳng y tế. Ngày ra trường, năm 1997 về lại quê cũng là lúc bố mẹ của A Trê chuyển vào A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) sinh sống. Về A Lưới theo bố mẹ, nhờ được đào tạo căn bản, A Trê được nhận vào công tác ở Hội Chữ thập đỏ huyện A Lưới. Nhưng lòng A Trê cứ nhớ tới cái bản Cu Tai của mình ở A Bung, nhớ mấy đứa nhỏ mỗi lần bị bệnh lại được bố mẹ gùi cõng từ bản, đi bộ gần cả ngày đường ra thị tứ Tà Rụt rồi đón xe đò xuống bệnh viện huyện. Vậy là A Trê xin chuyển công tác, về lại huyện Đakrông, về lại quê hương A Bung của mình. Biết con mình nặng lòng với bản cũ, bố mẹ A Trê dành để cho con quay về. Hôm A Trê về lại quê nhà A Bung, chưa kịp lên trạm y tế xã nhận nhiệm vụ đã gặp ngay ca sinh khó của chị Hồ Thị Lành. Sản phụ không lên trạm y tế xã mà cứ theo tập quán sinh tại chòi rẫy ở nhà, không ngờ bị băng huyết, chỉ chậm chút nữa là chết. May kịp gặp A Trê, cả mẹ và con được cứu sống. Tiếng đồn tốt đẹp về A Trê lan xa trong những bản làng A Bung. Và từ đó (năm 1999) A Trê với túi thuốc trên vai, như một cái trạm xá lưu động đi hết bản này đến bản khác của A Bung để cứu người chữa bệnh. Suốt năm năm làm công tác y tế thôn bản, không đếm hết bao nhiêu ca bệnh đã được A Trê cứu chữa, bao nhiêu chuyện buồn vui về “cuộc chiến” giữa A Trê và các thầy mo. Những năm đó, dù đã sang thế kỷ 21 nhưng chuyện cúng Giàng vẫn là cách chữa bệnh thông thường nhất của bà con dân tộc thiểu số. Vùng núi nào càng xa xôi hẻo lánh, hủ tục càng nặng nề. Nhìn gương mặt chàng trai mới ngoài 20 tuổi dám đòi “đuổi con ma rừng” với các thầy mo già bản, ai cũng nghi ngờ. Và thầy thuốc “quốc tế” Một đêm, người nhà một bệnh nhân từ bên Tù Muồi (Lào) băng rừng chạy qua nhờ A Trê cứu. Đến nơi, người bệnh đang thoi thóp mà thầy mo vẫn lắc lư trước mâm cúng để khấn Giàng. Mấy người già lắc đầu không tin thầy thuốc, A Trê bèn xin “bảo lãnh” tính mạng của người bệnh bằng chính... mạng mình. Tôi hỏi A Trê là làm liều vậy nhỡ có chuyện gì không cứu được thì sao, A Trê cười: khi đó miễn sao tiêm được thuốc cho người bệnh đã, nhìn bệnh là A Trê biết, đâu có phải Giàng bắt đâu, chỉ tại bệnh nhẹ, không uống thuốc, nằm lâu thì suy kiệt. Cũng may là dân bản hai bên biên giới tuy cách ngăn bởi địa giới hành chính nhưng đều là bà con máu mủ ruột rà. Mấy lần A Trê qua Tù Muồi chữa bệnh giúp, bà con bên ấy cũng gọi A Trê là “Giàng y tế”, còn anh em ở Trung tâm Y tế huyện Đakrông hay đùa Trê là “thầy thuốc quốc tế” bởi chữa bệnh cho dân cả hai nước Việt - Lào, không “quốc tế” thì là gì! A Trê bảo đường xa vượt núi đến bản cứu người dù đêm hôm, dù mưa nguồn lũ ống Trê không sợ, không ngại bằng cuộc chiến với các hủ tục từ bao đời nay. Nhưng sự bền lòng của A Trê đã được ghi nhận. Đầu năm 2005, A Trê được bổ nhiệm làm trạm trưởng trạm y tế xã A Bung. Công việc mới không như việc chỉ ôm túi thuốc lặn lội đến với từng bản làng, giờ A Trê phải làm sao cho dân bản biết được cúng Giàng không thể chữa khỏi bệnh, làm sao cho trẻ con được ăn chín uống sôi, không buộc trâu bò gà lợn dưới sàn nhà... Những câu chuyện ngỡ như sẽ rất đơn giản để giải quyết hóa ra không phải ngày một ngày hai mà dân tin, dân làm theo được. Mùa lụt năm ngoái, khi chúng tôi lên Đakrông có tin một thầy thuốc đi đỡ đẻ trên đường về bị nước cuốn, may sao sau đó lại có tin anh thoát được nhờ chiếc bè làm bằng thân cây chuối. Lần này trở lại hỏi đó có phải A Trê không, A Trê lại gãi đầu cười: Tại hôm đó mưa lớn, nước sông A Bung vừa dâng lên cũng là lúc người bên bản A Bung kêu cứu. Mang túi thuốc sang đỡ ca đẻ của chị Hồ Thị Lan, mẹ tròn con vuông xong thì bên phía bản Cu Tai 2, nhà của A Trê cũng bị nước sông dâng ngập, sợ vợ và hai con nhỏ ở nhà có chuyện gì, A Trê liều bơi về, may mà không chết! Hỏi A Trê rằng bao nhiêu năm gắn bó chữa bệnh cho bà con dân tộc Pa Kô, điều gì khiến A Trê vui nhất, anh bảo: “Vui nhất là bây giờ mấy thầy mo bị ốm cũng biết tìm tới trạm y tế xã để tiêm thuốc rồi!”. Và A Trê cất tiếng cười giòn tan, tiếng cười khiến lòng người nghe thấy vui đến lạ... Tags: Bệnh nhân nghèoBác sĩ tuyến xãY sĩ bảnThầy thuốc quốc tế
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Thực hư chuyện cực quang xuất hiện ở Phú Yên, Bình Định MINH CHIẾN 27/12/2024 Người dùng mạng xã hội lan truyền những hình ảnh ánh sáng xanh trên bầu trời Bình Định, Phú Yên và gọi đó là cực quang.
Nga tuyên bố bắn hạ tiêm kích F-16 của Ukraine ở vùng Zaporizhzhia THANH BÌNH 27/12/2024 Truyền thông Nga đưa tin một chiếc tiêm kích F-16 do NATO cung cấp cho Ukraine đã bị bắn hạ trong lúc cố gắng phóng tên lửa vào vùng Zaporizhzhia.
Báo chí Singapore đặt dấu hỏi về sân cỏ nhân tạo khi thua Việt Nam ĐỨC KHUÊ 26/12/2024 Sau trận thua Việt Nam 0-2 tại bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024, báo chí Singapore đã nêu ra nhiều vấn đề về sân đấu cũng như trọng tài.
Ông Lê Thanh Vân bị cáo buộc gọi lãnh đạo tỉnh 'can thiệp' giúp doanh nghiệp DANH TRỌNG 27/12/2024 Ông Lê Thanh Vân bị cáo buộc đã ký 4 văn bản, gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh "can thiệp" giúp hai doanh nghiệp, nhằm hưởng lợi một số bất động sản.