Có một cuộc chơi "truyền hình thực tế"...

TRUONGUY 21/10/2012 11:10 GMT+7

TTCT - Đối với đại đa số khán giả truyền hình Việt Nam hiện nay, “truyền hình thực tế” (THTT) đã trở nên quen thuộc. Đó là những cuộc chơi thu hút, nhưng mặt khác có thể là con dao hai lưỡi...

Phóng to
Linda Andreasen sau hào quang đang trên đường tái chinh phục khán giả - Ảnh: Ekstra Bladet

Những người tham dự các chương trình này, trên nguyên tắc chung là những người bình thường nên khán giả dễ tìm thấy sự đồng cảm, nhưng quan trọng nhất là khán giả được tạo điều kiện tham gia cuộc chơi và quyết định kết quả chung cuộc.

Thế nào là "truyền hình thực tế"?

THTT được khai sinh tại Mỹ năm 1948 qua chương trình "Candid Camera" của Alan Funt, sử dụng camera giấu kín ghi lại phản ứng của những người trên đường khi bị đặt vào tình huống bất ngờ để tạo tiếng cười ("Vui là chính" dựa trên format này). Nhưng THTT chỉ thật sự bùng nổ vào cuối thập niên 1990 với những chương trình như "Expedition Robinson" (Thụy Điển - 1997) - thử thách người tham dự trong những tình huống khó khăn trên đảo hoang và "Big Brother" (Hà Lan - 1999) có camera thu hình 24/24 sinh hoạt của một nhóm người trong một ngôi nhà. Dựa theo biểu hiện của họ mà khán giả sẽ quyết định ai là người bị loại.

Hiện nay cụm từ "THTT" được dùng để chỉ nhiều thể loại khác nhau, từ hỏi - đáp như "Ai là triệu phú", "Chọn giá đúng" tới hoạt động chuyên nghiệp như "Sân bay" (Anh) về những chuyện thường nhật tại sân bay Heathrow. Trong thể loại Chuyện vãn (Tabloid Talk show), nổi lên từ thập niên 1980, người chủ trì sẽ đưa ra những câu hỏi khó, thậm chí soi mói hay gây sốc cốt để người tham dự phải bộc lộ những điều thầm kín. Oprah Winfrey đã cực kỳ thành công trong thể loại này với "Oprah Winfrey Talk Show" từ năm 1987.

Trong những năm gần đây, THTT nở rộ trên nhiều quốc gia với nhiều thể loại mới nhưng cũng có nhiều chương trình phải chấm dứt do sức thu hút giảm như Candid Camera, ngưng phát sóng từ năm 2004. Phổ biến nhất là những cuộc thi tài như "Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo" bên ta và tìm kiếm tài năng như "Britant Got Talent", "American Idol", "X-Factor" (Đan Mạch), "The Voice of Holland" (Hà Lan), "America’s Next Top Model" (*).

Từ "thực tế" tới thực chất

Về thực chất những cuộc thi ca hát vẫn nhằm mục đích giải trí. Nếu như qua đó mà phát hiện được những tài năng thật sự thì càng tốt, nếu không cũng không sao, miễn là thu hút được sự chú ý của khán giả. Thí dụ như thắng giải "Britant Got Talent" 2012 là chú cún Pudsey và cô chủ Ashleigh. Chỉ riêng khía cạnh thu hút khán giả thì cặp đôi này đã bỏ xa các thí sinh khác.

Riêng tại Mỹ và Anh thì có nhiều khả năng phát hiện những ngôi sao tiềm năng qua những cuộc thi vì đã có nền công nghiệp giải trí và ghi âm cực mạnh. Dù vậy, những danh hiệu như "Idol" chỉ có ý nghĩa tương đối. Người thắng giải "American Idol" không có nghĩa là nghiễm nhiên trở thành một "idol" (thần tượng) trong nền công nghiệp giải trí cạnh tranh khắc nghiệt và đòi hỏi tính chuyên môn rất cao như Mỹ.

Tại Đan Mạch thì cuộc thi "X-factor" (tương tự "American Idol") năm 2009 đã thu hút được sự chú ý cao độ khi người thắng giải là một "Susan Boyle Bắc Âu" Linda Andreasen - một bà mẹ đơn thân 35 tuổi, đi hát đã lâu vẫn không nổi tiếng do có giọng hát nhưng ngoại hình không sáng. Tuy nhiên với cuộc thi này thì Linda đáp ứng yếu tố "lạ". Với nỗ lực của bản thân và sự khai thác khéo léo của nhà sản xuất, cô đã chiến thắng thuyết phục. Đĩa đơn đầu tay của Linda vào top 10 đĩa bán chạy nhất Đan Mạch năm 2009 nhưng đĩa đơn thứ hai, xuất bản năm 2012, khi ánh hào quang X-factor đã qua đi, chỉ bán được hơn 10.000 bản.

Hào quang nhất thời và ánh sáng

Sức thu hút của những show như "Vietnam Idol" hoặc "Giọng hát Việt" hiện nay là điều dễ hiểu khi được thực hiện quy mô, phát sóng vào những thời điểm tốt nhất, người tham gia có sự hậu thuẫn tối đa của nhà sản xuất (NSX) với một êkip hùng hậu và chuyên nghiệp, nhất là có cả một chiến dịch marketing & PR tinh vi quảng bá cho họ.

Tuy nhiên sức hút này cũng dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi khi tạo ra một ánh hào quang chói lóa quanh những ngôi sao vừa mới lóe, khiến họ dễ có những ảo tưởng quá lớn về khả năng của mình. Sự hưởng ứng nhiệt tình của dư luận, nếu trở nên quá đà, không những tạo nên áp lực lớn trên những thí sinh mà còn khiến một số người cố tạo ra những trò lố hầu thu hút sự chú ý.

Đối với NSX thì mục tiêu duy nhất của họ tất nhiên là kinh doanh. Cũng như mọi chương trình trên truyền hình, THTT cũng có khung kịch bản, đạo diễn, biên tập, có những thủ pháp để đẩy rating lên cao và cạnh tranh với các chương trình khác. Yếu tố "thực tế" chỉ là những tình huống phát sinh (nếu có) trong thời gian ghi hình. Nếu cần thiết thì những tình huống này cũng được biên tập lại sao cho phù hợp với format, tiêu chí của chương trình và ý đồ của NSX. Thế nên những người tham dự các show THTT thường phải ký cam kết với NSX về các vấn đề sử dụng hình ảnh, bảo mật nội dung... tóm lại là "có chơi có chịu"!

Thế nên chúng ta cần nhớ rằng đó chỉ là những cuộc chơi mà cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều cần giữ được sự tỉnh táo vì trong công nghiệp giải trí thì tạo ra một ngôi sao không khó, giữ được ánh sáng lâu dài mới là chuyện khó, nếu không nói là rất khó!

QUẾ VIÊN

___________

(*) Sang Việt Nam được gọi là "Cuộc thi tìm kiếm siêu mẫu". Thật ra tại các thị trường thời trang phát triển thì hai khái niệm "top model" (người mẫu hàng đầu) và "super model" (siêu mẫu) rất khác nhau, như tại Anh chỉ những người mẫu có đẳng cấp như Kate Moss, Naomi Campbell, Sienna Miller... mới được gọi là siêu mẫu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận