TTCT - Việc giải quyết hồ sơ đất đai ở nhiều tỉnh bị chậm do chính quyền xài phần mềm miễn phí để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai? Muốn số hóa quản lý đất đai cần có cơ sở dữ liệu lớn. Ảnh: QUANG ĐỊNHThời gian qua, UBND tỉnh thành nhận được thư nhắc nhở của Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solution) về việc ký hợp đồng thuê hạ tầng và phần mềm hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS) để quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai. Sau một năm thông báo, đơn vị này sử dụng "biện pháp mạnh" là chỉ cung cấp thông tin miễn phí ba ngày/tuần đến hết tháng 9 và cảnh báo: đến ngày 30-9-2024 mà các địa phương chậm triển khai thủ tục thì phải tính toán phương án thay thế để không bị gián đoạn các nghiệp vụ liên quan đến quản lý đất đai.Nhiều năm xài phần mềm miễn phíTrước khi Luật Đất đai năm 2013 đề cập việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, nhiều địa phương đã ý thức được tầm quan trọng của dữ liệu này. Các tỉnh thành đã tìm cách hệ thống các thông tin về đất đai, nhất là những thông tin về giao dịch, biến động của các thửa đất để phục vụ quản lý, cấp giấy chứng nhận cho người dân. Song vì là tự làm nên mỗi nơi một kiểu, do những đơn vị công nghệ thông tin khác nhau tư vấn. Thậm chí trong cùng một tỉnh thành, mỗi quận huyện mời một đơn vị tư vấn riêng nên sau khi thiết lập, các dữ liệu về đất đai không thể hợp nhất. Thông tin về dữ liệu đất đai bị chia cắt dẫn đến tình trạng ai làm nấy xài, không thể chia sẻ, tích hợp để tạo thành một dữ liệu lớn, kết nối các địa phương, đơn vị với nhau.Luật Đất đai năm 2013 dành một chương quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai. Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giới thiệu phần mềm ViLIS (do Trung tâm Viễn thám quốc gia phát triển) đến sở TN&MT các tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Mục tiêu ban đầu của việc này là muốn các địa phương cùng cập nhật cơ sở dữ liệu trên một nền tảng để thống nhất dữ liệu đất đai cả nước. Các tỉnh được sử dụng phần mềm này miễn phí.Tuy nhiên, do thực tế quản lý đất đai đa dạng nên nhiều địa phương không sử dụng phần mềm ViLIS hoặc dùng nền tảng của phần mềm trên cải tiến và phát triển thêm những tính năng khác cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Thông tin từ Bộ TN&MT cho thấy rất nhiều loại phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai được áp dụng ở các địa phương trên cả nước. Trong đó, đa số các địa phương dùng các phần mềm miễn phí để cập nhật, lưu trữ dữ liệu đất đai và khai thác thông tin để phục vụ giao dịch của người dân.Hiện tại phần lớn các tỉnh thành đang sử dụng hai phần mềm để lập, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai. Phần mềm VBDLIS do liên danh Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội và Công ty cổ phần Tin học - bản đồ Việt Nam phát triển; và phần mềm VNPT iLIS do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển.Phần mềm VBDLIS là một trong những sản phẩm của dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Năm 2021, Bộ TN&MT có văn bản thông tin: sở TN&MT các tỉnh thành được sử dụng phần mềm trên miễn phí trong thời gian Bộ TN&MT trình Chính phủ cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo hình thức xây dựng - sở hữu – kinh doanh (dự án BOO). Hiện có 36 tỉnh thành sử dụng phần mềm VBDLIS. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính sau này được xác định theo cơ chế của dự án BOO được phê duyệt.Tháng 6-2023, Bộ TN&MT thông tin đã dừng đề xuất thực hiện theo phương án BOO đối với phần mềm VBDLIS. Vì vậy, các địa phương không được dùng miễn phí phần mềm này nữa mà phải bố trí kinh phí và lựa chọn hạ tầng thông tin để sử dụng cho phù hợp. Đến nay, có nhiều tỉnh thành chưa ký hợp đồng thuê phần mềm này, dẫn tới thông báo nêu trên của Viettel Solution.Hệ quả của việc này là gì? Nhiều địa phương có nguy cơ bị tồn đọng hồ sơ nhà, đất vì không thể giải quyết kịp hồ sơ đất đai một tuần trong ba ngày làm việc mà Viettel Solution mở dữ liệu miễn phí.Chấm dứt xài miễn phíTại sao Bộ TN&MT đã thông báo chấm dứt sử dụng phần mềm VBDLIS miễn phí từ tháng 6-2023, tức đã qua 12 tháng mà các địa phương chưa thực hiện đấu thầu hay ký hợp đồng thuê phần mềm để xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu?Nhiều tỉnh thành cho biết họ lúng túng về quy trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thẩm quyền thuê dịch vụ, hạn mức kinh phí, nguồn kinh phí, điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập kế hoạch thuê, phí thẩm định… Bên cạnh đó, một số địa phương cũng gặp trở ngại vì không kịp ghi vốn đầu tư công cho năm 2024…Trên trang thông tin của Viettel Solution, giá thuê phần mềm VBDLIS từ 515 - 687 triệu đồng/đơn vị hành chính cấp huyện mỗi năm tùy số lượng người dùng, số thửa đất, lượng giao dịch hằng năm và dung lượng lưu trữ… Giá này đã bao gồm phí tập huấn, đào tạo, chưa có thuế giá trị gia tăng và chi phí thu thập, chuẩn hóa, cập nhật và dữ liệu từ các phần mềm khác chuyển sang.Đến nay đã có một số địa phương ký hợp đồng với Viettel Solution thuê phần mềm VBDLIS. Tỉnh Trà Vinh đã ký hợp đồng sử dụng VBDLIS vào tháng 3-2024, trị giá hơn 6,1 tỉ đồng/năm, bắt đầu vận hành ngày 4-3-2024. Lãnh đạo Sở TN&MT Trà Vinh nhận định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai không chỉ là điểm mấu chốt để thực hiện cải cách hành chính về thủ tục đất đai mà còn là một trong các nền tảng quan trọng để chuyển đổi số. Vì vậy tỉnh này đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh trong hai năm. Cộng với việc thuê phần mềm, hiện Trà Vinh đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai "chính chủ" để hiện đại hóa việc quản lý và phục vụ dịch vụ về đất đai cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.Tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông trình với UBND TP gói thuê phần mềm của Viettel Solution trị giá 69 tỉ đồng cho ba năm (2024-2027).Một số tỉnh thành khác vẫn sử dụng phần mềm VNPT iLIS của VNPT và trả tiền thuê từ nhiều năm trước. Một số tỉnh thành tự phát triển phần mềm sử dụng riêng, tích hợp thêm nhiều chức năng để cung cấp thông tin cho người dân như Đồng Nai với DNAI.LIS, Bà Rịa - Vũng Tàu với iLand BRVT… Một số tỉnh dự kiến tìm thêm các sản phẩm khác để đấu thầu chọn thuê phần mềm nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, chấm dứt thời kỳ sử dụng phần mềm miễn phí.Đi thuê dịch vụ, người thuê phải là chủ sở hữu dữ liệuVấn đề còn lại là liệu có thể để các sở TN&MT của các tỉnh tự làm phần mềm riêng hay không? Theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông, điều này là không nên vì rất tốn kém và không khả thi về mặt kỹ thuật. "Xu hướng thuê phần mềm để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và khai thác là đúng, bên thuê phải trả tiền cho đơn vị cung ứng dịch vụ - ông Đồng nói - Trong câu chuyện thuê phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai xảy ra thời gian qua, rõ ràng các địa phương thiếu chủ động trong việc chuẩn bị các quy trình và thủ tục. Công văn của Bộ TN&MT đã nói rõ các địa phương được sử dụng miễn phí trong quá trình bộ trình xin ý kiến của Chính phủ về dự án BOO, nếu dự án được Chính phủ chấp nhận thì các tỉnh phải trả tiền theo dự án. Như vậy, việc sử dụng miễn phí phần mềm VBDLIS (cho dù có dự án BOO hay không) vẫn phải có lúc chấm dứt và việc bỏ tiền ra thuê phần mềm là chuyện tất yếu".Ông Đồng cũng lưu ý khi thuê phần mềm, các địa phương "cần lưu ý điều khoản về xử lý dữ liệu, phân định rõ giữa các dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ dữ liệu sau khi thay đổi nhà cung cấp phần mềm. Phần mềm xử lý quy trình là của nhà cung cấp nhưng dữ liệu phải thuộc về cơ quan nhà nước. Quy trình xử lý có thay đổi cũng không được gây ảnh hưởng đến dữ liệu. Nhiều cơ quan nhà nước ở Việt Nam đi thuê phần mềm xây dựng dữ liệu thường giao hết cho nhà cung cấp phần mềm quản lý (có thể vì không đủ năng lực), vì vậy khi có thay đổi, bên thuê phần mềm sẽ bị nhà cung cấp gây sức ép buộc tiếp tục sử dụng phần mềm của họ với điều kiện bất lợi hoặc không thể thay đổi nhà cung cấp khác tốt hơn".■ Cơ sở dữ liệu đất đai đã chạy trên nhiều phần mềmTheo thống kê của Bộ TN&MT năm 2019, các địa phương trên cả nước sử dụng các phần mềm ứng dụng trong hệ thống thông tin đất đai như: phần mềm ViLIS (của Tổng cục Quản lý đất đai, có 45 tỉnh sử dụng); phần mềm ELIS (Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, 13 tỉnh sử dụng); phần mềm TMV.LIS (Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, 4 tỉnh sử dụng); phần mềm SouthLIS (Công ty TNMT miền Nam, chạy thử nghiệm tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); phần mềm quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai (DongNai.LIS). Ngoài ra hiện nay thử nghiệm phần mềm VietLIS tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và quận Hải Châu, TP Đà Nẵng (kết quả của Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu VietLIS). Tags: Cơ sở dữ liệuLuật đất đaiĐầu tư xây dựngCông nghệ thông tin
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.