Cơ sở vật chất thể thao TP.HCM: Thiếu thốn đủ đường

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG 05/09/2022 05:49 GMT+7

TTCT - Khi nhìn về thể thao TP.HCM, người hâm mộ sẽ chạnh lòng với việc thành phố lớn nhất nước lại thiếu thốn đủ đường như vậy.

Cơ sở vật chất thể thao TP.HCM: Thiếu thốn đủ đường - Ảnh 1.

Trường đua Phú Thọ cũ bây giờ là một hình ảnh nham nhở như thế này. Ảnh: Hoàng Tùng

Từ Rạch Chiếc đến Phan Đình Phùng

28 năm trước, thể thao TP.HCM từng có một dự án thể thao khổng lồ là khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Nhưng sau gần 3 thập niên đắp chiếu, cụm từ "khu thể thao Rạch Chiếc" dần rơi vào quên lãng, thậm chí với chính những người dân sinh sống tại khu vực này.

Cơ sở vật chất thể thao TP.HCM: Thiếu thốn đủ đường - Ảnh 2.

Sân Phan Đình Phùng bị đập bỏ và đóng băng 5 năm trời. Ảnh: Hoàng Tùng

Chị N.T., người đã sinh sống hơn 40 năm tại Rạch Chiếc, cho biết nhiều năm trước, gia đình chị từng tính chuyển nơi sinh sống sau khi nghe tin khu vực này được giải tỏa, xây sân thể thao. 

"Nhưng từ mười mấy năm nay không thấy ai nói gì chuyện giải tỏa nữa. Riết rồi dân ở đây cũng quên luôn. Tuy không ai đến đây mua nhà, nhưng mọi người sinh sống quen ở đây cũng không ai dọn đi. Mấy năm gần đây khu này có thêm nhiều dịch vụ câu cá, bóng đá nên cũng có người qua lại, nhưng cũng ít lắm. Mọi người ai cũng trông ngóng chờ giải tỏa và đền bù để ổn định cuộc sống, nhưng mà mãi chẳng nghe thấy gì".

Dấu vết "thể thao" duy nhất ở khu Rạch Chiếc hiện chỉ là một cụm sân bóng đá - quần vợt do tư nhân xây dựng, cùng các khu dịch vụ câu cá, quán cà phê lác đác. Còn lại, phần lớn khu quy hoạch vẫn là đầm lầy xen lẫn những mái nhà lụp xụp của người dân.

Cách Rạch Chiếc hơn 10km là một nhà thi đấu từng một thời là trọng điểm của làng thể thao đỉnh cao TP.HCM - sân Phan Đình Phùng. Nhưng đã 8 năm trôi qua kể từ sự cố sập trần nhà thi đấu khi tổ chức Giải cầu lông quốc tế Việt Nam mở rộng 2014, nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng dần trở thành một công trình thể thao "đắp chiếu" như Rạch Chiếc.

Đây được xem là khu đất vàng của TP.HCM với 4 mặt tiền đường trung tâm quận 1. Nhưng sau khi được tháo dỡ năm 2017, dự án xây mới sân Phan Đình Phùng mãi vẫn im lìm. Dần dà, nơi đây trở thành khu vực bỏ hoang khó hiểu ngay giữa thành phố - 4 bên là hàng rào dự án, nhưng bên trong lại cỏ mọc um tùm.

Ngày càng xuống cấp

Sân Phan Đình Phùng mãi không được xây mới, Rạch Chiếc chỉ tồn tại trên bản vẽ, sân vận động Thống Nhất quá cũ, thể thao TP.HCM hầu như chỉ còn mỗi khu thể thao Phú Thọ là nơi có thể tổ chức những sự kiện lớn, cũng là nơi người dân ra vào tập luyện hằng ngày.

Nhà thi đấu và nhà tập luyện Phú Thọ nói chung còn khá mới. Ngoài việc phục vụ VĐV tập luyện và thi đấu, nơi đây cũng mở nhiều lớp võ, cầu lông, thể hình… Nhưng ở mặt sau - khu vực trường đua Phú Thọ - lại là những hình ảnh khá nhếch nhác, đặc biệt rất dễ ngập nước.

Ông Trương Thành Diệm, 50 tuổi, một chân chạy thâm niên hơn 30 năm ở sân Phú Thọ, phàn nàn: "Ngày xưa mưa bão 2-3 ngày không dứt thì may ra đường chạy này mới có vài vũng nước đọng, tới trưa hôm sau nắng lên là lại y như cũ. Nhưng giờ mưa xong là cái sân bấy nhầy luôn. Cái đường thoát nước chục năm nay, cha chung không ai khóc, cứ để mãi không chịu nạo vét mà còn đổ xà bần ra sân liên tục, đổ xong lại nén xuống rồi lại đổ thêm. Dần dà đất chỗ cao, chỗ thấp, tụ nước đọng mãi không hết. Phá toang hết đường chạy".

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, đường đua ngựa cũ dài 1.600m hiện chỉ còn một quãng ngắn chừng 300m dọc các sân bóng mini phía cổng đường Lý Thường Kiệt tạm có thể chạy được. Vì đây là đoạn có ít gạch đá dăm nhất và chưa bị tàn phá bởi những vũng nước đọng lâu ngày. Nhóm chạy của ông Diệm cho biết nhiều người từng bị trặc chân, đau gối vì chạy trên mặt đường quá xấu, nên dần dà bỏ luôn việc chạy bộ ở Phú Thọ.

"Giờ đường đua ngựa cũ không thể nào được như xưa nữa rồi. Chúng tôi là người dân có thích, có muốn gìn giữ thì cũng đâu phải những người quản lý. Xây sân banh không phản đối, nhưng ước gì người ta đừng đối xử tệ hại với đường chạy độc nhất vô nhị Sài Gòn này".

Trung tâm thể thao cấp độ quốc gia đã tàn tạ, những địa điểm thi đấu cấp quận hiển nhiên cũng không khá hơn. Trong số các nhà thi đấu của quận, trung tâm TDTT Vân Đồn từng là địa điểm đăng cai SEA Games 2003, nhưng sau gần 20 năm, chẳng ai còn nhận ra một địa điểm thi đấu từng sẵn sàng tổ chức các sự kiện quốc tế nữa.

Mặt trần của nhà thi đấu bị ẩm, dột, hoen ố khiến không khí bên trong rất ảm đạm. Dưới mặt sàn lại bị bong tróc, gây nguy hiểm cho VĐV. Còn trên các mảng tưởng, nhà vệ sinh, hành lang, phòng chức năng, tất cả đều xập xệ, ẩm thấp, mất vệ sinh. Các hàng ghế trên khán đài cũng không còn nguyên vẹn…■

Cơ sở vật chất thể thao TP.HCM: Thiếu thốn đủ đường - Ảnh 3.

Lớp dạy bơi ngày hè cho trẻ em tại một hồ bơi ở Q.Tân Bình (TP.HCM) chiều 2-7. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thiếu hồ bơi nghiêm trọng

Những ngày cuối tuần, hồ bơi ở Cung văn hóa Lao động (quận 1) đón trên dưới 500 khách. Muốn tìm một làn bơi thông thoáng để thực hiện vài động tác khó (như bơi bướm) tại nơi đây chẳng dễ chút nào.

Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết hồ bơi ở các quận trung tâm TP khi dạo một vòng các hồ bơi lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Kỳ Đồng (quận 3), Lam Sơn (quận 5)… Nhu cầu bơi lội của người dân đã cao, số lượng hồ lại ít ỏi, khiến tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm qua. Song cũng may là ở các khu dân cư cao cấp, nhiều nơi có xây hồ bơi để phục vụ riêng cho cư dân, góp phần đáng kể giảm tải cho các hồ bơi trong hệ thống nhà nước.

Chị Quỳnh Vi, người dân sống ở quận 6, cho biết thời điểm trước dịch, cứ cuối tuần là chị lặn lội cho con đến hồ Kỳ Đồng để tập bơi. Dù hồ nằm khá xa và luôn đông đúc nhưng cũng phải chịu, vì quanh khu vực chị sinh sống hầu như không thể tìm được hồ bơi nào.

"Hồi mới học bơi, tôi cho con lên hồ Kỳ Đồng tập vì nghĩ đây là CLB lớn, sẽ có HLV giỏi, sẵn tiện nhà ngoại cũng gần đây. Nhưng khách đông quá nên khi con bơi tốt rồi lại sinh ra khó chịu vì hồ chật chội. Dịch bệnh phát sinh làm mình càng ngại những chỗ đông người. Sau dịch đến giờ thi thoảng mới cho bé đi bơi ở các khách sạn cho thưa bớt, nhưng giá vé lại cao gấp 3 lần", chị Vy nói.

Đất đai cho thể thao ở TP.HCM luôn rất thiếu thốn, hồ bơi là ví dụ điển hình. Đã 22 năm kể từ khi hồ bơi Phú Thọ được khánh thành, chưa có thêm bất kỳ hồ bơi nào do Sở VH-TT TP.HCM quản lý được xây thêm.

Ông Nguyễn Trung, phó tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM, cho biết theo danh sách đăng ký với liên đoàn, TP.HCM hiện có khoảng 170 hồ bơi trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Còn con số thực tế có lẽ là trên 200.

Năm ngoái, Statista đưa ra thống kê về số lượng hồ bơi công cộng trên mỗi 100.000 người dân ở các thành phố của Mỹ: dao động từ 4 đến 10, mức lý tưởng để giúp mọi người dân đều có thể tập bơi. Theo dữ liệu của Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM, con số tương ứng của TP hiện là chưa đến 2, nếu tính thận trọng mức dân số là 10 triệu người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận