"Cơn bão chống tham nhũng" mới ở Bắc Kinh

HỮU NGHỊ 22/05/2013 23:05 GMT+7

TTCT - Đầu tuần này, việc Ủy ban Kiểm tra trung ương Trung Quốc ra quyết định điều tra phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Lưu Thiết Nam là thể hiện đầu tiên của “cơn bão chống tham nhũng” dưới trào lãnh đạo mới từng được loan báo từ ngày 9-12 năm ngoái.

Phóng to
Ông Lưu Thiết Nam tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh đầu năm 2012. Ông đang bị điều tra vì cáo buộc “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” liên quan đến tham nhũng - Ảnh: Reuters

Hôm ấy (9-12-2012), báo chí Trung Quốc rầm rộ chạy tít “Cơn bão chống tham nhũng quét khắp Trung Quốc” (1). Rầm rộ vì, hình thức mà nói, 9-12 là Ngày quốc tế chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, và trong chiều sâu là do “ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách thanh toán nạn tham nhũng ra khỏi công sở”.

Thách thức trong thực thi

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết có đến 41,8% số vụ tham nhũng được xử lý là từ các cáo giác của quần chúng, và “Internet đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc cung cấp thông tin về các vụ tham nhũng”.

Bài báo viện dẫn: “Ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phát biểu: Đảng ta đang đối diện nhiều thách thức, đồng thời trong nội bộ đảng cũng có nhiều vấn đề bức bách cần được giải quyết. Các vấn đề giữa đảng viên và cán bộ, nạn tham nhũng, xa rời nhân dân, hình thức và cửa quyền quá đáng cần phải được đáp ứng bằng nỗ lực lớn”.

Bài báo viết tiếp: “Ngay sau khi được bầu làm tổng bí thư, ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo rằng vấn đề này còn có thể là một nguy cơ cho đảng và nhà nước nếu cứ tiếp tục mà không bị kiểm tra”, trước khi kết luận: “Thông điệp là rõ ràng. Thách thức ở chỗ thực thi”.

Có thể thấy “cơn bão chống tham nhũng” mới này đã được loan báo vừa như một động thái rất “thế giới cùng làm” (nhân Ngày quốc tế chống tham nhũng), vừa mang tính “đặc thù Trung Quốc” (nguy cơ cho đảng và nhà nước). Hệ quả của việc loan báo này là mùa mua sắm cuối năm ngoái sức mua đã giảm hẳn, đặc biệt hàng xa xỉ, xu hướng “kín đáo tiêu xài” thay thế xu hướng “khoe giàu” (2).

Năm tháng chuẩn bị dư luận từ bài báo ấy, xấp xỉ 60 ngày kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước hôm 14-3, “cơn bão chống tham nhũng” trào Tập Cận Bình ụp xuống ông Lưu Thiết Nam, 59 tuổi, phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia từ tháng 3-2008 với hàm bộ trưởng, nguyên cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, việc Tân Hoa xã chỉ loan báo Lưu Thiết Nam “bị cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” mà không nêu chi tiết nên không rõ những vi phạm đó có liên quan gì đến chức vụ của ông ở Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia hay Cục Năng lượng quốc gia (kiêm nhiệm từ tháng 12-2010 đến tháng 3-2013, căn cứ theo tiểu sử do Global Times 15-3 công bố), hoặc liên quan đến cả hai chức vụ.

Dẫu sao, cũng có một chi tiết chắc chắn một cách hiển nhiên trong vụ điều tra Lưu Thiết Nam: những vi phạm nghiêm trọng đó xảy ra trong nhiệm kỳ hai của thời ông Hồ Cẩm Đào.

Tố giác trên mạng

Thật ra, việc Lưu Thiết Nam bị điều tra không có gì bất ngờ. Những thủ tục cần thiết dọn đường cho quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã được tiến hành từ ngày 20-3 qua việc cử Ngô Tân Hùng, 64 tuổi, nguyên chủ tịch tỉnh Giang Tây, vào chức vụ lãnh đạo Cục Năng lượng quốc gia thay ông Lưu Thiết Nam, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ phó chủ nhiệm Ủy ban Hoạch định chính sách kinh tế mà ông này đang giữ.

Quyết định thay thế trên ban hành năm ngày sau khi Tổng bí thư Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch nước. Giải nhiệm, điều tra... là hai bước đầu, các bước sau, nếu quả thật có tội, sẽ là rút thẻ đảng, xử lý, truy tố hình sự... Vấn đề là từ đâu có những cáo buộc và dưới hình thức nào?

Cuối năm ngoái, báo chí Trung Quốc trong và ngoài nước đã đồng loạt đưa tin “Lãnh đạo ngành năng lượng dính tố cáo rằng gia đình nhận bộn tiền” (3). Theo đó, nhà báo lão thành La Xương Bình, phó tổng thư ký tòa soạn tạp chí Tài Kinh, đã công khai tố cáo lãnh đạo ngành năng lượng quốc gia khai gian lý lịch, sử dụng gia đình để trục lợi và “nuôi” nhân tình.

Theo tố cáo trên mạng của nhà báo họ La, vợ con của Lưu Thiết Nam có cổ phần trong một công ty tư nhân vốn thường giả mạo giấy tờ để vay ngân hàng và chuyển cả núi tiền vào tài khoản cá nhân của họ. Về tấm bằng cao học của Đại học Nagoya (Nhật Bản) mà Lưu Thiết Nam khai trong lý lịch là đã nhận được khi giữ chức cố vấn kinh tế trong sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, nhà báo này cho rằng thật ra chỉ là một “bằng danh dự” chứ không phải văn bằng tốt nghiệp đích thực.

Cáo buộc cuối cùng mà nhà báo La Xương Bình đưa ra là Lưu Thiết Nam có “bồ nhí” khi còn ở Nhật, sau khi chia tay từng đe dọa giết cô này.

Kết luận của Hoa Nam Nhật Báo (SCMP) về vụ này đáng lưu ý: “Các cáo buộc tham nhũng chống lại ông Lưu là những đòn mới nhất nhắm vào các quan chức chính phủ. Có vẻ những người cáo giác đã được khuyến khích bởi ban lãnh đạo mới cam kết sẽ cứng rắn hơn trong nỗ lực chống tham nhũng” (4).

Tự phát hay được "bật đèn xanh"?

Ngay từ tháng 12, khi loan báo “cơn bão chống tham nhũng”, tác giả bài báo này đã trích phát biểu của phó hiệu trưởng Mã Hoài Đức của Đại học Khoa học chính trị và luật: “Thông điệp từ lãnh đạo thượng đỉnh là để chống tham nhũng hơn nữa..., Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nhấn mạnh hơn nữa đến việc xây dựng hệ thống chống tham nhũng từ nguồn... Số lượng blogger ngày càng tăng ở Trung Quốc đang trở thành một lực lượng cần được thừa nhận trong việc phơi bày sự lạm quyền” (5).

Liệu có thể hiểu rằng phát biểu này của phó hiệu trưởng Mã Hoài Đức phản ánh một nhu cầu “cưỡi sóng” để “trị sóng” bằng cách sử dụng mạng, khi mà blog đã là một thực thể?

Câu hỏi trên đã được trả lời trong một bài báo chính thức hôm 7-5-2013, theo đó phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết có đến 41,8% số vụ tham nhũng được xử lý là từ các cáo giác của quần chúng, và rằng “Internet đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc cung cấp thông tin về các vụ tham nhũng” (6).

Sử dụng mạng là một công cụ thường thấy ở các nước. Vụ tờ báo mạng Mediapart ở Pháp “khui” vụ chuyển ngân lậu của bộ trưởng ngân sách đã là một đòn chí tử đánh vào Tổng thống François Hollande. Ai được lợi từ vụ “khai quật” của Mediapart đã rõ, vấn đề là có ai đã “sử dụng” Mediapart để đấu đá?

Vụ nhà báo La Xương Bình “khui” Lưu Thiết Nam là tự phát hay do được bật đèn xanh hạ hồi sẽ phân giải. Nhưng trong số ba cáo giác của nhà báo này, cáo giác “ăn tiền” là nghiêm trọng nhất, đặc biệt khi Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia cùng Cục Năng lượng quốc gia mà Lưu Thiết Nam từng công tác ở vị trí cao vòi vọi được xem là những “siêu bộ”.

Ủy ban kia chuyên hoạch định chiến lược, quy hoạch cùng phê duyệt dự án ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới; còn Cục Năng lượng quốc gia thì quản lý nhu cầu và nguồn cung cấp của một đất nước đang tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Và ông Lưu Thiết Nam năm ngoái còn dẫn đầu phái đoàn sang Nga đàm phán nhập khí đốt.

___________

(1): http://english.cntv.cn/program/newsupdate/20121209/103334.shtml
(2): http://behindthewall.nbcnews.com/_news/2013/02/08/16892915-chinas-anti-corruption-drive-hits-new-year-sales?lite
(3), (4): http://www.scmp.com/news/china/article/1099400/energy-chief-hit-claims-family-got-big-payment
(5): http://english.cntv.cn/program/newsupdate/20121209/103334.shtml
(6): http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-05/07/c_132365811.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận