Công nghệ - con tin mới trong địa chính trị quốc tế

NHẬT ĐĂNG 18/12/2019 09:12 GMT+7

Sự lớn mạnh của các công ty công nghệ mang tới quyền lực, đồng thời cũng biến họ thành mục tiêu và công cụ của các toan tính địa chính trị. Năm 2019 có thể xem là thời điểm khắc họa rõ nét nhất cách mà các hãng công nghệ buộc phải dính líu đến cuộc chơi địa chính trị.

 

 Nhà Trắng đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các hãng công nghệ lớn trong những năm qua. Ảnh: marketwatch.com

Google của Mỹ và Huawei của Trung Quốc là trung tâm của tranh chấp thương mại và cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung trong năm 2019, xuất phát từ việc nữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ hồi cuối năm 2018.

Mỹ đã nhìn nhận Huawei, cũng như ZTE - đại gia viễn thông Trung Quốc khác - tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia. Washington một mặt cấm cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị, dịch vụ của Huawei, mặt khác tích cực vận động các đồng minh quốc tế tẩy chay công nghệ 5G của hãng này.

Đây là một trong những chi tiết quan trọng nhất để giới quan sát khẳng định rằng giờ đây công nghệ không chỉ là lĩnh vực dẫn đầu về phát triển, mà còn là một công cụ địa chính trị.

Những gì đã diễn ra trong năm nay là diễn biến đương nhiên của một xu hướng đã bắt đầu từ vài năm trước, khi các công ty công nghệ, nhất là nhóm “võ lâm ngũ bá” (Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft), trở thành những đế chế có sức ảnh hưởng toàn cầu và sẽ thật “lãng phí” nếu sự ảnh hưởng đó lại không bị “chính trị hóa”.

Khó thoát vòng xoáy chính trị

Các công ty thuộc nhóm “võ lâm ngũ bá” đều có điểm chung là thành công nhờ đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dùng trong thời đại mới bằng cách thấu hiểu họ. 

Một điểm chung khác: các gã khổng lồ này đều xử lý khối dữ liệu khổng lồ do chính người dùng cung cấp để quay trở lại chi phối người dùng.

Lấy riêng trường hợp Google làm ví dụ. Sự am hiểu và khả năng chi phối người dùng của Google là thứ các chính trị gia vừa muốn đối đầu vừa thèm khát. Google càng lớn mạnh đồng nghĩa đứa con tinh thần của hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin (vốn đã lui vào hậu trường từ đầu tháng 12) đối mặt với thách thức lớn: sức ảnh hưởng của họ không cho phép họ miễn nhiễm với thứ duy nhất có thể kiểm soát vận mệnh của họ - chính sách. Đó là điều Page và Brin dường như đã hiểu nhưng không thể làm khác.

Larry Page và Sergey Brin từng gần như đặt ra một “lằn ranh đỏ” cho sự phát triển của Google. Khoảng năm 2000, bộ đôi đồng sáng lập này nhất trí dùng biểu ngữ “Don’t be evil” (tạm dịch: Đừng trở nên xấu xa) làm giá trị cốt lõi của công ty. Đây là cách họ nhấn mạnh công việc kinh doanh của Google sẽ không dựa trên những hoạt động có thể xếp vào dạng lạm dụng, khai thác người dùng. 

Nói đơn giản hơn, Google sẽ không chấp nhận thao túng kết quả tìm kiếm trên nền tảng của mình, còn các nhân viên của Google trong lúc tìm mọi cách tăng doanh số quảng cáo, phải để ý rằng họ không được phép dùng tiểu xảo và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng. Đó không chỉ là cách Google tự bảo vệ uy tín, mà còn là giới hạn để công ty này không đi quá sâu vào chính trường. Tiếc là điều đó ngày nay đã không còn đúng nữa.

Đối diện thách thức và thời cơ, Google lao vào một cuộc vận động hành lang chính trị để tiến lên phía trước, rõ nhất từ thời tổng thống Mỹ Barack Obama, khi Google chi 15,4 triệu USD cho vận động hành lang vào năm 2016, gấp gần 200 lần số tiền 80.000 USD hồi năm 2003.

Đó cũng là giai đoạn Google chịu áp lực nhiều hơn về các cáo buộc liên quan tới luật chống độc quyền, dẫn tới án phạt 2,4 tỉ USD của Liên minh châu Âu (EU) tháng 6-2017. 

Mức phạt kỷ lục này song hành cùng một vụ lùm xùm khác liên quan tới Barry Lynn, một chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu New America Foundation. Ông Lynn năm 2017 khẳng định mình bị cho thôi việc vì đã nghiên cứu về khả năng Google là công ty đáng bị dán nhãn “độc quyền”, trong khi Google là đối tác tài trợ cho chính New America Foundation.

CNN, trong số rất nhiều bài viết chỉ trích Tổng thống Donald Trump, năm 2017 đưa ra một lập luận rằng chính sách của Washington đã khiến các đại gia công nghệ không có lựa chọn. Theo đó, khi các cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Microsoft, Google hay Apple, các công ty này không còn cách nào khác phải lao vào chính trị và vận động hành lang.

 

 Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua việc mở rộng luật bản quyền - một cơ sở để buộc Google phải trả tiền cho các nhà cung ứng nội dung (Ảnh: EPA)

Con tin của căng thẳng thương mại

Câu chuyện của Google phản ánh bức tranh chung của các công ty công nghệ lớn trên thế giới ngày nay. Họ kiếm rất nhiều tiền, có thể “ăn trên ngồi trốc” nhưng cũng xem như đã leo lên lưng hổ.

Năm 2017, một trong những hành động đầu tiên của ông Donald Trump sau khi đắc cử là triệu tập một cuộc họp trực tiếp tại Nhà Trắng với lãnh đạo các công ty công nghệ. 

Từ đó đến nay, nhóm các giám đốc điều hành công nghệ lớn gồm Tim Cook (Apple) hay Jeff Bezos (Amazon) đều tham dự các sự kiện ở Tháp Trump và Nhà Trắng, nơi họ luận bàn những điều tưởng chừng không mấy “công nghệ”: việc làm, nhập cư, dự án hạ tầng...

Song song với vị thế ngày càng tăng, cũng như Google, nhóm đại gia công nghệ còn lại như Facebook và Twitter chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền các nước. Khả năng tác động tới người dùng, vốn là điểm mạnh, đã gây ra rắc rối cho các công ty này, đặc biệt trong những vụ điều tra của Liên minh châu Âu (EU). 

Ngoài vấn đề kinh tế thể hiện qua cáo buộc độc quyền, nhóm các nền tảng mạng xã hội này còn là tâm điểm trong bối cảnh căng thẳng chính trị - xã hội ở châu Âu, vì vậy đã vướng những quy định và cáo buộc mới liên quan tới tin giả (fake news) và những bài viết mang nội dung kích động thù hằn, bạo lực.

Ngày 17-4-2019, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua luật có thể phạt 4% doanh thu đối với Google, Facebook và Twitter nếu các nền tảng này không kịp thời xóa bỏ các nội dung chứa yếu tố bạo lực khi được chính quyền yêu cầu. Hay mới nhất hôm 2-12, CNBC đưa tin EU lại mở một cuộc điều tra sơ bộ mới nhằm vào các hoạt động sử dụng dữ liệu của Google và Facebook.

Những động thái như trên của EU không chỉ phản ánh thái độ dè chừng của châu Âu với các đại gia công nghệ Mỹ, còn đặc biệt trở nên nhạy cảm trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Mỹ không mấy êm đẹp.

Cuộc điều tra mới nhắm vào Google và Facebook nêu trên được diễn ra gần như cùng thời gian EU cần tìm một lập trường chung để đáp trả thái độ của Mỹ trong vấn đề thương mại. Ngày 3-12, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định sẽ có “phản ứng mạnh mẽ” từ EU đối với việc Mỹ dọa áp thuế lên hàng Pháp.

Trước đó, Mỹ đã dọa áp thuế quan 100% lên 2,4 tỉ USD hàng Pháp, xem đây là cách trả đũa cho việc Paris áp thuế dịch vụ kỹ thuật số lên các công ty công nghệ lớn của nước ngoài làm ăn ở Pháp. Trong mắt Mỹ, những công ty lớn mà Pháp nhắm tới không gì khác ngoài các đại gia công nghệ Mỹ như Google, Facebook, Apple, Amazon...■

Công nghệ muốn tách khỏi chính trị

Tháng 11 vừa qua, Google là công ty mới nhất tuyên bố siết chặt các quảng cáo chính trị, khi cấm các nhà quảng cáo chính trị nhắm tới các đối tượng cử tri dựa trên những liên kết chính trị của họ. 

Theo đó, Google không cho phép các chiến dịch quảng bá, vận động chính trị trên nền tảng của mình sử dụng dữ liệu liên quan tới khuynh hướng chính trị của người dùng, đồng thời cấm các video và hình ảnh dạng “deepfake” (một kiểu chỉnh sửa tinh vi để làm video phát tán tin giả), các tuyên bố sai lệch về điều tra dân số, và các tuyên bố sai trái nghiêm trọng có thể làm suy yếu niềm tin trong bầu cử. 

Trước đó vào tháng 10, Twitter ra thông báo cấm gần như toàn bộ các quảng cáo chính trị bắt đầu từ ngày 22-11.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận