Crimea: sóng gió một cuộc trưng cầu

DUY VĂN 16/03/2014 22:03 GMT+7

TTCT - Trong lịch sử bán đảo Crimea, chưa có cuộc trưng cầu nào mà mốc thời gian tổ chức thay đổi xoành xoạch, còn nội dung trưng cầu lại đảo chiều đột ngột, như cuộc trưng cầu sẽ diễn ra vào ngày 16-3 này (dĩ nhiên, nếu không có sự cố bất ngờ nào nữa!).


Nguồn: Ủy ban bầu cử TW Ukraine

Quyết định thực hiện một cuộc trưng cầu để tìm hiểu nguyện vọng người Crimea được chính quyền khu tự trị này đưa ra sau khi tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ hôm 22-2. 

Liên minh cầm quyền Kiev, chỉ một ngày sau đó, đã tuyên bố thu hồi Luật ngôn ngữ (cho phép sử dụng tiếng Nga cũng như một số ngôn ngữ thiểu số tại các địa phương), khiến Crimea lo ngại các thế lực cực đoan và dân tộc chủ nghĩa sẽ có những bước đi xa hơn.

Ba cột mốc và hai câu hỏi

Dẫu vậy, đến ngày 28-2, chủ tịch Hội đồng tối cao (Nghị viện) Crimea Vladimir Constantinov còn nói Crimea “không có nhu cầu tách khỏi Ukraine”. Ngày trưng cầu khi đó được dự kiến là vào 25-5, tức trùng thời điểm bầu cử tổng thống ở Kiev. Đến ngày 3-3, khi Nghị viện Crimea quyết định dời ngày thăm dò từ 25-5 sang 30-3, các đại diện Nghị viện Crimea vẫn khẳng định khu tự trị này sẽ không đòi tách khỏi Ukraine.

Trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 4-3 kể từ khi ông Yanukovich bị truất phế, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đáp “không” cho câu hỏi liệu Nga có xem xét phương án Crimea gia nhập Liên bang Nga?

Vậy thì sao chính quyền Crimea thay đổi nội dung câu hỏi trưng cầu? Là bởi chỉ trong một tuần sau khi liên minh đối lập lên nắm quyền, đã xuất hiện những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc ở các vùng miền đông và đông nam (có đa số người Nga hoặc người nói tiếng Nga).

Có tới sáu thành viên của Đảng Tự do cực hữu được ban một số chức vụ trong chính quyền lâm thời, kể cả chức phó thủ tướng, trong khi các nhà tài phiệt thân Kiev được trao chức tỉnh trưởng ở các tỉnh đông nam. Như người giàu thứ ba Ukraine Igor Kolomoysky, cựu đồng minh của bà Yulia Tymoshenko, được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Dnepropetrovsk. Hay ông trùm ngành khai khoáng Sergey Taruta, từng là đồng minh của cựu thủ tướng Yushchenko, được giao làm thống đốc vùng Donetsk.

Theo lời chủ tịch Hội đồng chính phủ Crimea S. Aksenov, “tình hình đang bị lợi dụng và thao túng có lợi cho những kẻ cực đoan và chủ nghĩa dân tộc”. Vì vậy, Nghị viện Crimea đã dời thời điểm trưng cầu từ ngày 30-3 lên 16-3 hòng chạy đua với thời gian trước khi tình hình đi đến điểm “không thể quay ngược được”.

Ngày 6-3, Nghị viện Crimea đưa ra một thông cáo gồm chín điểm và điểm đầu tiên ủng hộ việc sáp nhập vào Nga (với 78 trên tổng số 100 đại biểu). Nội dung câu hỏi trưng cầu cũng được thay đổi. Nếu câu hỏi trước kia vẫn để Crimea trong thành phần Ukraine: “Các ngài có đồng ý Cộng hòa tự trị Crimea là quốc gia độc lập trong thành phần Ukraine trên cơ sở các hiệp ước và thỏa thuận?”, thì nay người Crimea sẽ trả lời hai câu hỏi:

1/ “Các ngài có đồng ý Crimea trở thành một phần của nước Nga như một thực thể?”, 

và 2/ “Các ngài có đồng ý khôi phục hiệu lực của Hiến pháp Cộng hòa Crimea năm 1992 và ủng hộ quy chế Crimea như một phần của Ukraine?”. 

Bỏ phiếu cho phương án 1 có nghĩa chọn sáp nhập vào Liên bang Nga, còn phương án 2 - Crimea sẽ vẫn trong thành phần Ukraine nhưng có thể tự quyết quan hệ với Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận, không phụ thuộc Kiev.

Thông cáo chín điểm này nêu rõ lý do Nghị viện Crimea gấp rút trưng cầu vì: “thiếu những cơ quan chính quyền hợp pháp ở Ukraine” và vì “âm mưu của các nhóm cực đoan thâm nhập vào Crimea để làm căng thẳng tình hình, leo thang xung đột và chiếm chính quyền bất hợp pháp”.

Những cuộc chạy đua

Theo Hiến pháp Nga hiện hành, việc sáp nhập các nước ngoài hoặc các lãnh thổ khác vào Nga phải: 1/ Dựa vào ý nguyện của chính người dân những nơi đó, 2/ Có sự đồng ý của Nga lẫn của quốc gia sở hữu lãnh thổ đó, 3/ Bằng việc ký các thỏa thuận quốc tế.

Kiev sẽ không ký “các thỏa thuận quốc tế” để trao Crimea cho Nga: Ngày 7-3 quyền tổng thống Ukraine A. Turchinov đã tuyên bố ngưng hiệu lực những quyết định mới nhất của Nghị viện Crimea, cho biết Quốc hội Ukraine bắt đầu tiến trình giải tán Nghị viện Crimea, đồng thời khẳng định sẽ không xem xét một cuộc trưng cầu địa phương nào mà sẽ chỉ có những cuộc trưng cầu toàn quốc.

Vì vậy, các đại biểu Đuma Nga đã đề nghị phải gấp rút chuẩn bị cơ sở pháp lý mới cho việc thu nhận Crimea. Ngày 4-3, Ủy ban Đuma Nga về Luật hiến pháp đã đề nghị Đuma nhóm họp vào ngày 11-3 để trình và thảo luận các đề xuất dự thảo luật mới, dự kiến sẽ họp điều trần lần thứ nhất vào ngày 21-3.

Theo đó, một lãnh thổ sẽ có thể sáp nhập vào Nga “theo kết quả trưng cầu, tiến hành theo đúng luật của quốc gia nước ngoài...” hoặc “theo kêu gọi của các cơ quan chính quyền quốc gia hoặc lãnh thổ nước ngoài”. Thậm chí có đề nghị có thể sáp nhập lãnh thổ nước ngoài khi “người đưa ra đề nghị là các cơ quan quyền lực quốc gia của chủ thể mới”, trong trường hợp Crimea có thể hiểu là chính quyền và Nghị viện Crimea!

Về phía Crimea, chính quyền khu tự trị này đang chuẩn bị ráo riết cho một nền độc lập. Ngày 6-3, Nghị viện Crimea đã hình thành các cơ quan hành pháp độc lập khỏi Kiev như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các bộ Tình trạng khẩn cấp, Công nghiệp, Nhiên liệu, Năng lượng, Thông tin... Họ tuyên bố tất cả các lực lượng Ukraine trên lãnh thổ Crimea sẽ được trao cho hai chọn lựa: hoặc đầu hàng, hoặc rời bỏ bán đảo.

Ngày 11-3 quân đội Crimea được thành lập từ những “đơn vị tự vệ thiện nguyện”, do Thủ tướng S. Aksenov kiêm nhiệm tổng tư lệnh.

Kiev hiển nhiên không nằm ngoài cuộc đua. Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatseniuk tuyên bố Kiev sẽ “không nhường một tấc đất nào của Ukraine” nhưng sẽ chọn “giải pháp hòa bình” (theo thông tấn xã Ukraine UNIAN).

Ông viện dẫn bản ghi nhớ Budapest năm 1994 có chữ ký của Mỹ, Anh, Nga; theo đó, Ukraine đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới, đổi lại nước này được bảo đảm về mặt an ninh để chống lại tất cả đe dọa bằng vũ lực đối với toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị (1). Vài ngày trước trưng cầu, hôm 12-3, ông Arseniy Yatseniuk đã bay đi Washington để gặp Tổng thống Obama.

Từ phía Matxcơva cũng đã có những cảnh báo về các hậu quả khó lường cho việc thay đổi hiện trạng biên giới. Ngoài các thiệt hại kinh tế, tiếp nhận Crimea, Nga sẽ khiến quan hệ với phương Tây trở nên xấu nhất kể từ sau cuộc chiến ở Gruzia năm 2008 (Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cấm vận chống các quan chức và tổ chức Nga nào gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, trong khi Ngoại trưởng Kerry cảnh báo Ngoại trưởng Lavrov về “nguy cơ cạn kiệt các giải pháp ngoại giao”).

Nó còn làm cho “biên giới Nga trở thành vấn đề tranh cãi từ góc nhìn của một loạt nước khác trên thế giới”, như thành viên của Viện các đánh giá chiến lược của Viện hàn lâm Khoa học Nga Sergei Utkin lo ngại. Thử hình dung: tiếp sau Crimea đã có Sevastopol, rồi Kharkov, Lugansk... kêu gọi Nga ủng hộ cho tiến trình ly khai khỏi Ukraine.

Tổng biên tập tạp chí Tin Quốc Phòng Mikhail Barabanov cho rằng Nga sẽ để nguyên hiện trạng, bởi theo ông, Nga từng từ chối vẽ lại bản đồ địa chính trị: cuộc trưng cầu ở Pridnestrovie (*) năm 2006 với 97% ý kiến muốn sáp nhập Nga, nhưng Matxcơva đã không công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu. Hoặc như trường hợp Nam Ossetia.

Năm 2004, Nam Ossetia từng đề nghị Nga thu nhận vào thành phần Liên bang Nga, nhưng Tòa án Hiến pháp Nga không đồng ý vì cần phải có sự đồng thuận của Gruzia, vì khi đó Nam Ossetia còn nằm trên lãnh thổ Gzuzia. (Chỉ năm 2008 Nga mới công nhận Nam Ossetia, sau khi miền tự trị này bị chế độ Mikhail Saakashvili (Gruzia) tấn công khiêu khích, gây nên cuộc chiến biên giới với Nga).

Lợi bất cập hại. Không ít nhà quan sát đưa ra giả thiết Nga sẽ nhân cuộc trưng cầu Crimea gia tăng áp lực nhằm đưa ra một giải pháp có lợi nhất cho Nga ở Ukraine, hơn là nhận Crimea vào Liên bang Nga (2).

Đến ngày 9-3, Tổng thống V. Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron còn nhấn mạnh các bước đi của chính quyền Crimea là “phù hợp chuẩn mực quốc tế và bảo vệ người dân bán đảo”, trong điều kiện “chính quyền Kiev không làm gì để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trong chính thủ đô cũng như các vùng miền khác của những thế lực cực hữu và dân tộc cực đoan”.

Ngày 11-3, Nghị viện Crimea đã thông qua tuyên bố độc lập để dọn đường cho cuộc trưng cầu ý dân ngày 16-3.

V. Yanukovich: “Các người đã quên rồi sao?”

Trong cuộc họp báo vỏn vẹn 10 phút vào ngày 11-3 ở Rostov on Don, tổng thống bị truất phế V. Yanukovich đã gây thất vọng cho báo giới khi không trả lời câu hỏi nào. Trong bài phát biểu ngắn, ông khẳng định “vẫn là tổng thống Ukraine”, nhấn mạnh vào thời điểm đảo chính ông vẫn đang trên lãnh thổ Ukraine. Tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 25-5 là bất hợp pháp, ông nói “sẽ trở về Kiev khi hoàn cảnh cho phép”.

Ông kêu gọi phương Tây và Mỹ “không giúp đỡ tài chính cho những kẻ cướp” và hỏi họ: “Các người đã mất trí nhớ, đã quên chủ nghĩa phát xít rồi sao?”. Tuy nhiên, điều người ta chờ đợi nhất: một kế hoạch trung gian hòa giải cho Ukraine nói chung và Crimea nói riêng đã không được đưa ra.

(Lenty.ru

 


(*): Pridnestrovie còn được gọi là Transnistria, là một nhà nước ly khai không được công nhận, nằm phần lớn trên một dải đất giữa sông Dniester và biên giới phía đông của Moldova với Ukraine. Dân số gồm người Moldova, Nga và Ukraine. Transnistria là một khu vực “xung đột lạnh” hậu Xô viết, cùng với Nagorno-Karabakh, Abkhazia và Nam Ossetia. 

(1): http://en.wikipedia.org/wiki/Budapest_Memorandum_on_Security_Assurances

(2): http://www.vedomosti.ru/politics/news/23702531/zachem-referendum?utm_source=vedomosti&utm_medium=widget&utm_campaign=vedomosti&utm_content=link (santa)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận