Bức tường vô hình cao sừng sững

BẢO NHI 19/03/2015 00:03 GMT+7

LTS: Vì sao con cái tuổi teen không thể trò chuyện với cha mẹ và ngược lại? TTCT tiếp tục loạt Câu chuyện cuộc sống “Bỗng nhiên, người lạ!” (xem TTCT từ số ra ngày 8-3-2015) bằng tâm sự của những ông bố, bà mẹ. Trong “sự câm lặng” đó có lỗi của ai?

Minh họa: Bích Khoa

1 “Con như người lạ” là than thở tôi vừa nghe được từ một người bà con xa. Hai vợ chồng chị đều làm bác sĩ, có một con gái duy nhất đang bước vào độ tuổi vị thành niên.

Lúc con còn nhỏ, hai vợ chồng đều bận rộn, anh thì đi du học nước ngoài, chị bận bù đầu sáng tối từ bệnh viện công tới phòng khám tư. Con gái chị, cháu L., được giao phó cho bà ngoại chăm sóc, dạy dỗ. Tối nào cũng vậy, khi chị “lê” được tấm thân mỏi mệt về tới nhà thì con đã yên giấc.

Chủ nhật cũng có khi chị muốn đưa con đi chơi Thảo cầm viên hay các khu vui chơi trẻ em nhưng rồi bao nhiêu tiệc tùng, hiếu hỉ khiến chị phải rời xa con gái. Con gái cứ thế lớn lên, bước vào độ tuổi cập kê mà cha mẹ dường như không nhận thấy.

Một hôm, chị phát hiện con gái ra đường mà ăn mặc kỳ dị. Tóc bện hàng trăm bím, nhuộm hai ba màu, áo rộng thùng thình, mỏng tang, quần jean thì rách te tua, thấy hết cả da thịt. Chị giận dữ: “Con vào thay bộ đồ đó ra ngay cho mẹ”.

Con chị mặt sưng mày sỉa, vào phòng đóng cửa ầm ầm. Lát sau tiếng nhạc đinh tai nhức óc phát ra. Nửa giờ sau, chị gọi cửa định nói chuyện nghiêm túc thì con đã trèo cửa sổ đi mất tự bao giờ. Tối khuya ấy thấy con không về, chị gọi nhưng con tắt máy. Lúc này chị mới nhớ ra chẳng lưu bất kỳ số nào của bạn con cả, ngay cả số điện thoại của cô chủ nhiệm cũng không có nốt.

Chị tự giận mình làm mẹ mà sao vô tâm quá. Chồng chị biết chuyện còn mắng chị bằng những lời nặng nề. Cũng may chừng 11 giờ đêm, có tiếng xe máy gầm rú ngoài cửa, con gái chị được hai ba thằng bạn xăm trổ đầy mình đưa về bằng môtô khủng.

Chị hỏi con đi đâu, nó vênh váo bảo: “Bà hỏi làm gì? Bà và chồng của bà biết gì ngoài tiền đâu?”. Chị giơ tay định tát con nhưng nhìn vào đôi mắt con bỗng nhiên chị buông tay xuống và rưng rưng nước mắt. Đó là ánh mắt của một con thú bị thương, ánh lên cái nhìn của uất hận, của đau đớn, của bi kịch thầm lặng...

2 Một đứa cháu gái họ xa của tôi tên L., học lớp 10. Học lực cháu trung bình dù tư chất rất thông minh. Lúc nhỏ, L. học rất giỏi, nhưng càng lớn càng sa sút. Ba mẹ L. nhiều lần than với tôi là em không chịu nghe lời, hay bỏ học, thích tiêu tiền, mua sắm. Chẳng những thế, có lẽ gần đây L. còn bắt đầu có bạn trai, suốt ngày long nhong đâu đó, gọi điện không bắt máy, đi đứng thất thường, chẳng phép tắc gì cả.

Họ có cảm giác sắp mất con. Họ nhờ tôi nếu có dịp thì khuyên bảo L. giúp họ.

Một lần, L. sang nhà chơi với con tôi. Tôi dạy con và L. nấu chè bà ba thì L. rươm rướm nước mắt bảo: “Chè này là chè của người nghèo, mình độn khoai lang vào vậy mà ngon. Thật ra con thích làm con nhà nghèo. Nghèo mà vui”.

Tôi gợi chuyện: “Ủa, ba con là giảng viên đại học, mẹ con là giám đốc. Gia đình con có tới mấy người giúp việc, con đi học có ôtô đưa đón mà con thích nghèo là sao?”. L. tâm sự: “Bạn thân con nhà nó khá nghèo, ba nó bán sương sâm, mẹ nó bán tạp hóa lặt vặt tại nhà nhưng cha mẹ và nó gần gũi lắm...

Trong khi gia đình con không mấy khi có bữa cơm đủ mặt cha mẹ vì mẹ thường xuyên đi ăn với đối tác, ba thường xuyên đi thỉnh giảng ở tỉnh... Con luôn ăn cơm một mình, thấy căn nhà sao mà lạnh lẽo. Ba mẹ bảo con phải biết lo học để mai sau “thành công như ba mẹ vậy”.

Con thấy cả ba mẹ chẳng hiểu gì con hết. Khi con buồn, con chỉ thích sang nhà bạn chơi, ngồi nấu sương sâm cùng nhà nó... Ba mẹ nói thương con mà không hiểu con cần gì thì đâu có thương phải không cô...”.

Tôi nghe L. tâm sự mà rớt nước mắt. Với những giá trị về hạnh phúc khác nhau, cả cách hiểu về tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái khác nhau, cha mẹ L. và L. như trò chuyện qua bức tường cách âm vô hình nhưng cao sừng sững...          

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận