Chỉ trắng và xanh

NGUYÊN LÊ 08/09/2013 23:09 GMT+7

TTCT - Bắt đầu vào năm học, những lùm xùm quanh bộ đồng phục học sinh lại rộ lên. Năm nay là chuyện mẫu đồng phục có giá tới một tạ lúa ở Trường tiểu học Văn Bình, ngoại thành Hà Nội. Ban giám hiệu nhà trường giải thích việc này là do “Ban đại diện phụ huynh đưa ra và không bắt buộc”.

Phóng to

Chuyện đồng phục đã được nói nhiều những năm qua. Không chỉ về giá cao hay thấp, mức độ thẩm mỹ, phù hợp với không khí học đường, với khí hậu địa phương... mà còn về sự thay đổi liên tục có chủ ý trong kiểu dáng, về những logo bắt buộc, những phù hiệu, khăn quàng... được sản xuất độc quyền bởi nhà cung cấp được chọn.

Cái lý của hàng loạt sự vô lý chỉ có thể được giải thích bằng hai chữ: lợi ích. Lợi ích vật chất thật từ tiền hoa hồng trước đó đã bị hạch toán vào giá thành sản phẩm. Lợi ích tinh thần ảo từ bệnh thành tích, so kè về cái được cho là “đẳng cấp” giữa trường này với trường kia.

Tinh thần của đồng phục, trước tiên là tạo sự đồng nhất, bình đẳng. Mọi học sinh có hoàn cảnh gia đình giàu nghèo như thế nào đều được nhận diện như nhau khi bước vào cổng trường học. Sau, để nhận diện giữa học sinh trường này trường khác mà bao hàm trong đó có mục tiêu thẩm mỹ, truyền thống...

Tinh thần ấy vẫn có thể thể hiện đầy đủ trong hình ảnh chiếc quần tây xanh, áo trắng hay những cách điệu đơn giản tùy điều kiện chung, thời tiết, địa hình... dễ dàng tự đi may mà các thế hệ người đi học có thể kế thừa nhau. Nhưng nó đang bị nhiều nơi lợi dụng.

Bất bình đẳng trong quyền được chọn lựa hình thành từ sự nhân danh bình đẳng với muôn nỗi ngậm ngùi khác về tiền bạc, vai vế... của phụ huynh, học sinh. Một xã hội thu nhỏ trong trường học, với đầy đủ những biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn về cách nghĩ, cách làm và cả cách đối phó.

Tôi nhớ mãi cuộc họp các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 tại trường tiểu học VTT, quận 10, TP.HCM cách đây mấy năm. Khi phổ biến tới đồng phục, thầy hiệu trưởng nhắc đi nhắc lại: “Chỉ cần áo sơmi trắng, quần tây xanh cho các em nam và váy xanh cho các em nữ. Áo cũ cũng được, em mặc của anh cũng được, chỉ cần có phù hiệu của trường may trên ngực trái áo thôi. Trường có bán đồng phục như thế, nhưng phụ huynh cũng có thể tự may hoặc các em có thể mặc lại đồ cũ, chỉ cần áo trắng, quần xanh là được”.

Phải chăng đó mới thật sự đúng với tinh thần đồng phục: tất cả các bạn vào trường là như nhau. Và tất cả học sinh ở các trường đều như nhau. Hơn thua nhau là ở thành tích học tập, tinh thần kỷ luật và rèn luyện, chứ không ở kiểu đồng phục này nổi bật hơn kiểu đồng phục kia, mà hiểu theo một ẩn ý nào đó là trường này “đẳng cấp” (?) hơn trường nọ...

Đằng sau câu chuyện về bộ đồng phục học sinh là câu hỏi cần có lời đáp về triết lý quản lý, xây dựng thiết chế tự quản và giám sát xã hội. Không chỉ trong chuyện đồng phục, mà cả trong chuyện soạn - in sách giáo khoa, kiểm soát dạy thêm - học thêm... và nhiều chuyện khác, ngành giáo dục chỉ cần công bố những quy chuẩn, quy định chung một cách rõ ràng để các đối tượng tham gia trong quá trình dạy và học thực hiện theo khả năng, sáng kiến và tự giác của họ.

Các thiết chế tự quản nếu được xây dựng trên tinh thần của một xã hội dân chủ sẽ tự mình thực hiện nhiều việc, bao gồm cả việc giúp cơ quan quản lý giám sát và giám sát cả cơ quan quản lý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận