Cứu trợ tàu sân bay

MINH THƯ 27/11/2013 04:11 GMT+7

TTCT - Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ George Washington cùng thủy thủ đoàn 5.000 thành viên đang tham gia công tác cứu trợ ở Philippines sau siêu bão Haiyan.

Sự trợ giúp với đội ngũ nhân sự lớn như thế cho thấy quan hệ đặc biệt giữa Washington và Manila.

Phóng to
Binh sĩ Mỹ cung cấp nước sạch cho người dân vùng thảm họa Henane (Philippines) hôm 16-11 - Ảnh: Defense.gov

Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã khá bền chặt, Washington từ lâu xem Manila là đồng minh tin cậy của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ hai nước đã được củng cố cả bằng máu, trải qua những cuộc chiến chống thực dân Tây Ban Nha, đế quốc Nhật...

Cùng đối phó đe dọa mới

Cuối thế kỷ 19, Philippines là thuộc địa của Tây Ban Nha, được chuyển sang cho Mỹ bảo hộ bằng một hiệp ước hòa bình giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Chiến tranh giữa Mỹ và Philippines nổ ra năm 1899, kéo dài ba năm và chỉ chấm dứt bằng việc Mỹ thừa nhận chủ quyền của Philippines.

Năm 1935, Mỹ trao cho Philippines quyền tự trị, nước này được nâng cấp thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung của Mỹ, có tổng thống và quốc hội. Năm 1945, Mỹ có kế hoạch trao cho nước này quyền độc lập hoàn toàn, nhưng trước đó Philippines đã trở thành mục tiêu tiếp theo cuộc xâm lược của Nhật.

Ngày 20-10-1944, trên bãi biển Palo (Leyte) bắt đầu cuộc đổ bộ của lính Mỹ và Philippines dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ Douglas MacAthur. Người Nhật chống trả quyết liệt khiến binh đoàn 352.000 lính Nhật chết hết 336.000 người, trong khi tổn thất phía đồng minh là 14.000 người. Trong thời gian Nhật chiếm đóng, nạn đói, bệnh tật và những cuộc giao tranh đã khiến nửa triệu người Philippines thiệt mạng. Đến năm 1946, Philippines mới giành được nền độc lập mơ ước.

Từ đó trở đi, Mỹ thường xuyên trợ giúp phát triển cho Philippines, một tiền đồn của Mỹ ở Đông Nam Á giúp đối phó với khối XHCN. Tại đây có hai căn cứ quân sự lớn nhất của Lầu Năm Góc ngoài lãnh thổ Mỹ là vịnh Subic (đặt tại Zambales) và Clark (tại TP Angeles).

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhu cầu của người Mỹ đối với hai căn cứ quân sự này cũng giảm bớt. Đợt phun xuất của núi lửa Pinatubo năm 1991 hầu như tiêu diệt căn cứ Clark và làm ảnh hưởng đáng kể căn cứ Subic. Nỗ lực của Washington và Manila gia hạn hợp đồng thuê căn cứ đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của Quốc hội Philippines.

Căn cứ Clark được chuyển giao cho không lực Philippines trong khi vịnh Subic từ năm 1992 được chuyển đổi thành cảng phi thuế quan theo mô hình ở Hong Kong và Singapore. Tuy nhiên, hợp tác quân sự giữa hai quốc gia tiếp tục được duy trì. Một loạt thỏa thuận được ký kết cho việc tập trận chung hằng năm, trong khi chính quyền Manila cho phép binh sĩ Mỹ sử dụng tiềm lực ở Subic trong trường hợp cần thiết.

Đến đầu thập niên 2010, tàu chiến hải quân Mỹ cũng như một số đơn vị thủy quân lục chiến và không quân Mỹ luân phiên đồn trú vịnh Subic. Philippines tiếp tục là đồng minh then chốt của Mỹ không nằm trong khối NATO.

Những năm gần đây, với sự công khai đưa ra yêu sách trên biển Đông và những hoạt động bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ và Philippines đều cảm thấy gia tăng sự cần thiết lẫn nhau: Washington xem Manila là một thành tố quan trọng trong cuộc đối kháng với Trung Quốc, ngược lại Philippines cần sự trợ giúp của Mỹ để đối phó với Bắc Kinh cũng như để trấn áp các phong trào nổi dậy trong nước.

Tạo quyền lực mềm bằng phương tiện quyền lực cứng

Những mối liên hệ lịch sử này chính là một trong những lý do khiến Mỹ là nước đầu tiên hỗ trợ Philippines sau siêu bão Haiyan. Ngay từ những giờ đầu tiên sau bão, theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Đại sứ quán Mỹ ở Manila đã chi ngay lập tức “một số tiền đáng kể” để cứu trợ khẩn cấp dù không nói chính xác bao nhiêu.

Tiếp đó, 250 quân nhân Mỹ trong binh đoàn Mỹ đồn trú tại Philippines đã được đưa tới Tacloban. Họ hỗ trợ dọn dẹp các đống đổ nát, thiết lập lại đường dây thông tin tạm thời và giúp quân đội lẫn cảnh sát Philippines trong việc bảo vệ trật tự xã hội. Vài ngày sau, ngày

15-11, tàu sân bay USS George Washington cũng đến Philippines giúp mở rộng hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cung cấp chăm sóc y tế và hỗ trợ hậu cần. Đặc biệt, hàng không mẫu hạm này có thể sản xuất hơn 1,5 triệu lít nước uống sạch mỗi ngày, hết sức hữu dụng trong tình cảnh hiện nay ở vùng thảm họa.

Trong khi đó, các tàu đổ bộ USS Ashland và USS Germantown tới Okinawa đưa thủy quân lục chiến Mỹ đến Philippines vào ngày 19-11 để chung tay cho các hoạt động nhân đạo. Gói cứu trợ nhân đạo trị giá 20 triệu USD, bao gồm viện trợ lương thực và hàng cứu trợ thiết yếu cho khu vực thiên tai, cũng được Mỹ thông báo trợ giúp.

Sự sốt sắng của Washington có thể giải thích bằng quy mô quá khủng khiếp của thảm họa, khi những cột nước biển cao hơn 6m và gió giật hơn 350km/giờ quét qua những hòn đảo của đất nước tươi đẹp này mà 10 ngày sau đó người ta vẫn chưa thể thống kê số người chết.

Nhưng không thể bỏ qua một thực tế là hồi đầu tháng này, các cuộc đàm phán giữa Washington và Manila về việc gia tăng số binh sĩ Mỹ luân phiên đồn trú ở Philippines đã vấp phải sự chống đối của người Philippines, vốn lo ngại chủ quyền nước này sẽ bị ảnh hưởng.

Có thể nói triển vọng một thỏa thuận như thế là hết sức mờ nhạt. Khi đó, theo tiến sĩ Beuhler ở Đại học Bắc Illinois (Mỹ), một số quan chức Mỹ đã nhấn mạnh tần suất của bão lũ, động đất và hoạt động núi lửa ở Philippines như những điều kiện giúp tăng sự hiện diện của Mỹ ở đây, và đó là lý do vì sao người Mỹ để “việc trợ giúp trong thiên tai và hoạt động nhân đạo tiến hành thương lượng” hậu siêu bão Haiyan (1).

Kết quả có vẻ khả quan, khi trên mạng xã hội người Philippines tán dương “Cảm ơn người Mỹ”, một hình ảnh hoàn toàn đối lập so với hồi tháng 8-2013, khi người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel đến Manila đã được đón tiếp bằng những cuộc biểu tình chống đối.

Tiến sĩ Beuhler chỉ ra: “Những gì chúng tôi nhận thấy trong cách nhìn của công luận về quân đội Mỹ đã có vẻ ủng hộ hơn”, và hi vọng thỏa thuận tăng cơ số quân Mỹ có thể được thông qua. David Arase thuộc Đại học John Hopkins cũng hòa giọng: “Hình ảnh tàu sân bay Washington bắt đầu phân phối nước uống sạch từ hệ thống của tàu sẽ giúp mọi người trong khu vực nhìn Mỹ không chỉ như một đồng minh quân sự, mà là một đối tác trong những cuộc khủng hoảng phi truyền thống”.

“Ngoại giao thảm họa”

Theo hai tác giả Namalie Jayasinghe và Efe Sevin (Mỹ) trong một công trình nghiên cứu về “ngoại giao thảm họa” (disaster diplomacy), các thảm họa đe dọa sự cai trị của các chính phủ cũng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác không chỉ cho các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao, mà thậm chí cho cả các nước đang xung đột (2).

Trường hợp của Indonesia và tỉnh Aceh qua trận sóng thần Ấn Độ Dương được hai đồng tác giả giới thiệu: trước khi sóng thần đập vào đảo quốc này ngày 26-12-2004, Aceh là chiến trường giữa quân Chính phủ Indonesia và các lực lượng nổi dậy GAM trong 28 năm làm 15.000 người chết.

Sau sóng thần, hai phía đã đạt được một thỏa thuận hòa bình. Một số nhà bình luận cho rằng chính sóng thần là chất xúc tác, số khác chỉ ra rằng sóng thần làm GAM thiệt hại lớn về người lẫn vũ khí khiến họ phải hợp tác với chính phủ.

Trong khi đó, quan hệ Indonesia - Mỹ trước đợt sóng thần cũng không suôn sẻ, đặc biệt là vì năm 1991 khi Mỹ cấm vận Indonesia do các hoạt động quân sự ở Đông Timor. Sự cứu trợ tích cực của Mỹ sau sóng thần đã là chất xúc tác cho quan hệ này ấm áp hơn.

Năm 2006, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí Indonesia, trong khi quân đội Indonesia mở rộng các hoạt động hợp tác đào tạo với quân Mỹ, nhất là đào tạo trong lĩnh vực đối phó và hồi phục các vùng thảm họa.

Tờ Jakarta Globe nhắc lại đánh giá của chuyên gia Michael Auslin thuộc American Enterprise Institute: “Cấp độ và quy mô của cuộc khủng hoảng (sóng thần) quá lớn và bao trùm đến độ nó thật sự vượt qua những căng thẳng chính trị giữa hai nước (Indonesia - Mỹ) từng khiến quan hệ còn ở mức độ rất thấp. Trợ giúp quân sự của Mỹ khi đó... đã giúp quan hệ Mỹ - Indonesia đi vào một quỹ đạo mới” (3).

Tương tự vậy trong cách nhìn của người Nhật với người Mỹ sau trận động đất - sóng thần năm 2011 ở đông bắc Nhật Bản. “Người Mỹ đã đến và làm nhiều việc (đặc biệt tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima) mà người Nhật không thể làm, và điều đó chỉ ra sự đa chiều kích của liên minh Mỹ - Nhật”, theo nhận định của giáo sư Arase.

Chỉ ra những phản ứng đầu tiên trong gói viện trợ của Mỹ và Trung Quốc cho Philippines sau bão Haiyan, nhận định sau đây của giáo sư Arase cho thấy “ngoại giao thảm họa” có thể giúp xây dựng hình ảnh đối tác ra sao: “Sự tương phản giữa hai con số: 20 triệu USD của Mỹ và 100.000 USD của Trung Quốc... chỉ cho mọi người thấy rằng sự trợ giúp nhân đạo của Bắc Kinh gắn với những điều kiện chính trị như thế nào..., trong khi trợ giúp của Mỹ ít có điều kiện hơn”.

“Trận chiến tốt nhất là trận mà bạn không cần đánh” - nhà khoa học chính trị Mỹ Jonah Blank, cựu giám đốc chính sách Đông và Đông Nam Á của Ủy ban quan hệ đối thoại Thượng viện Mỹ, đã nói như trên về ưu thế của Mỹ hiện nay trong ứng phó thảm họa ở Philippines. Hay nói theo cách khác, cái giá của những sứ mệnh nhân đạo không là gì so với những chiến dịch quân sự.

Lầu Năm Góc trong một hồ sơ chi tiêu đã đánh giá ưu điểm của những sứ mệnh nhân đạo này: chi phí thấp, không bị cản trở, hiệu quả cao (4). Việc triển khai hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln và các tàu thủy khác của Mỹ ở vùng thảm họa sóng thần châu Á năm 2004 tốn hết 857 triệu USD, nhưng cũng chỉ bằng chi phí cho ba ngày chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan năm ngoái!

Đây không phải là lần đầu tiên người Mỹ tiến hành chính sách “ngoại giao thảm họa”. Chính sách ngoại giao này được rút ra từ thời chiến tranh lạnh, khi các quan chức Mỹ thông qua một cách tiếp cận rộng hơn để thắt chặt mối liên hệ an ninh với các nước.

“Ngoại giao thảm họa” như một công cụ chiến lược, cho phép Mỹ xây dựng “quyền lực mềm” thông qua những phương tiện thường gắn với “quyền lực cứng” như tàu sân bay, máy bay vận tải, trực thăng và quân đội... (Jakarta Globe)

(1): http://www.csmonitor.com/World/Security-Watch/2013/1113/US-military-footprint-on-Philippines-could-grow-after-typhoon-Haiyan-video

(2): http://www.academia.edu/3492828/Disaster_Public_Diplomacy_An_Examination_of_Long-term_Impacts_of_Disaster_Diplomacy_on_Turco-Greek_Relations#

(3): http://www.thejakartaglobe.com/international/militarys-aid-operations-in-philippines-help-promote-us-interests/

(4): http://www.usatoday.com/story/opinion/2013/11/11/philippines-typhoon-us-aid-column/3500637/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận