Mặt trái chỉ là số ít?

TTCT - Có vẻ như ở thành phố, các tiệm net có phần ế ẩm nên một số tiệm giải tán bán tháo máy tính về nông thôn, miền núi. Nay các tiệm net ở nông thôn tràn ngập học sinh từ sáng đến khuya.

Sống cùng công nghệ cao:

LTS: Tham gia loạt bài viết về các bạn trẻ trong “một thế giới có quá nhiều đồ chơi” kỳ này là kết quả một “phỏng vấn bỏ túi” các học sinh và thầy cô về thực trạng học sinh trên thế giới ảo ở một tỉnh xa. TTCT giới thiệu.

Chủ tiệm phục vụ nước uống, bán bánh ngọt và chuẩn bị cả máy phát điện phòng khi điện cúp. Mỗi giờ lên mạng từ 2.500-3.500 đồng/người.

Phóng to
Ảnh: Newsweek

Học sinh ở nông thôn

* Nhà bạn nào đã nối mạng, bạn nào đang dùng iPhone, iPad?

- Trong lớp chỉ có mấy bạn nhà có nối mạng. Phần lớn tụi em cần gì thì ra quán net, ngồi chút xíu mất mấy ngàn.

- Nhà tụi em nghèo lắm không dùng nổi iPhone đâu, có bạn có nhưng lại tốn thêm tiền kết nối GPRS, 3G.

* Chúng ta lên mạng lúc nào, xem gì, chơi gì? Có bạn nào mê game, chat quên học hành không?

- Tụi em học buổi sáng. Nếu chiều không học thể dục, không học thêm thì ra tiệm net đọc tin tức, nghe nhạc. Game thì em thích chơi audition, bắn gà... lúc đầu háo hức nhưng giờ ớn rồi. Cô giáo giao làm tập san, tham gia văn nghệ, tụi em lên mạng coi rồi bắt chước.

- Hồi lớp dưới em thích game võ lâm, đột kích, kiếm thế nhưng ngoài tiền giờ còn tốn tiền thẻ cào để nâng cấp thì chơi mới hấp dẫn, giờ em bỏ rồi, lo học.

- Đúng là có bạn tới quán net không làm gì khác ngoài chơi game, hỏi thì bạn nói học không hiểu thì tới lớp làm gì. Lớp em có hai bạn, lớp nào cũng có vài bạn như vậy, sáng cũng đi đến trường nhưng vô quán net ngồi, trưa cùng về với tụi em.

* Chà gay quá, không có cách nào giúp các bạn đó sao?

- Ba má bạn rầy la, thầy cô khuyên bảo nhưng không thấy tác dụng.

- Đến lúc nào đó bạn tỉnh ra, không thì thôi, chấp nhận.

* Chúng ta học đến lớp 12, đừng ngại khi tôi hỏi các em câu này: Các em có xem gì hay nghe bạn bè giới thiệu cái gì liên quan đến sex không?

- (cười, im lặng) Dạ không có đâu.

- Cũng có, nhưng em nghĩ bạn nào hư là hư thôi, không hẳn do Internet, không hẳn do một lần xem cái đó.

Học sinh ở thành phố

Tham gia cuộc phỏng vấn bỏ túi có các học sinh lớp 12B3 của Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa, đại diện học sinh nông thôn; một nhóm học sinh lớp 10 chuyên sinh của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, đại diện học sinh thành phố; và một số giáo viên Trường Lương Văn Chánh: Đinh Thị Tuyết dạy hóa, Trần Quốc Nhuận dạy địa, Bùi Ngọc Bửu dạy văn, Trần Cao Nguyên dạy sinh kiêm tổ trưởng tổ công nghệ thông tin.

* Nhà bạn nào chưa nối mạng, bạn nào đang dùng iPhone, iPad?

- Em thấy nhà bạn nào cũng nối mạng.

- Em dùng iPhone cho sang thôi, khi đi học đâu có xem được, cuối cùng cũng chỉ để nghe, gọi, gửi tin nhắn. Về nhà lên Facebook, tìm kiếm thông tin em vẫn thích dùng máy để bàn hơn.

* Chúng ta lên mạng xem gì, chơi gì? À, máy nối mạng ấy dùng chung hay chỉ một mình em?

- Em dùng chung máy với em trai. Em lên mạng học tiếng Anh, tải đề thi, lời giải. Để hiểu rộng bài giảng của thầy cô, em cũng lên mạng tìm hiểu thêm. Xong bài vở, tụi em chat với bạn bè, xem phim, học nấu ăn, chơi game.

- Em tìm tư liệu thầy cô chỉ, thi giải toán. Giải trí thì nghe nhạc chứ xem phim nhiều tập ba má không cho, ba bảo Bill Gates cũng từng khuyên như vậy.

* Có bạn nào mê game, chat quên học hành không?

- Dạ không có đâu. Hồi học cơ sở (trung học cơ sở) thì có.

* Vậy có thể nói tuổi trung học phổ thông ba má không phải lo tác dụng xấu của Internet?

- Cũng không dám chắc (cười).

Thầy cô giáo

* Thầy cô có thấy trường hợp nào học sinh mê game bỏ học không? Nhà trường có động thái gì hướng các em sử dụng Internet cho học tập?

- Chúng tôi dạy trường chuyên. Một số học sinh lớp kề chuyên có ham chơi game, các lớp chuyên thì không. Nếu có, giáo viên chủ nhiệm tìm đến quán net gặp học sinh đó hoặc thấy có hiện tượng mệt mỏi, học hành sa sút ở lớp, chúng tôi liên hệ với phụ huynh ngay. Hiện nay đáng lo là các trường ở nông thôn.

- Tôi nghĩ học sinh đã quá quen Internet, nhà trường cũng có thông qua giáo viên nhắc nhở đừng tốn thì giờ nhiều vô Facebook, vô các trò giải trí. Phụ huynh cần biết rõ thời khóa biểu con em mình, chúng xem gì trên mạng. Tốt hơn là không đặt máy vi tính trong phòng riêng và theo dõi lịch sử tra mạng của con.

- Thật tình chương trình phổ thông bài vở quá nhiều, nếu học sinh có lên mạng thì cũng phục vụ việc học thôi. Giáo viên chúng tôi cũng đưa kiến thức đến học sinh bằng các đường link, các địa chỉ trang web. Như tôi đây một ngày không lên mạng không chịu được, nhưng đó là cái "ghiền" tích cực, tôi nghĩ học trò cũng thế. Sắp tới tôi mong giáo viên trường tôi bước đầu có bài giảng e-learning để tương tác với học sinh.

- Một lần tôi tập trung bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi bốn ngày liền. Trời, không cho lên mạng các em bứt rứt. Ngày cuối cùng giao bài tập, mỗi học sinh một laptop, vừa lên mạng vừa làm bài mà chẳng ảnh hưởng gì. Các em lên mạng xem trang của bạn bè, liên lạc, chia sẻ đoạn phim quay được... Nói tóm lại, học sinh thích ứng tốt với công nghệ cao, có chăng mặt trái chỉ là số ít.

___________

Có hay không những “con nghiện Internet”? Các chuyên gia thế giới đã cảnh báo về một loại nghiện mới mà mức độ nguy hiểm và tính khó lường trước của nó cũng giống như nạn... biến đổi khí hậu!

Mùa hè 1996, bảy nhà nghiên cứu trẻ tại Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) quyết định xóa nhòa ranh giới giữa thế giới ảo và thực bằng cách sống cùng lúc trong các thế giới thực và ảo. Họ mang các bàn phím trong túi áo, các máy phát vô tuyến trong balô và một màn hình kẹp trước mắt. Họ gọi mình là “cyborgs” (nửa người nửa máy, những nhân vật trong tiểu thuyết viễn tưởng). Khi đó, họ bị cho là dị hợm.

Thế nhưng giờ đây, Sherry Turkle, một nhà tâm lý học tại MIT, đã phán: “Tất cả chúng ta đang là cyborgs”. Cuộc sống với việc nối kết liên tục với thế giới ảo đã trở nên bình thường. Thế nhưng khó nói lối sống đó là lành mạnh hay bền vững khi công nghệ đang trở thành nguyên nhân cũng như giải pháp cho tất cả những vấn đề trong cuộc sống chúng ta.

Trung bình một người, bất kể tuổi tác, đang nhận hoặc gửi khoảng 400 tin nhắn/tháng, nhiều hơn bốn lần năm 2007. Trung bình một thiếu niên Mỹ xử lý 3.700 tin nhắn mỗi tháng, gấp đôi năm 2007!

Sherry Turkle khẳng định như thế vì trẻ em Mỹ gần như đang gắn chặt với máy tính: chúng ngồi trước màn hình ít nhất 8 giờ/ngày, tức dành cho Internet nhiều thời gian hơn bất cứ hoạt động nào khác kể cả việc ngủ. Còn thiếu niên Mỹ thì ngồi 7 giờ/ngày trước màn hình, và nếu tính cả thời gian của các cuộc trò chuyện trên các thiết bị điện tử thì hết 11 giờ.

Trong khi đó, việc nhắn tin thì càng khủng khiếp hơn: trung bình mỗi người, bất kể tuổi tác, đang nhận hoặc gửi khoảng 400 tin nhắn/tháng, nhiều hơn bốn lần năm 2007. Trung bình một thiếu niên Mỹ xử lý 3.700 tin nhắn mỗi tháng, gấp đôi năm 2007. Và 2/3 trong số các “cyborgs” thường nhật này có cảm giác điện thoại họ đang rung mặc dù thật sự chúng vẫn im lặng. Từ lâu người ta đã biết tới hiện tượng được gọi là “hội chứng rung bóng ma” này.

Liệu Internet có làm người ta phát điên? Chắc chắn bản thân công nghệ này hoặc nội dung của nó không có khả năng đó, nhưng Peter Whybrow, giám đốc Viện Khoa học thần kinh và hành vi con người tại UCLA, đã dẫn chứng rằng “computer giống cocaine điện tử”. Được biết, trong ”Cẩm nang thống kê và chẩn đoán về các rối loạn tâm thần” mới sắp được phát hành năm 2013 ở Mỹ, lần đầu tiên chứng rối loạn tâm thần vì Internet sẽ được bổ sung. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc gần đây đã thừa nhận chẩn đoán về loại rối loạn mới này và bắt đầu coi việc lạm dụng web như một trong những đe dọa cho sức khỏe tâm thần quốc gia.

Ở những nước và lãnh thổ này, hàng triệu người (trong số này ít nhất có 30% thiếu niên) được cho là nghiện Internet, trong đó chủ yếu nghiện trò chơi điện tử, thực tế ảo và truyền thông xã hội. Người ta chưa quên một cặp vợ chồng bỏ con chết đói vì bận nuôi một đứa trẻ ảo trên mạng, hay một thanh niên đánh chết mẹ mình khi bà ngăn không cho con lên mạng. Cũng đã có cả chục trường hợp đột quỵ vì chứng nghẽn máu do ngồi quá lâu trước màn hình. Ở Ấn Độ, tháng 4 vừa qua các bác sĩ đã nói trên tờ The Times of India về tình trạng “nghiện Facebook”.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng não của những người nghiện Internet cũng giống như não của những người nghiện ma túy hoặc rượu. Hai công trình nghiên cứu khác nhau của họ đều cùng gắn việc nghiện Internet với “những bất thường trong cấu trúc chất xám”, mà cụ thể là chúng co lại từ 10-20% ở khu vực não chịu trách nhiệm việc xử lý lời nói, trí nhớ, cảm xúc và sự kiểm soát. Tệ hơn là quá trình co lại này không bao giờ dừng: càng bỏ nhiều thời gian lên mạng, não càng teo lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận