Để dạy thêm và học thêm được tự nhiên

TTCT - Thông tin “bắt dạy thêm như bắt trộm” trên báo Tuổi Trẻ làm nhiều người cảm thấy rất đau đớn và tổn thất rất lớn. Bài viết này chỉ đề cập đến những con người trong hệ thống này để có cái nhìn rõ hơn về dạy thêm - học thêm.

Phóng to
Ngoài giờ học chính thức ở trường, nhiều học sinh cần thêm kiến thức, nhiều giáo viên cần “cải thiện cuộc sống”. Vấn đề là làm sao cho việc dạy thêm và học thêm không là “gánh nặng” cho cả hai bên - Ảnh: Hoàng Hương

Phải khẳng định là không phải tất cả giáo viên đều đi dạy thêm, việc dạy thêm chỉ diễn ra ở một số môn chính. Phải làm rõ điều này để tránh tình trạng vơ đũa cả nắm ảnh hưởng đến những người không tham gia vòng xoáy này.

Dạy thêm - học thêm là điều tất yếu

Vì rất nhiều lý do, chủ quan đến khách quan, vi mô đến vĩ mô, hiện tượng dạy thêm - học thêm vẫn luôn tồn tại như một quy luật của xã hội, bởi vì:

Thứ nhất: một số phụ huynh cho con đi học thêm để có thời gian đi làm vì họ không có thời gian để dạy tri thức cho con.

Thứ hai: đa số phụ huynh muốn con mình trở nên xuất chúng và có một tương lai xán lạn. Vì thế họ đầu tư, thậm chí bắt ép con em mình đi học ngay cả khi con không muốn. Họ quên rằng một người muốn giỏi phải có tố chất, một bộ gen nổi trội, kèm với đó là môi trường phù hợp để khuyến khích tính sáng tạo trong học tập chứ không phải là cách gò ép, tra tấn nhồi nhét.

Thứ ba: có rất nhiều học sinh ham học hỏi có nguyện vọng nâng cao kiến thức một cách chính đáng mong muốn được đi học thêm. Bên cạnh đó, nhiều học sinh đi học thêm vì tâm niệm rằng học thêm sẽ được giáo viên ưu ái và lấy thành tích để khoe khoang.

Thứ tư: lãnh đạo không đủ khả năng để tìm cách tăng thu nhập cho nhân viên, chỉ còn cách buông lỏng quản lý.

Thứ năm: trong thời buổi bão giá hiện nay mà thu nhập hằng tháng chỉ 3 triệu đồng, còn phải lo bữa ăn cho cả gia đình là một bài toán khó tìm ra lời giải đối với rất nhiều giáo viên. Đã có rất nhiều người phải từ bỏ công việc mà họ đã mơ ước theo đuổi. Những người bám trụ với nghề thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Họ buộc phải kiếm kế mưu sinh sau giờ lên lớp. Làm giáo viên cần phát huy chuyên môn của mình, đó chính là giảng dạy. Nguyện vọng chính đáng.

Sẽ không có gì ồn ào nếu việc dạy thêm - học thêm xuất phát từ sự tự nguyện và người dạy có tâm. Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên tìm cách ép buộc học trò của mình đi học thêm để vun vén cho bản thân là hình ảnh không đẹp. Điều đó dẫn đến rất nhiều người mất lòng tin vào giáo viên, thậm chí không tôn trọng họ. Kết quả là chúng ta mất niềm tin vào giáo dục, coi thường sự học và mọi thứ trở nên hình thức.

Thay đổi để hướng đến điều tốt hơn

Để hạn chế những hạt sạn trong miếng bánh dạy thêm - học thêm cần có một sự thay đổi từ chính các nhân tố tạo nên hiện tượng này. Đó là học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên, bộ máy quản lý giáo dục và những người làm chính sách.

Trước tiên là gia đình học sinh. Vai trò giáo dục của gia đình là rất quan trọng. Chính sự quan tâm dạy dỗ của gia đình mới là nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển nhân cách cũng như tri thức của trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều gia đình ở Mỹ không đưa con em đến trường mà họ tự giảng dạy ở nhà. Phụ huynh không nên chuyển giao hết vai trò giáo dục con cái mình cho nhà trường và hoàn toàn phó mặc.

Học sinh hãy từ bỏ thói quen rập khuôn, gian dối trong thi cử. Hãy bày tỏ quan điểm, học tập một cách chủ động, tích cực, sáng tạo để làm chủ tri thức. Thể hiện được tinh thần hiếu học để nắm vững kiến thức, trở thành người chủ tương lai đích thực của đất nước.

Giáo viên - những người trực tiếp gieo hạt giống nhân cách, tri thức cho học trò - hãy làm việc bằng cái tâm trong sáng, tấm lòng vị tha để khơi gợi tiềm năng sáng tạo của học trò. Cần nhẫn nại, giúp đỡ và hướng dẫn tận tình để trong tương lai học trò sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Bộ máy và những người làm chính sách giáo dục phải thay đổi cũng như tạo ra hành lang pháp lý để tình trạng dạy thêm - học thêm đi vào khuôn khổ. Phải đảm bảo thu nhập cho giáo viên để họ yên tâm dành thời gian, sức lực, trí lực chuẩn bị những bài giảng chất lượng, tạo ra một thế hệ tương lai đầy tài năng và sáng tạo để làm chủ đất nước.

Xin hãy thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tôn trọng tri thức, tôn trọng những giá trị nhân văn mà cha ông ta đã hướng đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận