TTCT - Hầu hết chính sách hiện có dành cho người có công mới chỉ là chính sách trợ cấp hoặc ưu đãi xã hội. Vẫn còn thiếu những chính sách khuyến khích thật sự để những người có công vươn lên tự tạo thu nhập cho mình và sống không phụ thuộc vào trợ cấp. Phóng to Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành mái nhà chung của những thương bệnh binh hạng nặng. Trong ảnh: bác Ngô Văn Cao (74 tuổi, thương tật 94%) vui đùa với cháu ngoại tại trung tâm - Ảnh: Hoàng Lộc Hàng loạt chính sách, chế độ ưu đãi xã hội với người có công đã được ban hành với số tiền không nhỏ được ngân sách nhà nước chi trả hằng năm. Nhưng thực tế cho thấy điều quan trọng nhất đối với gia đình người có công không chỉ ở những khoản trợ cấp mà là các chính sách trợ giúp để họ thoát nghèo bền vững. Không dựa vào trợ cấp Bà Phạm Thị Ngắn, vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), tưởng như không thể đứng vững với vai trò trụ cột một gia đình có mẹ già, bốn con nhỏ và khoản nợ trên 20 triệu đồng. Nguồn trợ cấp dành cho gia đình liệt sĩ không thể đủ nuôi từng đó miệng ăn, nhất là các con đang trong độ tuổi ăn học. Bà Ngắn phải vừa cấy lúa, vừa tìm cách làm nghề phụ. Bà học đan cói, thu gom các loại túi, mũ làm bằng sợi cói để đi chợ bán. Được một thời gian, bà bắt đầu nghĩ về các kiểu mũ cói mới và đặt hàng những người cùng làng đan thuê. Do phù hợp với thị trường nên loại mũ cói do bà Ngắn đặt hàng bán rất chạy, thậm chí khách quốc tế cũng tìm đặt mua. Từ chỗ chỉ buôn bán lặt vặt, bà Ngắn đăng ký với chính quyền xã tổ chức lớp dạy nghề đan mũ cói cho phụ nữ trong xã cùng làm. Đến nay, cơ sở dạy nghề và đan mũ của bà đang tạo việc làm cho 3.000 lao động với thu nhập trung bình 1-1,2 triệu đồng/tháng. Doanh thu năm 2009 của cơ sở này là 13 tỉ đồng. Ông Thái Đại Phong (thành phố Vinh, Nghệ An), một thương binh 3/4 trở về từ chiến trường Campuchia, khởi nghiệp từ việc lập một cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu nhỏ rồi chuyển sang Công ty Đức Phong chỉ với số vốn ban đầu 30 triệu đồng. Đến nay, công ty này đã dạy nghề cho 20.000 lượt người, mở rộng nghề mây tre đan xuất khẩu cho 132 xã ở 15 huyện. Hiện tại doanh thu hằng năm của Công ty Đức Phong đạt hàng chục tỉ đồng. Ông Phong đã tạo việc làm cho nhiều thương binh như mình, trong đó có cả những thương binh mù cả hai mắt nhưng vẫn có việc làm và thu nhập ổn định. Cũng như bà Ngắn hay ông Phong, tuy nhận được số tiền trợ cấp hằng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu, nhiều cá nhân, hộ gia đình chính sách đang tìm cách vươn lên để có cuộc sống khá giả hơn bằng ý chí, nghị lực của chính họ. Nhưng những người thành đạt như vậy hiện không nhiều. Vẫn nhiều cảnh nghèo Do trợ cấp ưu đãi áp dụng cho người có công gắn liền lương tối thiểu nên cùng với lộ trình tăng lương tối thiểu được thực hiện liên tục từ năm 2008 tới nay, trợ cấp cho người có công tăng lên đáng kể. Theo ông Bùi Hồng Lĩnh - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguồn lực tài chính dành cho các chế độ ưu đãi xã hội đã tăng liên tiếp trong những năm qua. Cụ thể, năm 2007 là 13.000 tỉ đồng, năm 2008 là 15.000 tỉ đồng, năm 2009 là 17.000 tỉ đồng và dự kiến năm nay hơn 18.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể tới các nguồn huy động nhờ xã hội hóa (riêng năm 2009 nguồn huy động này là hơn 3.000 tỉ đồng). Bên cạnh việc tăng trợ cấp ưu đãi, nhiều chính sách khác cũng đã được ban hành và thực hiện như: chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi y tế, giáo dục - đào tạo… Con của người có công hiện được hưởng chế độ trợ cấp mỗi năm một lần để mua sách vở, đồ dùng học tập, được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác. Hiện khoảng 2,1 triệu người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Riêng nguồn chi cho bảo hiểm y tế và các ưu đãi giáo dục hằng năm khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên theo ông Lĩnh, hiện tại trong số khoảng 1,7 triệu hộ gia đình người có công, vẫn còn khoảng 40% số hộ đang sống ở mức nghèo hoặc cận nghèo, trong đó khoảng 10% số hộ sống nghèo đói và khoảng 30% số hộ sát mức nghèo đói. Đó là theo chuẩn nghèo được xác định cho giai đoạn 2005-2010. Nếu theo chuẩn nghèo mới đang được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành cho giai đoạn 2011-2015 (với mức 400.000 đồng/người/tháng tại khu vực nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị), gần gấp đôi chuẩn nghèo của giai đoạn trước thì chắc chắn tỉ lệ hộ gia đình người có công rơi xuống nghèo đói sẽ tăng lên nhiều. Chính sách - Đủ và thiếu Số lượng người có công có thể sẽ tăng lên cùng với việc xác nhận thương binh - liệt sĩ, thân nhân người có công và con đẻ người có công bị nhiễm chất độc hóa học… được thực hiện hằng năm. Điều đó có nghĩa khoản chi từ ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục tăng hằng năm. Nhưng khi mức sống tăng, chuẩn nghèo tăng… việc đảm bảo đời sống cho người có công không chỉ là bài toán nâng mức trợ cấp. Trước hết, phải thể chế hóa việc xác định người có công, thân nhân người có công để họ được trợ cấp và con họ được hưởng các chế độ ưu đãi khi đi học. Hiện có ba pháp lệnh điều chỉnh lĩnh vực ưu đãi xã hội là pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, pháp lệnh số 35/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 sửa đổi, bổ sung một số điều về pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, “hệ thống văn bản hướng dẫn đồ sộ này lại luôn thay đổi và thiếu thống nhất khiến việc thực thi chưa đồng bộ”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nhận định. Thực tế cũng cho thấy hành trình của những hồ sơ đề nghị công nhận là người có công vẫn diễn ra hết sức nhiêu khê, vất vả, làm nản lòng không ít người có công. Theo kế hoạch dự kiến tới năm 2020, các quy trình xác định người có công và thân nhân của họ mới được chuẩn hóa. Điều quan trọng hơn cả để nhiều gia đình người có công trở thành những câu chuyện điển hình như gia đình bà Ngắn, ông Phong, cần thêm những chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu ra sản phẩm… cho họ. Những chính sách này cần được xem là một trụ cột quan trọng, bên cạnh các chính sách trợ cấp, ưu đãi để đảm bảo và khuyến khích nhiều gia đình người có công vươn lên thoát nghèo.
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Công an TP.HCM điều tra nguyên nhân vụ cháy tại cư xá Độc Lập NGỌC KHẢI 07/07/2025 Cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM đã thông tin về vụ cháy xảy ra tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM vào đêm 6-7.
Thủ tướng gửi lời chia buồn, yêu cầu khẩn trương điều tra vụ cháy tại cư xá Độc Lập NGỌC AN 07/07/2025 Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký công điện ngày 7-7 về vụ cháy tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đến hiện trường chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại cư xá Độc Lập MINH HÒA 07/07/2025 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã trực tiếp đến hiện trường vụ cháy tại cư xá Độc Lập để động viên, hỗ trợ ban đầu cho gia đình nạn nhân và chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa.
Khám dịch vụ vẫn được bảo hiểm y tế chi trả XUÂN MAI 07/07/2025 Có vẻ nghịch lý nhưng là thực tế tại nhiều bệnh viện: người bệnh khi đăng ký khám dịch vụ vẫn được chi trả một phần bảo hiểm y tế tùy danh mục.