TTCT- Bạn sẽ bắt gặp ở Hà Nội một chuỗi dài những con thuyền đã vĩnh viễn bỏ dòng sông Hồng. Chúng chỉ nằm đó, như tượng đài của một quá khứ chưa hiểu vì sao biến mất. Sông Hồng -Đỗ Mạnh Cường Những chiếc thuyền cạn Rẽ xuống từ đê Yên Phụ đoạn giữa đường Âu Cơ đi xuyên một ngõ nhỏ, qua những vườn quất trứ danh khu Quảng Bá, chui vào một con đường đất gập ghềnh, bạn gặp một xóm nhỏ bên sông Hồng. Xóm nhỏ vây quanh những con thuyền lớn đậu bên mép nước. Những con thuyền gần như không còn khả năng bơi ra sông. Chúng từng phiêu lưu dọc dòng sông Hồng. Nhưng giờ chúng neo ở đó, chỉ còn là chỗ trú chân cho người chủ đi kiếm ăn trong phố. Nhà bà Tú từng có một chiếc thuyền nơi ấy. Họ rong ruổi buôn bán dọc bờ sông Hồng trong cả chục năm. Đến một ngày, không còn ai buôn bán dọc bờ sông được nữa. Bà cũng như người làng phải neo thuyền lại tại đây, họ trở thành những người ngụ cư trong một bãi đất ở khu Quảng Bá. Bà lên bờ, thuê một mảnh đất vườn dựng một cái lều bạt, hai ông bà sống ở đó. Còn con thuyền bị vứt chỏng chơ lại bên bờ, đến một ngày bão bị đánh chìm xuống lòng sông. Họ cũng không còn ý định cứu nó nữa. Dòng sông đã trở nên vô nghĩa. Bây giờ bà đẩy xe thồ đi bán hàng rong trong phố nuôi chồng. Cả làng bà Tú, một cái làng ven sông Hồng, hễ ai còn sức lao động thì đều ở đây, tại khu đất ở Quảng Bá này. Ai còn giữ được con thuyền thì sống trên thuyền, ai không có thuyền thì thuê đất vườn dựng lều. Họ vào phố kiếm sống. Một làng mới được dựng lên, trở thành “chi nhánh” của cái làng trên Vĩnh Phúc. Làng gốc bây giờ chỉ còn người già và trẻ con. Những con thuyền nằm xếp cạnh nhau như biểu tượng của một cuộc di cư - của những người phải rời bỏ sông Hồng. Đi dọc sông Hồng từ vùng trung du xuống Hà Nội, ở tỉnh nào cũng có thể gặp những ngôi làng không còn bóng người lớn như thế. Vì xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị là tất yếu? Hay vì ngập lụt, vì sạt lở, vì ô nhiễm? Chưa từng có ai thống kê đầy đủ và tìm nguyên nhân của những cuộc di cư bên dòng sông này. Bên bờ sông Hồng một quãng qua Phú Thọ, người ta có thể nhìn thấy những đứa trẻ đang chơi cạnh bãi bọt bẩn khổng lồ màu nâu nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Gần đó có một nhà máy bia. Tình trạng ấy đã kéo dài non thập kỷ, chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai. Những cuộc di cư bên sông Trong số 10 tỉnh có tỉ suất người xuất cư cao nhất (theo tổng điều tra dân số 2009) thì có bốn tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Vĩnh Long) và bốn tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng (Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình). Đây quả là một điều đáng suy nghĩ. Hai vựa lúa của cả nước, hai cái nôi của nền văn minh, hai vùng đồng bằng bám vào hai con sông huyền thoại, đều đang có tỉ suất di cư “thuần âm” qua cả hai đợt điều tra dân số từ năm 1999-2009. Nói ngắn gọn: người ta vẫn đang liên tục bỏ những vùng đất trù phú này mà đi. Nhưng nếu có thể dễ dàng nhìn thấy nguyên nhân của những cuộc di cư từ đồng bằng sông Cửu Long với việc ở ngay cạnh thỏi nam châm Đông Nam bộ vốn là vùng kinh tế lớn nhất, nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, nơi có tỉ suất nhập cư cao nhất đất nước; với tình trạng hạn, mặn nghiêm trọng kéo dài thì nguyên nhân người ta rời bỏ đồng bằng sông Hồng có vẻ mờ nhạt hơn. Mờ nhạt hơn bởi nước sông Hồng cạn dần qua năm tháng chứ không tạo thành một cơn hạn hán khiến sản lượng lúa cả nước bị đe dọa như ở đồng bằng sông Cửu Long. Mờ nhạt hơn bởi tình trạng ô nhiễm kéo dài và dai dẳng không tạo thành những cơn sóng dư luận như đại án của Công ty Vedan với sông Thị Vải. Mờ nhạt hơn có lẽ bởi đồng bằng sông Cửu Long không có một đại đô thị như Hà Nội - nơi tỉ suất nhập cư hiển nhiên cao - và bởi sự bù trừ ấy nên nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của cả vùng này thì thấy tình trạng di cư có vẻ không nghiêm trọng. Và có lẽ bởi những biến động của sông Hồng chỉ “thỉnh thoảng” nuốt trọn một xóm ven sông vì sạt lở, chứ không tạo ra tình trạng ngập mặn trên diện rộng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng sông Hồng và vùng châu thổ nó tạo ra cũng đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và dai dẳng. Những đập thủy điện ở thượng nguồn phía Trung Quốc; những nhà máy xả thải đáng ngờ; những sà lan hút cát vô tội vạ; tình trạng ô nhiễm nước mặt đã được nhận thức từ hơn một thập kỷ nay không thấy một cuộc tuyên chiến quyết liệt nào... Kể cả ngày không hết. Năm này qua năm kia, nước sông Hồng đoạn “chảy vào đất Việt” nhuốm màu lạ, nhưng đôi ba cuộc điều tra ngắn hạn chẳng đưa ra kết quả gì. Chuyện bên kia biên giới thì khó quá, vì có Ủy hội sông Mekong chứ không có thứ tương tự với sông Hồng. Những vấn đề của sông Hồng có đang bị bỏ quên? Có lẽ là một “siêu dự án” của đại gia Ninh Bình với một chuỗi đập thủy điện và liên hoàn hoài nghi, dù chưa được Thủ tướng Chính phủ xem xét, cũng có thể tạo ra một cái giật mình? Bởi sông Hồng không phải đến dự án ấy mới đối mặt với vấn đề môi trường nghiêm trọng.■ Tags: Sông Hồng
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỉ USD THÀNH CHUNG 30/11/2024 Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h và tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD.
Quốc hội: Doanh nghiệp được nhận đất nông nghiệp làm dự án nhà ở thương mại, kỳ vọng tăng nguồn cung TIẾN LONG 30/11/2024 Doanh nghiệp bất động sản được quyền nhận đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở để làm dự án nhà ở thương mại.
Phiên đấu giá đất trả tới 30 tỉ đồng/m² rồi xin rút vì 'sợ quá' diễn ra như thế nào? PHẠM TUẤN 30/11/2024 UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa có báo cáo về diễn biến phiên đấu giá diễn ra ngày 29-11 khi có một nhóm người trả đến 30 tỉ đồng/m² rồi xin rút vì 'sợ quá'.
Vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới: 'Ngáo' quyền lực, cần xử nghiêm TRÀ PHƯƠNG 30/11/2024 Liên quan chuyện nhóm vệ sĩ dẹp đường cho xe đám cưới ở Thanh Hóa gây xôn xao dư luận, bạn đọc đề nghị phải xử lý nghiêm để răn đe việc 'ngáo' quyền lực.