Đồng đẳng viên đường phố

MỄ THUẬN 01/08/2010 12:08 GMT+7

TTCT - Đêm thứ hai của tuần cuối tháng 6, quán cà phê gần bãi giữ xe ở ga Sài Gòn (TP.HCM) xuất hiện một nhóm thanh niên phảng phất trên mặt nét “bụi bặm” và nói năng mang âm hưởng “chợ búa”. Thế nhưng vấn đề được họ đưa ra hoàn toàn nghiêm túc: “Làm cha và cách chăm sóc con cái”.

Phóng to
Nội dung sinh hoạt của các đồng đẳng viên và khách hàng thật sự sinh động - Ảnh: M.T.

Nhóm gồm bốn nam và hai nữ này đang làm việc trong câu lạc bộ (CLB) Bạn Tôi - một trong năm CLB do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam điều hành. Họ thảo luận kế hoạch làm sao chia sẻ được với khách hàng - tên gọi các thanh thiếu niên đường phố, đối tượng tiếp cận chính của CLB - hiểu sâu sắc về vai trò của một người cha trong gia đình và những chuẩn bị khi quyết định có con.

Trường hợp của X. và Tuấn

Để “lôi kéo” được khách hàng đến với CLB là điều không dễ dàng. Vốn là trẻ đánh giày trưởng thành từ trung tâm Thảo Đàn và được đào tạo trở thành đồng đẳng viên, Trần Thiện Tâm cũng như các thành viên trong CLB phải học tính kiên nhẫn. Mỗi người có cách tiếp cận khác nhau.

“Chiêu” của Tâm là khi thấy nhóm bạn tụ tập ở đâu đó, cậu thường dừng xe hỏi bâng quơ: “Mấy bạn cho hỏi có thấy Tùng “chột” ở đâu không vậy?”. Câu trả lời thường là những cái lắc đầu, nhưng đó chỉ là cái cớ để Tâm lái qua chuyện khác. Khi cố gắng biết tên tuổi vài bạn, Tâm thú thật: “Tâm là thành viên của nhóm Bạn Tôi... Tâm có một số điều muốn chia sẻ với các bạn về HIV, ma túy, rượu bia...”.

Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã làm một khảo cứu nhỏ về tính hiệu quả trong việc tiếp cận thanh thiếu niên đường phố giữa một nhóm là sinh viên các trường ĐH và một nhóm là các thanh thiếu niên từng là trẻ em đường phố. Kết quả, nhóm thanh thiếu niên từng là trẻ em đường phố tiếp xúc thành công 80-90%, trong khi khả năng thành công của nhóm sinh viên chỉ ở mức 30%. Nguyễn Văn Nam, đại diện tổ chức này, giải thích: “Tương tác giữa các thanh thiếu niên đường phố với nhau mang tính dây chuyền vì có sự gần gũi và lòng tin”.

Cách vào đề của Tâm không “phô” nhưng rất nhiều bạn bỏ đi. “Đơn giản vì phần lớn các bạn không muốn “dính” tới ai xa lạ, nhất là càng dị ứng với mấy cái tổ chức này, tổ chức kia” - Tâm giải thích. Chính nhờ sự kiên nhẫn mà Tâm tiếp cận được một khách hàng ở cầu số 9 (Q.3).

Khi nghe Tâm “khai báo” công việc, chàng trai đánh giày tên X. 23 tuổi ấy đã ngồi lại trò chuyện vì X. vừa có hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Sau đó ít hôm, X. chấp nhận cùng Tâm đi xét nghiệm HIV tại Bệnh viện Da liễu với kết quả dương tính. “Lúc biết kết quả xét nghiệm của bạn ấy, Tâm thấy cái khó khăn nhất của một đồng đẳng viên đường phố là không thể ở suốt bên bạn để an ủi, động viên hoài được. Nhưng được cái là khi biết mình bị nhiễm thì bạn ấy không để bệnh tiếp tục lây lan nữa” - Tâm nhớ lại.

Tuấn (19 tuổi) tự tìm đến CLB vào buổi sinh hoạt ở tuần đầu tiên của tháng 6 nhờ được chủ quán cà phê TT (hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) - nơi CLB tổ chức sinh hoạt vào tối thứ sáu hằng tuần - giới thiệu.

Tuấn làm quen mọi người bằng câu chuyện: học xong lớp 9 Tuấn từ Đồng Tháp lên Sài Gòn cùng cha mẹ làm thợ hồ, sống rày đây mai đó. Những ngày tiếp theo, Tâm trực tiếp tâm sự với Tuấn và hiểu lý do Tuấn chủ động tìm đến với CLB. Tuấn bảo: “Cha mẹ Tuấn chỉ quan tâm được chuyện Tuấn có ăn no, ngủ khỏe hay không, công việc có mệt không, chứ còn những chuyện của riêng mình cha mẹ đâu có để ý”.

Sau bốn buổi sinh hoạt với CLB, Tuấn nhận xét: “Thật ra ban đầu thấy phải đi sinh hoạt này nọ cũng nản, nhưng các bạn tổ chức nhiều trò chơi rất vui, lại có những kiến thức rất thiết thực nên tham gia hoài. Trong các chủ đề đó, Tuấn thấy thực tế nhất chính là chủ đề bia rượu. Tuấn giờ không còn ngồi nhậu thường xuyên với các chú các bác ở công trường nữa. Rượu có nhiều tác hại lắm”.

Hiệu quả dây chuyền

Đúng 6g30 mỗi tối thứ ba, thứ tư và thứ năm hằng tuần, thành viên của các CLB Bạn Tôi, Nắng Hồng, Sức Sống, Bạn và Tôi lại tỏa khắp các hẻm hóc của Sài Gòn để kết bạn với các thanh thiếu niên đường phố. Chương trình hoạt động của từng CLB được thống nhất trong buổi họp mỗi tối thứ hai. Và tối thứ sáu sẽ là buổi sinh hoạt theo chủ đề với khách hàng.

Theo Tô Văn Huy - trưởng nhóm CLB Bạn Tôi, xuất thân là trẻ bán báo, đánh giày, mục tiêu của nhóm mỗi khi “đóng đô” hai tháng tại một địa bàn là nỗ lực chia sẻ kiến thức như những mối nguy hiểm của cuộc sống đường phố, tác hại của rượu bia, bệnh lây qua đường tình dục, vai trò của người làm cha và những chuẩn bị khi quyết định có con...

“Chúng tôi đánh giá rất cao chương trình phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng thanh niên đường phố thông qua đội ngũ cộng tác viên cũng chính là các thanh thiếu niên xuất thân từ trẻ em đường phố. Khi đại diện của Tổ chức Cứu trợ trẻ em đề nghị Trường ĐH Mở chúng tôi liên kết hỗ trợ họ về nhân lực, chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác” - cô Lê Thị Mỹ Hương, giảng viên khoa xã hội học và công tác xã hội của Trường ĐH Mở, chia sẻ.

Hiện trường có năm cán bộ, sinh viên cùng giúp sức cho hơn 20 đồng đẳng viên hoạt động tại TP.HCM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận