G7 Biarritz: Đọc gì từ tuyên bố 1 trang?

DANH ĐỨC 30/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Tuyên bố chung G7 Biarritz (Pháp) năm nay vỏn vẹn 300 chữ, quá ngắn so với tuyên bố chung 4.036 chữ của G7 Charlevoix (Canada) năm ngoái, phản ánh một thực tế là khách tham dự nay dành thời giờ cho các cuộc họp song phương nhiều hơn là cuộc họp chung chỉ dài hai tiếng rưỡi.

Ông Trump (phải) và ông Macron ở G7 Biarritz cùng các nhà lãnh đạo khác. Ảnh: Reuters
Ông Trump (phải) và ông Macron ở G7 Biarritz cùng các nhà lãnh đạo khác. Ảnh: Reuters

 

Tổng thống nước chủ nhà G7 năm nay - ông Emmanuel Macron - vẫn cầm trịch tốt hội nghị tới giờ phút cuối cùng qua cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà theo ông giải thích, được tổ chức là do năm tới ông này sẽ chủ trì G7 tại Mỹ - âu cũng là một kiểu bàn giao.

Ông Macron đã khéo léo giải thích chuyện hội nghị G7 “của ông” chỉ cho ra một tuyên bố chung ngắn gọn một trang này thành thắng lợi: “…một thông điệp đoàn kết, một tinh thần tích cực… từ những trao đổi, tranh luận của chúng tôi về nhiều vấn đề. Chúng tôi đã không thương thảo một bản văn thật dài, như tôi từng hứa hẹn… Lát nữa, bản tuyên bố chỉ một trang sẽ được phát ra”.

Bình đẳng và thương mại

Bối cảnh cần thiết để hiểu tuyên bố chung là phải biết rằng mục tiêu của nước chủ nhà ở hội nghị này - rất nhân văn theo truyền thống Diderot - tập trung vào giải quyết vấn đề bất bình đẳng: “Ngày nay, bất bình đẳng vẫn là không thể chấp nhận được - không chỉ về thu nhập, mà còn về sự tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế…

Những bất bình đẳng đó, ngoài những đau khổ cá nhân, khiến hiện trạng trở nên không thể chịu đựng được, còn làm nảy sinh chính đáng những phản kháng chính trị và xã hội, gây bất ổn một số khu vực trên thế giới. Là chủ tịch G7, Pháp sẽ tấn công vào cội rễ của vấn nạn này và hành động vì sự tiến bộ thực sự”.

Theo Điện Elysée, giải quyết vấn nạn đó chính là “cung cấp câu trả lời cụ thể, hiệu quả và sáng tạo cho: 783 triệu người sống dưới mức nghèo khổ; 265 triệu trẻ em không được đến trường; thêm 620 triệu trẻ em sẽ đi học từ nay đến năm 2030, bao gồm 444 triệu trẻ em châu Phi; 200 triệu phụ nữ không được tiếp cận các biện pháp tránh thai; hơn 1 tỉ phụ nữ không được pháp luật bảo vệ khi bị bạo hành gia đình; 100 triệu người sẽ chịu cảnh nghèo đói cùng cực tăng thêm từ nay đến năm 2030, nếu chúng ta không giữ đúng cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Quả là một mục tiêu vĩ đại, ngang ngửa các mục tiêu hậu-thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Để thực hiện mục tiêu đó, ông Macron đề ra một khuôn khổ mới cho G7 bằng cách kêu gọi thêm một số nước đối tác “cùng chia sẻ các giá trị và tham vọng như thế khiến mọi chuyện chuyển động”. Trong số các đối tác đó, phải kể đến bốn đối tác hàng đầu “dấn thân bảo vệ và quảng bá tự do dân chủ” là Nam Phi, Úc, Chile và Ấn Độ.

Trên thực tế, ông Macron đã đạt mục đích “vượt ra khỏi cái logic độc nhất của các thông cáo chung cuộc” với một trang tuyên bố chung nội dung ngắn gọn gồm những điểm chính sau:

Về thương mại: “G7 cam kết thương mại toàn cầu mở, công bằng và sự ổn định của nền kinh tế thế giới. G7 kêu gọi các bộ trưởng tài chính theo dõi tình hình nền kinh tế thế giới. G7 muốn thay đổi sâu sắc WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) để tổ chức này hiệu quả hơn trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh hơn và xóa bỏ thực hành thương mại không công bằng. G7 cam kết đạt được thỏa thuận vào năm 2020 để đơn giản hóa quy định và hiện đại hóa thuế quan quốc tế trong khuôn khổ OECD”.

Trên lý thuyết, thương mại toàn cầu mở và công bằng cũng như kinh tế thế giới ổn định luôn là một nhu cầu chung toàn cầu. Trong thực tế, những đèn tín hiệu cảnh báo một cuộc suy thoái đang lóe sáng khắp nơi, trong đó phải kể đến việc giá vàng thế giới tăng 26,24% trong 12 tháng qua, theo Goldprice.org.

Cũng thế, một “bí mật công khai” lâu nay là việc một số nước đã và đang tận/lạm dụng các khe hở trong điều lệ WTO mà “làm giàu”, buộc G7 chính thức lên tiếng. G7 muốn “thay đổi sâu sắc WTO” để đảm bảo không bị chiếm đoạt sở hữu trí tuệ mà không tài nào kiện cáo được, không bị lạm dụng các điều khoản nâng đỡ ân huệ thương mại… trong năm tới 2020. Tất nhiên, đây là một nhu cầu chung cho 7 nước G7, song trong thực tế mỗi nước có nhu cầu ở một mức độ khác và do đó có những thái độ khác như có thể thấy trong phần sau.

Mấy điểm nóng địa chính trị

Về Iran: “Chúng tôi chia sẻ đầy đủ hai mục tiêu: đảm bảo rằng Iran không bao giờ thủ đắc vũ khí hạt nhân; và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực” - các nhà lãnh đạo G7 vắn tắt nhắc lại hai yêu cầu chung đã được thỏa thuận, còn ai đó (ông Trump hay ông Macron) có muốn gì đó riêng với Iran thì… tùy.

Trong khi từ năm ngoái ông Trump đã thẳng tay “xù” hiệp định hạt nhân với Iran, dẫn đến căng thẳng hiện nay ở khu vực eo biển Hormutz và đe dọa nguồn cung, vận chuyển dầu hỏa cũng như giá cả thị trường thì nhân hội nghị G7 Biarritz này, ông Macron vẫn cùng ba nước châu Âu khác ký hiệp định năm 2015 bày tỏ muốn tiếp tục hiệp định, tất nhiên phải đi kèm đảm bảo của Iran về vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trước đó, vào giữa tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) đã họp tại Sofia lên tiếng bảo vệ hiệp định này cùng các doanh nghiệp EU. Chính vì thấy hội nghị G7 Biarritz là một cơ hội để tiếp tục nỗ lực đó vì lợi ích chung của EU, ông Macron đã thu xếp “nhá máy” cho Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Biarritz gặp trực tiếp ông và một số quan chức liên quan vào cuối tuần ngay trước hội nghị G7, như một cách thăm dò nhằm khai thông bế tắc.

Tất nhiên kết quả không có tức thì, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tháp tùng ông Trump đã lên tiếng, nhắc lại rằng trong quá khứ “Tổng thống Trump từng nói nếu Iran muốn ngồi lại đàm phán, ông sẽ không đặt ra điều kiện bắt buộc nào”. Có thể mở ngoặc đơn: sau những màn “cương” tối đa với Iran, nếu kịp ngồi vào đàm phán, cùng lúc với đàm phán tiếp tục với Triều Tiên, đây sẽ là những điểm cộng cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Trump.

Về Ukraine: “Pháp và Đức sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh kiểu Normandy trong những tuần lễ tới để đạt được kết quả cụ thể”.

Một tuần trước tuyên bố chung nói trên, ông Macron mô tả trong cuộc họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19-8 ở Fort de Brégancon cách thức tiến hành hội nghị thượng đỉnh “kiểu Normandy” về Ukraine: (1) tất cả các bên thực thi tiếp thỏa thuận Minsk; (2) với hoàn cảnh thực tế (chiến trường) như thế nào, rút “xe, pháo, mã, tốt” ra phía sau bao nhiêu kilômet, các chuyên gia quân sự sẽ họp riêng; (3) các ngoại trưởng sẽ đóng vai trò mặc cả “thêm bớt một hai”.

Việc ông Putin cất công bay tới miền nam nước Pháp gặp ông Macron trước G7 năm ngày, rồi ghé thăm Phần Lan, một nước mà tới nay vẫn đang lo sốt vó về những căng thẳng Nga - phương Tây, là một dấu hiệu cho thấy “anh hùng thấm mệt” và có vẻ cũng muốn xuống thang ở Ukraine.

Sau đó là hai đề mục bên ngoài châu Âu:

Về Libya: “Chúng tôi tin rằng một giải pháp chính trị đảm bảo sự ổn định của Libya… phải tập hợp tất cả các bên liên quan và tất cả các tác nhân khu vực… Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Phi hòng mở một hội nghị liên Libya”.

Về Hong Kong: “G7 tái khẳng định sự tồn tại và tầm quan trọng của Tuyên bố Trung Quốc - Anh năm 1984 về Hong Kong và kêu gọi tránh bạo lực”.

Rõ ràng, tuyên bố chung G7 Biarritz khác trước, không chỉ ở độ ngắn gọn - vượt khỏi lệ thường vốn tràng giang đại hải tới mức đôi khi không biết đâu mà lần - mà còn ở tính thực tế của cách lập danh sách các vấn đề: (1) Thương mại đang là cuộc chiến sôi sục nhất, đe dọa nhất toàn thế giới; (2) Iran, Ukraine, Libya là những “vũng lầy” chung của các nước phương Tây cần được ưu tiên giải quyết; và (3) Hong Kong dẫu sao cũng còn thời hiệu trong thỏa thuận Trung Quốc - Anh, mà Anh là một thành viên G7.

Còn những vấn đề khác, trong đó có chủ đề chống bất bình đẳng mà chủ nhà đề ra, khỏi cần xướng lên trong tuyên bố chung. Làm được ít hay nhiều tùy sự quan tâm của mỗi nước. Tỉ như hô hào của nước chủ nhà “cứu lấy rừng Amazon” đang cháy được thể hiện bằng thực tế G7 hứa xuất ngay 20 triệu USD (18 triệu euro) chi viện cấp tốc (nhiều tới… gấp đôi lời hứa của Tập đoàn LVMH - chủ các thương hiệu thời trang Louis Vuitton và rượu Moet & Hennessy, nhưng cũng chỉ bằng 1/20 khoản quyên tặng để tu sửa nhà thờ Đức Bà Paris (200 triệu euro), cũng cháy vào đầu tháng 4!).■

Ai cầm trịch?

Tất nhiên, ông Macron là người cầm trịch chính thức hội nghị G7 Biarritz, song trung tâm của các cuộc gặp song phương và cả cuộc họp chung chính là ông Trump, cùng mối bận tâm thương mại của ông này.

Ngay với một khách mới ra mắt lần đầu là tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Trump cũng không ngần ngại nói thẳng trong một cuộc họp báo hôm 25-8 bên lề G7 rằng giờ đây, nước Anh nên gỡ “mỏ neo” đeo ở chân ra để dễ đàm phán (ý nói rời EU cho mau). Đáp lại, ông Johnson phản pháo rằng: “Sẵn nói chuyện mỏ neo, tôi muốn nói chúng tôi cũng muốn tàu bè Anh có thể chạy ven bờ từ New York tới Boston lấy hàng, song tới nay vẫn chưa được phép”.

Ông Johnson, người được xem là ăn nói cũng “thoải mái tự nhiên” ngang ông Trump, còn bồi thêm một tràng: “Cho tới giờ, như ngài tổng thống cũng biết, chúng tôi chưa bán được một cái cù lẳng cừu nào cho nước Mỹ, cũng chẳng bò, chẳng heo gì sất. Trong khi rõ ràng là có vô số cơ hội để chúng tôi vô thị trường Mỹ, song chúng tôi có vô được đâu”.

Thời buổi người khôn của khó, bán thêm được cái gì thì mừng cái đó, như lời ông Trump phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo: “Thủ tướng Abe cũng đã đồng ý rằng chúng tôi có bắp (ngô) thừa…, vì Trung Quốc đã không làm những gì họ nói họ sẽ làm.

Và Thủ tướng Abe, thay mặt Nhật Bản, nói họ sẽ mua tất cả số bắp đó từ nông dân chúng tôi… Ngoài ra, cũng còn một giao dịch mua lúa mì rất lớn sẽ sớm diễn ra”. Tương tự là cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với ông Abe về vấn đề thuế với xe hơi hai nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận