TTCT - Những khó khăn và lo lắng từ đầu năm nay trong câu chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam, dẫu đã có sự “vào cuộc” rất nhanh của Chính phủ và các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng tình hình trước mắt vẫn rất nan giải. Một cửa hàng gạo ở tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). Quốc gia này đang có lượng gạo dự trữ "khủng" và rất nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo. Ảnh: Reuters Nếu nhìn xa hơn, nhiều khả năng xuất khẩu gạo cả năm nay sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu “phép mầu Philippines” không xảy ra. Tại sao như vậy? Giá lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tụt dốc hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, phải nói tới trên bình diện toàn cầu, kho gạo dự trữ của thế giới đang nhanh chóng phình to, đồng nghĩa với nguồn cung dồi dào. Vì vậy, giá giảm là hệ quả tất yếu. Khó` nhất trong "làng xuất khẩu gạo" thế giới? Số liệu thống kê về dự trữ gạo thế giới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy thay vì chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong 79 ngày trong hai năm 2010 và 2011, dự trữ gạo thế giới trong những năm sau đó liên tục tăng. Đầu năm 2015 đạt 99 ngày, đầu năm 2017 đạt 109 ngày, đầu năm 2018 đạt 113 ngày và đầu năm nay ước đạt 121 ngày. Đây cũng chính là mức dự trữ khiến giá gạo thế giới chìm vào “cơn sốt lạnh” hồi đầu thập niên 1990. Cũng trên bình diện toàn cầu, dấu hiệu khó khăn trong xuất khẩu gạo đã xuất hiện từ khoảng giữa năm 2018. Lấy số liệu thống kê xuất khẩu gạo của Thái Lan mà đọc thì đã thấy trong nửa đầu năm 2018, với giá 422 USD/tấn, nước này chỉ xuất khẩu được gần 4,4 triệu tấn gạo trắng, còn khi giảm xuống 414 USD/tấn trong nửa cuối năm, khối lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên gần 4,9 triệu tấn. Còn tại Ấn Độ, mặc dù đã giảm rất mạnh từ 417 USD/tấn xuống 386 USD/tấn trong cùng kỳ 2018 do được Chính phủ trợ giá, nhưng khối lượng gạo phi basmati xuất khẩu của nước này vẫn giảm từ 4,2 triệu tấn xuống chỉ còn hơn 3,5 triệu tấn. Đó là hoạt động xuất khẩu gạo của chỉ hai quốc gia nhưng chiếm tổng khối lượng “khủng” 22,8 triệu tấn, tức gần 48% tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới. Điều này cũng phản ảnh xu thế chung của thị trường thế giới. Thế nhưng ở Việt Nam, kịch bản xuất khẩu gạo của nước ta năm 2018 hầu như ngược lại. Giá gạo xuất khẩu từ 496 USD/tấn trong nửa đầu năm đã được đẩy lên 508 USD/tấn trong nửa cuối năm, còn khối lượng xuất khẩu giảm từ 3,57 triệu tấn (nửa năm đầu 2018) xuống 2,55 triệu tấn (nửa năm cuối 2018). Như thế là đủ thấy trong khi sản lượng gạo của Việt Nam trong năm qua đã tăng khoảng 800.000 tấn mà xuất khẩu chỉ tăng 300.000 tấn, điều đó có nghĩa đã có khoảng 500.000 tấn còn nằm ở đâu đó chờ đẩy ra thị trường thế giới trong năm nay, giữa bối cảnh giá đã tụt dốc nghiêm trọng. Nếu tình hình nhập khẩu gạo thế giới năm 2019 diễn ra như kịch bản dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đặc biệt khó khăn. Khó khăn này bắt nguồn trước hết từ cán cân cung - cầu của thị trường gạo Trung Quốc - khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ năm 2012 đến nay. Chính sách thúc đẩy nông dân Trung Quốc sản xuất càng nhiều lúa gạo càng tốt của các nhà quản lý, phần nào đó là tăng đột biến nhập khẩu gạo từ thời điểm nói trên, là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kho gạo dự trữ của nước này ngày càng khổng lồ. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến kho gạo dự trữ của thế giới phình to. Thay vì chỉ đạt 42 - 50 triệu tấn như trong những năm đầu thập kỷ này (chiếm 44-45% tổng khối lượng gạo dự trữ thế giới), cuối năm 2016 dự trữ gạo của Trung Quốc đã tăng rất mạnh lên 66 triệu tấn, từ đó đến nay hầu như đều tăng 10 triệu tấn mỗi năm. Cuối năm 2018, họ đã đạt quy mô khổng lồ 109 triệu tấn (chiếm 67,3% tổng khối lượng gạo dự trữ của thế giới, tương ứng với 279 ngày tiêu dùng của gần 1,4 tỉ dân). Cuối năm nay, dự báo họ tiếp tục tăng lên 116 triệu tấn (chiếm 69,2% tổng khối lượng gạo dự trữ của thế giới), tương ứng kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” 294 ngày tiêu dùng. Bức tranh sáng rõ như thế cho thấy việc Trung Quốc giảm rất mạnh khối lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam (từ kỷ lục gần 2,3 triệu tấn năm 2017 xuống chỉ còn 1,33 triệu tấn năm 2018) là tất yếu. Năm nay, họ tiếp tục thắt chặt hơn nữa cũng là điều quá dễ hiểu. Thử nhìn vào một số quốc gia khác, tình hình cũng cho thấy rất nhiều dấu hiệu chẳng lành cho Việt Nam. Indonesia sẽ giảm rất mạnh khối lượng gạo nhập khẩu từ 2,3 triệu tấn xuống chỉ còn 800.000 tấn trong năm nay. Đó là một mối lo đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, bởi đây chính là thị trường tăng đột biến nhập khẩu gạo trong năm 2018 và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ ba của nước ta. Chưa hết, họa vô đơn chí, năm nay Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh còn lớn hơn nữa từ cường quốc xuất khẩu gạo số 2 thế giới: Thái Lan. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu được 3,39 triệu tấn gạo sang bốn thị trường lớn nhất của mình là Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 1,93 triệu tấn. Năm 2018 vừa qua, hai con số này là 3,6 triệu tấn và 3,32 triệu tấn. Nếu chỉ tính ba thị trường xuất khẩu gạo Đông Nam Á lớn nhất của Việt Nam thì hai cặp số liệu này của Việt Nam là 1,1 triệu tấn và 2,27 triệu tấn, còn của Thái Lan là hơn 700.000 tấn và 2,32 triệu tấn, tức là Thái Lan đã bắt đầu “qua mặt” chúng ta. Đặc biệt, trong điều kiện Trung Quốc tiếp tục thắt chặt nhập khẩu gạo trong năm 2019, người Thái vẫn có “bảo bối” hợp đồng chính phủ 1 triệu tấn với nước này như từ năm 2015 đến nay, còn Việt Nam thì không, nên ta hoàn toàn thất thế đối với đối thủ cạnh tranh này. Campuchia cũng vừa được Trung Quốc tăng hạn ngạch nhập khẩu lên 400.000 tấn. Đây có thể là các lý do chủ yếu khiến Reuters mới đây dự báo: khối lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay sẽ giảm hơn một nửa, chỉ còn 500.000 - 600.000 tấn. “Vũ khí mới” liệu có đủ mạnh ? Qua việc mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo (để thực hiện theo nghị định 75/2015/NĐ-CP) đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo mua dự trữ lưu thông 5% như nghị định 157 của Chính phủ, các nhà quản lý đã tạo ra cú hích mạnh đối với thị trường lúa gạo hiện nay, không khác gì chính sách cung cấp tín dụng 0% để mua lúa gạo tạm trữ trước đây. Ban đầu, có thể thấy cách thức đó ít nhiều giúp ích chặn đà giảm giá. Nhưng quy mô mua như vậy là không đủ lớn, nếu không muốn nói là quá nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ lúa của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ vụ đông - xuân này. Vì thế, khó có thể nói giá lúa gạo sẽ còn nhích lên tiếp trong thời đoạn gặt rộ vào tháng 3 tới. Dù Tổng cục Dự trữ nhà nước có triển khai nhanh gọn việc mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc ngay trong tháng 3 và sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo ngay trong tháng 4, tổng khối lượng mua cũng chỉ là 350.000 tấn quy gạo. Khối lượng này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với khối lượng mua tạm trữ (ít cũng là 500.000 tấn quy gạo, nhiều là 1 triệu tấn trong sáu đợt mua lúa gạo tạm trữ chờ xuất khẩu trong giai đoạn 2012 - 2015). Còn 5% khối lượng gạo so với khối lượng gạo xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2018 mà các doanh nghiệp phải mua theo nghị định 107 thì quá “hẻo”, bởi chỉ là 127.000 tấn, trong khi rất có thể phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp đã có sẵn trong kho. Vậy cho nên một kịch bản sáng sủa hơn rất có thể phải trông vào thị trường Philippines. Trong khi Tổng cục Dự trữ nhà nước triển khai việc mua lúa gạo dự trữ quốc gia nói trên, cũng là lúc các nhà quản lý Philippines hoàn tất thủ tục đối với hơn 200 đơn đăng ký xin phép nhập khẩu với tổng khối lượng được cho là 2 triệu tấn của các doanh nghiệp tư nhân nước này. Giá lúa gạo đang rất thấp của chúng ta chắc chắn tạo ra sức hút rất lớn. Và nếu thông tin của một doanh nghiệp Philippines về bản ghi nhớ sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo của Vinafood II hằng năm vẫn được thực hiện, Việt Nam mới có thể tháo bớt chút lo về câu chuyện giá lúa gạo ảm đạm hiện nay. Tuy khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là rất lớn, nhưng có thể triển vọng trong ngắn hạn sẽ tốt hơn, thậm chí tình hình có thể đảo chiều. Nhưng câu hỏi sau cùng là làm thế nào để tận dụng cơ hội đó vẫn sẽ cần câu trả lời khôn ngoan hơn nữa, dựa trên việc “rút kinh nghiệm” sâu sắc từ những gì xảy ra trong quá khứ, khi chính Việt Nam từng có lần “trắng tay” trong đấu thầu xuất khẩu gạo cho quốc gia này.■ Việc Việt Nam tăng được giá xuất khẩu là nhờ thay đổi cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu (tăng tỉ trọng gạo thơm và gạo nếp xuất khẩu), còn chất lượng gạo vẫn chưa có gì đột biến. Bằng chứng là gạo xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là gạo không có thương hiệu. Mà xây dựng được thương hiệu chắc chắn vẫn là con đường chông gai trong nhiều năm nữa. Ngay cả chuyện tìm thị trường mới và tận dụng các FTA mới để đẩy mạnh xuất khẩu cũng vậy. Chỉ cần nhìn vào việc Trung Quốc yêu cầu gạo của Việt Nam phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa khiến các cơ quan quản lý “tá hỏa”, xin lui thời hạn áp dụng cũng đủ rõ. Tags: Xuất khẩu gạoThị trường gạoGiá lúa gạo
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".