Gặp ba đạo diễn 8X: Bài toán khó nhất vẫn là khán giả!

CÁT KHUÊ THỰC HIỆN 14/08/2013 23:08 GMT+7

TTCT - Nghiêm Quỳnh Trang (sinh năm 1983 - giải kịch bản xuất sắc nhất YxineFF 2011 với phim Một cuộc thẩm vấn), Đoàn Trần Anh Tuấn (sinh năm 1987 - đạo diễn xuất sắc, giải Trái tim vàng YxineFF 2011 với phim Dưới bóng cây) và Nguyễn Khắc Huy (sinh năm 1986 - tác giả của Chuyện tào lao, Đường đua).

Cùng với nhiều đạo diễn trẻ khác (như Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Dũng Thanh Huy, Đỗ Quốc Trung...), họ được kỳ vọng gánh trên vai sự chuyển tiếp thế hệ... Thách thức hiện nay với họ là gì?

Phóng to
Đạo diễn Nghiêm Quỳnh Trang - Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

Nghiêm Quỳnh Trang: Chúng tôi sẽ không cố để khác…

Một cuộc thẩm vấn của Nghiêm Quỳnh Trang không đoạt giải phim hay nhất YxineFF 2011, nhưng lại trở thành phim được chú ý nhiều nhất, gây ấn tượng đặc biệt với khán giả bởi cách làm phim truyện mang hơi hướng tài liệu độc đáo. Đây là phim tốt nghiệp của Nghiêm Quỳnh Trang ở trường điện ảnh tại Pháp...

* Học ở Pháp và sống ở Praha, Trang khởi đầu bằng phim tài liệu, rồi thích thú với việc làm phim truyện mang nhiều chất tài liệu như Một cuộc thẩm vấn. Hình như với Trang, điện ảnh vẫn đang là những cuộc dạo chơi hoặc sự thử nghiệm?

- Làm phim là một nhu cầu tự thân, không phải dạo chơi. Phim tài liệu có yếu tố hư cấu, hoặc phim truyện đậm tính tài liệu luôn là điều tôi muốn thực hiện. Việc xóa nhòa ranh giới giữa hai thể loại không phải là cái gì mới. Đạo diễn người Pháp Chris Marker đã có những tác phẩm như vậy từ những năm 1960. Có thể nói phim của ông là nguồn cảm hứng vô tận đã giữ chân tôi lại với điện ảnh.

Còn về thể loại phim của riêng tôi, tôi sẽ cố gắng vừa làm vừa tìm tòi để xây dựng được một thứ ngôn ngữ điện ảnh cho riêng mình, không cứ đó là tài liệu hay hư cấu.

* Sẽ có rất nhiều người tò mò rằng không biết sinh viên học điện ảnh tại Pháp sẽ được rèn những kỹ năng gì? Ða số họ đều trở thành người làm phim sau khi học xong chứ?

- Tôi nghĩ ở Pháp hay ở đâu, các trường điện ảnh cũng dạy những môn cơ bản như nhau với một học kỳ cho lý thuyết, còn lại là thực hành. Mỗi năm, một sinh viên khoa đạo diễn đều phải làm tối thiểu một phim và tham gia vào vị trí khác trong ba phim khác.

Sau khi tốt nghiệp, một số bạn trong lớp dành cho sinh viên quốc tế như tôi trụ lại Paris với hi vọng vẫn được làm điện ảnh ở đây, hoặc tiếp tục làm phim ngắn kinh phí thấp, hoặc chuyển sang các chuyên ngành khác. Một số về nước làm phim quảng cáo.


Hẳn là không nhiều người tiếp tục theo nghề và có được cơ hội làm đạo diễn phim dài. Sinh viên Pháp ra trường cũng vậy. Tuy nhiên, thị trường phim ngắn luôn sôi động vô cùng nhờ điện ảnh được chính phủ bảo trợ. Mỗi năm có khoảng 336 liên hoan phim ngắn trên toàn nước Pháp và khoảng 2.000 phim ngắn ra đời.

Các kênh phát hành phim ngắn khác cũng vô cùng đa dạng: truyền hình và các mạng viễn thông tham gia tích cực vào việc đưa phim ngắn đến với người xem.

* Ðiện ảnh Việt Nam hiện tại cho Trang những xúc cảm gì về tất cả? Nó giống như thách thức đầy cám dỗ, hay ngược lại là những bất an khó lường?

- Là thách thức! Những khó lường về kiểm duyệt cũng là thách thức, nhưng bài toán khó nhất vẫn là khán giả. Đã định là đạo diễn, làm phim cho khán giả xem mà nói rằng không quan tâm tới người xem thích gì thì hẳn là không thật lòng. Nhưng làm sao để dung hòa được thị hiếu số đông người Việt với lý tưởng làm phim riêng thì thật khó vô cùng.

Tôi về một phần là để đi tìm lời giải.

* Theo Trang, những người trẻ như Trang, Ðoàn Trần Anh Tuấn, Nguyễn Khắc Huy đã sẵn sàng cho một sự chuyển giao chưa về thế hệ, khi mà dường như sự cũ kỹ già nua đang làm trì trệ điện ảnh Việt hôm nay?

- Tôi nghĩ không khi nào và ở đâu lại có một cuộc chuyển giao đột ngột cả. Thế hệ kế thừa thế hệ. Điện ảnh Việt Nam đã mới dần lên từ Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di cùng với làn gió phương Tây của Victor Vũ, Charlie Nguyễn... Cá nhân tôi hi vọng có được cơ hội làm những bộ phim mình muốn, và phim sẽ được người xem đón nhận.

Những phim lứa chúng tôi làm sẽ tự nhiên khác với phim các thế hệ trước do được đào tạo khác, quan điểm khác, điều kiện sống khác, chứ không phải bởi chúng tôi cố cho nó khác.

Phóng to
Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn - Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

Đoàn Trần Anh Tuấn: Không có bữa ăn nào là miễn phí

Dưới bóng cây đoạt một loạt giải của YxineFF 2011: giải đạo diễn xuất sắc nhất cùng Trái tim vàng, Trái tim hồng. Đây là một phim hoạt hình 3D đã gây xôn xao cộng đồng mạng trong thời gian khá dài bởi ít người ngờ rằng Việt Nam lại có thể có những hình ảnh hoạt hình 3D chuyên nghiệp đến thế. Đoàn Trần Anh Tuấn - nhạc trưởng của bữa tiệc Dưới bóng cây - khi đó mới chỉ 25 tuổi.

* Hơn một năm kể từ thời điểm “đăng quang” của Dưới bóng cây trong đêm trao giải YxineFF 2011, nhóm Colory bây giờ “còn, mất” ra sao?

- Im hơi lặng tiếng khá lâu nên chắc hẳn có nhiều người sẽ cho rằng Colory đã ngưng hoạt động. Câu trả lời của tôi là còn. Từ nhóm Colory năm 2011, Colory giờ đã trở thành một công ty sản xuất hoạt hình 3D đàng hoàng rồi. Colory hiện đang xây dựng hình ảnh của mình trưởng thành hơn, một studio có tổ chức chuyên nghiệp và nghiêm túc. Colory từng gặp muôn vàn khó khăn và mỗi khó khăn mang đến kinh nghiệm cho chúng tôi cứng cáp hơn rất nhiều sau những khó khăn đó.

Vậy có mất không? Thưa có, chúng tôi say mê công việc mình làm và do đó bị chiếm mất thời gian rất nhiều.

* Hoạt hình Việt Nam, theo Tuấn, thiếu những gì để đến giờ vẫn không thể kéo trẻ em tới rạp, khi chúng còn đang háo hức với những Despicable Me, Turbo, Monster University...?

- Hoạt hình Việt Nam thiếu một thứ rất quan trọng, đó là phim. Rõ ràng điện ảnh Việt Nam có thể kéo khán giả tới rạp, cũng dư luận rôm rả, cũng doanh thu ào ào. Còn hoạt hình, tại sao không? Vì ta có phim hoạt hình đâu mà chiếu rạp? Bởi vậy phải có phim trước đã rồi hãy nghĩ đến ta đang thua thế giới chỗ nào.

Hoạt hình Việt Nam còn thiếu một vài cái đầu vừa yêu say đắm lĩnh vực này vừa có hiểu biết về kinh doanh để có thể tạo ra tiền từ các tác phẩm đó, thiếu một vài tinh thần có thể kết nối những chuyên gia với những câu chuyện đậm tính điện ảnh, thiếu một vài môi trường cân bằng đủ tính lý tưởng và tính thực dụng để thu hút được những người có khát vọng lớn yên tâm làm việc và cống hiến cho đam mê...

* Tuấn có nghĩ đến những bước tiếp theo chưa cho Dưới bóng cây? Ðem phim đến với khán giả thật sự chứ không chỉ là chiếu “chùa” trên Internet chẳng hạn?

- Chữ chiếu “chùa” nghe nó tiêu cực quá! Ngạn ngữ phương Tây có câu: Không có bữa ăn nào là miễn phí! Dưới bóng cây có thể lợi ích kinh tế trực tiếp bằng zero, nhưng các lợi ích khác thì rất lớn, chúng tôi có cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng, và nếu không nhờ Dưới bóng cây thì làm sao tôi có thể nói chuyện được với phóng viên của TTCT chẳng hạn. Bởi vậy, Dưới bóng cây chẳng “chùa” tí nào.

* Từ công việc của mình nhìn rộng ra điện ảnh Việt, Tuấn có những nhận xét gì về đội ngũ làm phim, khán giả Việt hôm nay?

- Về đội ngũ làm phim, tôi thấy có nhiều tâm huyết, nhiều cơ hội hợp tác, nhiều công nghệ mới được ứng dụng. Về khán giả, tôi thấy sự thông minh, chọn lọc, phân biệt rạch ròi giữa ủng hộ và thưởng thức. Tất cả những điều trên vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các nhà làm phim vì yêu cầu thị trường ngày một cao và cạnh tranh ngày một nhiều.

Phóng to
Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy - Ảnh: Blue Productions

Nguyễn Khắc Huy: Với đường đua, tôi đã thiếu trách nhiệm

Doanh thu ba ngày đầu tiên của Đường đua đã khiến sau một tuần công chiếu, phim bị rút khỏi nhiều rạp. Với một phim đầu tay, có vẻ như doanh thu của Đường đua đã chung số phận với Dành cho tháng sáu của Nguyễn Hữu Tuấn. Nhưng không thể phủ nhận tài năng và sự nỗ lực đi đến cùng đam mê của Nguyễn Khắc Huy, dù câu chuyện sau những ngày phim ra rạp đã ít vui đi nhiều.

* Với doanh thu thấp của Ðường đua - sự trái chiều đáng ngạc nhiên với những lời khen khi phim ra mắt, Huy cảm thấy sao?

- Đường đua được làm với tâm thế của một người Việt trẻ đam mê điện ảnh. Có hai lý do ảnh hưởng đến toàn bộ tính nghệ thuật của phim. Thứ nhất, tôi muốn khẳng định mình, muốn thể hiện bản thân trong đời sống điện ảnh Việt Nam. Thứ hai, tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy người Việt trẻ rất yêu điện ảnh, chúng tôi cũng rất văn minh.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau của thế giới lúc còn du học ở Úc, tôi lại không hề tìm hiểu chính nền văn hóa của dân tộc mình, tìm hiểu bản sắc riêng của giới trẻ Việt Nam. Đây là thiếu sót lớn nhất mà mãi đến tận bây giờ sau khi Đường đua được công chiếu tôi mới nhận ra.

* Có ý kiến cho rằng nhiều chi tiết trong Ðường đua thiếu logic, mà rõ nhất là sự truy đuổi đến cùng của Hải với Lộc gây khó hiểu cho khán giả hay sự xung đột giữa các băng nhóm...?

- Thắc mắc của khán giả về sự xung đột của hai nhân vật trong Đường đua cũng chính là một trong những điều đáng tiếc nhất của tôi. Tiếc là mình đã biết rất rõ một khuyết điểm như vậy mà lại không quyết liệt chỉnh sửa thay đổi.

Thật lòng là lửa nhiệt tình trong tôi đã giảm đáng kể sau nhiều lần Đường đua phải chỉnh sửa. Nhưng đúng là tôi đã mắc một lỗi lớn rất đáng trách, đã không làm tròn trách nhiệm với những thỏa hiệp của mình.

* Khán giả Việt với Huy trước và sau khi công chiếu Ðường đua có còn là ẩn số?

- Khi làm Đường đua tôi chỉ theo cảm xúc của bản thân, và cũng khá hài lòng với thành quả lao động của mình. Nhưng giờ, tôi lại rút ra được một bài học rất lớn: đó chính là sự thiếu tương tác với giới trẻ hiện nay, mà đây lại là đối tượng đông đảo nhất của thị trường điện ảnh Việt.

Tôi thuộc về thế hệ 8X, là thế hệ giao thoa của lứa đàn anh và thế hệ 9X trẻ trung năng động hiện đại ngày nay. Sau thất bại của Đường đua, tôi nghĩ mình đã phần nào hiểu được thị trường điện ảnh Việt hiện tại nhưng vẫn cần có thêm nhiều trải nghiệm. Tôi sẽ cố gắng hòa nhập hơn...

* Ðặt mình ở một vị trí khác, không phải đạo diễn mà là nhà đầu tư của Ðường đua, sau cú “sốc” buồn về doanh thu, Huy rút ra những kinh nghiệm gì để nếu còn có dự án sau?

- Tôi từng xuống tinh thần trầm trọng ngay trong giai đoạn hậu kỳ của Đường đua. Nhưng hơn bao giờ hết, bây giờ tôi lại thấy mình trưởng thành hơn. Tôi đã có thể gạt bỏ cái tôi to đùng rào cản. Thế hệ trước đã làm xong nền tảng, tôi muốn chung tay cho sự phát triển. Nếu như kinh tế là những giá trị vật chất thì nghệ thuật là những giá trị tinh thần. Đây là mối quan hệ tương hỗ.

Chúng ta đã có tự hào về nhiều điều trước thế giới, ví như Ngô Bảo Châu của toán học Việt Nam thì tôi nghĩ đến lúc điện ảnh cũng phải như vậy. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận