George Black và hành trình hàn gắn hậu chiến

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 28/01/2023 06:42 GMT+7

TTCT - George Black là nhà văn, nhà báo người Scotland sinh sống và làm việc ở Mỹ. Rất quan tâm tới công cuộc hòa giải và hàn gắn hậu chiến ở Việt Nam, ông đã đến Việt Nam nhiều lần.

Bác sĩ Trần Văn Bản và nhà báo George Black. Ảnh: George Black

Bác sĩ Trần Văn Bản và nhà báo George Black. Ảnh: George Black

Ông đã gặp gỡ nhiều người, tham gia và ghi nhận rất nhiều hoạt động giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Ở TP.HCM, Black đã tìm tới bác sĩ Trần Văn Bản (cựu chiến binh) cùng tập thể tiểu đoàn Cát Bi nổi tiếng kiên trì đi tìm hài cốt đồng đội và các liệt sĩ. Ông lắng nghe, tìm hiểu và lặng khóc nhiều lần...

Trong cuộc trò chuyện với bác sĩ Bản, hai người đã ôn lại hành trình của vị bác sĩ thời chiến mà từ khi cuộc chiến kết thúc tới giờ chỉ có một sứ mệnh: tìm kiếm những người đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường. 

Black đã nói chuyện kỹ lưỡng với bác sĩ Bản, bắt đầu từ hành trình vượt Trường Sơn của ông, đến khi ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Củ Chi, trở thành bác sĩ, và rồi sau cuộc chiến, tự mình, cũng như hợp tác với các tổ chức nhà nước để tìm liệt sĩ.

"Năm ngoái, Bộ trưởng [Quốc phòng Mỹ, Lloyd] Austin sang Việt Nam có ký chương trình hợp tác hai bộ quốc phòng nhằm tìm kiếm cả quân nhân Việt Nam mất tích. Giai đoạn đầu, Mỹ chuyển giao công nghệ ADN mới cho Việt Nam. Giai đoạn hai là cung cấp tài liệu hồ sơ mà phía Mỹ đang giữ để có thể tìm liệt sĩ. Riêng tại Đại học Texas Tech đã có 3 triệu trang tài liệu, gồm báo cáo trận đánh của các đơn vị Mỹ, sổ ghi chép, nhật ký của quân giải phóng và lính Mỹ, giấy tờ, hình ảnh kỷ vật mà lính Mỹ lấy được trên thi thể quân đội đối phương...". 

Theo ông, thành phần tham gia chương trình giữa hai nước lần này rất lớn: giới lãnh đạo quân sự và cựu chiến binh hai bên, quan chức dân sự và quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, Viện Hòa bình Mỹ (USIP), các quan chức Quốc hội, và nhóm nhà nghiên cứu, lưu trữ tại Đại học Harvard và Texas Tech.

Black đã nghe kỹ và nhiều lần lặng lẽ khóc bởi câu chuyện đi tìm liệt sĩ ròng rã chung thủy của các cựu chiến binh Việt Nam, những người giữ tỉ mỉ từng sơ đồ, hình ảnh, và khi nghe bác sĩ Bản kể: "Việt Nam thì xã nào cũng có liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Xã tôi có 500 mộ thì chỉ có 200 mộ thật, còn lại là mộ gió. Đơn vị tôi tìm ra 4 mộ tập thể, trong đó có một mộ gần 25 anh em chưa đưa được về vì xương cốt lẫn lộn". 

Black chụp các thông tin, hình ảnh và muốn giúp chuyển cho các chương trình tìm kiếm và nghe bác sĩ Bản run giọng khi nói: "Tôi luôn tự hỏi, khi chúng tôi già yếu mất đi, ai sẽ biết nhiều dấu vết để giúp tìm anh em?".

"Trong hàng chục năm làm báo, tôi phỏng vấn nhiều người từ dân thường, binh sĩ, doanh nhân, cả tổng thống một số nước, nhưng cuộc gặp này làm tôi rất xúc động. Tôi sẽ không quên được buổi hôm nay, một cuộc gặp phi thường - Black nói - Chương trình đang tìm cách sử dụng những công nghệ tốt nhất để xác định cả những hài cốt đã lâu năm. Tôi sẽ trung thực quan điểm của mình: sẽ cần thực hiện tìm kiếm cho cả những người lính trước đây thuộc chính quyền Sài Gòn".

Khi tôi hỏi "Liệu người Mỹ có quan tâm đến câu chuyện hy sinh của người Việt Nam hay không?", George thừa nhận: "Người Mỹ nổi tiếng là không quan tâm và không hiểu rõ các vấn đề quốc tế. Ước tính đã có khoảng 30.000 cuốn sách được viết về Việt Nam bằng tiếng Anh. Vẫn còn một thế hệ đủ lớn để có những ký ức trực tiếp về cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt là các cựu chiến binh. Họ là đối tượng độc giả tự nhiên nhất với các cuốn sách của tôi. Nhưng tôi cố gắng thực hiện một cách tiếp cận rộng hơn để nói chuyện với thế hệ độc giả trẻ hơn".

George tin rằng cuốn sách của ông (The long reckoning: A story of war, peace, and redemption in Vietnam) sẽ đáp lời cho những câu hỏi: Việt Nam đang cần gì, người Mỹ có thể giúp như thế nào. Quá trình hợp tác Việt - Mỹ cuối cùng đã thúc đẩy Chính phủ Hoa kỳ làm điều đúng đắn và nhận ra trách nhiệm mình với hậu quả chiến tranh.

"Mặc dù đã phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp nhưng những người Việt Nam trong sách của tôi không chỉ là những nạn nhân. Tôi viết về những người mà vai trò của họ đã bị lãng quên trong nhiều cuốn sách đã viết về Việt Nam cho đến nay, trong đó có những nhà khoa học tiên phong đã thực hiện nghiên cứu ban đầu về chất độc da cam".

Với đề nghị đánh giá về những chương trình Mỹ đã cam kết làm cho Việt Nam hậu chiến, George cho rằng rất dễ rơi vào tâm thế phê phán "quá ít quá muộn". Nhưng không bao giờ là muộn để chấp nhận trách nhiệm đạo đức với những sai lầm đã phạm trong quá khứ hoặc để sửa đổi dù mức độ khiêm tốn. 

"Tôi biết người Việt Nam hiểu rằng nếu cứ sống mãi trong quá khứ thì sẽ chỉ trở thành tù nhân của nó. Khi người ngoài hiểu nỗi đau của họ và cố gắng xoa dịu nó một chút, đó mới là điều quan trọng" - ông nói.■

Tôi chết bắt đầu một thế giới sống là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, kể về hành trình 40 năm miệt mài không nghỉ đi tìm hài cốt đồng đội của bác sĩ Trần Văn Bản, 79 tuổi.

Tựa sách Tôi chết bắt đầu một thế giới sống

Tôi chết bắt đầu một thế giới sống từng được nhà văn Mỹ Lady Borton dịch và đăng trên tạp chí Consequence của Mỹ năm 2016. Bằng lối kể chuyện khéo léo, đan cài những câu chuyện của chiến tranh và hòa bình, của người còn sống với người đã khuất, của tình cảm với phận sự, cuốn sách đã vẽ nên bức tranh hậu chiến, hàn gắn và xoa dịu nỗi đau chiến tranh vừa nhân văn, vừa khơi gợi.

Đó cũng là lần đầu tiên câu chuyện giản dị mà xúc động, những lời kể tha thiết nhưng rất thật, điểm lại hành trình đi tìm đồng đội tuy gồm những việc nhỏ bé, tỉ mỉ, nhưng lại mang những tình cảm lớn lao, sâu sắc, được kể lại. Hành trình đấy đã được George Black chia sẻ, ông dành những dòng xúc động nhất trên bài báo ngày 19-12-2022 trên trang New Republic.

Sinh ở Hải Phòng, bác sĩ Bản đã ký tên bằng máu để xin được vào miền Nam. Tháng 11-1967, ông cùng đồng đội đi bộ suốt 6 tháng trời dọc đường mòn Hồ Chí Minh qua Lào và Campuchia, trong bom đạn Mỹ, để tới được chiến trường.

Tiểu đoàn 268 của ông hoạt động ở vùng Tam giác sắt phía tây Sài Gòn, đối mặt với những đạo quân Mỹ thiện chiến nhất. Tiểu đoàn có 653 người, tới ngày giải phóng chỉ còn lại 121 người. Bác sĩ Bản bị thương nặng, gia đình không biết ông còn sống tới khi ông trở về nhà sau chiến tranh.

Là bác sĩ, ông có nhiệm vụ ghi chép hồ sơ thương vong của đồng đội. Ông đã vẽ hàng chục bản đồ chi tiết các khu mộ và viết tên từng đồng đội ngã xuống lên giấy, cuốn lại, cho vào lọ thuốc rỗng, rồi bỏ vào miệng người chết để tìm lại họ sau này.

Những bản đồ của ông tỏ ra rất chính xác và tới nay, ông đã giúp tìm được 14/25 hài cốt liệt sĩ người cùng xã cho gia đình họ. "Nhưng vẫn còn 11 người nữa", bác sĩ Bản nói với Black.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận