TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử, VN cho nhập khẩu heo sống về để giết thịt nhằm tăng nguồn cung trong nước, qua đó bình ổn thị trường và kéo giá heo trong nước xuống. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn phải tăng nguồn cung thịt heo trong nước về bằng trước khi có dịch bệnh thì mới có thể đưa giá heo về mức ổn định lâu dài. Ai mới thực sự chi phối ? Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - một trong những địa phương có đàn heo lớn nhất nước, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 2,1 triệu con heo. Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% (50-60% trong số này của doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài), chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn với khoảng 6.150 hộ chăn nuôi. Còn theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, tổng đàn heo của các DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn là khoảng 1,1 triệu con. Trong đó, tổng đàn của 8 DN có vốn đầu tư nước ngoài là 1,03 triệu con (chiếm 94%), tổng đàn của 9 DN trong nước và HTX là 65.000 con (chiếm 4%). Đứng đầu DN FDI về số lượng là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với tổng đàn trên 550.000 con, tiếp đến là Công ty TNHH CJ Vina Agri với tổng đàn trên 180.000 con. Sáu DN còn lại gồm Japfa, Velmar, Sunjin, Cargill, Làng Sen và Menon có số lượng từ 15.000 - 100.000 con. Trong khi đó, Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai đứng đầu DN trong nước và HTX, với tổng đàn khoảng 30.000 con. Các DN, HTX còn lại chỉ có từ 150 - 10.000 con. Mỗi ngày, các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn cung ứng khoảng 8.500 - 9.000 con heo thịt ra thị trường. Trong đó, có khoảng 6.000 con heo thịt làm giấy kiểm dịch xuất đi thịt trường TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn khoảng 2.500 - 3.000 con được giết mổ tại địa phương, sau đó phân phối thịt heo cho thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Dù vậy, ông Phạm Nhất Huy - giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) - nhận định khả năng tham gia điều tiết giá của các DN tại Đồng Nai không lớn. Ông Huy phân tích: hiện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có tổng đàn lớn nhất toàn tỉnh, trường hợp DN này ngưng xuất ra thị trường, nguồn cung thiếu hụt sẽ đẩy giá heo lên cao. Ngay cả khi DN này tăng xuất, giá heo cũng chỉ có thể giảm nhẹ. “Họ thường xuất bán heo hơi trọng lượng 120kg/con. Khi muốn tăng xuất, họ sẽ bán heo 110kg/con, dần xuống 100kg/con và 90kg/con. Ba đợt ra thị trường như vậy cũng chỉ kéo giảm giá heo hơi xuống tối đa 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhưng chỉ cần công ty này ngừng cung 3-4 ngày, giá heo lập tức vượt giá ban đầu. Cũng theo ông Huy, trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, Công ty CP Việt Nam cũng bị thiệt hại khá nặng nên lượng heo chỉ đủ cung cấp đều đều giữ giá, khó có thể đưa đồng loạt ra thị trường để kéo giảm giá. Đàn heo của các DN khác chiếm thị phần không lớn nên không thể tác động đến giá cả trên thị trường. Và các DN, trang trại lớn thường “nhìn” vào Công ty CP Việt Nam để tăng hay giảm số lượng xuất ra. Các lò mổ gia súc tập trung cũng khó gom đủ nguồn heo do thị trường khan hiếm. Trong ảnh: nhân viên lò mổ gia súc tập trung Thy Thọ chuẩn bị đơn hàng cho một chuỗi siêu thị. Ảnh: A LỘC Phải theo quy luật cung - cầu Rất nhiều cuộc họp, rất nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để điều tiết giá thịt heo. Các DN chăn nuôi lớn thậm chí còn đồng loạt cam kết xuất bán heo hơi với giá 70.000 đồng/kg. Nhưng mức giá trên thị trường chỉ giảm nhẹ rồi tăng trở lại. Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá đắt đỏ. Bởi thế, nói về giải pháp bình ổn thị trường thịt heo, đa số chuyên gia, chủ cơ sở chăn nuôi heo có nhiều năm kinh nghiệm đều cho rằng mấu chốt nằm ở quy luật cung - cầu. Khi thịt heo khan hiếm, giá ắt bị đẩy lên cao; khi thịt heo đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng, giá sẽ tự động hạ nhiệt. Ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho rằng cốt lõi của vấn đề là nguồn cung heo bị thiếu hụt nghiêm trọng do dịch tả heo châu Phi. Ngoài 6 triệu con bị tiêu hủy (tính đến tháng 5-2020) theo số liệu thống kê chính thức, còn rất nhiều heo bị bệnh ở các công ty chăn nuôi lớn phải hủy mà không được khai báo. Không những thế, trong số heo bị tiêu hủy, phần lớn đàn heo nái trong các hộ nuôi nhỏ lẻ đã mất, việc khôi phục tốn nhiều thời gian. Điều này không khác gì tình hình tại Trung Quốc, sau khi dịch bệnh xảy ra một năm thì mức độ thiếu heo trầm trọng nhất. Và dù dịch bệnh tại Trung Quốc diễn ra cách VN nửa năm và không rộng trên toàn quốc, nhưng đến nay giá heo hơi tại nước này cũng vẫn ở mức trên 100.000 đồng/kg. 13 DN chăn nuôi heo quy mô lớn nhất của VN chỉ chiếm 35% thị phần, 65% còn lại là của các DN nhỏ, trang trại, hộ nông dân - nơi khó chủ động được về giống và thức ăn chăn nuôi. Các chương trình bình ổn góp phần rất nhỏ trong việc kiềm giá heo thời gian qua, bởi các công ty phân phối có thương hiệu tại các siêu thị như Vissan, Sagri... cũng phụ thuộc nguồn heo nuôi từ bên ngoài. Giá heo hơi liên tục tăng, giá bình ổn khó mà giữ thấp mãi. “Cốt lõi vẫn là ở nguồn cung, do đó cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như cho vay vốn tái sản xuất, giảm lãi suất, khuyến khích nhập khẩu heo giống” - đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói. Theo các chuyên gia kinh tế, dù giá heo có tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu giá tiêu dùng nhưng không thể vì thế mà dùng các biện pháp hành chính để ép giá heo xuống. TS Nguyễn Đức Thành - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - nhấn mạnh đây là quy luật kinh tế rất cơ bản: giá heo tăng thời gian qua là do nguồn cung thiếu hụt do dịch bệnh. Khi Chính phủ muốn hạ giá thịt heo bằng biện pháp hành chính, giá thịt heo sẽ tăng. Đơn giản là vì các biện pháp ấy sẽ làm tổn thương hệ thống phân phối và do đó làm thu hẹp nguồn cung (vốn đang khan hiếm) nên giá lại càng tăng. Người sản xuất trực tiếp cũng bị ảnh hưởng xấu do giá thu mua giảm xuống (vì tiếp cận kênh phân phối khó hơn). Tiếp nữa, nếu các cửa hàng vì mệnh lệnh hành chính phải bán theo một giá thấp thì đơn giản là thịt bán ra sẽ có chất lượng thấp. Và chất lượng ấy sẽ thấp hơn chất lượng mà trước đây vẫn bán ở mức giá đó. Đây thực chất chính là sự tăng giá đối với phân khúc thị trường thịt chất lượng thấp. Trong khi thương lái, trung gian thu lợi lớn thì người tiêu dùng bấm bụng chịu thiệt ăn thịt heo giá cao. Trong ảnh: Một sạp bán thịt heo tại huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: A LỘC Nhập khẩu heo sống Khi các biện pháp kéo giá giảm không hiệu quả do thiếu hụt nguồn cung quá lớn, trong khi thịt heo chiếm đến 65-70% trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nhập khẩu thịt heo đông lạnh, tăng nguồn cung thịt heo ra thị trường. Song biện pháp này cũng không hiệu quả vì tính đến hết tháng 4-2020, Việt Nam mới nhập khẩu được gần 50.000 tấn thịt heo, dù tăng mạnh so với năm 2019 nhưng vẫn không đủ nhiều để giảm giá heo trong nước. Bởi sự liên đới trong giảm nguồn cung nói chung: dịch tả heo châu Phi diễn ra ở nhiều quốc gia, nguồn cung thế giới cũng giảm, dẫn tới giá bán tăng. Năm 2020, dịch COVID-19 khiến giao thương và vận chuyển hàng hóa khó khăn, muốn nhập khẩu cũng không dễ. Trước nguy cơ giá heo hơi trong nước vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg, ngày 27-5, Bộ NN&PTNT đồng ý cho nhập khẩu heo sống về giết thịt, cung ứng ra thị trường. Nhưng theo lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đây mới chỉ là “đồng ý về chủ trương”. Để nhập khẩu heo sống, hai nước (Việt Nam và nước xuất khẩu heo) phải tiến hành đàm phán để mở cửa thị trường, đánh giá các rủi ro và các biện pháp phòng trừ cũng như loại trừ rủi ro về an toàn và dịch bệnh. Các DN nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày. Ông Trần Văn Quang - chuyên gia thú y - cho rằng việc nhập khẩu heo sống chỉ là giải pháp tình thế khi Việt Nam đang thiếu nguồn cung heo, song điều này ẩn chứa các rủi ro về dịch bệnh. Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ nhập khẩu heo giống, chưa từng nhập khẩu heo thịt. “Đây là đề xuất của Cục Thú y nên cơ quan này phải trình được các kế hoạch phòng chống và kiểm soát dịch bệnh mới được Chính phủ và Bộ NN&PTNT thông qua” - ông Quang nói. Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trên thế giới hiện chỉ có Thái Lan có thể xuất khẩu heo sống sang Việt Nam. Vì thế, đề xuất của Cục Thú y chính là để nhập khẩu heo Thái, các nước khác ở châu Âu hay Mỹ do khoảng cách quá xa nên không dễ vận chuyển heo sống tới Việt Nam. Mà chính Thái Lan cũng đang có dịch bệnh tả heo châu Phi. “Việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan, đi kèm nguy cơ rất cao về dịch bệnh từ bên ngoài vào, sẽ đe dọa ngành nuôi heo trong nước mới đang bắt đầu khôi phục trở lại” - ông Công cảnh báo.■ Khâu trung gian lãi lớn Ông Hùng - chủ một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) - cho rằng việc “khống chế” các công ty chăn nuôi có quy mô lớn rất khó, và cách này cũng chỉ làm lợi cho thương lái. “Ví dụ, công ty bán ra giá 80.000 đồng/kg cho lái, lái mang về giết mổ và bán lại với giá thị trường (tương đương gần 100.000 đồng/kg heo hơi), người tiêu dùng vẫn không được ăn thịt heo giá rẻ” - ông Hùng phân tích. Từ đó, nhiều công ty bắt đầu “biến hình”, thay đổi cách xuất hàng. Thay vì bán heo hơi, các công ty chăn nuôi chuyển sang bán heo mảnh hoặc bán cho trung gian. Các trung gian này sau khi giết mổ đưa thịt heo ra chợ tiêu thụ với giá thị trường. Ghi nhận tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai, heo hơi đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 96.000 - 98.000 đồng/kg. Cá biệt, có nơi thương lái đẩy giá thu mua lên đến 100.000 đồng/kg, cao hơn mức giá các công ty chăn nuôi bán ra gần 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do thị trường khan hiếm, các thương lái đẩy giá tăng liên tục để tranh nhau gom hàng. Ông Nguyễn Quang Thọ - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại TP Long Khánh, Đồng Nai - cho biết dù đã có hợp đồng bao tiêu với các nông hộ nuôi heo sạch trên địa bàn và đẩy giá thu mua heo hơi lên 95.000 đồng/kg, nhưng vẫn không gom đủ công suất hoạt động. Hiện cơ sở của ông chỉ giết mổ chưa tới 50 con heo thịt/ngày, giảm 2/3 so với trước. Trong khi đó, dù các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn đưa ra giá bán heo hơi ở mức khoảng trên 80.000 đồng/kg, song “Công ty đưa ra giá bán khoảng 80.000 nhưng đâu có mua trực tiếp được, phải mua qua trung gian, giá chín mấy lận. Tôi muốn đăng ký mua heo của công ty, khi liên hệ chỉ gặp nhân viên, nhận được câu trả lời là không đủ nguồn cung, không có heo” - ông Thọ nói. Cũng theo ông Thọ, có DN còn tìm cách “lách” cam kết với Chính phủ bằng cách không bán heo hơi mà hợp đồng với các lò mổ giết heo mảnh (heo sau giết mổ bỏ đầu, lòng), bán ra khoảng 115.000 đồng/kg, tương đương giá heo hơi khoảng 91.000 - 92.000 đồng/kg. Mức giá này dù thấp hơn giá thị trường vài giá nhưng vẫn cao hơn giá cam kết rất nhiều. Tương tự, bà O. - một thương lái tại Đồng Nai - cho biết dù bà có mã code của một công ty chăn nuôi nhưng không thể mua heo hơi từ các DN này theo đúng giá niêm yết. Bà phải mua heo qua “cò” với giá chênh lệch hơn 10.000 đồng/kg và vì thế, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng cũng đội lên tương ứng. Trong khi đó, các “cò” trung gian chỉ cần sang tay từ công ty đến thương lái đã lời tiền triệu. “Công ty thông báo giá một ký heo hơi khoảng 80.000 đồng, thực tế không mua được giá này. Chúng tôi phải mua qua “cò” với giá từ 95.000 - 98.000 đồng/kg. Mua giá cao thì chúng tôi phải bán giá cao thôi, có thiệt thì thiệt cho người tiêu dùng” - bà O. nói. A Lộc Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Biến động giá thịt heo: đi tìm lời giải Tiếp theo Tags: Giá thịt heoĐẩy giá lênNhập heo nguyên conKhâu trung gian lãi lớn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.