Câu chuyện hai “hiệp sĩ” Đặng Như Quỳnh và Trần Hữu Như Anh giúp bán cả ngàn tấn dưa hấu cho nông dân sẽ là nguồn dữ liệu quý giá để phân tích và rút ra bài học kinh nghiệm cho toàn ngành nông sản của Việt Nam. Từ góc độ của bộ môn xã hội hàng hóa, bài viết này ghi lại một vài điểm đáng chú ý nhất. Nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng, đang rất cần một hệ thống phân phối chuyên nghệp thay vì vừa bán vừa kêu gọi “tình thương mến thương”. Ảnh: Khoa Nguyễn Điểm nghẽn phân phối Cho đến giờ người ta vẫn dễ dàng phê phán nông dân trồng cây không biết tính toán để phải gánh chịu cảnh thua lỗ do cung nhiều hơn cầu, nhưng vụ dưa Quảng Ngãi vừa rồi cho thấy chính hệ thống phân phối mới là vấn đề cho nông sản Việt Nam. Xã hội Việt Nam chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của thương lái trong xã hội hàng hóa. Người ta dễ ganh ghét với số tiền thương lái kiếm được khi trúng chuyến hàng lời đậm, hay buộc tội thương lái ép giá khi hàng ở đầu mua bị ứ đọng. Nhưng người ta không dễ nhìn thấy nếu người nông dân chỉ chịu rủi ro với số tiền 3.000 đồng/kg thì thương lái phải chịu khoản rủi ro gấp đôi con số đó - 6.000 đồng/kg. Nếu xuất khẩu rủi ro còn gấp nhiều lần. Phải chi tiền ra để mua dưa hấu, chi tiền để đưa dưa hấu ra tới cửa khẩu và chi thêm đủ mọi thứ tiền để xuất khẩu... Nhìn vào cơ cấu giá thành, nếu ép được giá ngay tại nơi sản xuất, chỉ xê xích được rất ít trong giá bán, cho nên rớt giá thê thảm tại ruộng dưa chủ yếu là do bế tắc ở nơi tiêu thụ hơn là do thương lái ép giá. Cũng cần phải nhìn vào quy trình bán dưa ở Quảng Ngãi vừa qua, không chỉ cần hai người có uy tín, biết tạo quan hệ, năng động, biết vận dụng kỹ năng kinh doanh vào mặt hàng dưa hấu như “hiệp sĩ” Trần Hữu Như Anh ở đầu thu mua và “hiệp sĩ” Đặng Như Quỳnh ở đầu tiêu thụ, mà cả một hệ thống người làm việc trong hai bộ máy đó - ở đây là các tình nguyện viên giúp bốc dỡ, bán dưa và sự tham gia của các cán bộ Đoàn ở Quảng Ngãi tạo lòng tin cho nông dân chịu bán dưa trả chậm. Nếu là một bộ máy kinh doanh, tính ra công ty này lên đến hàng trăm người và nếu ghép số giờ làm việc của họ vào giá thành thì lượng tín dụng chạy trong khâu tiêu thụ lớn hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất ban đầu ngay tại ruộng dưa hấu. Nhưng đó là điều bình thường trong nền kinh tế thế giới - khâu phân phối tức là phần dịch vụ chiếm cơ số rất lớn trong phần giá trị thặng dư của hàng hóa. Các hiệp sĩ trong vụ dưa hấu Quảng Ngãi vừa rồi rõ ràng là đã nhìn thấu cơ chế hàng hóa đặc thù của xã hội Việt Nam và đã dồn hết tâm huyết cùng thời gian, kinh nghiệm để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nông sản nghiêm trọng. Họ đã thành công. Theo những trao đổi hiện nay trên Facebook của cả nhóm, có vẻ như họ sẽ tiếp tục góp sức để giải bài toán nông sản cho Việt Nam. Hai mô hình tương lai Về cơ bản, sẽ có hai mô hình đã thành công trên thế giới để họ lựa chọn hướng đi cho giai đoạn tiếp theo. Trước hết là mô hình hợp tác xã. Mô hình kinh doanh lấy lợi ích cộng đồng làm mục tiêu hiện cũng đang là phương pháp hoạt động của Tập đoàn Co-operative (viết tắt là Co-op) nổi tiếng ở Anh, bao gồm từ siêu thị cho đến hiệu thuốc, ngân hàng, bảo hiểm, hay văn phòng luật sư, du lịch, mai táng. Có thể tổ chức hợp tác xã trồng dưa trên địa bàn một huyện theo quy trình về thời gian và không gian - có người điều phối các hộ gia đình gieo trồng cách nhau vài ngày để chủ động về vận tải và tiêu thụ, yêu cầu các hộ gia đình gần nhau xuống giống cùng lúc để đủ lượng hàng cho một xe tải khi thu hoạch, tiết kiệm chi phí bốc vác và vận chuyển. Được trang bị máy tính hay điện thoại để vào Facebook, mỗi hộ dân có thể lập một account rồi quy tụ vào thành một nhóm thì không cần gặp nhau hội họp cũng có thể dễ dàng điều phối từ quy trình sản xuất cho đến giống và vật tư, cũng như giá cả và chi phí phát sinh. Mô hình thứ hai cũng đang được ưa chuộng trên thế giới là hệ thống đánh giá xếp hạng công ty theo tiêu chuẩn mua bán công bằng - fairtrade. Bắt đầu từ chuyện những người uống cà phê ở các nước giàu muốn bảo vệ người dân trồng cà phê ở các nước nghèo không bị ép giá nên người ta lập hội để cấp chứng chỉ cho các công ty tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về đạo đức kinh doanh. Người kinh doanh hàng nông sản fairtrade tự hào là họ thu mua tận gốc với giá hợp lý, thậm chí còn đầu tư để giúp người trồng cà phê phát triển. Trong mô hình này, hệ thống mua bán vẫn tiếp tục do thương lái phụ trách, nhưng chỉ những người kinh doanh có đạo đức mới được cấp chứng chỉ và người mua sẽ tự mình quyết định sẽ mua hàng của thương lái bất chấp tính mạng người nghèo, hay ủng hộ những doanh nhân biết nhắm đến ổn định và phát triển xã hội. Ở đây việc kinh doanh không còn đơn thuần là giúp đỡ một nhóm người dân nghèo nào đó mà sẽ thay đổi hệ giá trị đạo đức trong xã hội, nên mỗi hành động đều phải là tấm gương cho các thương lái khác noi theo. Tags: Nông dânNông sảnThương láiHiệp sĩGiải cứu dưa hấu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.