TTCT - Sẽ có những thay đổi lớn nào của hệ thống giáo dục từ những quyết định được ban hành năm ngoái? Minh họa: DAD Những quyết định được ban hành vào cuối năm 2016 sẽ dẫn đến những biến đổi to lớn của hệ thống giáo dục Việt Nam: bỏ điểm sàn đại học, sự phân hóa rõ ràng giữa đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp và việc các trường ông lập mới được giao quyền tự chủ. Bên ngoài Việt Nam, mối quan tâm của giáo dục lại được thể hiện khác. Đó là về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 vào giáo dục cùng xu thế toàn cầu hóa và các kỹ năng toàn cầu. Bỏ vai trò chỉ huy tập trung? Một trong những mâu thuẫn giữa Bộ GD-ĐT với các trường “top dưới” trước đây chính là vấn đề điểm sàn. Điểm sàn từng được Bộ GD-ĐT cho là “ngưỡng chất lượng” của hệ thống giáo dục đại học. Từ năm học 2014-2015, việc chấp nhận cho các trường tuyển sinh 20% chỉ tiêu bằng việc xét tuyển thực tế đã giúp một lượng lớn sinh viên nhập học mà không cần điểm sàn. Với việc chính thức bỏ tiêu chí điểm sàn, bộ đã thể hiện quan điểm mới về tự chủ đại học: Từ năm 2017, các trường đại học hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào của mình. Xu thế đại chúng hóa giáo dục đại học đã diễn ra rộng khắp trên thế giới. Việc mở rộng cánh cửa đại học cho mọi tầng lớp đã được hiện thực hóa từ lâu tại các quốc gia phát triển. Các đại học cộng đồng công lập của Mỹ đã “open access”, tức là không được phép từ chối sinh viên nhập học. Rào cản cuối cùng về học phí cũng được chính quyền của Tổng thống Obama gỡ nốt khi quyết định miễn phí cho các trường thuộc loại này. Nhưng việc áp dụng vào Việt Nam sẽ có nhiều điểm khác biệt, khi mà dư luận vẫn luôn cho rằng chất lượng giáo dục đại học và cả việc thất nghiệp thuộc hoàn toàn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bằng động thái này, Bộ GD-ĐT cho thấy các trường đại học mới là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm này. Như vậy, có thể nói năm 2017 là năm đầu tiên mà chính sách mở cửa cho tất cả thí sinh vào đại học được chính thức công nhận tại Việt Nam. Chắc chắn điều này sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt giáo dục đại học Việt Nam. Khi đó, các trường đại học sẽ được tách làm các phân khúc khác nhau. Những trường “top đầu” sẽ giữ thương hiệu bằng cách duy trì sự “khan hiếm” và “khó khăn” của mình để thể hiện chất lượng và đẳng cấp. Sinh viên cần có kết quả học tập bậc phổ thông xuất sắc mới chắc chắn có vị trí ở các trường top đầu. Các trường này cũng sẽ phải phát triển theo định hướng tinh hoa với đội ngũ cán bộ chuyên môn tốt, đầu tư vào nghiên cứu và cạnh tranh thứ hạng với nhau. Và như vậy, các trường đại học “top dưới” sẽ phải cạnh tranh bằng việc chăm sóc sinh viên tốt hơn và cơ hội việc làm. Dù thế nào thì sẽ vẫn còn rất nhiều sinh viên với lực học trung bình, họ vẫn cần nơi học tập vừa sức mà vẫn có cơ hội việc làm cao. Do đó sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi phần đông trường đại học sẽ là các trường thuộc diện mở rộng cửa đón tất cả sinh viên. Ở Mỹ, số trường thuộc diện này chiếm đa số (khoảng 70%). Toàn cầu cũng chỉ có khoảng 1.000 trường đại học tham gia các bảng xếp hạng, còn lại hơn 25.000 trường đại học khác (chiếm 96%) đứng ngoài cuộc chơi xếp hạng. Cao đẳng, trung cấp gặp khó Sau khi tiếp quản các trường cao đẳng và trung cấp (CĐ, TC) từ Bộ GD-ĐT, ngay lập tức Bộ LĐ-TB&XH phải đối mặt bài toán quản lý khó khăn. Tổng số các trường CĐ-TC thuộc diện họ phải quản lý lên tới hơn 1.000 trường, gấp 5 lần số trường đại học. Đa số trường đều có quy mô nhỏ (500 - 1.000 sinh viên), rất nhiều trường có quy mô ít hơn 300 học sinh, sinh viên. Ngay trong năm đầu tiên, các trường này sẽ phải đối phó với chính sách bỏ điểm sàn đại học. Nếu trước đây việc có điểm sàn luôn đảm bảo cho các trường CĐ-TC một lượng sinh viên nhất định, thì nay “phao cứu sinh” đó đã không còn, buộc các trường phải “bơi” bằng năng lực cạnh tranh thực thụ. Đó chính là lợi thế về việc đào tạo với thời gian ngắn hơn và chỉ tập trung vào việc xây dựng năng lực nghề nghiệp của sinh viên. Thực tế những năm qua cho thấy các trường CĐ-TC hướng nghiệp tốt vẫn có sức hút mạnh mẽ. Có việc làm đúng sở thích và năng lực luôn là nhu cầu thiết thực, cao hơn một bằng đại học hư danh. Tuy nhiên số trường thuộc diện này không nhiều, đa số trường CĐ-TC sẽ gặp một cú sốc lớn. Dự đoán năm 2017 sẽ có nhiều trường đóng cửa hoặc sáp nhập vì quá ít sinh viên, thậm chí không có sinh viên. Để bảo vệ hệ thống trường CĐ-TC nay đã được xếp hoàn toàn vào diện “nghề nghiệp”, Nhà nước cần có các biện pháp quyết liệt để phân luồng sớm người học. Mặc dù việc theo học TC từ bậc THCS đã được công nhận về mặt pháp lý, nhưng trên thực tế vẫn có quá ít học sinh theo học TC bỏ qua cấp học THPT. Quốc gia đang rất “bảo thủ” trong việc phân luồng bắt buộc là CHLB Đức, họ phân chia học sinh theo định hướng nghề nghiệp từ 12 tuổi. Theo đó, chỉ 28% số học sinh vào cấp THCS theo học sâu về academic. Chính bằng hệ thống giáo dục này, nước Đức được coi là nơi có lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao và tỉ lệ thất nghiệp thuộc diện thấp nhất khu vực châu Âu. Nhưng ở bậc học cao nhất, Đức cũng là quốc gia có số tiến sĩ đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới với 33.000 tiến sĩ mới mỗi năm. Chính sự phân hóa mạnh mẽ này đã làm nước Đức có một nguồn nhân lực đa dạng. Nước Anh trước đây cũng có hệ thống các trường polytechnic chủ yếu đào tạo theo hướng nghề nghiệp. Đạo luật năm 1992 đã đưa tất cả các trường polytechnic trở thành các trường đại học và chuyển định hướng sang nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu giáo dục tại Anh đã cho rằng nước Anh có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn Đức là do toàn bộ sinh viên đều học bậc đại học sau khi xóa bỏ các trường polytechnic. Ở góc độ này tại Việt Nam, nguồn nhân lực chủ yếu tập trung ở bậc đào tạo đại học, đào tạo nghề nghiệp ít và đào tạo chuyên sâu bậc cao cũng không nhiều. Đại học công lập tự chủ 14 trường đại học công lập hàng đầu được trao quyền tự chủ tùy mức độ sẽ đánh dấu một thay đổi nữa trong bức tranh giáo dục đại học Việt Nam. Nếu ở bậc giáo dục phổ thông, nhiều trường tư thục, các trường quốc tế đã đóng vai trò quan trọng và thu hút rất nhiều học sinh giỏi thì các trường đại học tư thục và quốc tế tại Việt Nam chưa làm tốt được việc này. Với 130.000 du học sinh hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều sinh viên đi học đại học ở ngoài Việt Nam. Tổng chi phí cho việc học tập này ước khoảng 3 tỉ USD, tức đã lớn hơn chi phí học trong nước. Nói cách khác, thị phần giáo dục đại học chính của Việt Nam đang nằm ở nước ngoài. 14 trường đại học công lập tự chủ đã lập tức có lộ trình tăng học phí để có thể chủ động cân đối được thu chi. Các trường này đã có quyền quyết định về chất lượng của trường mình và đầu tư theo định hướng riêng. Tuy nhiên, hệ quả là việc học tại các trường này sẽ trở nên xa vời với các sinh viên ít tiềm lực tài chính. Học phí cao và cuộc sống đắt đỏ nơi thành thị sẽ là điều kiện tốt để các trường đại học địa phương phát triển và có được những sinh viên có chất lượng. Ở một góc độ, giáo dục đại học Việt Nam đang ngày càng mang tính thị trường hơn và giảm tính công ích xã hội. Làm sao tránh lạc điệu? Trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay với các bài toán về hệ thống và quản trị nền giáo dục theo định hướng thị trường hơn, thì các nền giáo dục tiên tiến hơn đã giải quyết xong vấn đề này từ lâu. Chủ đề của giáo dục thế giới là người học cần cung cấp gì để đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ba xu thế giáo dục mới là sáng tạo - cá nhân hóa chương trình, dịch chuyển sinh viên và ứng dụng công nghệ học mới sẽ là những điểm nhấn chính trong năm 2017. Vì kỹ năng tương lai của người học được xác định là khả năng sáng tạo, đổi mới nên chương trình học được các trường đưa ra ngày càng tập trung vào các trọng tâm này. Mỗi người học đang trở nên chủ động hơn để lựa chọn chương trình học phù hợp. Xu thế thứ hai là dịch chuyển sinh viên quốc tế (student mobility). Các trường đại học ngày càng nhận ra xu thế về toàn cầu hóa và đa văn hóa là quan trọng. Các chương trình học đại học bao gồm học kỳ nước ngoài ngày càng phổ biến và sẽ bùng nổ trong năm 2017. Cuối cùng, mạnh mẽ nhất là việc áp dụng hàng loạt công nghệ vào việc dạy học. Dữ liệu lớn (big data), học máy - học sâu (machine learning - deep learning) cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) đang là chủ đề nghiên cứu lớn tại các trường đại học và chắc chắn thay đổi quá trình tiếp nhận tri thức mới.■ 8 dự báo về giáo dục năm 2017 1. Tuyển sinh đại học sẽ khởi sắc. Hàng loạt trường CĐ-TC không tuyển được sinh viên và phải đóng cửa hoặc sáp nhập. 2. Xuất hiện các mô hình CĐ-TC tiên tiến, hướng tới việc làm thông qua đào tạo các chuyên ngành khác hẳn đào tạo đại học. 3. Phân luồng giáo dục phổ thông là nhiệm vụ trọng yếu của giáo dục nghề nghiệp. 4. Các trường đại học công lập tự chủ gây tranh cãi. 5. Cuộc đua nghiên cứu khoa học tăng tại các trường đại học. 6. Kiểm định trường đại học thành tâm điểm. Xếp hạng quốc tế ít được quan tâm 7. Xu thế dịch chuyển sinh viên quốc tế diễn ra mạnh mẽ. 8. Ứng dụng công nghệ vào chương trình giảng dạy và đào tạo. Các chuyên gia người Việt sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng ứng dụng di động dành cho giáo dục. Năm 2017 sẽ tiếp tục chứng kiến các công ty khởi nghiệp cho ra những sản phẩm mới về giáo dục. Tags: Giáo dục Việt NamDự báo giáo dụcGiáo dục thay đổi
Người Việt chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới TRUNG NGHĨA 25/11/2024 Chị Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội) là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam cao 6.812m trên dãy Himalayas sáng 9-11.
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.