Giục giã đổi thay

NGUYỄN ĐỨC LAM 21/01/2017 16:01 GMT+7

TTCT - Khi có những ngọn gió thổi tới, có người xây tường chắn, những người khác lại xây cối xay gió. Đây là lúc chúng ta cần có làn gió mới, đón lấy, tạo ra nguồn động lực mới để tiếp tục phát triển lâu bền hơn và với chất lượng cao hơn.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Năm 1986, ban nhạc rock Kino được biết đến nhiều ở các nước thuộc Liên Xô ra mắt bài Đổi thay (Peremen) với điệp khúc giục giã: Đổi thay - trái tim chúng ta đòi như thế / Đổi thay - đôi mắt chúng ta đòi như thế / Đổi thay - trong tiếng cười, nước mắt và trong từng mạch máu / Chúng ta đợi chờ đổi thay.

Năm 1990, bài Làn gió đổi thay (Wind of Change) của ban nhạc rock Scorpions ra đời: “Ngóng nghe làn gió đổi thay”, “tương lai đang đến trong ngọn gió đổi thay”, “những đứa trẻ của ngày mai thả hồn theo giấc mơ trong làn gió đổi thay”; “Làn gió đổi thay / Táp vào gương mặt thời gian”.

Cùng quãng thời gian đó, ở Việt Nam có bài Trần trụi 87 của Trần Tiến được coi là gần với đòi hỏi đổi thay trong nghệ thuật.

Trần Tiến rock lên điệp khúc: “Đừng hát, xin đừng mãi ngợi ca / Những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh / Mà quên đi áo cơm và hoa hồng!”.

Tương tự, Nguyễn Minh Châu có bài tham luận chấn động “Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”.

Tuy bàn chuyện văn nghệ, nhưng những bài như vậy phản ánh sự đổi thay nói chung của 30 năm trước với sự kiện Đại hội VI khai mạc, mở đầu quá trình đổi mới ở Việt Nam, 1986 - 2016. 30 năm, đất nước, xã hội, con người đã đổi thay tích cực và có cả tiêu cực.

Chặng đường dài trên cồn cát

Trước và trong quá trình thảo luận, ban hành Hiến pháp 2013, trong giới chuyên gia, báo chí, các tổ chức xã hội... có rất nhiều ý kiến đề nghị thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc giao cho Tòa án tối cao thẩm quyền ra phán quyết về sự vi phạm Hiến pháp.

Tuy nhiên, xu hướng phản đối áp đảo trong Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, ban biên tập mới thuyết phục được ủy ban đưa phương án trung dung là Hội đồng Hiến pháp nhưng ở mức độ dè dặt, thiếu những thẩm quyền đủ mạnh.

Mặc dù vậy ở Quốc hội, cả phiếu thăm dò ý kiến và thảo luận ở hội trường cho thấy sự khác nhau trong nhận thức của các đại biểu Quốc hội.

Tương quan đó cũng phản ánh sự giằng co về nhận thức chung trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Đây là một trong những trở ngại chính khiến quy định về Hội đồng Hiến pháp chỉ cần “chút xíu” nữa thôi thì được đồng thuận chấp thuận, nhưng đến phút cuối lại không còn trong Hiến pháp 2013.

Sự giằng co như thế diễn ra trong tranh luận về nhiều vấn đề khác như kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân, sở hữu đất đai, nhà nước pháp quyền, phân chia và kiểm soát quyền lực.

Còn nếu nhìn vào chính trường Việt Nam 2016, có thể thấy những nét sáng - tối đan xen nhau, không chỉ đan xen sự kiện tích cực với tiêu cực, mà ngay trong một sự kiện có cả yếu tố tích cực và tiêu cực như bầu cử, hoãn thi hành Bộ luật hình sự vừa mới ban hành, Formosa, lùi Luật về hội, cắt giảm thủ tục hành chính ở một số bộ...

Sự đan xen như vậy cũng là một đặc điểm trong quá trình phát triển của đất nước trong vài ba chục năm qua.

Đã diễn ra không ít thay đổi tích cực trong chính sách, pháp luật, thể chế. Mỗi thay đổi như vậy diễn ra “vật vã” sau một thời gian dài tranh luận, nâng lên đặt xuống.

Có những chính sách, những điểm cần thay đổi trong tổ chức, hoạt động của Đảng, Nhà nước được nói đến, nhắc đi nhắc lại liên tục nhiều lần, ở nhiều nơi, nhưng đến 20-30 năm sau mới diễn ra trên thực tế.

Những cải cách trên các lĩnh vực khác nhau còn diễn ra chậm chạp, từ cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đến cải cách pháp luật. Trong từng ấy năm, đối với mỗi trường hợp, Việt Nam đã mất mát bao nhiêu năng lực về con người, vốn liếng, công nghệ, kỹ thuật, quan hệ.

Thay đổi từ cái đầu

Những sai lầm, trì trệ trên đường phát triển một phần lớn là do nhận thức, tư duy chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Một phần khác do sự lo ngại thái quá trước những cái mới, cho rằng chúng không phù hợp bối cảnh Việt Nam.

Ngược lại, có những lúc tư duy mới sớm được chuyển thành chính sách, được nhanh chóng đưa vào cuộc sống tạo sự chuyển biến, phát triển.

Điển hình như từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường (với định hướng XHCN); từ quản lý đất nước, xã hội bằng nghị quyết, ý chí cá nhân sang quản lý bằng pháp luật, hướng tới pháp quyền.

Như vậy trước những bước ngoặt của lịch sử, vận mệnh đất nước phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ, sự cảm nhận nhanh nhạy cái mới để từ bỏ những cách nghĩ lỗi thời, không bỏ mất thời cơ quý giá.

Nhiều khi vì không muốn mang tiếng là copy người khác, muốn có một con đường Việt Nam, ta đã phải đi đường vòng khá xa, mất thời gian, tốn kém. Còn xa lộ thênh thang có sẵn mà nhân loại đã mất công tìm ra nhiều khi lại bị nghi ngại, tránh né.

Chính vì vậy thay đổi không hẳn là tìm ra con đường mới, mà đừng câu nệ, hãy đi bằng những con đường mà người ta đã đi đến đích.

Nhiều người từng tham gia trực tiếp quá trình đổi mới nhận xét có những vị lãnh đạo từng xây dựng và bảo vệ quyết liệt nhất mô hình kinh tế cũ lại là những người chuyển đổi, sửa đổi nó một cách táo bạo và kiên quyết nhất.

Cũng có nhiều người nhận xét hiện nay, một lực cản rất lớn khiến tốc độ cải cách bị trì hoãn, “không chịu phát triển” nằm ở chỗ lợi ích của một nhóm người sẽ mất nếu cải cách.

Đó là quá trình giằng co giữa một bên muốn thực lòng cải cách chính sách và một bên muốn níu kéo những món lợi khổng lồ. Điều này suy cho cùng nằm ở gốc rễ là tư duy. Bởi muốn kiểm soát được quyền lực của những nhóm lợi ích bất chính phải có những sự thay đổi căn bản ở Việt Nam về quản trị quốc gia.

Thay đổi từ chiều nào?

Trong cuốn sách Phá rào trong kinh tế trước đổi mới, giáo sư Đặng Phong nhận xét quá trình chuyển đổi về tư duy dội vào chính sách cuối thập niên 1980 bắt đầu theo chiều từ dưới lên, từ những tín hiệu cấp báo của cuộc sống, phản ứng của người dân, dội vào não trạng của những người trực tiếp tiếp xúc với dân, nhất là cán bộ ở cơ sở.

Nó đặt lương tâm họ trước sự lựa chọn: lợi ích của dân hay là những điều đã lỗi thời. Cuối cùng họ đã chọn dân.

Người viết bài này đã vài lần nghe một số giáo sư luật kể lại họ đã kỳ công trình bày, thuyết phục các nhà lãnh đạo nghe và chấp thuận những khái niệm như “nhà nước pháp quyền”, “phân chia quyền lực”, “tài phán Hiến pháp” (Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp).

Nhờ đó chúng được đưa vào các văn kiện của Đảng, Hiến pháp, luật với sự biến đổi nhất định “cho phù hợp với Việt Nam”.

Như vậy để thay đổi về chính sách, pháp luật, thể chế còn có một chiều khác, hoặc có thể coi đây là chiều từ dưới lên - đó là tiếng nói của giới chuyên môn, các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia. Tiếng nói của họ không phải để minh họa cho chính sách, khi thực thi chính sách trước rồi mới tìm căn cứ khoa học cho chính sách sau, kiểu “đẽo chân cho vừa giày”.

Ngược lại, khoa học làm căn cứ cho chính sách, phải được nghiên cứu, phản biện, giám định độc lập. Đồng thời, tinh thần tự do, độc lập của bản thân các chuyên gia, nhà khoa học cũng không thể thiếu để dẫn đến những thay đổi trong chính sách.

Mặt khác, không thể có các thay đổi về thể chế, chính sách ở Việt Nam nếu từ chiều trên xuống chưa “thông” về tư duy, cho các chính sách ở tầm quốc gia ra đời, được đưa vào áp dụng trên cả nước.

Trong vài thập niên qua, có những vấn đề của thực tiễn rất nóng, những tiếng nói dội từ dưới lên nhưng cấp có thẩm quyền vẫn chưa “thông”, cho nên những thay đổi tương ứng vẫn chưa diễn ra. Tình trạng tham nhũng được đánh giá là “quốc nạn”, nội xâm nhưng vẫn chưa thiết kế, xây dựng được một cơ chế hữu hiệu có thể kiểm soát, kiềm tỏa quyền lực công, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực.

“Thời gian không chờ đợi ai”

Giáo sư Trần Văn Thọ trong cuốn Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh sự coi trọng yếu tố thời gian, đừng để vuột những cơ hội vàng trên con đường phát triển của quốc gia để rồi sau đó nhìn lại phải nuối tiếc, “choáng váng với cú sốc thời gian”.

Những thành tựu đạt được qua 30 năm đổi mới dù đáng ghi nhận nhưng vẫn ở dưới mức tiềm năng khá nhiều, không tận dụng được những lợi thế trong và ngoài nước để thành một quốc gia có vị thế tầm cỡ trên thế giới, khiến cho “mỗi người dân Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc không khỏi bùi ngùi, đau xót”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 23-9-1988 từng đăng bức biếm họa vẽ một ông cưỡi rùa, đang quất rùa “nhanh lên”, đằng sau cắm lá cờ có hai chữ Đổi Mới cho thấy những bước khởi đầu gian nan của đổi mới. Đến nay đã có cái đà của 30 năm, không có lý do gì để ta chậm chạp, trì trệ; không cho phép mình lỡ chuyến tàu của lịch sử nữa.

Khi có những ngọn gió thổi tới, có người xây tường chắn, những người khác lại xây cối xay gió. Đây là lúc chúng ta cần có làn gió mới, đón lấy, tạo ra nguồn động lực mới để tiếp tục phát triển lâu bền hơn và với chất lượng cao hơn.

Động lực đó đến từ bên ngoài, từ một thế giới cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi cao hơn, khắc nghiệt hơn, giúp Việt Nam nâng tầm mình lên; nhưng một động lực lớn hơn, trỗi dậy tự trong mỗi người Việt Nam, từ những nỗi đau của công dân Việt Nam.

Các nhà làm chính sách và thực thi chính sách hãy đau như thế, đau hơn thế để có sự thôi thúc tự thân, đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển. Và giục giã đổi thay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận