Gói hỗ trợ đối phó COVID-19: Sự cẩn trọng cần thiết

NAM MINH 18/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Chính phủ đã công bố loạt biện pháp hỗ trợ, chống suy giảm cho nền kinh tế với quy mô không nhỏ sau khi dịch COVID-19 có nguy cơ kéo dài và lan rộng. Liệu chúng sẽ mang lại tác động gì và rủi ro nào cần giám sát trong các năm tới?

Một chính sách nới lỏng tiền tệ nếu không được kiểm soát cẩn trọng có thể khiến nợ xấu các ngân hàng tăng vọt. Ảnh: Quang Định
Một chính sách nới lỏng tiền tệ nếu không được kiểm soát cẩn trọng có thể khiến nợ xấu các ngân hàng tăng vọt. Ảnh: Quang Định

Theo báo cáo của hãng xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể gây thiệt hại 211 tỉ đôla cho kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Hong Kong, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nơi du lịch chiếm một phần lớn GDP (trung bình gần 10%). Các nền kinh tế này cũng phải đối mặt với rủi ro từ chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong công nghiệp điện tử và ôtô.

Gói hỗ trợ tỉ đô

Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam lần đầu tiên rơi xuống mức 49 điểm trong tháng 2, cho thấy COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất ở cả phía cung và cầu. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới lần đầu tiên suy giảm kể từ tháng 11-2015 do xuất khẩu suy yếu, trong khi tình trạng khan hiếm nguyên liệu từ Trung Quốc tạo áp lực tăng giá đầu vào với các doanh nghiệp.

Với nhiều khó khăn, Ngân hàng Maybank dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam có thể chỉ đạt 6,2%, đặc biệt quý 1 có thể chỉ còn giữ mức tăng 4,9% - thấp nhất kể từ quý 1-2013. “Trong trường hợp cơ sở, chúng tôi giả định tác động sẽ kéo dài trong một quý và kinh tế sẽ phục hồi khiêm tốn trong quý 2, sau đó là sự tăng tốc mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm. Khi dịch bệnh bùng phát, hi vọng chính phủ sẽ tung ra các gói kích thích tài khóa có mục tiêu và thúc đẩy đầu tư công” - chuyên gia của Ngân hàng Maybank nhận định.

Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ hay tung ra các gói kích thích tiền tệ có quy mô khá lớn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất tới 0,5% - mức giảm mạnh nhất hơn chục năm nay. Cơ quan tiền tệ Hong Kong hạ lãi suất 0,5%. Úc giảm lãi suất 0,25%, xuống mức thấp lịch sử 0,5%.

Singapore đưa ra hai gói kích thích tổng cộng 5,6 tỉ đôla hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng giảm lãi suất cơ bản từ 1,25% về mức thấp kỷ lục, 1%/năm. Ngân hàng Trung ương Philippines giảm 0,25%, xuống còn 3,75%. Trung Quốc bơm thêm 115 tỉ đôla vào nền kinh tế. Trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhất là khi đại dịch đang hoành hành dữ dội tại Ý.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã quyết định thiết kế gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, đồng thời đưa ra những hỗ trợ về thuế và tăng đầu tư công thêm khoảng 30.000 tỉ đồng. Tổng cộng hai gói này lên tới 280.000 tỉ đồng (tức xấp xỉ 12 tỉ đôla).

Cho đến nay, đã có Ngân hàng BIDV thông báo triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỉ đồng và 100 triệu đôla dành cho các khách hàng doanh nghiệp và gói tín dụng quy mô 5.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngân hàng ACB tung ra gói tín dụng 25.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho khoảng 30.000 tỉ đồng dư nợ vay. Eximbank dành 4.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất từ 6,99%..., đều trong gói hỗ trợ kể trên.

Về phần mình, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3-2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020; tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn như cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội), xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam...

So với các quốc gia khác, hành động của Việt Nam là quyết liệt hơn hẳn, với quy mô gói kích thích lên tới khoảng 4,4% GDP (để so sánh, gói kích thích của Trung Quốc là khoảng 0,8% GDP). Việt Nam cũng lựa chọn phương án vừa đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa gia tăng chi tiêu công nhằm thúc đẩy cả tổng cầu và tổng cung về lại trạng thái thông thường.

Hành động mạnh tay của Chính phủ còn giúp trấn an tinh thần cho các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đồng thời cho thấy Việt Nam có động lực mong muốn đón nhận sớm cơ hội mà COVID-19 (phải đi kèm vô vàn khó khăn, dịch bệnh cũng mang lại những cơ hội) bất ngờ mang tới khi khá nhiều tập đoàn đa quốc gia đang có ý định đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ba hệ lụy cần cảnh giác

Có thể thấy quy mô của gói kích thích lần này không kém cạnh so với gói 8 tỉ đôla Việt Nam từng tung ra sau đại khủng hoảng năm 2009. Nhưng ngoài khía cạnh tích cực, vẫn còn đó những rủi ro về lâu dài không thể không quan tâm.

Thứ nhất là nguy cơ tiền đồng mất giá. Dòng tiền của nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu rút ra mạnh đầu năm, đi cùng giá vàng tăng vọt khiến tỉ giá VND/USD đi lên. Theo quan sát của Công ty chứng khoán Yuanta, tỉ giá trong tháng 2 đã lên mức 23.219 VND/USD, tăng khoảng 100 đồng so với cuối năm 2019. Đáng chú ý, tỉ giá trung tâm thậm chí có lúc tăng lên mức 23.245 VND/USD, cao hơn nhiều so với tỉ giá trên thị trường tự do và thị trường liên ngân hàng.

Với các chính sách kích thích mới của Chính phủ cùng tâm lý ngại rủi ro của giới đầu tư ngoại, nguy cơ tiền đồng mất giá và lạm phát gia tăng đáng kể trong thời gian tới là có thể xảy ra. Còn nhớ các năm sau gói kích thích 2009, Việt Nam phải đối mặt với khủng hoảng bong bóng tài sản và cú sốc về lạm phát khiến đến năm 2011, Ngân hàng Nhà nước phải nhanh chóng quay lại với chính sách siết chặt tín dụng, làm nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.

Thứ hai, viễn cảnh bùng nổ tín dụng, đảo và giãn nợ có thể khiến nợ xấu tăng vọt các năm sau đó. Theo đánh giá của 43 tổ chức tín dụng, dư nợ của nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 chiếm khoảng 13% tổng dư nợ.

Vì vậy, một chính sách nới lỏng tiền tệ nếu không được kiểm soát cẩn trọng có thể khiến nợ xấu các ngân hàng tăng vọt, nhất là khi dòng tiền không chảy vào các lĩnh vực bị tác động bởi dịch mà lại tiếp tục rót vào các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản và lướt sóng chứng khoán.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về giãn nợ, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ trong giới hạn khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, các ngân hàng cần tự xác định giới hạn để hạn chế việc lạm dụng, trong đó cân nhắc xem khách hàng có phục hồi được sau dịch hay không là một vấn đề không dễ, nhưng vẫn phải làm. Theo vị chuyên gia này, khả năng cao vẫn là nợ xấu và các khoản dự thu trên bảng cân đối của ngân hàng sẽ mở rộng.

Cuối cùng, việc gia tăng đầu tư công có thể khiến quy mô nợ công gia tăng. Tỉ lệ nợ công/GDP cuối năm 2019 tuy có giảm nhưng còn ở mức khá cao là 56,1%. Việt Nam vẫn đối mặt với thực trạng thâm hụt ngân sách khi mức bội chi năm 2019 lên tới 3,4% GDP. Chính sách thúc đẩy chi tiêu công trong năm nay sẽ khiến áp lực chi trả nợ công của Chính phủ trong các năm sau gặp nhiều thách thức.

Nhìn chung, bất kỳ gói kích thích nào để đối phó dịch bệnh cũng chỉ là giải pháp tình thế và không bao giờ là công cụ mang tính chiến lược. Để có thể đảm bảo được một nền tảng vĩ mô ổn định hậu COVID-19, Việt Nam cần nghiên cứu thêm các kế hoạch phát triển cho trung và dài hạn, tiếp tục chiến lược cải cách các khu vực kinh tế yếu kém và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận