Hết thời “con cưng công nghệ” ở Trung Quốc

TRÚC ANH 05/01/2021 20:10 GMT+7

TTCT - Sau một thời gian dài ưu ái các hãng công nghệ nội địa, Trung Quốc cũng đã bắt đầu tính đến chuyện siết chặt quản lý, sửa luật chống độc quyền, khi nhận ra cái giá phải trả để đổi lấy sự phát triển vũ bão và những thay đổi mang tính đứt gãy do các công ty từng là “con cưng” này mang đến có thể lớn hơn dự kiến.

Minh họa: Daniel Garcia/Nikkei Asian Review

Tại cuộc họp thảo luận đường hướng phát triển kinh tế cho năm 2021 của Bộ Chính trị ngày 11-12, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh sẽ tăng cường nỗ lực chống độc quyền với các gã khổng lồ Internet trong nước. “Cuộc họp bàn thảo giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nội địa, nơi một vài nền tảng có thể tạo ra tình trạng độc quyền” - Xu Hongcai, phó giám đốc Ủy ban Chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc, nói với tờ Thời Báo Hoàn Cầungày 13-12.

Đây là động thái tiếp nối việc Tổng cục Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) đề xuất cải tổ luật chống cạnh tranh hồi tháng 1, sau đó là công bố dự thảo thứ nhất các hướng dẫn mới để kiểm soát các công ty cung cấp dịch vụ online vào tháng 11. Loạt diễn biến này được xem là chỉ dấu cho thấy các hãng công nghệ có thể sẽ sớm mất đi môi trường hoạt động ít bị kiểm soát như trước đây.

Viết trên South China Morning Post hôm 21-12, Zhou Xin, cây bút chuyên về kinh tế và chính trị Trung Quốc, cho rằng có lẽ nhà nước đã đánh giá thấp cái giá của các thay đổi đột phá của những gã khổng lồ công nghệ - chẳng hạn Ant Group thay đổi chuyện cho tiết kiệm và cho vay trực tuyến - và giờ phải vội vàng hành động để giảm thiểu rủi ro.

Đưa công ty Internet vào tầm ngắm

Dự thảo “Hướng dẫn chống độc quyền cho nền kinh tế nền tảng” của SAMR được công bố vào ngày 10-11, đúng một ngày trước “Ngày độc thân” 11-11, sự kiện siêu mua sắm trực tuyến là sáng kiến trứ danh của Alibaba.

Tài liệu gồm 22 trang được soạn thảo nhằm “ngăn chặn và chấm dứt các hành vi độc quyền trên các nền tảng Internet, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng”. SAMR đề xuất xem các hoạt động như bán dưới giá thành, phân biệt giá dựa trên dữ liệu người dùng, ký hợp đồng độc quyền với nhà bán hàng... là vi phạm luật chống độc quyền.

Cơ quan này cũng đề xuất sửa định nghĩa về doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, từ chỗ chỉ có một tiêu chí (chiếm hơn 50% thị phần) đến mở rộng ra các yếu tố như dung lượng giao dịch, tệp người dùng và lượt truy cập. SAMR cũng đề xuất phạt các công ty tối đa 10% doanh thu năm nếu không báo cáo các thương vụ mua bán sáp nhập có thể dẫn đến tình trạng độc quyền.

Giới phân tích cho rằng nhiều trong số các hoạt động nói trên là những chiến thuật quen thuộc, nếu không muốn nói là cốt lõi, góp phần chính trong tăng trưởng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Chẳng hạn, các ứng dụng gọi xe Didi Chuxing và Dida Chuxing, và nền tảng giao đồ ăn qua mạng Meituan và Ele.me đều tranh thị phần bằng cách phóng tay giảm giá cho người dùng. Hay như JD.com hồi năm 2017 từng kiện Alibaba vì yêu cầu nhà bán hàng trên Alibaba ký cam kết không bán thêm trên các sàn thương mại điện tử khác. Đến nay vụ kiện này chưa có phán quyết cuối cùng.

Bên cạnh các đề xuất của SAMR, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc hồi giữa tháng 12 cũng đề xuất siết chặt quy định thu thập dữ liệu người dùng đối với 38 dạng ứng dụng, trong đó có thanh toán trực tuyến, đặt xe, giao đồ ăn. Theo đó, các ứng dụng phải thông báo với người dùng sẽ thu thập những thông tin gì, và phải được người dùng cho phép trước khi tiến hành.

Theo Nikkei Asian Review, các app cũng sẽ bị cấm thu thập dữ liệu không liên quan đến dịch vụ nó cung cấp. Ví dụ, ứng dụng thanh toán di động có thể lấy thông tin cá nhân và số thẻ ngân hàng của người dùng, nhưng không được ghi nhận vị trí của họ. Tương tự, ứng dụng bản đồ thì chỉ được thu thập thông tin liên quan đến địa điểm mà thôi.

Vì sao gió đổi chiều?

Trong một thời gian dài trước đây, Bắc Kinh gần như “thả tay” trong việc quản lý các công ty công nghệ, một kiểu “mắt nhắm mắt mở” để các công ty công nghệ tư nhân thoải mái phát triển trong một môi trường không có quá nhiều quy định khắt khe, không có đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp quốc doanh lẫn các công ty ngoại quốc. Cách làm này đã hình thành nên nền kinh tế số mạnh mẽ của Trung Quốc và giúp nhiều công ty thành những người khổng lồ, chi phối và làm thay đổi đời sống của người dân trong mọi mặt.

Nhưng Bắc Kinh buộc phải xét lại chiến lược này, khi những “con cưng” công nghệ, nhất là bộ ba B.A.T (Baidu, Alibaba và Tencent), bắt đầu phát triển quá mạnh, có hàng trăm triệu người dùng và vươn vòi ra nhiều lĩnh vực, mà toàn những mảng quan trọng của nền kinh tế như vận tải, tài chính ngân hàng, mạng xã hội và thương mại điện tử.

Ngày nay, theo The New York Times, Alibaba và Tencent kiểm soát dữ liệu người dùng cá nhân và gắn kết với đời sống của người dân ở Trung Quốc còn nhiều hơn cả mức kiểm soát của Google, Facebook và các hãng công nghệ lớn khác ở Mỹ. Với nhiều người Trung Quốc, thật khó tưởng tượng một ngày không có siêu ứng dụng WeChat của Tencent hay sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba.

Và cũng như các hãng công nghệ Mỹ, những gã khổng lồ Internet Trung Quốc cũng “bắt nạt” các đối thủ cạnh tranh nhỏ, giết chết sáng tạo. Nhưng một lý do quan trọng hơn khiến Trung Quốc phải tính đến việc ngừng nuông chiều các gã khổng lồ công nghệ là việc những tay chơi “truyền thống” phàn nàn chuyện cạnh tranh không công bằng, khi các đối thủ công nghệ xen vào và dễ dàng chiếm thị phần vì ít chịu quản lý từ nhà nước hơn. Chẳng hạn, các khoản vay online qua những nền tảng Internet không chịu quản lý của luật ngân hàng, không cần phải đáp ứng các điều kiện về thế chấp cũng có thể được vay.

Một ví dụ rõ hơn là chuyện Ant Group, với các dịch vụ cho vay, tiền gửi, quản lý danh mục đầu tư, khiến khó xác định đây là doanh nghiệp công nghệ hay công ty tài chính. Với quy mô khổng lồ của mình, Ant Group có thể tạo ra các ảnh hưởng dây chuyền làm sụp đổ cả một hệ thống tài chính nếu không có một khuôn khổ quản lý đúng đắn (xem thêm TTCT số 44-2020).■

 

 

Alibaba, Jack Ma và Bắc Kinh

Alibaba, công ty được cho là mở ra “thời kỳ Trung Quốc” trong lĩnh vực Internet khi niêm yết trên sàn chứng khoán New York hồi năm 2014, liên tiếp gặp rắc rối với chính quyền trong những tháng cuối cùng của năm 2020.

Đầu tháng 11, Trung Quốc yêu cầu công ty fintech (công nghệ tài chính) Ant Group (thuộc Alibaba) ngưng việc lên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Ngày 24-12, giới chức Trung Quốc loan báo mở cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba.

Và mới nhất, ngày 28-12, sau cuộc họp giữa các cơ quan quản lý tài chính, trong đó có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC), các nhà quản lý yêu cầu Ant “trở lại cái gốc là ứng dụng thanh toán”, thay vì nở nồi, cung cấp một loạt dịch vụ như hiện nay.

Ant khởi đầu là một dịch vụ thanh toán trung gian giữa người bán và người mua trên Alibaba, trước khi vươn ra các lĩnh vực như tín dụng, bảo hiểm và quản lý đầu tư. Thành công của cả hai công ty “chị em” này đều gắn với tỉ phú Jack Ma (Mã Vân), người đã về hưu nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng lên các gã khổng lồ công nghệ này.

Trong biên bản cuộc họp đăng trên trang web của PBC, phó thống đốc ngân hàng nhà nước Pan Gongsheng liệt kê các vấn đề chính cần giải quyết của Ant: mô hình quản trị doanh nghiệp không an toàn, phớt lờ luật pháp, coi thường việc tuân thủ quy định. Theo Pan, Ant lợi dụng vị thế chiếm lĩnh của mình và gây hại cho lợi ích người tiêu dùng.

Giới phân tích suy đoán các động thái cứng rắn này của Trung Quốc với Alibaba và Ant có liên quan tới phát biểu phê phán hệ thống tài chính ngân hàng của Jack Ma tại một hội nghị ở Thượng Hải vào cuối tháng 10-2020. Người giàu nhất Trung Quốc khi đó chê trách cơ quan quản lý tài chính quá ám ảnh với việc giảm thiểu rủi ro, và so sánh các ngân hàng Trung Quốc với tiệm cầm đồ, chỉ cho người có tài sản thế chấp vay tiền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận