IMF đứng trước nhu cầu cải tổ

DANH ĐỨC 24/05/2011 03:05 GMT+7

TTCT - Vụ bắt giữ ông Dominique Strauss-Kahn, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hôm thứ bảy tuần trước rơi đúng lúc tổ chức tài chính này - cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) - đang đứng trước những thúc hối cải tổ, kể cả cải tổ cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Số phận đồng euro sẽ càng chao đảo sau tai họa trên.

Dominique Strauss-Kahn chi 1 triệu USD để tại ngoại
Ba bà vợ của ông Strauss-Kahn
Công bố ảnh cựu Tổng giám đốc IMF trong nhà tù

Phóng to
Vụ xìcăngđan của ông Dominique Strauss-Kahn càng khiến IMF phải nhanh chóng cải tổ - Ảnh: Reuters

Trong khi chờ đợi sự thật trắng đen về những tố cáo ông Dominique Strauss-Kahn có hay không có “bức hiếp” người phục vụ phòng 32 tuổi của khách sạn Sofitel New York, ngay trong đêm thứ bảy 14-5, IMF đã phải cử ông phó John Lipsky lên tạm quyền giữ chức. Những dư luận căn cứ vào “tiền sự” của ông Dominique Strauss-Kahn thì cho rằng có lẽ lần này ông này sẽ chẳng được “phước bất trùng lai”, sau khi từng dính vào một vụ cáo giác ông đã “hốt” một cấp dưới vào năm 2008 (may mắn vụ đó được kết thúc bằng một quyết định “xí xóa”).

Có vẻ như “họa (đã) vô đơn chí” với ông Dominique Strauss-Kahn cho dù tới đây ông được xử trắng án hay không, do lẽ khó lòng Đảng Xã hội Pháp và cử tri Pháp có thể chấp nhận một người từng bị cảnh sát hình sự Mỹ giải đi, có hồ sơ kèm hình ảnh lưu lên làm tổng thống nước Pháp vào tháng 5 năm tới. Tai họa này rõ ràng đã đốt cháy sự nghiệp của ông Dominique Strauss-Kahn khi lẽ ra ông sẽ thong dong rời chức vụ tổng giám đốc IMF vào tháng 7 tới để ra tranh cử tổng thống Pháp như là ứng viên sáng giá nhất của Đảng Xã hội Pháp.

IMF cần phải thay đổi

Với một chủ tịch IMF là người của một nước thuộc khối EU song từ khước sử dụng đồng euro thì ai sẽ cứu đồng euro?

Tai họa của ông Dominique Strauss-Kahn sẽ buộc IMF phải sớm bầu chọn một tổng giám đốc mới, cho dù đằng nào thì ông cũng mãn chức vào tháng 7. Tuy nhiên, trong tình hình này cuộc bầu chọn sẽ khác đi, do lẽ những thúc bách cải tổ quyết liệt sẽ có cơ hội tự khẳng định hơn.

Trong thực tế, từ mấy năm nay đã có nhiều tiếng bấc tiếng chì về vấn đề điều hành IMF và người “anh em song sinh” của nó là WB. Bằng một thỏa thuận ngầm từ khi thành lập hai tổ chức này, ghế chủ tịch WB luôn về tay một quan chức Mỹ, còn ghế tổng giám đốc IMF về tay một quan chức châu Âu vào lúc đó đang nhận viện trợ tái thiết của Mỹ (kế hoạch Marshall) để có thể nương tay giữa người châu Âu với nhau trong nỗ lực thắt lưng buộc bụng chung để tái thiết.

Đó là thời kỳ mà công chuyện thế giới còn “chia đều” cho năm ông lớn mới và cũ lúc đó là Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và Pháp như là thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Với thời gian cùng sự phát triển kinh tế vượt bậc của những nước đầu đàn, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1973 do sự “làm giá” của khối OPEC mà đa số là các nước Ả Rập vừa bại trận trước Israel, năm 1975 sáu nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật theo sáng kiến của tân tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing rủ nhau hằng năm gặp riêng họp bàn chuyện “thiên hạ đại sự” trong lợi ích của mình.

Tất nhiên, cái gọi là nhóm G7 này (Canada được mời gia nhập vào năm sau) chỉ là một “câu lạc bộ của bảy nước nhà giàu” chứ không phải một tổ chức hay định chế quốc tế chính thức để có thể bảo Liên Hiệp Quốc hay WB hoặc IMF phải làm điều này điều kia. Song do lẽ đây lại là những cổ đông góp vốn lớn nhất và có quyền bỏ phiếu mạnh nhất của WB hay IMF nên hầu như những dàn xếp của G7 sẽ được thể hiện ở WB và IMF.

Với thời gian, một số nước khác đuổi kịp đà phát triển kinh tế nên đòi bàn bạc chung. Thế là nhóm G20 ra đời, ban đầu họp cấp bộ trưởng tài chính từ năm 1999, đến năm 2008 họp cấp nguyên thủ. Từ đó WB cùng IMF cũng phần nào phản ánh các dàn xếp trong nội bộ G20. Tất nhiên G20 không chấp nhận hai tổ chức này cứ mãi trong tay Mỹ và châu Âu nên ngày càng thôi thúc cải cách IMF, nhất là WB, đặc biệt sau khi Mỹ và EU lại trở thành hai “con nợ” lớn nhất thế giới.

Ngay từ năm 2009, hội nghị thượng đỉnh G20 London đã được kỳ vọng thay đổi rất lớn: “Trước mắt và trung hạn, cải cách IMF bức bách hơn là WB. G20 đang đối diện một số ưu tiên bức bách liên quan đến IMF: trước hết cần tăng gấp ba nguồn vốn của IMF từ 250 tỉ USD lên 750 tỉ USD nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển... Kế đến, cần yêu cầu IMF theo dõi và báo cáo một cách minh bạch việc thực thi các kế hoạch kích thích kinh tế của G20 cùng các nỗ lực sửa sai khu vực ngân hàng. Sau cùng, G20 nên cam kết cải tổ ngay IMF vào năm 2010” (1).

Gần đây, một “câu lạc bộ nhà giàu mới” ra mắt dưới tên gọi là nhóm BRIC gồm Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung Quốc) với những cố gắng cất lên tiếng nói của mình.

Một người không phải là châu Âu sẽ nắm IMF

Không khó hiểu khi thấy tác giả những đề xuất trên lại là một người Mỹ, giám đốc điều hành Trung tâm phát triển Wolfensohn, và các đề xuất đó chủ yếu là cải tổ IMF trước, tức người châu Âu thôi nắm giữ IMF. Muốn hay không muốn, có một thực tế là ông Dominique Strauss-Kahn đã dành quá nhiều công sức và cả nguồn vốn của IMF để cứu nợ cho châu Âu, cứu đồng euro “của ông” hơn là cho phần còn lại của thế giới và tương lai của tiền tệ thế giới khi tỉ giá đồng USD cứ rơi tự do.

Một năm qua, nỗ lực lớn nhất của IMF là cứu Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha. Chuyến đi Đức “không đến nơi đến chốn” của ông Dominique Strauss-Kahn chẳng phải để thuyết phục bà Thủ tướng Angela Merkel của nước thuộc khối euro duy nhất còn dư tiền để cứu các nước châu Âu đó sao?

Ai sẽ nắm IMF? Câu hỏi đã được đặt ra từ trước tai họa của ông Dominique Strauss-Kahn. Từ năm 2009, Trung Quốc đã đánh tiếng cho mình với những bài xã luận như “Trung Quốc đáng có vai trò lớn hơn trong cuộc cải cách của IMF” (2) với nội dung không úp mở: “Những khiếm khuyết nội tại của các định chế Bretton Woods (mà trong đó WB là một thành viên) bị khuynh đảo đã dẫn đến sự sụp đổ lần hồi của các định chế này. Vậy mà sau khi hệ thống tài chính thế giới sụp đổ, các đàm phán tài chính quốc tế vẫn dưới trướng IMF. (Trong khi đó), nền kinh tế thế giới đã có những thay đổi lớn lao.

Các thay đổi đó kết hợp với tầm quan trọng ngày càng tăng của một số nền kinh tế đang nổi khiến việc cải cách IMF càng cần thiết hơn..., (nhất là) thay đổi cấu trúc chi phối quyền lực. Tỉ như bao năm nay người Mỹ cứ có tiếng nói chung cuộc về việc chọn chủ tịch WB, người châu Âu chọn lãnh đạo IMF. Một lề thói phi lý như thế cần được thay đổi... Trung Quốc có vị trí lợi thế thích hợp đóng một vai trò lãnh đạo trong việc cứu nền kinh tế thế giới”.

Nếu chấp nhận vai trò “cứu nợ” của Trung Quốc, chẳng khác gì tự đưa đầu vào tròng! Đó là lý do mà châu Âu cho đến nay vẫn để ngoài tai mọi đề nghị giải cứu từ phía Trung Quốc. Tháng 4 vừa qua, một quan chức Mỹ khác, cựu chủ tịch WB James Wolfensohn, lên tiếng đề xuất cựu thủ tướng Anh Gordon Brown vào chức vụ này (3). Nếu như thế, với một chủ tịch IMF là người của một nước thuộc khối EU song từ khước sử dụng đồng euro thì ai sẽ cứu đồng euro, trong đó có nước Pháp của ông Dominique Strauss-Kahn?!

Nghe lặp đi lặp lại như thế, ông Dominique Strauss-Kahn biết “ngày giờ của mình đã điểm” và đề xuất “Ấn Độ nên lãnh đạo IMF hay WB” (4). Với Ấn Độ, một quốc gia “trung lập”, sẽ ít bất trắc hơn. Phát biểu như thế chính là “mua thù chuốc oán”. Thành ra nếu như ông Dominique Strauss-Kahn có bị mưu hại (5), theo như e ngại của một luồng dư luận thân ông, cũng không là điều lạ lùng gì.

__________

(1) “Reform the IMF and World Bank” - Johannes Linn, Mar 30, 2009
(2) “China deserves greater role in IMF's reform”, chinaview.cn 2009-03-24
(3) Former World Bank Chief: Gordon Brown Should Be Next Head Of IMF, Huffington Post April 20, 2011
(4) “India should head IMF, World Bank: IMF chief”, Dec 02, 2010, IANS.
(5) “Affaire Strauss-Kahn: une possible manipulation”,
http://www.agoravox.fr/tribune-libre/article/affaire-strauss-kahn-une-possible-93988

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận