TTCT - Sau rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc về chuyện tích hợp môn lịch sử và đưa môn lịch sử thành môn tự chọn, những tranh luận không chỉ về vị thế của môn học này mà còn cả về nội dung phương pháp dạy và học, việc Quốc hội vừa thông qua nghị quyết “lệnh” giữ môn lịch sử như một môn học độc lập mang lại những tâm trạng khá phức tạp. Minh họa: La Khuê Trong khi có những nỗi vui mừng được diễn đạt ngay trên mạng xã hội về quyết định này, những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử lại bày tỏ nỗi lo lắng nhiều hơn. Những người thực tâm lo lắng việc dạy và học sử không coi đây là thắng lợi của phe “bảo thủ” (có người cho rằng phản đối tích hợp là bảo thủ). Bởi tất cả chỉ cho thấy một lần nữa Bộ GD-ĐT đã có phần chủ quan khi đưa ra những đề án cải cách giáo dục. Thế lưỡng nan Trong cuộc tranh luận này, có lẽ không bên nào thắng. Không giữ môn sử độc lập thì lo tương lai gần môn sử sẽ chết hẳn (trong trường học), ngược lại nếu môn sử “độc lập” mà không thay đổi quan điểm về nội dung, cách dạy và học thì môn sử tiếp tục... chết lâm sàng (như hiện nay) vì sự khô cứng giáo điều và có phần phiến diện. Trước đó, về tình trạng dạy và học môn sử quá bi đát, có những ý kiến cho rằng “trách nhiệm đó thuộc về giới nghiên cứu lịch sử”. Nhưng Bộ GD-ĐT mới là nơi quyết định nội dung, cấu trúc sách giáo khoa, thời lượng, cách soạn giáo án và lên lớp, quyết định cả việc môn lịch sử không phải là môn thi bắt buộc hằng năm, cả việc không kịp thời chấn chỉnh tình hình dạy và học lịch sử khi xã hội có nhiều phản ứng. Giới nghiên cứu sử học có trách nhiệm gián tiếp khi vẫn có không ít công trình nghiên cứu không mới cả về phương pháp tiếp cận và đánh giá sử liệu. Những công trình có kết quả mới thì chưa/không phổ biến, phổ cập cho xã hội cũng như “liên ngành” để đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, dù thế nào thì cốt lõi việc môn sử “còn hay mất” trong ý nghĩa đích thực của nó nằm trong vai trò của thầy cô giảng dạy lịch sử từ các trường đại học đến trường phổ thông. Trong tiến trình trải qua nhiều giai đoạn bi thương nhất của dân tộc, môn lịch sử vẫn giữ được vị thế và ý nghĩa của nó trong lòng tất cả nhân dân VN, có vai trò rất lớn của những nhà giáo truyền dạy lịch sử. Những nhà giáo bằng tri thức khoa học, bằng lòng yêu nghề vô điều kiện, bằng tình yêu sâu sắc với sử học nói riêng và truyền thống văn hóa VN nói chung... đã mang đến cho những thế hệ người VN sự hiểu biết và tình yêu đất nước, lòng tự hào với truyền thống lịch sử tốt đẹp cùng sự nhận thức sâu sắc những sai lầm, yếu kém của các triều đại đã qua! Điều đó hiện nay nhiều nhà giáo chưa làm được. Tất nhiên, nghiên cứu và giảng dạy lịch sử không nằm ngoài thực trạng xã hội: đó là nhu cầu và sự khuyến khích của xã hội với giới trẻ đi vào những ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, thương mại, truyền thông... mà không khuyến khích các ngành nghề thuộc khối xã hội nhân văn. Khích lệ nhận thức độc lập Việc dạy và học sử cần phải tiếp tục cứu chữa, thậm chí phải đại phẫu để môn sử không thể tồn tại như đã từng. Trước khi chủ trương quan điểm về môn lịch sử có thể đổi mới thì sự thay đổi của những giảng viên, giáo viên lịch sử sẽ là bước mở đầu để khơi gợi niềm yêu thích lịch sử của giới trẻ. Thời đại thông tin với những phương tiện truyền thông, khoa học kỹ thuật mới sẽ là sự hỗ trợ tuyệt vời, giúp những bài giảng lịch sử tránh sự khô cứng, giáo điều bởi khả năng cung cấp nguồn tài liệu phong phú, mở ra sự nhận thức đa chiều ngày càng gần với sự thật lịch sử. Lịch sử/sử học không thể là “độc quyền” trong việc gìn giữ truyền dạy truyền thống. Kiến thức, tri thức lịch sử có mặt trong nhiều lĩnh vực của xã hội như đạo đức, văn học nghệ thuật, văn hóa dân gian... Đó chưa phải là sự “tích hợp” như một khoa học (việc mà Bộ GD-ĐT đang muốn làm), mà chính vì tự thân những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử có giá trị ở khía cạnh đó nên xã hội đã sử dụng, vận dụng vào những lĩnh vực khác nhau. Vì vậy giáo dục truyền thống lịch sử là quá trình “liên thông” giữa gia đình, xã hội, trường học, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhà trường giữ vai trò chính yếu giáo dục lịch sử với tư cách là một khoa học: cung cấp tri thức, phương pháp nhìn nhận, đánh giá lịch sử và từ đó rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Câu hỏi là làm sao để lớp trẻ thấy lịch sử không xa lạ với thế hệ mình và họ được quyền “can dự” vào lịch sử bằng sự nhận thức độc lập. GS Nguyễn Quang Ngọc, trong phát biểu tại đại hội Hội Khoa học lịch sử ngày 30-11, đã cho rằng: “Sử học phục vụ chính trị ở tính chất khoa học khách quan của nó chứ không phải ở sự minh họa”. Vai trò đó của lịch sử chỉ có thể thực hiện được thông qua giới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử một cách thật sự khoa học. Khi giới “làm sử” và dạy sử còn “bảo thủ” chưa thay đổi thì thực tế lịch sử cũng không còn là một môn khoa học. Môn lịch sử trong trường phổ thông - cũng như nhiều môn học khác mà môn sử chỉ là một trường hợp điển hình - sẽ còn cần phải tiếp tục nghiên cứu cải cách sao cho có hiệu quả tốt nhất và phù hợp với xu thế của thế giới hiện đại. Nhưng làm gì thì làm, tích hay chia, độc lập hay liên thông... cũng xin đừng để lịch sử đích thực và những ý nghĩa của nó ngày càng biến mất trong sách giáo khoa và trong tâm thức thế hệ trẻ. ■ Tags: Môn sửHọc sửTích hợpKết chưa hết
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".