Lá phiếu “không” (với việc chấp hành các mệnh lệnh của các chủ nợ) chiếm đa số trong cuộc trưng cầu ý dân hôm chủ nhật 5-7 ở Hi Lạp sẽ đưa đất nước này đến đâu? Biểu đồ nợ công Chính phủ Hi Lạp Tờ Ekathimerini phát hành tại Athens hôm 7-7 gọi đó là lá phiếu tín nhiệm dành cho Thủ tướng Tsipras, song lại là “niềm tin nơi điều không tiên lượng”. Quả thật, chẳng ai trong lúc này có thể hình dung được Hi Lạp sẽ như thế nào khi mà nước này đã mất khả năng trả nợ, trữ tệ trong các ngân hàng không còn, phải dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) để cầm cự trả cho dân chúng rút tiền hạn chế đến chủ nhật này, ngân sách nhà nước cũng “khô máu” chỉ có thể trông chờ vào một “phép lạ” trong đàm phán trở lại với các chủ nợ. “Phép lạ” cho thủ tướng Tsipras “Phép lạ” đó chính là lá phiếu “không” của cử tri Hi Lạp hậu thuẫn ông Tsipras trong những đàm phán, bắt đầu là cuộc điện đàm với bà Merkel hôm thứ hai. Thế nhưng các chủ nợ lại không suy suyển: cuộc gặp thượng đỉnh hôm thứ ba của các lãnh đạo 18 nước Eurozone đã kết thúc bằng... sự gia hạn đến thứ năm tuần này để Hi Lạp nạp một gói cải cách mới chấp nhận được mà Eurozone sẽ họp quyết định vào chủ nhật tới, và một kế hoạch chi tiết cho việc Hi Lạp ra khỏi Eurozone đã sẵn sàng. Ý chung của các lãnh đạo Eurozone là không nhân nhượng Hi Lạp thêm nữa. Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân, bà Merkel đã nhắc nhở Hi Lạp không sống một mình một chợ ở châu Âu mà là với 18 nước cùng chung đồng tiền euro, nên mọi người đều phải có trách nhiệm đồng thời bày tỏ tính đoàn kết. “Trách nhiệm” và “đoàn kết” ở đây có nghĩa là thực thi các nghĩa vụ với Eurozone chứ không phải là “chạy làng” như Hi Lạp đã bác bỏ đề án cải cách mà Eurozone đưa ra hôm 25-6 rồi inh ỏi nói “không”. Trong đề án đó có những chi tiết yêu cầu Hi Lạp thắt lưng buộc bụng hơn nữa, tỉ như chấm dứt việc chi tiền tương trợ cho những ai lĩnh lương hưu thấp, điều mà ông Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Varoufakis đã giãy nảy trước tiên và gọi rằng những điều kiện sống như thế là không có “phẩm giá con người” hay yêu cầu tăng thuế VAT lên đến 25%, trong đó bao gồm cả các hóa đơn khách sạn, để tăng thu ngân sách; song đối với Hi Lạp sẽ là đuổi du khách đi ngay từ trước khi họ quyết định đến thì làm sao thu ngân sách cho được... Tuy nhiên, cũng đã có những dấu hiệu ngay từ chính chính quyền Tsipras cho thấy nếu phía Đức - Pháp nói rằng “cánh cửa vẫn mở ngỏ” thì phía Hi Lạp cũng đã sẵn sàng đáp ứng: việc Bộ trưởng Tài chính Varoufakis đột ngột từ chức ngay sau cuộc trưng cầu ý dân là một dấu chỉ như thế. Sự ra đi của người từng đối đầu kịch liệt một cách “khó ưa” với châu Âu trong sáu tháng đàm phán đã qua là một sự “thay ngựa giữa đường” hứa hẹn một khả năng đồng thuận lớn hơn với những hứa hẹn đáng tin cậy hơn sẽ cải cách, như có thể nghe thấy được trong buổi bàn giao ghế bộ trưởng tài chính hôm thứ hai 6-7. Cải cách sâu hơn nữa Cải cách hơn nữa là lối thoát duy nhất để Hi Lạp được cho vay tiếp để vừa trả nợ đáo hạn vừa chi tiêu ngân sách, giống như được tiếp tục truyền máu, bằng không sẽ bị tháo dây, tháo ống... Một “ông lớn” khác của Eurozone là Hà Lan cũng đã lên tiếng hôm thứ hai qua phát biểu của thủ tướng nước này là ông Rutte trước quốc hội rằng Hi Lạp phải chấp nhận cải cách sâu hơn nữa, và rằng Chính phủ Hà Lan không muốn chu cấp thêm vốn cho Hi Lạp (Ekathimerini 6-7-2015). Vấn đề đặt ra cho Chính phủ Hi Lạp là làm sao chia sẻ gánh nặng nợ nần này một cách công bằng hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng với ít tác động suy thoái nhất (NYT 6-7-2015). Cải cách sâu hơn nữa sẽ có thể gồm những gì? Là làm sao đánh thuế được những kẻ đã làm giàu trong quá trình “thoải mái” vay nợ với sự đồng lõa của thuế vụ. Xử lý được gánh nặng trốn thuế là một trong những yêu cầu cải cách sâu hơn nữa mà châu Âu đang đòi hỏi Chính phủ Hi Lạp. Không đơn giản xem việc thuế vụ “ăn” như là những hành vi tham ô cá nhân giữa kẻ đút lót và kẻ “nhắm mắt” cho “xù” thuế, mà là những cắt cúp nghiêm trọng vào thu ngân sách, dẫn đến thâm thủng ngân sách và vay nợ thêm nữa. Trong khi đại bộ phận dân chúng rên xiết vì giảm lương hưu, cắt giảm biên chế vốn là mãn đời ở Hi Lạp, phúc lợi xã hội biến mất, thì thiểu số “ăn” đậm trước kia vẫn ung dung. Trong số những người ung dung thụ hưởng có cả nhà thờ Chính thống giáo vốn sở hữu đến 1/3 tài nguyên đất đai, song lại không đóng một xu thuế nào và còn được lĩnh lương như công chức. Tách bạch nhà thờ với nhà nước, yêu cầu nhà thờ tham gia đóng thuế là điều mà ông Tsipras từ khi lên nắm quyền đã “ngắm nghía” mà chưa “quyết” gì được (Le Point 14-2-2015). Song làm thế nào húc vào những thành lũy đó lại là một “phép lạ” khác mà ông Tsipras, qua lá phiếu hôm chủ nhật, nay đã được tất cả các đảng đồng thuận trong quốc hội. Trước khi người hay trời cứu phải tự cứu mình trước đã. Không thể nào để cả nước tiếp tục “đổ vỏ” cho một dúm “xơi ốc”. Tags: Hi LạpEurozoneTrưng cầu dân ýAlexis Tsipras
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.