TTCT - “Tư tưởng định hướng cốt lõi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 là phát triển năng lực người học thay vì chủ yếu tiếp cận nội dung như cách làm từ trước đến nay”. GS.TS Đinh Quang Báo, ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục, trao đổi với TTCT về việc xây dựng chương trình phổ thông sau năm 2015. Phóng to Theo GS Đinh Quang Báo, hệ thống giáo dục phổ thông sau năm 2015 dự kiến kéo dài 12 năm với thời gian các cấp học như hiện nay. Đề xuất xây dựng cơ cấu chương trình tập trung “phát triển năng lực người học” dựa trên sự quan tâm đặc biệt tới yếu tố tâm lý lứa tuổi. * Theo giới thiệu của nhóm soạn thảo đề án chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 thì phân hóa là một trong những công cụ đảm bảo giáo dục có chất lượng. Chúng ta từng thử nghiệm phân ban nhiều lần nhưng đều thất bại. Thưa GS, làm sao để dạy học phân hóa trong chương trình mới không lặp lại sự thất bại của phân ban? - Sự thất bại phải được đánh giá ở nhiều khía cạnh. Thất bại có thể do anh chọn triết lý sai, hoặc do thất bại về ý tưởng, mà cũng có thể do việc tổ chức thực hiện không đảm bảo được ý tưởng mà người ta đề xuất… Phân ban của chúng ta thất bại có nguyên nhân ở việc không đủ điều kiện tổ chức triển khai. Ví dụ ban kỹ thuật là một ý tưởng tiến bộ nhưng ta làm không nổi. Hơn nữa phân ban là một mô hình của phân hóa nhưng ở mức độ rộng quá, lớn quá nên cứng, thiếu linh hoạt. Hầu hết các nước đều dạy học phân hóa. Phân hóa mà ta nói ở đây là ở cấp độ vĩ mô, tức phân luồng, còn phân hóa vi mô - theo từng cá thể người học - thì sẽ nói tới ở một chủ đề khác. Nhưng phân hóa từ đâu, phân hóa đến mức nào là một vấn đề chúng tôi đang thảo luận. Lần này chúng ta sẽ tiến hành phân hóa sâu, nghĩa là nhiều tổ hợp để lựa chọn hơn, các nhánh rẽ được linh hoạt hơn và mô hình thích hợp là dạy học tự chọn. * GS có thể nói rõ hơn mô hình này? - Sẽ có trọng số cho một số môn học cốt lõi. Đây là những môn học vừa có giá trị cung cấp tri thức nền cho mỗi cá nhân, vừa có vai trò công cụ cho mọi hoạt động của con người. Hiện tại chúng tôi xác định đó là các môn toán, ngôn ngữ (bao gồm tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ 1), giáo dục công dân. Các môn còn lại là môn phân hóa. Học sinh tùy thuộc vào năng lực và nhu cầu của mình, cân đối với nhu cầu xã hội để lựa chọn tổ hợp các môn học phù hợp. Khi mà ngành nghề ngày càng phân hóa thì thiết kế môn học ngày càng nhiều lên, ngân hàng tự chọn ngày càng phình ra, giúp phân hóa được nhiều nhánh hơn, học sinh lựa chọn dễ hơn. Như vậy dẫu chương trình phổ thông được thiết kế rất nhiều môn nhưng mỗi học sinh chỉ phải học một số môn trong nhiều môn đó. Theo như đề xuất của nhóm nghiên cứu chương trình phổ thông sau năm 2015 của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, mỗi học sinh cấp THPT phải học khoảng bảy môn, trong đó có bốn môn bắt buộc. * Nghĩa là sau khi tự chọn, học sinh sẽ được chính thức “bỏ rơi” những môn mà mình không thích học nữa? - Nói như vậy là không đúng với bản chất vấn đề mà chúng tôi đang bàn thảo. Chúng tôi sẽ cấu trúc chương trình như một chỉnh thể với logic hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản chín năm (tiểu học và THCS) và giai đoạn sau giáo dục cơ bản. Đến THCS nói chung không có phân hóa mà chỉ có giáo dục toàn diện. Tất cả các môn được học như nhau, không có môn nặng môn nhẹ. Để giảm tải, chúng tôi sẽ thiết kế chương trình tích hợp, vì thế số môn sẽ ít hơn so với chương trình hiện hành. Nội dung chương trình sẽ đủ để hết lớp 9 học sinh đã có được một nền chung về tri thức phổ thông. Phân hóa chỉ từ cấp THPT. Ngay cả ở cấp này vẫn còn một số môn cốt lõi, vừa tiếp tục trang bị kiến thức nền cho học sinh, vừa là công cụ để các em học những môn khác. Đã đến giai đoạn tự chọn thì học trò có quyền không học những môn mình không chọn. Chúng tôi xác định sẽ phân hóa một cách sâu sắc ở lớp 11 và 12. Còn lớp 10 dạy như thế nào hiện nay còn là một dấu hỏi, các chuyên gia vẫn tiếp tục bàn cãi. * Phân ban thất bại có một phần nguyên nhân từ xu hướng mà các nhà chuyên môn tìm mọi cách nhưng không thể nào cưỡng lại: học để thi ĐH. Bây giờ phân hóa sâu thế này liệu sẽ nảy sinh tình trạng người ta đổ dồn vào một vài nhánh và có những nhánh không ai học, mối tương quan giống như khối A và khối C? - Cái này tôi không nói trước được. Để xem xu hướng đó có bình thường hay không cần có những nghiên cứu chuyên đề nhằm tính toán nhu cầu nhân lực về khoa học xã hội với một quốc gia tỉ lệ bao nhiêu so với nhu cầu chung. Tỉ lệ đó có tương ứng với tỉ lệ thí sinh khối A và khối C trong kỳ thi ĐH. Nếu tương ứng thì nó là bình thường trong mối quan hệ cung và cầu. Còn nếu quả thật những lĩnh vực khoa học xã hội cần người học nhưng học trò lại chọn toán lý thì ta phải có chính sách vĩ mô. Như sư phạm chẳng hạn, khi không có người học thì buộc Nhà nước phải có chính sách vĩ mô. Con người bao giờ cũng tìm cái lợi nhất cho mình, từng người một không đi phân chia cho xã hội. * GS nhắc đến phương án tích hợp. Đây cũng là một định hướng quan trọng trong xây dựng chương trình phổ thông sau năm 2015? - Mấy năm nay chúng ta vẫn nói đến việc dạy học tích hợp và sử dụng nó như một phương pháp để giải quyết khối lượng lớn kiến thức cần phải bổ sung cho học sinh trong nhà trường. Nhưng ở chương trình này, tích hợp không đơn giản là một phương pháp dạy học mà là thiết kế nội dung để hình thành ở học sinh tri thức tích hợp, năng lực tích hợp khi nhận thức, khi giải quyết một vấn đề khoa học hay vấn đề thực tiễn, đời sống. Đặt vấn đề xây dựng chương trình theo hướng tích hợp, điều nan giải mà chúng tôi gặp phải không chỉ là biên soạn chương trình, viết sách giáo khoa, đào tạo - bồi dưỡng giáo viên mà là chưa quán triệt để các nhà khoa học cơ bản hiểu và ủng hộ. Chẳng hạn làm thế nào để các nhà khoa học hiểu rằng khi chúng tôi tích hợp môn lịch sử với một số môn liên quan khác là để làm rộng hơn cái sử, sâu hơn cái sử chứ không mất cái sử đi. Để dễ hình dung về mục tiêu giáo dục, tôi ví dụ thế này: chúng tôi dạy sử, dạy địa lý cho học sinh không phải để dạy các em thành một nhà địa lý học hay một nhà sử học mà là dạy các em năng lực sử dụng kiến thức địa lý, kiến thức lịch sử trong cuộc sống. Đây là hai hướng tiếp cận khác nhau. Nếu tôi dạy cho anh thành nhà chuyên môn thì tôi phải cho anh tiếp cận kiến thức theo chuyên ngành hẹp. Hướng tiếp cận này không chỉ không giúp ích cho đại đa số người học mà còn làm môn học trở nên khô cứng, khó học, kém hấp dẫn. Nội dung chương trình môn sử hiện nay là một ví dụ tiêu biểu cho cách tiếp cận này. Học sinh học mà không biết dùng kiến thức đó để làm gì, không thấy giá trị gì cả. Nếu cho các em tiếp cận khai thác giá trị của nó trong đời sống thì các em sẽ thích học, sẽ khao khát khám phá, tìm hiểu. * Cảm ơn giáo sư! Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, thiết kế chương trình phổ thông sau năm 2015 sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ các môn học cốt lõi (toán, ngôn ngữ, giáo dục công dân) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản... vào các môn học và hoạt động giáo dục, kể cả cấp tiểu học (cấp học mà chương trình hiện hành vốn đã thực hiện tích hợp). Ngoài ra cấp tiểu học và THCS sẽ có một số môn mới. Cấp tiểu học có hai môn mới là khoa học và công nghệ lớp 4, 5 (trên cơ sở hai môn khoa học và môn kỹ thuật trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội lớp 4, 5 (trên cơ sở môn lịch sử và địa lý lớp 4, 5). Cấp THCS cũng có hai môn mới: khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành), khoa học xã hội (trên cơ sở các môn lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành cùng một số vấn đề xã hội). Phân hóa là xu thế mà nhiều nền giáo dục phổ thông đang hướng đến và tôi nghĩ xu thế đó có lợi, ít ra là ở khía cạnh góp phần “cá thể hóa” quá trình dạy học. Sau khi học sinh được trang bị một khối lượng kiến thức phổ thông nhất định, tạm gọi là phổ thông bắt buộc, thì chuyện học sinh phải chọn cho mình một ngành nghề để hướng đến cũng là điều tự nhiên. Mà như thế thì việc định hướng và phân hóa sâu để lái học sinh đến với ngành nghề phù hợp là tất yếu. Chỉ có điều phân hóa thế nào thì đáp ứng được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của xã hội, của cha mẹ học sinh và chính các em thì phải cân nhắc thật kỹ càng. Xu hướng chính của xã hội chúng ta hiện nay chỉ tập trung cho thi đại học là không hoàn toàn đúng, ta phải điều chỉnh. Chúng ta phải làm điều đó vì giáo dục là phải đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng giáo dục cũng phải đi trước nhu cầu xã hội, gợi mở nhu cầu cho xã hội. Đâu phải giáo dục lúc nào cũng chạy theo xã hội! Tích hợp cũng là một xu thế của thế giới ngày nay, có thể quan sát thấy rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật bây giờ không còn là đơn lẻ từng ngành nghề, lĩnh vực. Tích hợp giúp học sinh trong cùng một thời gian học được nhiều thứ hơn, tạo thói quen nhìn vấn đề tương đối liên môn từ bé. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng đối với giáo dục phổ thông, tích hợp không phải là công cụ vạn năng, hoàn hảo tuyệt đối nên tích hợp như thế nào là điều phải cân nhắc. Không thể làm ào ạt kiểu như thấy văn - sử - địa giống nhau thì tích hợp vào một, toán - lý - hóa giống nhau tích hợp vào làm một. Tích hợp phải được nghiên cứu một cách cẩn thận, tốt nhất là nên được cân nhắc trong từng tình huống cụ thể. Tags: Giáo dụcKiến thứcNăng lựcChương trình phổ thông
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.