Không thiếu công cụ để cử tri giám sát

LÊ KIÊN THỰC HIỆN 24/05/2011 03:05 GMT+7

TTCT - “Cử tri hãy giám sát chúng tôi!”, cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều nói như vậy khi trình bày chương trình hành động trước cử tri.

TTCT trò chuyện với TS Nguyễn Sĩ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH), người phát ngôn tiểu ban tuyên truyền của Hội đồng bầu cử - xung quanh câu chuyện cử tri giám sát đại biểu QH.

TS Nguyễn Sĩ Dũng nói: Dân chủ không nằm ở những quyền năng to lớn của QH, mà ở chế độ trách nhiệm của QH trước cử tri. Chế độ trách nhiệm này được xác lập thông qua bầu cử và qua việc cử tri giám sát hoạt động của những người đã được mình ủy quyền. Pháp luật nước ta quy định đại biểu QH phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, phải tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và để báo cáo với cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Chế độ báo cáo với cử tri là một công cụ rất quan trọng.

Nếu tiếp xúc cử tri mà chỉ để báo cáo rằng QH kỳ này thông qua được mấy đạo luật, thảo luận được những vấn đề gì thì việc báo cáo ấy không mang nhiều ý nghĩa, bởi báo chí đã đăng tải hết rồi. Đại biểu báo cáo trước cử tri là để bảo đảm trách nhiệm giải trình. Các vị đại biểu sẽ phải giải trình tại sao tôi lại đồng thuận cái này, phản đối cái kia; tôi làm như vậy thì người dân được lợi gì, đất nước được lợi gì... Ví dụ tại sao tôi đồng ý sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, tại sao tôi chưa đồng ý thông qua dự án Luật thủ đô?...

* Như vậy, chế độ báo cáo là công cụ để cử tri giám sát đại biểu của mình?

- Đó là một công cụ quan trọng. Và còn nhiều công cụ khác nữa: các buổi truyền hình, phát thanh trực tiếp và tường thuật của báo chí. Cử tri nhìn vào đây để giám sát, vì báo chí giúp hoạt động của QH được công khai và chuyển tải thông tin về hoạt động của các vị đại biểu đến với mọi nhà. Nếu như một đại biểu ngồi cả nhiệm kỳ không phát biểu gì mà cứ nói rằng tôi quan tâm vấn đề này, vấn đề khác thì anh lấy gì để chứng minh với cử tri. Việc tạo điều kiện cho các phương tiện truyền thông tiếp cận tối đa hoạt động của QH rất quan trọng.

Người dân cũng giám sát đại biểu thông qua các tổ chức xã hội của mình. Chúng ta có MTTQ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hiệp hội người tiêu dùng... Đó là sức mạnh của cử tri, người dân sẽ thông qua tổ chức đó để bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, phản ảnh của mình. Cuối cùng, công cụ giám sát tốt nhất của cử tri là bằng lá phiếu, nhất là với những người tái cử.

Một điều nữa là hiện nay chế độ trách nhiệm của Chính phủ trước QH ngày càng rõ. Vì vậy, chế độ trách nhiệm của QH trước cử tri cũng phải rõ. Nếu một vị đại biểu có quyền phê phán rất gay gắt một vị bộ trưởng thì cũng nên sẵn sàng tiếp nhận sự phê phán như vậy từ phía cử tri đối với mình. Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước QH, QH cũng phải chịu trách nhiệm trước cử tri.

* Ở nước ta vẫn là chế độ nghị sĩ kiêm nhiệm, số đại biểu tái cử rất ít, công cụ này có thật sự hiệu quả?

- Trong mô hình của ta không thiếu những công cụ mạnh để người dân giám sát. Cử tri hoàn toàn có thể nhận xét về đại biểu thông qua các phương tiện truyền thông, mạnh nhất là sử dụng các mạng xã hội, nơi cử tri có ý kiến dễ nhất, công khai và mạnh mẽ nhất. Mỗi năm đại biểu tiếp xúc cử tri bốn lần, mọi cử tri đều có thể đến đó để nhận xét, yêu cầu, chất vấn đại biểu của mình.

Ngoài ra, ở ta theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đối với nhiều chức vụ quan trọng thì phải là đại biểu mới được đảm nhiệm. Đây là một khuyến khích rất mạnh mẽ để ứng cử viên cam kết phục vụ dân và tìm cách làm hài lòng cử tri để có phiếu bầu.

* Một nghị sĩ sẽ chịu sự giám sát tuyệt đối của cử tri khi ông ta ứng cử nhiều nhiệm kỳ tại một khu vực, nhưng ở ta trong nhiều trường hợp một đại biểu kỳ này ứng cử ở miền Bắc, kỳ sau lại ứng cử ở miền Nam. Điều này có cần phải thay đổi không?

- Cái này về lâu dài cần phải cân nhắc để quy định cho phù hợp. Hiện nay, nhìn chung các đại biểu ứng cử ở đâu thường tái cử ở đó, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nguyên tắc ứng cử ở đâu thì tái cử ở đó rất quan trọng, vì nó đòi hỏi đại biểu phải có trách nhiệm với cử tri, phải để cử tri giám sát. Còn ở nhiều nước, gần như một nghị sĩ chỉ ứng cử tại một địa điểm trong suốt cuộc đời, rất hiếm khi người ta thay đổi, vì đó là khu vực người ta nhận được sự hậu thuẫn của cử tri.

* Mối liên hệ và tương tác thường xuyên giữa đại biểu và cử tri là điều kiện để giám sát. Ở ta mỗi năm bốn lần đại biểu tiếp xúc cử tri, nhưng dường như phạm vi khá hẹp, ông Nguyễn Minh Thuyết từng cho biết có cử tri hơn 90 tuổi ở Lạng Sơn nói rằng đã đi bầu cử 12 khóa QH nhưng lần đầu tiên nhìn thấy đại biểu bằng da bằng thịt...

- Quy định về tiếp xúc cử tri bắt buộc như của ta hiện nay là tốt. Có điều trước những buổi tiếp xúc như thế cần thông tin rộng rãi để các cử tri cần thì đến dự. Tất nhiên vẫn có nhiều cử tri có thể không đến được, chẳng hạn như tiếp xúc cử tri ở khu vực miền núi như ông Nguyễn Minh Thuyết thì có nơi muốn đến phải đi cả ngày đường. Điều này đòi hỏi đại biểu phải mở rộng kênh tiếp xúc cử tri nhiều hơn nữa, ví dụ như đã là đại biểu thì phải công bố địa chỉ thư điện tử, điện thoại, địa chỉ làm việc...

Nhiều cử tri bận công việc không gặp được đại biểu ở các cuộc tiếp xúc thì người ta có quyền bày tỏ ý kiến, thái độ, đề nghị cung cấp thông tin bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.

* Lời hứa của ứng cử viên là căn cứ quan trọng nhất để cử tri bỏ phiếu và để giám sát nếu ứng cử viên đó trúng cử, nhưng nhiều ứng cử viên đưa ra lời hứa chung chung, khó định lượng. Chẳng hạn như mấy nhiệm kỳ gần đây, đa số ứng cử viên đều hứa sẽ đấu tranh chống tham nhũng nhưng kết thúc nhiệm kỳ thì tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi. Như vậy nhìn trên bình diện chung, các đại biểu chưa thực hiện được lời hứa của mình?

- Quan trọng là các vị đó đã thật sự tích cực đấu tranh chống tham nhũng hay chưa. Chuyện tham nhũng rõ ràng khó lòng đẩy lùi được trong một nhiệm kỳ. Tôi nghĩ rằng ứng cử viên vẫn phải có những lời hứa chung chung, vì cuộc sống thực ở đằng sau nó rất nhiều vấn đề khó cụ thể hóa ngay từ đầu được. Vì vậy chỉ có thể hứa rằng tất cả mọi chính sách đưa ra QH bàn tôi đều soi xét từ lợi ích của cử tri.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận