Khuôn khổ pháp lý cho cuộc chiến chống tham nhũng

HƯƠNG GIANG GHI 11/07/2009 19:07 GMT+7

TTCT - Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước chống tham nhũng của liên hiệp quốc (LHQ) từ tháng 12-2003 và vừa phê chuẩn ngày 3-7-2009. Theo chuyên gia chương trình phát triển của LHQ (UNDP) Jairo Acuna - Alfaro, Công ước này không hề thay thế cho các chính sách quốc gia, mà chỉ cung cấp “một khuôn khổ chống tham nhũng đã được quốc tế nhất trí”.

Công ước LHQ chống tham nhũng (gọi tắt là CAC) là một điều ước quốc tế đa phương, được nhiều quốc gia thỏa thuận xây dựng và đồng ý ký kết. Mục đích của CAC là tạo nên một khuôn khổ pháp lý về hoạt động phòng chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu hướng đến các tiêu chí sau: thúc đẩy hoạt động phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả, hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng, hướng đến tính liêm khiết trong quản lý hiệu quả tài sản công.

Nguồn của Luật quốc tế

Nghị quyết 55/61 (năm 2000) của Đại hội đồng LHQ yêu cầu có một văn bản pháp lý quốc tế về chống tham nhũng được thế giới thừa nhận, tách biệt với Công ước LHQ về tội hình sự xuyên quốc gia. Được thảo luận suốt bảy khóa họp của ủy ban đặc vụ LHQ (từ 21-1-2002 đến 1-10-2003), Công ước LHQ về chống tham nhũng được Đại hội đồng thông qua trong nghị quyết 58/4 ngày 31-10-2003 và để ngỏ cho các quốc gia ký kết. Theo điều 68 của nghị quyết này, công ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ xin gia nhập (hoặc phê chuẩn, ký kết) của quốc gia thứ 30, và đó là ngày 14-12-2005. Đến nay đã có 140 nước tham gia ký kết.

Do được LHQ bảo trợ, Công ước CAC là một văn bản pháp lý quốc tế có giá trị trên toàn thế giới. Trong lĩnh vực công pháp quốc tế, các công ước của LHQ là nguồn pháp luật để các nước thành viên (192 nước trên thế giới) so sánh, đối chiếu, xây dựng nên luật pháp riêng của mỗi nước nhưng trên cùng cơ sở pháp lý được thống nhất trong công ước.

“Công ước sẽ thúc đẩy việc các chính phủ cần cung cấp cho người dân thông tin về những nỗ lực phòng chống tham nhũng và cần bảo vệ những “người thổi còi” (người tố cáo tham nhũng)”

Pháp luật về áp dụng điều ước quốc tế

Quan niệm về chủ quyền quốc gia đã có từ khi Luật quốc tế ra đời (thế kỷ 17). Ở thế giới hiện đại cũng vậy, không một tổ chức nào có quyền buộc một quốc gia phải làm hoặc không làm một điều gì. Chủ quyền quốc gia cho phép một nước có quyền tham gia toàn bộ hay một phần hoặc không tham gia một công ước quốc tế vì quyền lợi của quốc gia đó. Chính Tòa án công lý quốc tế cũng đã xác nhận điều này. Khái niệm tham gia một phần làm phát sinh một ngoại lệ là “bảo lưu” (reservation), tức không áp dụng một hay nhiều điều khoản của công ước vào lúc tham gia ký kết. Ngoài ra còn có khái niệm “tuyên bố” (declaration) cho phép một quốc gia vào lúc phê chuẩn chưa áp dụng một số điều khoản nào đó của công ước. Trên bình diện quốc tế, Luật quốc tế chi phối hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là Công ước Vienna 1969 (có hiệu lực từ 27-1-1980) quy định các nguyên tắc này.

Trường hợp của Việt Nam

Một quốc gia muốn nâng cao uy tín và vị thế chính trị của mình không gì tốt hơn là tham gia các công ước quốc tế do LHQ bảo trợ. Trong tư thế là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam chủ động tham gia giữ gìn trật tự và an ninh quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng được coi là vấn đề toàn cầu hiện nay.

Điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết với danh nghĩa Nhà nước, Chính phủ hoặc cấp ngành. Do vậy, khi một điều ước quốc tế được phía Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì có nghĩa là Nhà nước, Chính phủ hoặc ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế đó bằng cách nội luật hóa hoặc quy chiếu trực tiếp, có nghĩa là nó sẽ nằm trong hệ thống pháp luật quốc gia, khi đó mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quan hệ xã hội được nó điều chỉnh phải tuân theo.

Áp dụng Công ước Vienna 1969 và Công ước CAC, Việt Nam ra thông báo bảo lưu (không bị ràng buộc bởi) khoản 2 điều 66 của Công ước CAC. Khoản này quy định nếu có tranh chấp về cách giải thích, áp dụng công ước mà không thương lượng hoặc giải quyết bằng con đường trọng tài được thì thành viên công ước có quyền đưa vụ việc ra tòa án tư pháp quốc tế để giải quyết. Việt Nam cũng tuyên bố không bị ràng buộc áp dụng một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của công ước. Chẳng hạn như quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, hành vi tham nhũng trong khu vực tư, cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự với cả pháp nhân, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt, không coi công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ tội phạm về tham nhũng. Lý do, theo phía Việt Nam giải thích, là vì một số quy định vừa kể “chưa được pháp luật trong nước quy định hoặc quy định chưa cụ thể” và “cần có thời gian điều chỉnh phù hợp với hiến pháp và pháp luật quốc gia”.

Như vậy, có thể hiểu bằng việc gia nhập CAC, công ước sẽ trở thành một căn cứ pháp lý để Việt Nam ban hành hoặc điều chỉnh những văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đặc biệt là các văn bản của bộ, ngành chưa có hoặc chưa phù hợp. Trường hợp điều ước quốc tế và luật nội địa cùng quy định về một vấn đề thì về nguyên tắc, luật nội địa phải phù hợp với điều ước quốc tế bằng cách phải sửa đổi, bổ sung hoặc dẫn chiếu áp dụng điều ước quốc tế. Vấn đề còn lại là thời gian điều chỉnh hoặc ban hành mới này. Công cuộc chống tham nhũng có thật sự được quan tâm và thúc đẩy hay không tùy thuộc tiến trình này.

Đẩy mạnh cung cấp thông tin phòng chống tham nhũng

Trả lời câu hỏi của TTCT về việc Việt Nam bảo lưu một số điều khoản của CAC có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện công ước không, ông Jairo Acuna - Alfaro, cố vấn chính sách của UNDP về cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, cho biết:

Mỗi nước thành viên đều làm như vậy tương ứng với luật pháp riêng và nhằm mục đích bảo vệ lợi ích riêng của họ. Điều quan trọng là phải nhớ tới những nguyên tắc của công ước thay vì chú ý đến những điều khoản bảo lưu cụ thể.

Chẳng hạn, công ước bao gồm một cách tiếp cận toàn diện đối với tham nhũng, thừa nhận tầm quan trọng của cả biện pháp phòng chống và biện pháp trừng phạt. Công ước cũng giải quyết bản chất xuyên biên giới của tham nhũng và bao gồm các điều khoản về hoàn trả bất động sản được tạo ra một cách không chính đáng. Thêm vào đó, công ước sẽ thúc đẩy việc các chính phủ cần cung cấp cho người dân thông tin về những nỗ lực phòng chống tham nhũng và cần bảo vệ những “người thổi còi” (người tố cáo tham nhũng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận