Mối tình bánh rán

DẠ NGÂN 28/06/2009 00:06 GMT+7

TTCT - 1. Ngày 17, G cảm thấy rất hưng phấn. Đầu óc sáng láng. Công việc chạy băng băng. Các hợp đồng gã ký đều suôn sẻ, đối tác dễ chịu bất ngờ. Mấy ngày sau công việc cũng thuận lợi. Doanh thu bán hàng tăng.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương
TTCT - 1. Ngày 17, G cảm thấy rất hưng phấn. Đầu óc sáng láng. Công việc chạy băng băng. Các hợp đồng gã ký đều suôn sẻ, đối tác dễ chịu bất ngờ. Mấy ngày sau công việc cũng thuận lợi. Doanh thu bán hàng tăng.

Ngày 21, G lâm vào tình trạng trầm cảm. Không làm được việc gì ra hồn. Đi ra đi vào trong phòng, đụng đâu vỡ đấy, làm gì hỏng nấy. Cố cưỡng lại tình trạng này mà chưa được. Chăm chú. Cẩn thận. Tuyệt đối không cáu. Vẫn vỡ. Vẫn hỏng.

Ngày 25, trời có vẻ quang đãng, mây bay vi vu trên trời. G xởi lởi với mọi người trong công ty, ai mang chứng từ gì cũng dễ được ký xác nhận. Không cáu. Không hỏi vặn lôi thôi. Giám đốc hỏi: Ông sao thế? Sao là sao - gã hỏi lại. Gã là phó giám đốc, làm mọi việc trong phạm vi phận sự của mình, có gì sai sót? Giám đốc nhún vai bỏ đi. Dù sao câu hỏi của giám đốc cũng ám gã. Ừ, mình sao thế?

Ngày 28, G lâm vào tình trạng tồi tệ. Gã tự nhiên cảm thấy chán tất cả. Chán cả ăn. Chán cả tiền. Và đương nhiên, nhìn vợ cứ như nhìn khúc gỗ. Con gái gã, mười ba tuổi, hỏi bố mấy hôm nay sao thế! Hóa ra đến nó cũng nhận ra cơn chán của gã. Gã đóng cửa phòng làm việc. Treo biển không tiếp khách. Ngồi lọt thỏm trong cái ghế xoay, gác cả hai chân (kể cả giày) lên bàn, lên cả đống hồ sơ giấy tờ chưa đọc. Gã bắt đầu óc làm việc: Ông sao thế, G? Nhưng chẳng phản biện được gì. Chán là chán. Cố thoát ra mà chưa được.

Trên đường về nhà, G bị dòng xe cuốn đi, rẽ phải không được, rẽ trái không được, đi nhanh đi chậm theo ý mình cũng không được. Gã láng máng nghĩ có vẻ như mình đang bị điều khiển. Như trong một trò chơi online nào đó. Có đứa chết tiệt nào đang bấm nút. Bật cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh đó, G đương nhiên là không chịu. Mình bản lĩnh đầy người, gã nghĩ, ta cứ rẽ trái. Gã chèn đầu xe một thằng, nghe thấy tiếng lầm bầm rủa. Bấm còi inh ỏi sau lưng thằng khác. Quết đuôi xe vào một bà, tiếng oai oái sau lưng. Bất chấp những tiếng càu nhàu và phản đối của bao nhiêu xe. Cứ cắt ngang, đi. Lượn qua một cảnh sát giao thông. Quyết rẽ trái. Thế mà rẽ được. Gã thở phào khoan khoái: Không phải thế. Không có game nào!

Ngày 29, cơn chán vẫn chưa qua. Có tiếng gõ cửa, gã buột miệng “Mời vào” (thói quen chết tiệt). Bắt tay khách (tức tối trong lòng), mỉm cười (như máy), rót trà, làm ra vẻ chăm chú nghe (hối hận sao lại có thể buột miệng mời vào, dường như có ai xui?). Gã thèm khát được nói ra miệng câu “mời ông đi đi cho”, thậm chí “ông biến đi cho nhanh”, nhưng lại có cái gì kìm lại (tức thế). Buổi chiều, gã bắt buộc phải tiếp hai người đến xin việc. Cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, bảng điểm sáng rực. Thạc sĩ mặt mày sáng láng, luận văn dày cộp, vấn đề nghiên cứu tầm thế kỷ. Lẽ ra gặp hiền tài thì phải vồ lấy mới phải đạo. Đằng này vừa đặt câu hỏi phỏng vấn, trong đầu gã vừa nghĩ “ngu thế, sao lại xin vào đây, chán chết!”.

Chiều 30. Giám đốc chuyển sang một văn bản có đính kèm mẩu giấy “Chuyển anh G giải quyết”, phì, lại phải làm! Thế rồi có cái gì cứ xúi giục gã xuống kho (mặc dù mới kiểm tra kho hồi đầu tháng, mặc dù gã chẳng phải đến đó lần nữa làm gì) khiến gã vẫn rất muốn xuống kho! Cáu. Cái gì nó thúc vào mình? Mình cứ như con quay?

Bỗng dưng cảm thấy một cơn chán. Rồi từng đợt chán. Như thể có ai đó điều khiển, như thể có một gã giấu mặt đang bấm nút trò chơi online.

Nhân vật thuộc loại già đời công sở. Cuộc sống không có gì để phàn nàn. Nhưng mà vẫn chán. Chán từ trong chán ra, chán từ ngoài chán vào, chán tất. Một lần, tìm thấy một cái phao. Rồi bám vào được một cái bến. Cô gái, nụ cười, những chiếc bánh rán và những mẩu đối thoại sáng bừng. Một liệu pháp thôi. Cuộc sống trần trụi lắm. Chao ơi, muốn được tự nhiên sao mà khó!

Tác giả là một tiến sĩ khoa học, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội từ hồi trai trẻ, nhưng đã im hơi lặng tiếng mấy thập niên liền để rồi xuất hiện trở lại với giọng điệu hoàn toàn khác trước. Mươi năm trở lại đây Tô Hải Vân viết đều và nhiều, in liên tục mấy tập truyện và là một trong những tác giả “duyên già” của thủ đô. Đọc ông, dù là đề tài về sự chán đi nữa vẫn thấy giữa những hàng chữ là những khoảng lanh canh nhân tình ấm áp và từng trải của một người không cay cú riêng tư gì cả.

Tôi đồng cảm với tác giả ở câu này trong truyện: “Trong đời có những lúc không hề thích gì, chỉ xin được tự do!”.

2. Không muốn làm con quay. G cởi bỏ áo vét, vứt lên thành ghế. Đánh mỗi cái sơmi, nhét cẩu thả vào quần. Bỏ cơ quan, đi.

Đi đâu? Không biết. Cứ đi. Gã đi một cách cực kỳ ngẫu nhiên, thích rẽ đâu thì rẽ.

Đi hết một buổi chiều gã thấy mình rũ ra.

Rất ngẫu nhiên, G rẽ vào một con ngõ nhỏ. Mắt tia biển đề, thấy ghi “Ngõ Yên”. Tên hay nhỉ? Gã chợt nhìn thấy một hàng rong bán bánh rán. Một cái xe đạp, đằng sau là một cái hòm kính khung nhôm, bánh rán chất đầy bên trong, chú bánh rán nào cũng như đang giơ tay lên vẫy gã. Đói, mệt, G dừng xe. Lâu lắm rồi chưa ăn bánh rán. Dễ đến hơn hai chục năm? Dạo này Hà Nội bị ẩm thực ngoại xâm lăng, món ăn chính gốc là của hiếm.

Còn đây, đúng loại gã ưa. Loại tròn xoe vàng rộm lăn vừng. Cắn ngập cái bánh rán, tuổi thơ ùa về như làn gió. Gã rùng mình nhớ hồi bé tí đòi mẹ mãi mới được ăn một chú. Chỉ một, vì nghèo. Sao ngon khủng khiếp! Ấn tượng vĩnh viễn không quên. Gã ăn, mẹ đứng nhìn. Nhớ lại, nghĩ, không biết lúc ấy mẹ có thèm không? Thở dài. Ăn xong một chú, gã nghĩ đấy là ăn cho mình. Lấy thêm cái nữa, gã tự bảo ăn cho mẹ. Mẹ phải hai, thêm cái nữa! Cha? Thêm một chú. Vợ? Mụ cũng khổ, tuy vẫn không ngừng cau có với gã, nhưng nên ăn cho mụ một chú. Ăn tiếp cho con gái, hẳn hai chú...

Cô bé bán bánh rán tròn mắt nhìn ông khách. Ăn như điên. Mắt đờ đẫn. Chắc bị ma ám. Ăn hết cái này giơ tay đòi cái khác. Bao nhiêu? - G hỏi cộc lốc. Cô bé nở một nụ cười làm ông khách ngỡ ngàng, sao nụ cười đẹp thế không biết. G sững người mấy giây rồi hỏi lại, giọng mềm mại: Hết bao nhiêu tiền, cô bé?

3. Ngày 1. Nhanh thế, đã sang tháng mới. Cuộc đời trôi qua vù vù. Nhiều lúc không biết nó trôi qua lúc nào. Hôm nay, cảm giác chán ngấy vẫn đầy trong lòng. Nhưng thay vì lồng lộn đi lại trong phòng, gã dọn dẹp phòng. Một công việc không cần suy nghĩ. Khủng khiếp! Không thể hiểu tại sao phòng gã lại bẩn đến thế, lắm hồ sơ giấy tờ đến thế và nhiều thứ vô tích sự đến thế. Đôi lúc gã ngồi thừ trên ghế xoay, tay cầm điếu thuốc lá, quên hết, để cho nó tự cháy từ ngọn đến tận gốc. Lạ, đến điếu sau nó cũng tự cháy từ ngọn đến gốc!

Tầm cuối giờ làm việc, tự nhiên G thấy háo hức. Gã lại muốn ăn bánh rán!

Vứt tất cả đấy, G phóng xe đến ngõ Yên. Lần này chẳng ăn được nhiều. Hôm qua đã ăn hết cho mọi người, hôm nay không thể lôi ông bà cụ kỵ, bạn bè hay hàng xóm ra ăn hộ. Nó không thật. Có vẻ gì như là ngụy biện. Muốn ăn bánh rán thì cứ ăn! Chẳng phải ăn cho ai! Hôm nay gã thử ăn một cách thoải mái, tự đếm, thấy được bốn chú. Cô bé bán bánh rán lại cười. Nụ cười thật tươi. Gã nghi ngờ nhìn cô: phải chăng tiêu thụ được hàng mới cười tươi đến thế?

4. Không. Không nên nghi ngờ không đâu cho người khác. Bệnh xã hội. Nụ cười tươi tắn đó là thật. Bây giờ gã muốn cái gì cũng phải thật. Bánh rán rất thật, ăn được. Cô bé con là thật, tuy không ăn được nhưng ngắm được.

G quen cô bé bán bánh rán từ lúc đó và từ một cơn chán.

Những hôm sau, cứ đến đúng bốn giờ kém mười lăm là G lại bồn chồn, và gã lại phải đến ngõ Yên. Ăn và ngắm. Đã quen, gã thoải mái ngắm cô. Tuy nhiên, có những lúc đôi mắt (chắc hỏng?) của gã ngắm cô không khác gì ngắm bánh rán. Tròn xoe vàng rộm lăn vừng. Quá tệ.

Một chiều, gã không ăn, chỉ đứng hút thuốc lá đợi cô bé bán hết bánh rồi cùng cô đi một đoạn đường, chuyện trò vớ vẩn, lòng nhẹ nhõm. Cô cười rất tươi, bảo chắc chú chán ngấy rồi? Gã bảo chưa. Thế sao chú không ăn? Gã bảo để cho cái bụng nó chỉ huy. Cô bé cười. Thế buổi sáng có bán không? Không, cháu phải đi làm. Thế buổi sáng làm gì - gã hỏi, cô bé vui vẻ kể cô học xong phổ thông, nhà nghèo không đủ tiền theo học đại học, có người quen xin cho làm ở đội chăn nuôi thuộc vườn thú thành phố.

Mẹ cô tuy đau yếu nhưng cũng đủ sức làm sẵn bánh rán ở nhà, à có ngon không chú? Ngon tuyệt trần đời. Chú chỉ khen khéo thôi. Không, thật đấy, ngon lắm, đúng kiểu bánh rán Hà Nội ngày xưa. Mẹ cháu là con gái Hà Nội cũ mà. Thảo nào, thế sao lại... Ấy, không nên hỏi chuyện này. Chiều chiều, đi làm về, mẹ vừa rán xong là cô bé lên đường đi bán. Khổ, bé tí mà vất vả. Cháu không còn bé đâu chú ạ, tiếng cười giòn tan, cháu đoán chắc ngày nào cũng cho thú ăn, chơi với lũ thú nên trông mới trẻ con như thế này. Ừ, chắc thế. Chơi với thú vật thật thích - cô bé nói. Thật thích - gã nhắc lại.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương
5. Ngày 11. Đến công ty, bật máy tính, chương trình tự động báo công việc nhắc nhở: mai phải vào Sài Gòn, rồi quay ra Đà Nẵng.

Chu kỳ hưng phấn không thấy đến. Sao đợt chán này lâu thế? Làm việc gì cũng chẳng ra hồn. Chán từ trong chán ra, chán từ ngoài chán vào.

Đúng bốn giờ kém mười lăm, G lại bồn chồn. Và lại lên đường. Hôm nay chú ăn ở đây hay mang về? Mang về - gã nói. Chú lấy mấy cái? Tất. Tất cả? Mắt tròn xoe. Ừ, hôm nay có liên hoan - gã bịa. Gói hết vào đi - gã bảo. Rồi đi về nhà đi, vất vả cả ngày cũng phải nghỉ ngơi chứ - giọng gã mềm mại, thật phi lý. Nặng trĩu trên tay một gói bánh to. Đầy mắt một nụ cười bánh rán. Thế là xong - cô bé thở dài, vẻ sung sướng - Cháu về đây. À, mai chú đi công tác. Mất dăm hôm. Nhìn thăm dò. Kiểu: dăm hôm ta sẽ không gặp nhau! Thế ạ? Cô bé ngoẹo đầu, mắt chớp mấy cái. Tốt, gã thở dài. Chú đi mạnh khỏe, vui vẻ! Lâu lắm chẳng có ai chúc tụng gì gã. Về đi, chú đi với cháu một quãng đường. Vâng.

Người đi đường có thể thấy một gã trung niên ăn mặc lịch sự đang rề rề cái xe máy đắt tiền bên cạnh một cô bé đạp cái xe đạp kêu lách cách lách cách, đằng sau đèo tủ nhôm kính rỗng không. Cả hai vừa đi vừa nói chuyện, mặt cứ tươi hơn hớn. Lạ không?

Lạ cái đếch gì? G gườm gườm nhìn trả mấy gã mấy mụ đang đi cùng chiều đã vượt lên rồi còn cố ngoái lại nhìn.

Thế nào, sáng nay vẫn đến vườn thú đấy chứ? Có chứ ạ! Vẫn ở tổ nhà lồng à? Vâng. Mấy con công Ấn Độ thế nào? Chúng nó vẫn ngoan, chịu ăn, hiền ơi là hiền, khác hẳn công ta. Sao công ta dữ thế không biết, ở ta con nào cũng dữ... G cười ha ha. Chú cười gì? Ừ, đúng, ở ta con gì cũng dữ... Có con công trống rất ghét phụ nữ. Thế ư? Nó ghét nhất các cô tóc ngắn. Nó biết à? Nó nhận ra ngay. Trông thấy cô nào tóc ngắn nó nguẩy một cái. Nhưng cháu thì nó quý lắm. Vì cho nó ăn, ngày nào cũng bổ dưa cho nó. Với lại tóc cháu không ngắn... Cô bé quay mặt đi cười. Thế nó ăn gì? Nó thích nhất lạc nhân. Thích chuối tiêu, ấy, kén lắm, không ăn chuối tây. Rồi dưa hấu, nho, xà lách, cả thịt. Hay nhỉ? Đã thử cho ăn bánh rán bao giờ chưa? Cô gái cười bẽn lẽn.

G đưa cô đến đầu một ngã tư nhỏ ở ngoại thành thì dừng lại. Lâu nay, lần nào cũng chỉ đến đây thì dừng lại. Hôm nay đặc biệt, gã muốn đi thêm đoạn nữa. Nhưng có cái gì ngăn gã lại. Kiểu như kéo áo giữ lại. Bực thế. Cô bé đi tiếp. G nhăn nhó đứng nhìn theo. Gã lại nghĩ đến thằng cha bấm nút trò chơi.

G về đến cơ quan thì mọi người đã về gần hết. Gã tần ngần một lúc rồi cho ông bảo vệ chục cái bánh rán. Về phòng, nhìn đống hồ sơ giấy tờ trên bàn, cơn chán ngán lại nổi lên. Gã nhặt tờ giấy trên cùng, chữ to tướng, đọc: Mai em đón anh lúc mười một giờ rưỡi. Cậu lái xe đây. Lát nữa rẽ qua cho cậu ta chục cái bánh rán.

Công ty lo phân phối hàng tồn kho, còn G bây giờ lo phân phối bánh rán. Một việc hoàn toàn không dễ. Gã nghĩ đến việc mang lên máy bay. Cho bánh rán đi tàu bay, cũng vui.

6. Sài Gòn, Đà Nẵng không thể không đi. Vé đã mua. Đối tác đã lên lịch làm việc. Việc “đi” là việc dễ. Ra ôtô. Lên máy bay. Về khách sạn. Đến đối tác. Những việc đó không cần phải suy nghĩ. Nó tự động. Giống như việc của một cỗ máy, hay của một robot đã được lập trình, hay của một động vật biết nghe lời điều khiển.

Ngày 12. Ngồi trên máy bay, nhìn ra bên ngoài cửa sổ thấy những đám mây trắng đứng im như chán chẳng muốn bay. G mở túi bánh rán thấy bánh đã ỉu. Vứt đi thì tiếc, ăn thì không ăn được. Đến bữa, cô tiếp viên mang ra một ổ bánh mì kẹp thịt và rau, ai cũng như ai, một cái, một kiểu và một nụ cười tiếp viên giống hệt nhau. G nhăn mặt.

Ngày 13. Ở Sài Gòn. Sau giờ làm việc đối tác mời: tùy anh chọn, đi nhậu, đi nhà hàng, đi vui vẻ, anh thích gì? Chẳng thích gì. Trong đời có những lúc không hề thích gì, mặc dù mình không ốm, chưa chết. Thôi, lần này cho tôi tự do. Vậy anh vui lòng cầm tạm phong bì này tự đi nhé? Đến tiền bây giờ cũng không còn thích. Bốn giờ kém mười lăm, ruột nóng như lửa đốt, G gọi taxi ra chợ Bến Thành.

Đi hết một vòng không tìm thấy hàng bánh rán nào, à có, nhưng lại là bánh rán nhân gì không rõ bọc đường bên ngoài, gã không thích. Gọi taxi, có chỗ nào bán bánh rán không, loại tròn xoe vàng rộm lăn vừng, đưa tôi đến. Anh lái taxi nghệch mặt. Người tuổi trẻ không biết khái niệm bánh rán, chắc hỏi hot dog, KFC hay pizza bán ở đâu, biết liền. Buổi tối, trong phòng khách sạn sang trọng, G thấy nhớ cô bé. Gã ước ao gặp cô để được nhìn thấy nụ cười bánh rán.

Ngày 15. Đà Nẵng. Lại những công việc như thế, những lời mời như thế. G ra chợ Hàn, cũng không có hàng bánh rán. Gọi taxi, mặt còn nghệch hơn ở Sài Gòn. Cô tiếp tân khách sạn Bamboo rất nhiệt tình nhưng chẳng giúp được gì. Lại gợi ý: hay anh ăn sầu riêng? Đêm nằm, G mơ tưởng đến cô bé bán bánh rán. Gã nghĩ đến việc giá mà được ngủ với cô thì hạnh phúc quá, gã sẽ giữ chặt cô trong vòng tay và hít hà mùi thơm bánh rán. Ông điên à, gã bảo, điên đây, gã nói, cô ta bé tẹo, ông thì bắt đầu khú, gã bảo, nhưng tôi thích, đàn ông thích đàn bà, gã nói, điên thật rồi, gã bảo, ai trong đời cũng muốn có một lần điên, bất hạnh cho người nào không biết điên lấy một lần, gã nói, thằng cha kia nhún vai, quay mặt đi.

Đêm đó, G mơ thấy bộ ngực bé tẹo của cô bé và con công Ấn Độ. Tỉnh giấc giữa đêm, G nghĩ về Hà Nội mình sẽ bỏ hết tất cả, sẽ chạy theo cô bé bánh rán. Sao lại có ý nghĩ lạ lùng đó? Đi bán bánh rán cũng được, gã tiếp tục dòng suy nghĩ. Xin vào vườn thú làm ở đội chăn nuôi cũng được.

7. Ngày 17. Một cách vô thức, G ngồi xuống cái ghế xoay quen thuộc. Với tay lấy tờ giấy trên cùng. Ngân hàng đòi, nợ đã tới hạn. Biết rồi, gã lấy bút phê vào góc tờ giấy, chuyển phòng kế toán, đáo nợ đi, hàng chưa bán được lấy gì mà trả. Nhác thấy tờ giấy tiếp theo, G lại với tay cầm lên. Họp? Việc này phòng hành chính đi thay, gã lại ghi vào góc tờ giấy. Được một lúc, G phát hiện mình đã đọc được khối công văn giấy tờ. Có vẻ như cuộc phiêu lưu kết thúc. Không còn thằng bấm nút nữa.

Nhưng buổi sáng trôi qua nhạt phèo.

Mấy giờ rồi? Mười giờ. A, giờ này là giờ ăn của lũ chim, giờ này chắc cô bé đang cho chim ăn. Khỉ, phó giám đốc công ty nhớ giờ ăn của lũ chim trong vườn thú! Cái lũ gà tiền ấy chú ạ, khi con trống vè con mái, đuôi nó dựng lên, xòe hoa văn như đồng xu tròn, hay ơi là hay... Chúng nó yêu nhau rất tự nhiên, ghét nhau cũng rất tự nhiên. Ôi tự nhiên, sao khó thế? Anh ốm à, sao anh lại ngẩn ra thế? Cô tạp vụ hỏi làm G giật bắn người. Không - gã nói - Có việc gì thế? Cứ có việc gì mới vào thăm anh hay sao? - cô tạp vụ hỏi lại. Gã cười gượng gạo.

Buổi chiều. Giám đốc sang yêu cầu gã làm ngay mấy việc. Nhưng đến bốn giờ, gã lại nhấp nhổm không yên. Không có bánh rán thật khó chịu. G gọi cậu lái xe, bảo ra ngõ Yên mua cho tôi chục cái bánh rán.

Lát sau cậu lái xe về, bảo ở chỗ ấy chẳng có hàng bánh rán nào cả. Cậu có nhầm không đấy? Dân lái xe nhầm đường sao được! Hay nàng ốm? Vội vã, G vứt hết mọi thứ trên bàn, đứng lên, đi. Thây kệ hết.

G phóng xe đến nơi cũ, quả thật không thấy hàng bánh rán đâu. Gã ngẩn ngơ nhìn quanh. Gã lại lên xe đi một vòng xem nàng có bán ở chỗ khác không, không thấy, lại vòng về chỗ cũ. Cuối cùng không chịu nổi, G tiến đến ngôi nhà quen thuộc, nơi mọi ngày nàng vẫn đứng nhờ để bán hàng. Một ông già đang đứng ở cửa, tay cầm tờ báo, mắt nhìn đâu đâu. Gã lấy vẻ nhũn nhặn:

- Bác làm ơn cho tôi hỏi mọi khi trước cửa nhà mình có cô bé bán bánh rán, hôm nay bác có thấy không?

- Bánh rán à? Trước cửa nhà tôi xưa nay chưa hề có ai đứng bán bánh rán cả - ông già nói.

G sững người. Gã nhìn ông già như nhìn người ngoài hành tinh. Ông già cũng nhìn lại gã theo cái kiểu đó. Hai người nhìn nhau lúc lâu. Tay đang thọc vào túi quần, G thử bấu vào đùi mình. Chẳng thấy đau. Gã thấy lạ, rút hẳn tay ra khỏi túi quần, đàng hoàng trước mặt ông già cúi xuống bấu một cái khác vào đùi, thật mạnh, không đau, lại bấu một cái vào tay, cũng không hề thấy đau.

8. Vẫn ngày 17. Lẽ ra câu chuyện đến đây là kết thúc. G ra về, thấy hoang mang, tự hỏi phải chăng đây là câu chuyện hoang đường? Thằng bấm nút nào đó cố tình chơi khăm bắt gã phải gặp và mê cô bé bán bánh rán? Hay một trò chơi oái oăm? Sau gã tỉnh trí lại thấy buồn cười. Mình như thằng rồ. Một cô bé có nụ cười mê hồn như thế là không có thực, và gã muốn yêu một cô bé như thế là không thể. G quay về văn phòng. Lại ngồi trên cái ghế xoay êm ái. Gã nghĩ có thể gã vừa mới thiếp đi một giấc ngủ ngắn, tỉnh dậy, căn phòng vẫn thế, vẫn những công việc thường nhật và chán ngắt, chẳng có gì thay đổi.

Tuy nhiên, vốn G là người cố chấp, không cam chịu một kết thúc như vậy. Gã lại một lần nữa vứt hết giấy tờ sổ sách trên mặt bàn, đùng đùng đóng cửa đi ra khỏi cơ quan. Gã lại phóng xe đến ngõ Yên. Dừng xe, nhìn chằm chằm vào ngôi nhà ấy. Gã muốn gặp lại ông già để hỏi lại. Cánh cửa ngôi nhà mở rộng nhưng chẳng thấy ông già đâu. Một lát sau có một bà già tay cầm chổi đi ra. G quyết tâm tiến đến: “Ông có nhà không bà? Lúc nãy ông cầm tờ báo đứng đây, ông đâu bà nhỉ?”. “Ông nào? Nhà tôi toàn đàn bà. Ở đây chỉ có tôi thôi”. Hay nhỉ? Lại thế nữa? Ngẩn ngơ một lúc, gã hỏi: “Bà này, mọi khi trước cửa nhà mình có cô bé bán bánh rán, hôm nay bà có thấy không?”. “À, con bé con còi dí còi dị ấy à, mấy hôm nay nó nghỉ. Anh muốn mua bánh rán thì đến số nhà ấy ngõ ấy đường ấy, nhà nó ở đấy đấy”.

G sướng quá, quay xe. Nhưng đi được một đoạn đường, G đột ngột dừng xe. Vẫn ngồi trên xe, xe vẫn nổ máy, máy vẫn gài số, nhưng gã bần thần, mắt nhìn giời như lườm, chán tất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận