Nghĩ từ những cơn bão tuyết…

PHAN XUÂN LOAN 03/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Mùa đông 2021, tuyết rơi dày chưa từng thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Qua hình ảnh trên mạng xã hội của các Facebookers, có thể thấy cảnh người dân Mỹ, Âu vật vã chống chọi để duy trì sinh hoạt thường nhật. Một Facebooker ở Texas chụp ảnh trời lạnh đến độ nước rò rỉ từ trần nhà dột đã đóng băng luôn trên chiếc quạt trần. Vẫn theo lời anh, những người phải đi xét nghiệm virus corona khẩn đành quay về vì không đứng xếp hàng nổi nhiều giờ trong giá rét...

Tuyết tháng 2-2021 ở Tula, Nga. Ảnh: EPA

Bản tin thời sự trên menafn.com kể ở Bỉ phải nâng mức cảnh báo nguy hiểm do tuyết rơi dày và nhiệt độ xuống tới -13oC. Ở Hà Lan, các trường học cấp I sau sáu tuần đóng cửa vì virus corona, tuần từ 15 đến 21-2-2021 lại tiếp tục đóng cửa (ở Amsterdam, Rotterdam, Utrecht, The Hague...) vì các vấn đề giao thông mà bão tuyết gây ra cho hệ thống đường bộ và đường sắt...

Cuộc sống ở -13oC và -30oC

Nhưng gây chú ý nhất liên quan đến bão tuyết và đợt lạnh bất thường tháng 2-2021 có lẽ là câu chuyện ở bang Texas (Mỹ) đã làm 23 người chết và hơn 4 triệu người bị mất điện, khiến Texas phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Do mạng lưới turbine gió cấp điện bị đóng băng và Texas không hòa lưới điện liên bang nên các bang khác không thể cứu trợ, giá điện ở đây đã tăng 10.000%.

Và giọt nước tràn ly tại một thị trấn của bang này, Colorado City, lại là status trên Facebook hôm 16-2 của Thị trưởng Tim Boyd, người cho biết đã “quá mệt mỏi... trước những lời than khóc” và kêu gọi người dân tự tìm kiếm giải pháp thay vì chờ đợi chính quyền. “Mạnh sống, yếu thua” - Tim Boyd khẳng định “chính quyền không nợ dân bất cứ cái gì”, cho rằng tất cả là vì “chính phủ xã hội chủ nghĩa này đã khiến người dân tin rằng chỉ một ít cần làm việc còn những người khác chỉ việc ngồi chơi và chờ bố thí”.

Có lẽ không cần nói thêm về những phản hồi giận dữ của người dân Colorado City... Dĩ nhiên, đây chỉ là một “bước hụt chân” trong lúc quá mệt mỏi của vị đại diện chính quyền. Ngay tối hôm đó, Tom Boyd đã post một status thứ hai để xin lỗi “do một số lời lẽ” và cho biết coi như ông đã từ chức vì không nộp đơn tái tranh cử vào hạn chót 12-2, nên chỉ phát biểu với tư cách một công dân.

Có lẽ bản tin này sẽ trôi qua, nếu tôi không tình cờ đọc được một status của nhà văn Nga Zakhar Prilepin trước đó, sáng cùng ngày. Đọc tin về các xáo trộn sinh hoạt ở Hà Lan do bão tuyết, tuyết rơi dày tới hơn 10cm, Prilepin nói vui nếu ở châu Âu bão tuyết thường gây tắc đường, kẹt xe ... thì với người Nga, nhiệt độ và tuyết rơi như ở châu Âu hiện nay là “chuyện thường ngày” và “châu Âu mà rơi vào tình huống này (như thời tiết ở Nga hiện nay) chắc trụ không quá một tuần lễ”...

Ông kể ở ngôi làng ông đang sống (huyện Borsky, tỉnh Nizhegorodskaya - khá hẻo lánh vì trong làng chỉ có năm ngôi nhà), hiện tuyết rơi dày tới thắt lưng trong khi nhiệt độ xuống tới - 30oC. Nhưng cứ hai lần trong tuần, xe máy kéo lại đến xúc tuyết, dọn đường (trong khi thị trấn gần nhất cách ngôi làng tới 50km) và nếu có sự cố gì với điện thì ngay lập tức một đội sửa chữa sẽ đến giải quyết ngay, bất kể là ngày nghỉ hay đêm hôm khuya khoắt. Prilepin cũng cho rằng có thể không phải ở mọi nơi trên nước Nga đều như thế nhưng đó là những gì ông chứng kiến tại ngôi làng hoang vu của mình, có sao nói vậy.

Dưới status này, nhà báo - nhà văn D. Steshin cũng kể lại trong comment: “Tôi có thể dẫn chứng từ tuần trước, khi ở làng quê tôi họ ngưng dọn tuyết...Người hàng xóm nhắn tôi đừng về làng như dự định vì đường khó đi. Tôi lên trang web của chính quyền làng, vào phần khiếu nại nêu thắc mắc thì được đề nghị vào khiếu nại trong trang dịch vụ công của nhà nước ấy! Tôi bèn viết khiếu nại lên trang dịch vụ công đó lúc một giờ đêm. 

"Vào hai giờ đêm, lời than phiền được đánh dấu là “quản trị viên đã đọc”, đến ba giờ sáng khiếu nại chuyển sang trạng thái “đang được xem xét”. Và một ngày sau, hộp thư điện tử của tôi nhận được ảnh đường làng được dọn tuyết sạch sẽ, rải cát, kèm theo lời cảm ơn vì sự tích cực công dân”. Các comment tiếp đó cũng chỉ nhau các cách sử dụng chính quyền điện tử mà người dân Nga đánh giá là khá hiệu quả, nhất là vào thời phong tỏa vì corona.

Mùa đông Texas 2021

Thế giới VUCA

Chuyện thời tiết khắc nghiệt tận xa xôi ấy xảy ra ngay vào đầu năm mới âm lịch Tân Sửu, khi người Việt vừa đón xong cái tết cổ truyền trong không khí khá kỳ lạ, hư hư thực thực. Năm mới mà phải hạn chế đi chúc tết nhau, Sài Gòn - Cần Thơ có bao xa mà gia đình không thể đoàn viên nói chi tới Hà Nội, Hải Dương. Còn người đi tham quan đường hoa tuân thủ giãn cách, kiên nhẫn xếp hàng chờ... Virus corona đã thay đổi nhịp sống như thế đó, đâu chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.

Như nữ ca sĩ Mỹ Madonna nói, virus corona là “kẻ cân bằng vĩ đại”: bất kể bạn là ai, giàu và nổi tiếng, buồn cười hay thông minh đến đâu; bất kể bạn sống ở đâu, có thể phát biểu gì..., bạn vẫn có thể nhiễm bệnh và nếu kém may mắn sẽ bất lực hoàn toàn trước nó. Cường quốc như Hoa Kỳ vẫn phải lao đao, số người chết vì COVID-19 đến ngày 22-2-2021 đã lên đến 500.000 người (dân Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng số ca tử vong vì COVID-19 lên đến 20% toàn thế giới). 

Và trong khi người dân ở Việt Nam với GDP bình quân đầu người 2020 chỉ khoảng 3.500 USD (so với của Hoa Kỳ là 63.050 USD) nhưng đã thuộc lòng phương châm 5K và vũ điệu rửa tay duyên dáng của Quang Đăng từ năm COVID thứ nhất, thì đến những ngày đầu năm mới 2021 các nhà khoa học Mỹ mới khẳng định khẩu trang sẽ giúp hạn chế việc lây nhiễm...

Dĩ nhiên, nước Mỹ vẫn tiếp tục là siêu cường. Và chiến thuật ban đầu của cựu tổng thống Donald Trump trong việc đối phó với dịch bệnh chỉ là một bước sai lầm mà chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đang ra sức giải quyết hậu quả. Cũng như cuộc tranh cãi ở Thụy Điển về việc quá chú trọng đến yếu tố tâm lý và kinh tế trong chống dịch, khiến tỉ lệ tử vong khá cao so với các nước Bắc Âu khác, cuối cùng cũng ngã ngũ...

Bản tin The Local hôm 17-2 đã đăng khuyến cáo người dân Thụy Điển đeo khẩu trang! Dịch bệnh đã làm vỡ ra nhiều ảo tưởng về các xã hội tiên tiến và những nền quản trị từng hiệu quả. Những chấn động toàn cầu của đầu thế kỷ XXI buộc người ta phải nghĩ khác đi, nghĩ linh hoạt hơn, thoát khỏi những khuôn khổ quen thuộc mà họ cứ ngỡ là bất biến: không còn những thiên đường hoàn hảo trong kỷ nguyên bất định này.

Jorge Sanhueza-Lyon đứng trên bệ bếp của mình và sưởi chân trên bếp ga (16 /2 2021), ở Austin, Texas. Trời băng giá, lại mất điện, cư dân mạng Texas chỉ nhau cách giữ ấm. Ảnh:AP

Không ai có thể nói khi nào loài người vượt qua đại dịch corona này. Nhưng một điều chắc chắn là họ đang từng bước khống chế nó. Hoa Kỳ khẳng định đến cuối tháng 7-2021 sẽ tiêm vaccine cho tất cả người dân. Nga cũng đang tiến tới việc này, bất kể vaccine Sputnik V của Nga bị nghi ngờ, thậm chí EU còn đòi đến kiểm tra các cơ sở chế tạo vaccine trước khi chấp thuận nó. Việt Nam sẽ nhập lô vaccine đầu tiên AstraZeneca vào cuối tháng 2-2021 để tiêm cho năm triệu người, cùng lúc với việc tiến hành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax và xúc tiến các vaccine “Made in Vietnam” khác.

Quốc gia nào rồi cũng sẽ đến vạch đích, nhanh hay chậm. Quan trọng hơn là với cái giá nào và thiệt hại bao nhiêu sinh mạng. Nếu điều này còn khá mơ hồ trong năm COVID thứ nhất - khi tất cả đều bối rối, vừa chạy đua chế tạo vaccine vừa chữa trị triệu chứng, tranh cãi nhau nên cho miễn dịch cộng đồng hay phải phong tỏa, thì sang năm COVID thứ hai, mọi thứ đã tỏ tường hơn. Tỉ lệ người chết vì đại dịch trên đầu dân ở cột mốc hoàn tất tiêm chủng vaccine cho toàn dân có lẽ là đáp án khả thi.

Trở lại câu chuyện bão tuyết ở trời Tây: Nếu thị trưởng Mỹ Tom Boyd sống ở ngôi làng của nhà văn Nga Prilepin, hẳn ông sẽ không phê phán cách quản trị “xã hội chủ nghĩa”! (Dĩ nhiên, đó là nói kiểu ví von thôi, vì Nga không còn là đất nước xã hội chủ nghĩa nữa và cách quản trị của chính quyền Texas cũng không phải xã hội chủ nghĩa). Chỉ là thế giới 2021 đã khác lắm rồi. 

Một thế giới mà theo định nghĩa của Fulbright Việt Nam đó là “VUCA - một thế giới được đặc trưng bởi tính biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity)... mà những tư duy cũ, mô hình và trật tự tổ chức cũ sẽ không thể giúp chúng ta sống sót trong một thế giới đã hoàn toàn khác trước”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận