Người Trung Quốc ở Myanmar

HỮU NGHỊ 31/08/2011 03:08 GMT+7

TTCT - Quan hệ hợp tác Trung Quốc - Myanmar được xem là khuôn mẫu “thuận thảo” ở Đông Nam Á qua các hình thức như viện trợ, tín dụng, trao đổi thương mại, văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng... và tất nhiên trao đổi bằng con người. Những trao đổi này không mới mẻ gì, đã qua bao thế kỷ vui buồn lẫn lộn.

Phóng to
Không làm việc ở các dự án do phía Trung Quốc thực hiện, nhiều người dân Myanmar chỉ biết vào rừng kiếm củi hoặc hái măng - Ảnh: Reuters

Khác với ở một vài nước mà người lao động giản đơn Trung Quốc cũng được đưa sang làm việc, ở Myanmar lao động Trung Quốc thường là giới kỹ thuật sang chỉ huy công nhân bản xứ.

Chuyên gia Trung Quốc, lao động Myanmar

Theo thỏa thuận song phương giữa hai nước, dự án đường ống dẫn dầu khí do các kỹ thuật viên và lao động Trung Quốc tiến hành. Song lao động Myanmar cũng được mướn vào làm dự án này. Một lao động người làng Kadi cho biết: “Do không có chuyên môn kỹ thuật nên tôi nhận làm công việc cắt sắt rồi vác các tấm sắt đó... Trước kia, tôi chỉ kiếm sống bằng cách vô rừng kiếm củi hoặc hái măng. Nay nhờ dự án này tôi đã có thể gửi về cho gia đình khoảng trên 400 USD hồi tháng trước”.

Có thể do chính quyền các cấp ở Myanmar biết cách thực thi các hiệp định song phương chặt chẽ hơn và không tự mình chê nhân lực của mình là ngu dốt, thiếu kỷ luật... nên công việc giản đơn vẫn do lao động Myanmar đảm trách. Cũng có thể do thực thi nghiêm các hiệp định song phương nên người lao động Trung Quốc ở đấy cũng “quý tộc” hơn chớ không lam lũ như ở nơi khác. Một công nhân người Myanmar khác kể: “Công việc cũng không cực lắm, song mấy ông chuyên gia không chịu nổi nắng chiều. Tới chiều là mấy ổng vô phòng máy lạnh nghỉ”(1).

Trong lĩnh vực dầu khí cũng thế. Từ khi ngành dầu khí Trung Quốc bước chân vào Myanmar từ năm 2004 đến nay, đặc biệt sau khi dự án đường ống dẫn dầu và khí được khởi công từ năm 2007, các công ty Trung Quốc luôn tự khoe là “đảm nhận một cách trọn vẹn các trách nhiệm xã hội” của mình, nên “được dân chúng địa phương quý mến và tôn trọng”. Đặc biệt trong công trình xây dựng bến tàu chuyên dụng cho đường ống dẫn khí, khởi công từ ngày 1-12-2009 đã có đến 1,2 triệu lượt ngày công do người Myanmar đảm trách, chiếm hơn 70% khối lượng lao động (2).

Nỗi lo từ xung đột, nổi loạn

Tất nhiên, tất cả không phải đều là màu hồng. Vào đầu tháng 8 này, ba kỹ sư người Trung Quốc làm việc tại một công trường xây dựng thủy điện khổng lồ mang tên đập Tasang (chủ đầu tư là Tập đoàn đập Tam Hiệp - China Three Gorges Project Corporation) cùng một thông dịch viên, bị bắt cóc từ ngày 9-5 năm nay, đã được một nhóm phiến loạn người thiểu số Shan trả tự do.

Nhóm này cho biết sở dĩ họ đã bắt những kỹ sư Trung Quốc làm con tin rồi thả ra là để bày tỏ ý không đồng tình với việc xây dựng đập Tasang trong khu vực mà họ sinh sống từ bao đời qua, khiến hàng ngàn dân thiểu số người Shan phải bị di dời.

Được biết đập Tasang khi hoàn thành sẽ là con đập lớn nhất Đông Nam Á và sông Salween, trước khi dự án đập Tasang khởi công, còn nổi tiếng là con sông dài nhất Đông Nam Á còn chưa bị đắp đập ngăn sông (3). Tất nhiên đập Tasang không phải là con đập đầu tiên, cũng không phải là con đập cuối cùng được các kỹ sư và công nhân Trung Quốc xây ở Myanmar.

Ba kỹ sư Trung Quốc kể trên được thả hôm 8-8 thì mười ngày sau, Reuters đưa tin có đến hơn 200 người lao động Trung Quốc đã hồi hương từ Myanmar sau khi Nhà máy thủy điện Tarpein mà họ đang làm việc trong tỉnh Kachin, ở biên giới phía bắc sát với Trung Quốc, bị loạn quân Kachin tấn công. Hóa ra tin mà Reuters mới đưa cuối tuần trước là một tin “mới” về một sự kiện cũ mà nay mới được tiết lộ: vụ tấn công trên đã khiến nhà máy phải tạm ngưng hoạt động từ hôm 14-6 sau khi toàn thể 215 lao động Trung Quốc lần lượt về nước từ ngày 9 đến 14-6.

Reuters cũng cho biết sau vụ này, đại sứ Trung Quốc Lý Quân Hoa tại Myanmar đã gặp các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng biên giới Myanmar, song không rõ chi tiết các cuộc gặp. Dẫu sao cũng có thể đoán được vấn đề qua câu kết luận mẩu tin này của Reuters: “Nguy cơ lan rộng chiến sự tại khu vực biên giới dày đặc binh sĩ là một mối lo ngại đối với Trung Quốc, vốn đang xây các đường ống dẫn dầu và khí băng qua quốc gia Đông Nam Á này nhằm cải thiện an ninh năng lượng của mình”(4).

Sở dĩ Trung Quốc quan ngại việc nổi loạn của những phe ly khai thiểu số ở Myanmar là do, hơn ai hết, Trung Quốc cần một Myanmar yên ổn ngay sát biên giới phía tây nam của mình bởi ở các tỉnh biên giới đó của Myanmar, hàng loạt đập thủy điện đã và đang được các công ty Trung Quốc xây dựng và khai thác. Càng nổi loạn, càng có nhiều vụ đánh bom phá hoại các công trình thủy điện “hái ra tiền” đó càng làm nổi lên làn sóng bài Hoa. Thành ra có những vụ nổi loạn được Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Tháng 9-2009, khi giao tranh xảy ra giữa người Kokang với quân đội Myanmar, hàng chục ngàn người Kokang đã rời đất nước và Trung Quốc “mở cửa biên giới” cho họ lánh nạn, đồng thời lên án việc Myanmar đàn áp họ. Tháng 6 năm nay, khi người Kachin nổi loạn, Trung Quốc khóa chặt biên giới tuy cũng vẫn yêu cầu Chính phủ Myanmar sớm vãn hồi tình hình... Khác biệt ở chỗ người Kokang là một nhóm người thiểu số ở Myanmar gốc Hán, còn người Kachin thì không (5).

Trong thực tế của Myanmar ngày nay, hòa giải với các nhóm người thiểu số Kachin, Karwn, Kokang, Shan, Wa... đòi ly khai cũng là điều mà chính quyền Thein Sein, mới được Quốc hội Myanmar bầu lên ngày 4-2-2011 thay cho các tướng lĩnh vốn liên tục cầm quyền từ năm 1962, rất quan tâm. Tuần trước, Chính phủ Myanmar vừa kêu gọi các nhóm thiểu số nổi loạn sớm nói chuyện thương thảo với chính phủ. Trước kia, dưới trào các tướng lĩnh cầm quyền cũng đã có mấy lần ngưng bắn song chưa từng đi đến một thỏa thuận hòa giải nào (6).

Phóng to
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Bắc Kinh ngày 27-5-2011 - Ảnh: xinhua

“Lợi ích hỗ tương”

Có một thực tế là việc dân sự hóa bộ máy chính trị ở Myanmar rất được Trung Quốc ủng hộ. Trong một phỏng vấn độc quyền của Tân Hoa xã trước chuyến công du ra mắt của Tổng thống dân sự Thein Sein, đại sứ Lý Quân Hoa đã phát biểu: “Trung Quốc và Myanmar liền sông liền núi với nhau, đã có được một mối quan hệ bầu bạn từ hàng ngàn năm qua. Chuyến viếng thăm này của tổng thống Myanmar cùng với việc ký kết hàng loạt hiệp ước thỏa thuận khung, báo trước vai trò quan trọng hơn nữa của tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại... vì lợi ích hỗ tương...”(7).

Trung Quốc cần một Myanmar yên ổn ngay sát biên giới phía tây nam của mình bởi ở các tỉnh biên giới đó của Myanmar, hàng loạt đập thủy điện đã và đang được các công ty Trung Quốc xây dựng và khai thác.

Có thể hiểu rõ hơn phát biểu trên qua bài báo của The Economist tháng 9 năm ngoái về chuyến viếng thăm Trung Quốc của lãnh đạo Myanmar lúc đó là tướng Than Shwe: “Chuyến thăm diễn ra khi hoạt động kinh tế giữa hai nước đang tăng cao. Nội năm nay thôi, Trung Quốc đã đầu tư hơn 8 tỉ USD vào Myanmar, bằng 2/3 tổng số vốn đầu tư trong hai thập niên trước gộp lại, chủ yếu là khí đốt, dầu hỏa, dự án thủy điện liên doanh...”(8). Song đó không phải là lý do chủ yếu của tướng Than Shwe trong chuyến đi.

The Economist cho biết thêm: “Bàn về thương mại và năng lượng xong, các nhà lãnh đạo Myanmar và Trung Quốc nhất định còn bàn chủ yếu về chính trị. Myanmar đang chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử lần đầu tiên sau hai thập niên - điều đó sẽ dẫn đến thay đổi trong giới lãnh đạo. Tìm được một đảm bảo sự hậu thuẫn của Trung Quốc cho một tiến trình mà nhiều người “ngoại cuộc” sẽ còn lên án còn lâu mới chính đáng là rất quan trọng cho các quân nhân đang lãnh đạo Myanmar.

Ưu tiên của Trung Quốc không phải là sự cải cách (đó), mà là sự ổn định trật tự ở Myanmar, nhất là dọc biên giới dài với Trung Quốc, vốn là cái nôi của nhiều nhóm dân quân thiểu số. Các vụ xung đột dữ dội năm ngoái đã đẩy hàng chục ngàn người tị nạn vượt biên giới sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cũng quan trọng đối với Bắc Kinh là các quan hệ quân sự cùng việc mở nhiều cảng dọc theo bờ biển Myanmar trên vịnh Bengal. Cho Trung Quốc một lối ra Ấn Độ Dương sẽ là một lợi ích chiến lược lớn lao”.

Quan hệ Trung Quốc - Myanmar cũng vào hàng chiến lược, cho dù không hẳn ở Myanmar xã hội đa sắc tộc đã chịu đồng thuận với các chính sách hợp tác song phương. Song rõ ràng ở đây, Trung Quốc có những quan tâm “trau chuốt” hơn.

__________

(1) Local workers employed in Myanmar-China Oil and Gas Pipeline Project, Reported by Min Thant + Zaw Htay Lwin
(2) China Petroleum and social responsibility in Myanmar, 2011-4-20 China National Petroleum News
(3)
http://www.dvb.no/news/shan-militia-frees-chinese-workers/17041
(4) Chinese workers flee Myanmar fighting: report. Reuters, Fri, Aug 19 2011
(5) Violence By Ethnic Kachins Threatens Burma China Relationship, Posted by John J. Xenakis Jun 19th 2011
(6) Myanmar government urges peace talks with ethnic rebels. Reuters, Thu Aug 18, 2011
(7) Exclusive interview: China-Myanmar relations head for new high: ambassador; Xinhua 2011-05-25
(8) China’s relations with Myanmar, The Economist Sep 9th 2010

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận