Nhiều phụ huynh nghĩ sai

VĨNH HÀ 21/10/2012 15:26 GMT+7

TTCT - Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với TTCT về vai trò phụ huynh trong giáo dục.

Nhiều phụ huynh nghĩ sai - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bình - Ảnh: Vĩnh Hà

Bà Nguyễn Thị Bình nói: Nếu trước đây cha mẹ thường mong muốn "con được học hành nên người" thì nay một bộ phận lớn các bậc cha mẹ đặt ra cái đích cho con là "học để đạt điểm cao, để vào được đại học và có bằng cấp".

Sự lệch lạc như vậy trong nhận thức về giáo dục của các bậc cha mẹ đã tạo ra sự cộng hưởng giữa gia đình và nhà trường trong "căn bệnh thành tích", khiến không ít bậc cha mẹ học sinh góp sức hoặc làm ngơ trước tiêu cực trong các nhà trường.

Để tránh tình trạng chệch hướng, điều cốt lõi là dạy và học làm người, làm người lương thiện, làm công dân có trách nhiệm, tôi muốn nhấn mạnh điều này, chứ không thể lấy thi cử và bằng cấp làm cứu cánh.

Một khi đã xác định mục đích của giáo dục là dạy và học làm người thì gia đình có vai trò rất quan trọng. Yêu thương con người, trung thực trong lời nói, việc làm và trọng lẽ phải trong quan hệ ứng xử chính là cái gốc của nhân cách mà gia đình có thể và cần phải hình thành, nuôi dưỡng ở trẻ em từ tuổi ấu thơ.

Đến tuổi đi học, để trẻ em phát triển nhân cách, rất cần bảo đảm sự thống nhất về mục đích giáo dục giữa nhà trường và gia đình. Ta thường nói cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Tôi nghĩ cốt lõi của môi trường giáo dục là sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa nhà trường và gia đình. Ở trường học, các thầy cô phải làm gương, ở nhà thì bố mẹ phải làm gương. Nếu thầy, cô giáo và bố mẹ làm điều gì đó khuất tất, không chính đáng hoặc "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì việc giáo dục sẽ mất tác dụng.

* Nhiều ý kiến cho rằng nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có phần trách nhiệm từ phía cha mẹ học sinh do quan điểm giáo dục không đúng. Nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh còn là cầu nối cho tiêu cực phát sinh. Bà có chia sẻ góc nhìn này?

- Đây chính là điều tôi muốn nói và muốn cơ quan truyền thông có tiếng nói mạnh mẽ. Thời gian qua, khi đề cập đến tiêu cực trong các nhà trường, dư luận mới chỉ phản ảnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, của giáo viên. Dĩ nhiên, khi chất lượng giáo dục yếu kém, dạy thêm học thêm tràn lan gây áp lực, quá tải cho con trẻ, lỗi trước tiên là thuộc nhà trường, thầy cô giáo. Nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Nhiều cha mẹ học sinh vì muốn con được điểm cao, đạt danh hiệu học sinh giỏi, được vào đại học, có bằng cấp nên chấp nhận những giải pháp tiêu cực. Bên cạnh các trường hợp vì tình thế bắt buộc, cha mẹ học sinh không cưỡng lại được với cách làm của nhà trường thì cũng không ít trường hợp cha mẹ đồng tình với việc nhồi nhét kiến thức cho con em, chấp nhận chuyện chạy trường, chạy cô, mua điểm, mua bằng...

Một bộ phận có điều kiện kinh tế khá giả đã cho rằng có thể dùng tiền để đạt được những gì họ muốn. Nhiều người muốn con mình đi học phải được hưởng những điều kiện tốt nhất có được bằng tiền, rồi xử lý quan hệ với thầy cô, với nhà trường cũng bằng tiền. Những phụ huynh có quan niệm như thế một khi có cơ hội tham gia các ban đại diện cha mẹ học sinh thường không thực hiện đúng nhiệm vụ quy định, thậm chí còn tiếp tay cho nhà trường thực hiện các việc tiêu cực để đạt được lợi ích không thật chính đáng cho con em mình.

* Với định hướng đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, theo bà, vai trò của phụ huynh, hội phụ huynh cần được quan tâm và thể hiện như thế nào?

- Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức do cha mẹ học sinh cử ra để phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em. Là đại diện cho cha mẹ học sinh, ban đó có trách nhiệm phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cha mẹ học sinh, mà cốt yếu là quyền và lợi ích của con em, bảo đảm cho con em được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, trung thực và lành mạnh.

Nếu nói về mô hình thì cần phải gắn cái mô hình của ban đại diện cha mẹ học sinh với mô hình của nhà trường - tổ chức học tập nền tảng, kết quả của việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống mở, giáo dục nhà trường phổ thông là nền tảng học tập suốt đời. Như vậy ban đại diện cha mẹ học sinh chính là giải pháp gắn kết nhà trường với gia đình và cộng đồng.

Cần có cái tâm

Giữa tình hình chung của nhiều hội phụ huynh đi chệch hướng, cách làm của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 7A1 Trường Chu Văn An (Hà Nội) rất đáng tham khảo.

Anh Phạm Ngọc Trung, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 7A1, chia sẻ: "Chúng tôi luôn lập kế hoạch rất chi tiết cho các khoản thu - chi để phụ huynh xem cùng bàn bạc. Quan điểm chung là không phải thu bao nhiêu mà là mình hoạt động ra sao, có thiết thực đối với các con và mục đích giáo dục không".

Theo anh Trung, để tránh tình trạng phụ huynh không hài lòng, thắc mắc nhưng không dám phản đối, kết thúc năm học trước, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã làm phiếu thăm dò gửi đến từng phụ huynh, để họ thoải mái đánh giá mà không nêu danh tính về các hoạt động của hội cha mẹ học sinh, kết quả thăm dò được công khai tại cuộc họp phụ huynh để cùng thảo luận và rút kinh nghiệm... Mỗi năm, hội cha mẹ học sinh lớp 7A1 phát động 2-3 đợt thi đua để các học sinh cùng phấn đấu, tự chấm điểm và bình bầu, tự đặt ra phần thưởng. Vì vậy, học sinh rất phấn khởi vì có cảm giác được tôn trọng.

"Hồi con tôi học cấp I, kết thúc học kỳ, cô giáo có nói là anh làm ban đại diện rất nhiệt tình, nhưng cậu con lại hơi nghịch, xếp loại cháu là học sinh giỏi cũng được nhưng cô hơi băn khoăn. Tôi nói với cô: Xin cho cháu nó là học sinh khá! Vì quan điểm của tôi là cô chỉ quyết được năm nay thôi, còn sang năm, rồi tiếp theo và cả cuộc đời của cháu thì sao? Kết quả là con tôi quyết tâm hơn, giờ cháu học rất khá! Để hội cha mẹ học sinh hoạt động tốt thì những người tham gia phải có cái tâm, đừng đặt lợi ích của con mình vào đó và phải làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích của thầy cô và học sinh, đặc biệt là các hoạt động để con em họ hăng hái hơn trong học tập. Như thế, chắc chắn phụ huynh sẽ ủng hộ" - anh Trung khẳng định.

(VĨNH HÀ ghi)

Nghĩ từ 10.000 quỹ hội...

Con vào lớp 1, tôi thành "trưởng đại diện chi hội phụ huynh lớp" và nhiệm vụ đầu tiên là lắng nghe phụ huynh phản ảnh những ý kiến đầu năm học với nhà trường. Khác với các trường khác đang bị "la ó" vì tiền hội phí hội cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh trường con tôi (một trường điểm ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) chỉ đề nghị thu ở mức 10.000 đồng/tháng và công khai rất rõ những hạng mục phải chi.

Bậc tiểu học là nơi con cái bạn làm quen với môi trường xã hội ở cấp độ nhẹ nhàng nhất. Nhưng đó vẫn cứ là một xã hội đủ hỉ nộ ái ố, có những bất công, và cha mẹ nào cũng lo lắng cho con mình. Sự có mặt của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học chính là để một mặt giúp con cái an tâm hơn trong việc học, mặt khác giúp thầy cô giáo hoàn thành trách nhiệm giáo dục và hạn chế phần nào những xung đột, bất công nếu có trong nhà trường với học sinh.

Một sự độc lập ở mức tương đối với những yêu cầu của nhà trường về vật chất, đặc biệt là các khoản thu không nhằm mục đích phục vụ cho học tập, là điều mà một ban đại diện cha mẹ học sinh "chuẩn" cần hướng đến. Không chỉ vậy, họ còn phải cân nhắc và thấu hiểu được hoàn cảnh của các cha mẹ học sinh khác để không đưa ra những khoản thu bất hợp lý và quá sức chịu đựng của phụ huynh.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, đặc biệt là khi các trường không được thu phí cơ sở vật chất, một số trường gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cấp cơ sở vật chất của trường: sân tập thể dục hư hỏng, thư viện bong tróc, bãi giữ xe lầy lội hoặc đơn giản là rèm che nắng cho học sinh với những phòng học hướng tây bị nắng chói gắt.

Với những trường học này, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khá vất vả khi tìm kiếm một nguồn tiền để hỗ trợ nhà trường vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đóng góp. Lúc này, vai trò xã hội hóa giáo dục nên được đặt ra và ban đại diện cha mẹ học sinh cần tìm kiếm những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả để vận động họ có thể đóng góp tự nguyện về tài chính hoặc vật liệu để giúp trường sửa chữa cơ sở vật chất, phục vụ cho việc học của các cháu tốt hơn.

Nhưng một ban đại diện cha mẹ học sinh có "phong cách chuẩn", nhất thiết đừng quên việc chính của mình là sát cánh với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục trẻ, lắng nghe phản ảnh của các phụ huynh về việc học tập, tiến bộ hay sa sút của từng trẻ và chuyển những phản ảnh đó lên nhà trường để hai bên kịp thời phối hợp điều chỉnh trong việc giáo dục trẻ. Làm được những điều này chắc chắn các phụ huynh sẽ phải dành không ít thời gian, công sức và cả tài chính. Thế nhưng, cũng như yêu con vậy, yêu con đúng cách không hề dễ dàng và làm cha mẹ thật sự cũng khó khăn như thế!

HỒNG HẠNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận