Nhìn lại một năm kinh tế sóng gió

H.MINH 20/01/2023 09:53 GMT+7

TTCT - Theo dõi sát sao nền kinh tế Việt Nam một năm qua, tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn còn có lợi thế của nhà phân tích nhìn từ bên ngoài để có những đối chiếu với kinh tế thế giới và kinh nghiệm thực tiễn của một nhà đầu tư.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn.  Ảnh: bristol.ac.uk

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn. Ảnh: bristol.ac.uk

Ông trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về một năm đã qua và những triển vọng sắp tới của kinh tế VN.

Thưa ông, viễn cảnh lạm phát cao - lãi suất cao làm suy yếu mong muốn đầu tư của doanh nghiệp, gây khó khăn về vốn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, sẽ còn kéo dài bao lâu?

- Hầu hết các tín hiệu đến cuối 2022 cho thấy lạm phát bắt đầu hạ nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới - Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tiến trình này sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu 2023. Số liệu lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm mạnh từ cuối quý 2-2023, khi bắt đầu được so sánh với giai đoạn giá cả bắt đầu tăng chậm lại cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lãi suất có thể không giảm nhanh như lạm phát vì các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đảm bảo lạm phát xuống đến mức mục tiêu, như Mỹ muốn kéo lạm phát từ trên 8% xuống xung quanh 2-2,5%.

Về phía VN, câu chuyện có thể khác ở chỗ đợt tăng lãi suất mạnh kể từ tháng 10 có yếu tố gây sốc, khi thanh khoản đột nhiên bị siết chặt trên hầu hết các thị trường, do cú sốc SCB - Vạn Thịnh Phát và trái phiếu doanh nghiệp, mà chủ yếu là bất động sản. 

Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn phức tạp trong năm 2023, nhưng ít ra khi không có cú sốc đột ngột, lãi suất có thể dễ thở hơn. 

Dù vậy, việc vay vốn của các công ty dự kiến vẫn không dễ dàng vì tình hình bất định sẽ khiến Chính phủ kiểm soát chặt mục tiêu tín dụng và buộc các ngân hàng phải thận trọng. 

Khi lãi suất chính sách của đô la Mỹ dự kiến ở mức 5% hoặc hơn trong một thời gian dài, thì lãi suất tiền đồng khó giảm sâu và thanh khoản vẫn sẽ căng thẳng.

Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế VN về dưới 7% trong năm 2023. Nhiều người còn bi quan rằng duy trì mục tiêu tăng trưởng trên 6% đã rất thử thách. 

Nhận định này là phù hợp trong bối cảnh sức mua và hoạt động sản xuất trên thế giới đều đang sụt giảm, lãi suất tăng, thị trường toàn cầu ở thế phòng thủ.

Nhìn lại một năm kinh tế sóng gió - Ảnh 2.

Sau một năm tăng nóng, lạm phát ở Mỹ được dự báo sẽ hạ nhiệt vào năm 2023. Ảnh: Bitcoin.com

2022 là một năm thị trường tài chính VN gặp nhiều trục trặc, đến mức ông từng nói tới sự đổ vỡ niềm tin. Liệu có hy vọng niềm tin của giới đầu tư sẽ trở lại vào năm tới? Ông có thể nghĩ tới những kịch bản như thế nào, từ tiên liệu xấu nhất tới tốt nhất?

- Tôi cho rằng thời điểm xấu nhất của năm trước là giai đoạn tháng 10 và 11, khi nhiều cú sốc liên tục diễn ra nằm ngoài dự đoán của thị trường, như SCB - Vạn Thịnh Phát. Mấu chốt vấn đề là ở sự bất ngờ, tốc độ diễn tiến nhanh và thị trường "không còn ai tin nhau". 

Có nhiều thứ nằm ngoài khống chế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên sang năm 2023, NHNN đã có kinh nghiệm ứng phó hơn, tốc độ tăng lãi suất dự kiến của Mỹ cũng sẽ không nhanh và bất ngờ như 2022, và cũng hy vọng không có những cú sốc đột ngột như Vạn Thịnh Phát nữa.

Nếu những hy vọng đó thành hiện thực, tôi không lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, suy giảm tăng trưởng gần như là chắc chắn ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. 

Với độ mở, sự phụ thuộc vào xuất khẩu và vốn ngoại, kinh tế VN ắt cũng bị ảnh hưởng. Quy mô ảnh hưởng thế nào lại phụ thuộc vào độ linh hoạt của các chính sách điều hành tiền tệ và tài khóa. 

Trong trường hợp xấu nhất thì tình trạng như giai đoạn tháng 10-2022 tái diễn, tức "không ai tin ai" trên thị trường tiền tệ, căng thẳng thanh khoản sẽ lại diễn ra. Tuy nhiên, tôi nghiêng về khả năng lạc quan hơn, vì NHNN và các tổ chức tài chính đã có kinh nghiệm ứng phó.

Điều quan trọng hơn hết là chúng ta vẫn thấy những con số tăng trưởng, và tình hình chung vẫn có điểm sáng, dù một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội địa, sẽ gặp nhiều khó khăn vì nội lực tích lũy để chống chọi của họ đã bị Covid-19 bào mòn và gần như đã cạn khi chống chọi những khó khăn các tháng cuối 2022. 

Đây là lúc cần các chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Điều đáng lo ngại là chi phí đầu vào cho sản xuất như xăng dầu hay điện vẫn có khả năng còn tăng giá, tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp. Năm 2023, Chính phủ cần nỗ lực hóa giải những khó khăn này và có giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông có dự báo gì về tỉ giá trong năm tới? Các kinh tế gia tự do nói chung thường ủng hộ thả nổi tỉ giá có điều tiết, hoặc thả nổi hoàn toàn, nhưng liệu một chính sách như vậy có khả thi trong điều kiện VN?

- Dự báo tỉ giá là điều khó khăn. Nhưng tôi có thể bàn về vài vấn đề. Nói chung, VN vẫn được nhìn nhận là điểm đầu tư hấp dẫn vì vĩ mô ổn định, gồm tỉ giá. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN cũng ít nhiều hưởng lợi, không quá tốn chi phí phòng ngừa rủi ro tỉ giá như ở nhiều nước khác, vì vậy ổn định tỉ giá có lợi ích của nó.

Việc thả nổi hoàn toàn, hoặc như một số đề xuất là để tiền đồng mất giá mạnh nhằm hỗ trợ xuất khẩu không đảm bảo giúp tăng giá trị gia tăng của xuất khẩu (vì nhiều hàng hóa xuất khẩu của VN vẫn dựa trên lượng lớn giá trị đầu vào nhập khẩu), và hiện hơn 70% thị phần xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI, thì thả nổi tỉ giá rốt cuộc sẽ hỗ trợ cho ai?

Ảnh: eig.org

Ảnh: eig.org

Trong khi đó, những cú sốc về tỉ giá mạnh (chiều hướng chung của VND vẫn là giảm giá so với USD) có thể gây bất ổn lớn hơn đến hành vi tích trữ vàng, đô la, tháo chạy vốn. Vì vậy, cần cho phép tỉ giá biến động trong biên độ đủ linh hoạt, và không nên đặt mục tiêu quá chặt là đồng tiền mất giá bao nhiêu phần trăm một năm. 

Thay vào đó, quan điểm nhất quán làm kim chỉ nam nên là đảm bảo vĩ mô ổn định, không xáo trộn lớn về tỉ giá. Rồi từ đó, trong khả năng của dự trữ ngoại hối và các công cụ can thiệp khác, đảm bảo độ ổn định này được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. 

Cũng cần duy trì quan điểm "ổn định chứ không bất động" - tỉ giá biến động 3-5% một năm là bình thường.

Tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy cũng phù hợp với những nghiên cứu mới về tỉ giá, vốn cho rằng những gì được dạy trong kinh tế học thập niên 1980, 1990 về tỉ giá đã đơn giản hóa quá nhiều yếu tố - khi những "chi phí" được tính đủ thì lợi ích của tỉ giá thả nổi hoàn toàn, hay phá giá nội tệ hỗ trợ xuất khẩu, không còn đúng. 

Tác động sẽ chỉ phát huy khi có nhiều điều kiện đi kèm, như dư thừa công suất, nhu cầu không giới hạn với sản phẩm...

Trong điều kiện VN còn một vấn đề khác là môi trường kinh doanh có thể khiến hầu hết lợi ích từ xuất khẩu chảy về các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm đa số thị phần (từ dưới 50% những năm 1990 lên trên 70% hiện nay). 

Vì vậy, điều hành tỉ giá VN hiện vẫn nên hướng về ổn định, nhưng không bất động. Đó có vẻ cũng đang là định hướng của NHNN. Do đồng đô la Mỹ được dự báo sẽ còn tăng lãi suất nhưng không nhiều, VN càng có cơ hội để giữ đồng tiền ổn định trong năm tới.

* Ông đánh giá ra sao về những can thiệp từ các chính sách tiền tệ và tài khóa của Nhà nước năm vừa qua? Những gì là hợp lý và những gì còn có thể làm tốt hơn?

- Tôi cho rằng về phía chính sách tiền tệ thì đã làm tốt, tuy có một số trục trặc trong giai đoạn tháng 10 và 11-2022, nhưng đó là thời điểm nhiều biến cố bất ngờ, còn lại trong cả năm thì đã thích ứng tốt với biến động phức tạp của thị trường thế giới. 

Về mặt tài khóa, vẫn còn nhiều dư địa cải thiện, trong đó then chốt là giải ngân đầu tư công - động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của VN năm 2023.

Có thể nói năm 2022, chính sách tiền tệ đã gánh quá nhiều và giữ vai trò quá trung tâm. Tài khóa phải chia sẻ gánh nặng đó cho năm tới. Sức ép minh bạch hóa dữ liệu tài khóa, đưa ra dự báo ngân sách, kế hoạch chi và tiến độ thực chi phải được tăng cường. 

Nếu so với nhiều nước, như nước Anh tôi đang sống hay Mỹ, có thể thường xuyên thấy những đợt công bố và tranh luận về ngân sách nảy lửa ở quốc hội. Ở VN thì Bộ Tài chính vẫn thoải mái hơn nhiều, đó là điểm còn có thể "hâm nóng" hơn.

Cho năm tới, theo ông thì dư địa can thiệp của Nhà nước còn tới đâu? Những chính sách nào mà ông nhìn nhận sẽ là quan trọng nhất để vừa giữ các thị trường ổn định, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thực chất?

- Tôi nghĩ chính sách tiền tệ đã đạt tới giới hạn và đang phải gánh quá nhiều mục tiêu: tăng trưởng, lạm phát, ổn định tỉ giá, đảm bảo thanh khoản. 

Thống đốc NHNN nói năm 2022 đã giải quyết được 3 bài toán khó, nhưng những bài toán nên được chia sẻ bởi chính sách tài khóa, như hỗ trợ vốn, thanh khoản cho nền kinh tế, thông qua giải ngân đầu tư công tốt hơn, đưa dòng tiền đi vào lưu thông, thúc đẩy quá trình "tạo tiền".

Ngoài ra, doanh nghiệp khó khăn là sự thật, cần một chính sách hỗ trợ thiết thực, "tiền tươi thóc thật" và gỡ rối thực chất về mặt pháp lý. Doanh nghiệp cần tiền, nhưng môi trường kinh doanh mới là quyết định. 

Trong lúc vừa phải "chạy tiền" lo tồn tại, mà còn bị "hành" bởi nhiều quy định vô lý thì ai mà chịu nổi. Cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn phải là chính sách trọng tâm.■

Theo đánh giá của ông, thị trường bất động sản đang ở tình trạng ra sao, và tác động ở mức độ nào tới nền kinh tế chung? Liệu nói tới một chính sách "giải cứu bất động sản" có phải là bất công về mặt thị trường, hay đó là tình thế "quá lớn không thể để sụp đổ"?

- Thị trường bất động sản tác động thế nào tới toàn bộ nền kinh tế VN vẫn là câu hỏi không có câu trả lời suốt năm 2022. Đây là điều đáng ngạc nhiên, trong khi nhiều nước đều có ước tính để ra chính sách phù hợp, thì với VN, tới giờ vẫn không có con số chính thức nào được đưa ra. Đây là điều khó hiểu trên phương diện làm chính sách.

Ảnh: Realtor.com

Tuy nhiên, tham khảo nhiều nước xung quanh, tác động rộng của thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng tới

20-35 ngành nghề, ước tính lên khoảng 12-29% GDP (ví dụ ở Trung Quốc là 25-29% GDP). Ngoài ra, vay mua bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong nợ cá nhân (ở Hàn Quốc là 53% tổng nợ cá nhân, mà tổng nợ cá nhân thì bằng hơn 105% GDP nước này năm 2021), và vì nhiều lý do, bất động sản là tài sản thế chấp lớn trong hệ thống ngân hàng.

Với cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển gần với Trung Quốc và Hàn Quốc, VN có thể tham khảo những con số này. Nói cách khác, để bất động sản "chết" hẳn sẽ ảnh hưởng rất sâu rộng đến hệ thống kinh tế tài chính.

Chúng ta từng thấy với một thị trường đa dạng hóa hơn nhiều như Mỹ, đợt sụt giảm giá nhà lịch sử 2007, dù chưa tới 30%, đã tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính ghê gớm ra sao.

Nhìn vào những giải pháp gỡ rối thị trường bất động sản của Trung Quốc, ta thấy "giải cứu" không có nghĩa là "ai cũng cứu", mà chỉ gỡ khó cho những dự án có thể giao nhà.

Vì vậy, thay vì đặt vấn đề "giải cứu bất động sản" là "bắt nền kinh tế làm con tin", "quá lớn không thể để sụp đổ", hay bất công, thì chỉ nên coi đó là một trong nhiều giải pháp để giảm rủi ro bất ổn kinh tế chung.

Vậy những gợi ý chính sách là gì? Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói pháp lý hiện là "vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn" của các dự án bất động sản, nhà ở.

Theo một đánh giá của VCCI, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định liên quan đến thị trường bất động sản được phát hiện nằm trong tới 15 luật khác nhau. Vậy thì gỡ những khó khăn này là hợp lý chứ đâu vô lý.

Ngoài ra, thực trạng chênh lệch cung cầu giữa phân khúc có nhu cầu thực và có tính đầu cơ cũng cần được cân bằng lại, bằng cách giúp các dự án xây nhà nhu cầu ở thực gỡ rối pháp lý và tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn.

Nói vậy để thấy nhiều tranh luận về chính sách hiện đang ở góc độ "hô khẩu hiệu", của cả bên chống và muốn cứu bất động sản, hơn là đi vào thực chất. Bài học Trung Quốc cho thấy tác động của thị trường bất động sản không thể xem thường và chính sách cần nhìn vào thực tế và logic hơn là hô khẩu hiệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận