Những Don Quixote thời nay

LÊ QUANG 09/04/2017 17:04 GMT+7

TTCT- "... Nếu chúng tôi, những người bị cắm cây cột trước mũi, không có lợi gì thì tại sao chúng tôi phải ủng hộ chính sách?"

Cối xay gió huyền thoại ở Potsdam (Đức)Đôi khi lịch sử đẻ ra những giai thoại trớ trêu, dù chẳng quan trọng, nhưng đủ khiến ta hôm nay phải vắt óc đoán xem có gì liên quan giữa nhà quý tộc tài ba Don Quixote xứ Mancha, thể chế nhà nước pháp quyền từ dưới thời vua Phổ Friedrich đệ nhị và cuộc cách mạng năng lượng tái tạo khả dĩ giải thoát con người khỏi nguồn hóa thạch đang cạn dần.

Vụ bê bối từ thuở hồng hoang của tư pháp độc lập

Ai đến thăm thành Potsdam (Đức) cổ kính, khi xuống xe ở bãi đỗ gần lâu đài Sanssouci lộng lẫy sẽ thấy ngay một cối xay gió kiểu Hà Lan vươn lên trên các tán cây rậm rạp.

Các đoàn khách du lịch không thoát nổi mươi phút bị gã hướng dẫn viên lắm mồm ghì chân để kể câu chuyện mà sinh viên trường luật nào ở Đức cũng thuộc lòng.

Đại khái thế này: “Ai cho xây cái cối xay gió ở đây?” - vua Friedrich II hỏi một câu khá trái khoáy, vì khi ông cho xây lâu đài trên đỉnh đồi thì cái cối xay bột bằng sức gió đã đứng đó rồi.

Nhưng mỗi khi nhìn ra từ sân thượng là vua lại nhăn mặt vì nó làm vướng tầm nhìn, lại còn kêu kẽo kẹt khó chịu. Nhưng đã làm vua thì muốn gì chả được? Và thế là Friedrich toan bỏ tiền ra mua sự bực mình đó.

Hiềm nỗi, tay nông dân được vua gọi đến nhất định không bán. “Nhà ngươi không biết rằng - vua hỏi một câu có tính tu từ - ta có thể tịch thu cối xay của ngươi mà không cần trả một xu?”. “Tâu bệ hạ, đúng là bệ hạ có thể làm việc đó - gã nông dân quần áo lấm lem bột mì kính cẩn đáp - nếu giả sử không có Tòa án tối cao ở Berlin”.

Cuối cùng, ông vua phải cắn răng chấp nhận cái cối xay ở trước mũi, vì chính ông bị ràng buộc vào thể chế nhà nước pháp quyền trong nhà nước quân chủ lập hiến do chính ông tạo dựng và quảng bá, nói gọn là vua cũng không thể đứng trên tòa án.

Kể đến đây, gã hướng dẫn viên kiêu hãnh ngừng lời và phất cờ đuôi nheo cho đoàn khách lục tục đi tiếp.

Chuyện quá hay, nếu như... không phải chuyện bịa hoặc tam sao thất bản. Sự thật là ngày đó ở làng Pommerzig (nay là Pomorsko thuộc Ba Lan) có người nông dân tên Arnold. Ông có một cối xay chạy bằng nước suối và phải đóng thuế thu nhập cho lãnh chúa vùng này là Gersdorff.

Ông này có đất phía thượng nguồn con suối và đào ao nuôi cá, khiến cối xay không đủ nước vận hành. Lập tức Arnold không trả tiền thuế nữa. Gersdorff kiện Arnold ra tòa. Chánh án chính là... Gersdorff, người dĩ nhiên thắng kiện.

Arnold chống án tại tòa cấp cao hơn nhưng vẫn thua, phải bán cối xay để trả tiền theo kiện. Arnold chỉ còn cách viết khiếu nại lên cấp cao nhất là vua, song lại lần nữa tòa dựa vào vị thế độc lập của mình để phớt lờ chiếu vua, xử Arnold thua.

Nghe chuyện, Friedrich II ra lệnh đưa vụ này về Berlin xử chung thẩm. Và khi các thẩm phán Tòa tối cao ở Berlin không chịu xử đồng nghiệp của mình, vua Friedrich tự tay tống các quan tòa đó vào trại giam Spandau rồi lấy ngân quỹ nhà nước bồi thường cho nông dân Arnold với lý do ghi trong lệnh bắt:

“Quan tòa không phụng sự công lý thì còn nguy hiểm và tệ hại hơn một lũ ăn cắp. Vì người ta có thể tránh, không chạm trán bọn ăn cắp chứ không thể chống lại những kẻ khoác áo tư pháp để tùy tiện làm theo ý mình”.

Mấy tuần sau, vua... ra lệnh ân xá cho các quan tòa. Nhưng các luật gia Phổ vẫn rầm rầm kéo ra chiến lũy. Vì điều lệ tòa án do chính vua ký đã nghiêm cấm triều đình can thiệp án quyết của tòa, nói cách khác là người thảo ra luật cũng bị ràng buộc vào luật.

Văn bản này được coi là điểm sáng của nhà nước Phổ cuối thế kỷ 18. Chưa cần biết tòa án quyết định đúng hay sai, luật cấm nhà vua xía vào quá trình tranh tụng. Mặt khác, ví dụ trên còn cho thấy nếu tòa án được điều hành bởi những thành phần răm rắp nghe lời kẻ có thế lực thì đừng nói gì đến nhà nước pháp quyền!?

Một nhà nông dân, ngày xưa là cối xay chạy sức nước, nay là bảo tàng tư nhân gần Hamburg (Đức)
Một nhà nông dân, ngày xưa là cối xay chạy sức nước, nay là bảo tàng tư nhân gần Hamburg (Đức)

 

Lại vẫn cối xay gió!

Giờ đã đến lúc rời thế kỷ 18 để tìm đến Don Quixote, hay đúng hơn là tìm đến đối thủ của ngài - cối xay gió. Ở đây không phải những cỗ máy mượn sức gió để chạy cối xay bột như ở các thế kỷ xa xưa, mà để tạo ra điện.

Phần lớn nước Phổ ngày nào đã hòa vào diện tích của nước Đức rộng lớn. Và cường quốc phát triển này ngày càng cần nhiều điện để sản xuất. Ngặt nỗi, chất đốt từ nguồn hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt) ngày càng ít đi và tích cực tham gia tàn phá môi trường.

Còn điện hạt nhân, sau Chernobyl và Fukushima, đã thành cơn ác mộng lởn vởn mỗi đêm, khiến Chính phủ Đức quyết định đóng hết các nhà máy điện nguyên tử vào năm 2010. Nguồn thay thế duy nhất là năng lượng tái tạo như địa nhiệt, thủy điện, sinh khối... Với bờ biển ngắn và số giờ nắng ít ỏi ở Trung Âu, Đức đặt trọng tâm vào điện gió.

Con người biết tận dụng sức gió từ hàng ngàn năm, thoạt tiên với thuyền buồm và sau này có thêm khinh khí cầu. Cối xay gió ra đời từ bao giờ hiện còn tranh cãi, nhưng sử sách cho phép đoán từ trước đây 4.000 năm. Ở châu Âu, người Anh đi tiên phong từ thế kỷ 9 Công lịch, 200 năm sau là người Pháp, rồi đến Ba Lan.

Họ dùng gió để chạy các trang bị cơ khí trong nghề thuộc da, dệt vải hay máy bơm nước... chứ không chỉ vận hành cối xay bột như cái tên gây hiểu lầm.

Trong thế kỷ 19, ở châu Âu có vài trăm ngàn cối xay gió, con số này tăng lên trong kỷ Cách mạng công nghiệp để rồi tụt xuống, nhường cho phương tiện chạy than đá và điện đầy tiện lợi. Năm 1895, ở Đức chỉ còn 18.000 cối xay gió hoạt động, đó cũng là lúc các cối xay làm ra điện với công suất vài trăm watt xuất hiện.

Năng lượng gió là năng lượng tái tạo vì luôn tự sinh ra và có mãi mãi, và kỹ nghệ đời mới đưa cho ta nhiều khả năng tận dụng nó hơn là chỉ đẩy thuyền buồm và xay bột. Trong lĩnh vực năng lượng sạch, châu Âu và Bắc Mỹ nhất trí dành cho phong điện ưu tiên số một.

Đến cuối năm 2016, toàn thế giới có một rừng tuôcbin điện gió với tổng công suất 486,7 gigawatt. Lượng điện gió được tạo ra năm 2015 đủ cung cấp 3,7% nhu cầu điện trên Trái đất. Ở những nơi “thuận” gió, giá phong điện thấp hơn giá điện từ nhà máy điện than hiện đại hay thậm chí điện nguyên tử.

Để bài này không quá sa đà vào tính thống kê, xin ngừng lại ở đây với một con số lý thuyết mà tạp chí chuyên ngành Nature Climate Change năm 2013 tính ra: thế giới này có tiềm năng sinh điện với gió tầng thấp là 400 terawatt (1 TW = 1.000 GW), nếu tận dụng được cả gió tầng cao là 1.800 TW, tức 100 lần nhu cầu năng lượng hiện tại! Đã đủ sức thuyết phục để nghĩ đến phong điện chưa?

Các cột tuôcbin thường được quảng cáo huyền ảo thơ mộng giữa đồng hoa vàng
Các cột tuôcbin thường được quảng cáo huyền ảo thơ mộng giữa đồng hoa vàng

 

Ai không ưa cối xay gió?

Theo tính toán của Viện Fraunhofer - tổ chức nghiên cứu với định hướng ứng dụng lớn nhất châu Âu, Đức hoàn toàn có thể dùng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. “Vấn đề” ở đây là làm sao lôi kéo người dân đồng tình.

Ở một xã hội phát triển như Đức, với các quyền cơ bản của công dân ghi vào hiến pháp, với xã hội dân sự cũng như vị thế nhà nước pháp quyền vững chắc, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết mọi xung đột xã hội, ngay cả khi chủ trương của nhà nước cũng chỉ muốn phụng sự người dân.

Hè năm 2014, tôi có dịp đi cùng một số tổ chức hoạt động môi trường đến thăm bang Mecklenburg-Vorpommern là thủ phủ phong điện của Đức, nơi thường xuyên sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn nhu cầu tiêu thụ điện nói chung.

Trong 10 năm gần đây, bang này tăng gấp đôi lượng điện và hiện đạt mức 11 TWh (nhu cầu năm 2012: 7 TWh). Ở bang này, Bộ Kinh tế được đổi tên thành Bộ Năng lượng, cơ sở hạ tầng và phát triển bang.

Các quan chức của Bộ Năng lượng không giấu niềm tự hào, nhưng họ cũng đủ công tâm để giới thiệu cho đoàn Việt Nam tiếp xúc với một số tổ chức không hẳn hài lòng với chính sách năng lượng mà họ coi là nặng về duy ý chí.

Một gia đình nông dân - ta hãy tạm gọi ông là Arnold - chỉ cho chúng tôi xem nguyên nhân những đêm mất ngủ: hơn 30 tuôcbin đời chót, cao 120m, công suất 3 triệu watt. Gió đang thổi nhẹ đẩy cánh quạt quay đều.

“Có những bữa đóng kín cửa sổ vẫn nghe tiếng đập phần phật - ông nói - mặc dù nhà tôi cách các cụm phong điện một cây số”. Arnold cùng dân làng vừa lập một hội mang tên “Chân trời quang đãng” và tên của hội cũng là chương trình hành động, vì từ đây khó thấy một chân trời quang đãng.

“Chúng tôi ủng hộ về nguyên tắc chính sách năng lượng của bang và liên bang. Nhưng người dân mở tài liệu thông tin ra chỉ thấy một, hai cột tuôcbin giữa đồng hoa cải vàng rực và đó không phải là thực tế.

Hãy nhìn rừng cây kia đi và phía sau làng còn có một cụm tuôcbin nữa đang trong quy hoạch - Arnold bực bội - Lúc đó chúng tôi sẽ nằm giữa một vòng hàng rào sắt chăng? Vấn đề ở đây không phải làm ra một sản phẩm cần thiết, mà đây là một sản phẩm được nhà nước bao cấp mạnh, tức là chính chúng tôi phải bỏ tiền ra trợ giá, nhưng nó lại hủy hoại thiên nhiên của chúng tôi”.

Hội của Arnold đã đăng ký hoạt động ở tòa án địa phương và có 60 thành viên, có vẻ như chưa đủ để nhà chức trách bận tâm. “Chúng tôi không được tham gia quyết định chính sách, đó là vấn đề chính. Người ta tùy tiện đề ra các tiêu chí rồi tùy tiện sửa đổi chúng, sau đó là ào ào xây” - Arnold nói.

Ở chính đất lành của năng lượng tái tạo, phong trào chống điện gió lại mạnh nhất trong nước. Tùy địa phương, hễ thu thập đủ số chữ ký cần thiết là nghị viện bang phải họp để bàn về nguyện vọng quần chúng.

Chính quyền bang liên tục phải nhượng bộ bằng cách để địa phương được tham gia kinh doanh hoặc nhận tiền thuê đất thỏa đáng cho tuôcbin. Làng bên cạnh làng của Arnold thu mỗi năm chừng 1 triệu euro tiền cho thuê đất. Nhưng họ cũng muốn giành được mục tiêu cao hơn: tuôcbin phải cách khu dân cư mười lần chiều cao của cột, thay vì chung chung 1km như hôm nay.

Và phải cấm dựng tuôcbin trong khu bảo tồn thiên nhiên, vì tiếng cánh quạt phá vỡ sự yên tĩnh, chẳng hạn khiến các loài chim quý hiếm bỏ nơi ấp trứng. Cây tuôcbin kỷ lục mới được trồng ở Đan Mạch - cao 200m, cánh quạt dài 164m - thúc giục các tổ chức của người dân chớ ngủ quên.

Friedrich II hôm nay tên là Christian Pegel

Christian Pegel là bộ trưởng năng lượng của bang và chắc chắn không có nhiều quyền hành như vua Phổ ngày nào, nhưng ông có tính phục thiện cao hơn.

Ông biết phong trào phản kháng của người dân trong bang cao hơn mọi nơi khác trong nước: “Đơn giản là chúng tôi cũng phạm nhiều lỗi trong quá khứ”. Nhà chức trách nỗ lực lội ngược dòng với một bộ luật mới, độc nhất vô nhị trên toàn đất Đức - Luật quần chúng tham gia đầu tư.

Chiếu theo quy định mới, địa phương có dự án sẽ nhận được thuế doanh nghiệp cao hơn và cái thảm đỏ trải ra cho nhà đầu tư sẽ được kéo mạnh về phía người dân, cụ thể là nhà đầu tư cho cụm tuôcbin mới phải để người dân trong bán kính 5 cây số tham gia với 20% tổng mức đầu tư, thể hiện qua tiền lãi hay giá điện rẻ hơn suốt thời gian dự án.

“Chúng tôi nhận được thông điệp rõ ràng từ các địa phương: nếu chúng tôi, những người bị cắm cây cột trước mũi, không có lợi gì thì tại sao chúng tôi phải ủng hộ chính sách?”.

Tính đến hôm nay, luật đã được thực thi ba năm và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của cư dân. Ông Christian Pegel khéo léo tránh thông tin rằng Đan Mạch đã có luật này từ lâu và thu được kinh nghiệm tích cực.

Khác với Don Quixote, hội của Arnold không hoài công chiến đấu với cối xay gió, nhưng “Chân trời quang đãng” biết đấu tranh này chưa phải trận cuối cùng: “Khi vào cửa hiệu, tôi muốn được quyền quyết định có mua một cái áo hay không, chứ không chỉ quyết định mua cái áo nào”.

Sau khi tập hợp đủ hội viên, “Chân trời quang đãng” biến thành chính đảng và tranh cử vào nghị viện bang năm 2016. Tuy không thành công, ít nhất họ nhận được con số khích lệ là 22.000 phiếu bầu (bang Mecklenburg-Vorpommern có 1.328.320 cử tri và 62% tham gia bỏ phiếu), đủ để góp tiếng nói vào các quy hoạch mới về năng lượng.

Tái bút: Cối xay gió hoành tráng mà ta thấy ở Potsdam hôm nay cũng chẳng phải nguyên trạng như hướng dẫn viên kể. Nó được xây lại, sau khi cối xay gió ban đầu bị cháy trong Thế chiến II. Lịch sử đôi khi đẻ ra những giai thoại trớ trêu, dù chẳng quan trọng...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận