Những sơn nữ nâng niu di sản

TRUNG TÂN - ĐÌNH ĐỐI 20/09/2009 02:09 GMT+7

TTCT - Có nhiều người chưa biết lâu nay giữa đại ngàn Tây Nguyên vẫn hiện diện những tiếng chiêng được gióng lên từ đôi tay nữ giới cho đến khi...

Những sơn nữ nâng niu di sản

TTCT - Có nhiều người chưa biết lâu nay giữa đại ngàn Tây Nguyên vẫn hiện diện những tiếng chiêng được gióng lên từ đôi tay nữ giới cho đến khi...

Đó là lúc đội chiêng nữ Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana, Đắc Lắc) xuất hiện trang trọng ở lễ đón nhận bằng công nhận danh hiệu “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại” do UNESCO công nhận cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào năm 2006 ở TP PleiKu (Tỉnh Gia Lai).

>> Niềm vui bất tận của buôn làng

Mí Nghiệp (bìa trái) dạy chiêng cho thế hệ trẻ ở Nhà sinh hoạt cộng đồng Buôn Trấp - Ảnh: Thái Bá Dũng

Anh Yrem Ê Ban, buôn phó Buôn Trấp, cho biết người Êđê Bih không cho đàn ông tập chiêng này, phải là con gái. Ngay từ nhỏ các chị, các em gái của anh đã tập, còn Yrem cũng như bao trai tráng trong buôn đi làm nương rẫy, khi buôn làng có lễ họ chỉ dự thôi.

Tập chiêng từ tuổi 15

Truyền thống của người Bih là mỗi thế hệ phải đào tạo ra những đội chiêng kế tiếp, chính vì vậy mà các mí (má) phải truyền nghề cho đội trẻ. Mỗi sơn nữ mới học chiêng không phải học ngay bài này đến bài kia mà học từng bước một. Đầu tiên các bạn trẻ sẽ được học âm thanh của từng loại chiêng. Học kỹ các âm nào đi trước, âm nào nối sau, âm nào kế tiếp. Khi bộ chiêng đánh cùng lúc phải phân biệt được chiêng nào đi trước, chiêng nào theo sau.

Mỗi người chỉ phụ trách một chiếc chiêng trong một bài chiêng nhưng phải học đủ cả bảy chiếc và khi đứng vào chiếc nào cũng có thể đánh được. Anh Trần Viết Dụ (cán bộ văn hóa ở Buôn Trấp) cho biết: “Ở đây phụ nữ làm chủ gia đình, con theo họ mẹ và họ là những người làm việc nhiều nhất, cũng chính họ là người đánh cồng chiêng báo hiệu được mùa cho buôn làng”.

Nghệ nhân Hsăn Ê Ban (thường gọi là A Tuôn Hni - tiếng người Bih A Tuôn có nghĩa là bà), 70 tuổi, cho biết: “A Tuôn đi tập đánh chiêng từ lúc 15 tuổi, các mí tập cho từng điệu chiêng một. Giờ mình già rồi, phải gọi những đứa nhỏ lại, tập cho tụi nó đánh chiêng. Phụ nữ người Bih chúng tôi từ nhỏ đã được đánh chiêng rồi”.

H Đào - một thành viên của đội chiêng trẻ - cho biết: “Ban đầu tập chiêng, các mí bắt mình phải lắng nghe âm thanh rất lâu, khi nghe và phân biệt được âm thanh của từng chiếc chiêng tụi mình mới học đánh theo bài”. Theo nghệ nhân Hrui: “Con gái trong buôn không phải ai cũng đánh được chiêng, ai cũng yêu quý từng nhịp điệu để theo tập đến cùng. Cũng có nhiều người không học được, phải loại ra”.

“Ngày từ khi mình học lớp 7, các mí đã gọi mình đến tham gia đội cồng chiêng này. Ban đầu tập khó lắm, nhưng tập mãi nhịp điệu chiêng ngấm dần, giờ thì thành thạo hơn rồi” - bạn H Dịu (hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT bán công Krông Ana) cho biết.

Theo H Dịu, các thành viên trong đội chiêng trẻ đều có độ tuổi 17-18, một số đã nghỉ học hoặc lấy chồng nhưng không ai bỏ tập cồng chiêng. Mỗi tuần vào thứ bảy và chủ nhật, cả đội già và đội trẻ tụ họp ở nhà sinh hoạt cộng đồng buôn để tập cồng chiêng. Đó cũng là dịp các nghệ nhân già truyền dạy kinh nghiệm cho các sơn nữ trẻ.

Em gái H Dịu là H Dạo năm nay 15 tuổi, đang học lớp 10 cũng đã tích cực học đánh chiêng mấy năm nay. Còn H Rut, cùng là thành viên của nhóm chiêng trẻ, cho biết: “Thứ bảy và chủ nhật nào mình cũng đi tập với đội, không tập chiêng thì mình tập múa theo các bài có sẵn. Mỗi dịp đi biểu diễn mình cũng bỏ công việc để đi theo”.

Trong nhóm phụ nữ cao tuổi này, có người đã gắn bó với tiếng chiêng   từ thời niên thiếu - Ảnh: Thái Bá Dũng

Bộ chiêng gia đình

“Sợ sau này tiếng cồng chiêng bị lũ trẻ quên lãng mất, các mí luôn dặn tụi trẻ hãy nhớ tiếng cồng chiêng cả những khi lên nương. Mỗi khi đi rẫy xa, hễ có người gọi về tập chuẩn bị cho hội diễn, cả đội lại về nhà cất gùi để mang chiêng ra đánh” - mí Nghiệp tâm sự. Vậy là không chỉ rộn ràng mỗi dịp ở nhà cộng đồng, mỗi khi đi biểu diễn hay buôn làng có lễ hội, mà tiếng chiêng còn đi theo những sơn nữ nơi đây lên nương, lên rẫy để họ luôn nuôi dưỡng ý thức gìn giữ tiếng chiêng của cộng đồng mình.

Người Bih đánh chiêng Jhô

Các tài liệu nghiên cứu của người Pháp năm 1922 cho biết người Bih thời đó có khoảng 10.000 người sống dọc các bờ sông Krông Ana, Krông Nô... ở các huyện Krông Ana, Lak, Krông Nô... Khi người Pháp đến hỏi họ về nguồn gốc dân tộc mình thì được trả lời “Bih KJhô”, tức là “người Bih đánh chiêng Jhô”. Với người Bih, người đánh chiêng một sự kiện gì đó nhất định phải là phụ nữ, khi đánh chiêng họ đều mặc đồ truyền thống để các thần linh có thể nghe thấy được sự mừng vui của họ...

Trong Nhà sinh hoạt cộng đồng Buôn Trấp có treo nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương... là thành tích của những đợt tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh của đội chiêng. Họ từng đi biểu diễn, giao lưu ở Ý, Đức...

Tộc người Bih (hoặc Êđê Bih) ở Buôn Trấp là một tộc nhỏ của dân tộc Êđê sống ven bờ sông Krông Ana. Trấp có nghĩa là sình lầy, Buôn Trấp hình thành từ những bãi sình trên dòng sông Krông Ana.

Các bài cồng chiêng không chỉ về nghệ thuật diễn xướng mà còn liên quan chặt chẽ đến sinh hoạt văn hóa, lễ hội, đồng thời thể hiện được vai trò của người phụ nữ trong xã hội Bih cổ truyền. Tiếng chiêng sơn nữ nơi đây còn là lời tâm tình gửi đến người chồng, người yêu... với mong muốn được chia sẻ nỗi lòng.

Buôn Trấp hiện có khoảng 10 bài chiêng thể hiện ở các hình thức hoạt động khác nhau. Khi phụ nữ dân tộc Bih đánh chiêng, nam giới múa khiên, đấu kiếm theo nhịp chiêng, tiếng trống của đội chiêng nữ. Âm thanh cồng chiêng là giai điệu nền cho các điệu dân vũ như Xongarap trong lễ Pơ Thi (bỏ mả).

Ngoài ra, người Êđê Bih có dàn chiêng Knah gồm 10 chiếc. Trong đó, chiêng lớn có núm gọi là Cing Ana tượng trưng cho người mẹ, chiêng bằng K’nah Di (tượng trưng chị lớn), chiêng bằng H’liang (chị thứ hai), chiêng H’luê H’liang (chị thứ ba) và trống H’gơr tượng trưng cho người bà.

Điều khác biệt của dàn chiêng nữ so với chiêng của nam giới là tất cả các chiêng từ nhỏ đến lớn đều có núm nổi cao ở giữa (các bộ chiêng nam giới thường chỉ có một cái có núm ở giữa mà thôi). Những tiếng chiêng không chỉ đại diện cho người phụ nữ, nó còn là tiếng lòng của họ với đất trời, tổ tiên và thể hiện sự gắn kết của gia đình.

Vì vậy người ta gọi đó là gia đình nhà chiêng: bố - mẹ - con. Chiêng sử dụng cho tất cả các bài là chiêng Jhô, đội chiêng nữ gồm bảy người, trong đó sáu người đánh chiêng còn một người đánh trống, với ba cặp hợp âm khác nhau. Hợp âm 1: Kano (đực) - Ama (bố), hợp âm 2: Ana (cái) - Amí (mẹ), hợp âm 3: Mdú (con) - Anac (cũng là con, có thể là trai - gái).

Ba bài cồng chiêng mà đội nữ nơi đây thường tập là Pỡ mỡ (đón khách), Hỡ hỡ (được mùa) và Vak wei (cúng lúa mới). Theo mí Nghiệp thì bài đón khách là bài tươi vui, thể hiện ý mừng vui của gia chủ mỗi khi khách quý tới nhà hay khách từ xa tới thăm. Điệu cồng chiêng tươi vui, mời gọi người khách ăn xôi, uống rượu cần, mời khách vào sưởi ấm bên bếp lửa nhà sàn. Điệu được mùa thông báo cho buôn làng bồ thóc năm nay đầy, khắp nơi mừng vui...

Điệu cúng lúa mới người đánh chiêng đi vòng tròn (có thể có cả đội múa) theo ngược chiều kim đồng hồ để mừng năm nay dân làng được ăn hạt gạo mới. Điệu cồng chiêng thông báo và mời các thần linh đã giúp đỡ buôn làng có gạo thóc đầy bồ, sau đó cả buôn làng mới ăn cơm và uống rượu...

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, phó chủ tịch Hội VH-NT Đắc Lắc, nói rằng dàn chiêng nữ (hay còn gọi là dàn chiêng mẹ) ở đây không giống với cồng chiêng của những người đàn ông Tây nguyên bản xứ. Nó không dũng mãnh, trầm hùng tựa như gió ngàn, thác đổ mà chỉ ngân lên trong không gian bình dị và đời thường: chào đón người đi xa trở về, mừng và tiễn người nơi khác đến, hoặc để làm lễ thổi tai và đặt tên cho con, hay chỉ đơn giản để thông báo một điều - người phụ nữ đã hết thời kỳ sinh nở... Vậy mà khi nhìn họ diễn tấu lại có sức lôi cuốn đến lạ kỳ.

“Tờng poòng - tờng poòng / tờng prênh - tờng poòng...”. Điệu chiêng phải hòa hợp mới hay, nhịp trống đánh làm nền cho đúng mới khiến người nghe nhận ra cái độc đáo của dàn chiêng Jhô - Buôn Trấp. Bà H’Săn nói vậy rồi cùng năm người đàn bà trong nhóm bắt đầu biểu diễn. Trên tay mỗi người là một chiếc chiêng lớn bé khác nhau. Chiêng mẹ trong tay bà trưởng nhóm H’Rui, năm chiếc chiêng con còn lại hòa cùng một nhịp.

Cứ như thế, sáu nghệ nhân và sáu chiếc chiêng - chẳng ai giống ai cái tuổi, nhưng chẳng ai khác ai cái hồn. Hồn của người, hồn của chiêng hòa quyện và thầm thì từ sâu lắng. Dĩ nhiên những bài chiêng cổ, những điệu chiêng truyền thống của người Êđê Bih bên dòng sông mẹ Krông Ana này họ đều thuộc nằm lòng và diễn nhuần nhuyễn đến từng chi tiết.

Đây là bài “Drôk tue - đón khách”, rồi bài “Vak wei - cúng lúa mới”, “Hohoh - mừng sức khỏe”... Dường như tất cả âm thanh, nhịp điệu ấy đã gắn bó với những người phụ nữ này từ tuổi 12-13 cho đến nay, trong đó có người đã gần 70 tuổi như bà H’Săn.

Mỗi khi được xem họ đánh chiêng, bất cứ ai cũng cảm nhận một điều: giá trị âm nhạc ấy đích thực là “viên ngọc” được những người phụ nữ bên dòng sông Krông Ana này cất giữ và không ngừng làm sáng lên vốn văn hóa độc đáo của tổ tiên họ.

Để có được những ngày đi biểu diễn cả trong và ngoài nước như hôm nay, cồng chiêng nữ của Buôn Trấp đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Đó là chuyện của những bộ chiêng phải tan đàn xẻ nghé, như câu chuyện của nhà Amí Đoan - người bây giờ đã về với bến nước ông bà - trước khi giải phóng đã bị giặc vào cướp bộ chiêng quý.

Rồi một thời gian chiêng bị những kẻ buôn đồ cổ săn lùng ráo riết, dẫn đến “chảy máu” cồng chiêng. Rồi phong tục chia của cho người chết đã và đang làm mất dần những bộ chiêng quý. Thường người chết chôn theo 1-2 chiêng, mà bộ chiêng mất đi 1-2 cái thì không thể đánh được.

Ngay cả bộ cồng chiêng mà bây giờ các phụ nữ ở đây dùng để tập luyện và đi biểu diễn một số nơi cũng mượn từ Trung tâm văn hóa huyện Krông Ana. Với nhiều cụ già trong buôn, bộ chiêng là tài sản quý giá cả về mặt vật chất, tinh thần, lẫn tâm linh...

TRUNG TÂN - ĐÌNH ĐỐI

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận